NGÔI NHÀ CŨ Phần 24 - 28

Phạm Doanh

 

NGÔI NHÀ CŨ Phần 24


Mẹ Như Ý theo lời khuyên của bác sĩ và Tâm nên chiều qua đã xin cho Như Ý xuất viện về nhà. Tâm vào không thấy, hỏi thăm bác sĩ và xin giới thiệu một bác sĩ tư để theo dõi tình trạng của Như Ý. Người bác sĩ nói đã nói cho mẹ Như Ý rồi nhưng cũng viết ra cho Tâm tên và địa chỉ một bác sĩ có phòng mạch riêng.

"Bác sĩ H. T. Mạnh
Đường AAA
Phường X Quận Y
Tel. ..
"

Tâm chào, ra ngoài đón xe về nhà Như Ý, trên xe Tâm đọc lại tên người bác sĩ, ngày xưa cầm đầu phong trào sinh viên, bây giờ không biết anh có hài lòng về những điều khác hẳn với mục tiêu tranh đấu ngày xưa không. Tuổi trẻ VN đã bị lường gạt quá nhiều, đến khi mở mắt được thì đã muộn.
Cái tên H. T Mạnh gợi lại cho Tâm thời kỳ nhiệt huyết gia nhập phong trào ở hải ngoại vì những hình ảnh Mỹ Lai, nhưng càng ngày Tâm càng thấy những thủ đoạn chính trị của nhóm cầm đầu và những biến chuyển trong nước làm Tâm thất vọng và chán nản, nhất là lúc làm lễ mừng thống nhất, bày ra những cảnh tắt đèn thắp nến lung linh, rồi đàn con gái tóc dài trong aó dài trắng, đi chân đất bước ra như những bóng ma thắp hương cúng lạy, và mọi người phải im phăng phắc trong làn khói trầm hương làm Tâm không chịu nổi trò đạo diễn phù thủy, trò hề "Chiêu Dương Thần Giáo" như trong truyện "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung. Tâm bỏ ra ngoài trong cái nhìn hằn học của các đạo diễn, sau đó Tâm cắt đứt mọi liên lạc mặc dù lúc trước Tâm nằm trong thành phần nòng cốt của phong trào. Sau nhiều lần thuyết phục và đe dọa không hiệu quả các tay lãnh tụ phong trào lập bản báo cáo về Tâm gửi về Việt nam, cho Tâm là kẻ xét lại. Vì bị lọt vào sổ đen như thế nên Tâm bao lần xin về mà đều bị từ chối. Năm năm sau ngày thống nhất Tâm lấy quốc tịch Pháp và mãi đến 1985 mới được về thăm nhà lần đầu. Tìm Đông Phố thì được biết nàng đã vượt biên mà không ai có tin tức gì cả.

Hình ảnh Đông Phố hiện về với hoài niệm cuộc tình đầu đời có những lúc thật thần tiên như cái đêm huyền thoại của nụ hôn đầu, nhưng cuộc tình không trọn vẹn, không được chung một bước đường. Hai năm yêu thương trong tâm hồn người con trai vừa lớn đã kéo dài bằng hai mươi năm xót xa tiếc nhớ, Tâm nhắm mắt lại để thấy Đông Phố và mối tình tuyệt vọng trong những lời thơ mang tâm sự của mình


Nụ hôn đầu

Suốt đời anh nhớ mãi nụ hôn đầu
Mười tám tuổi ôi vụng về biết mấy
Môi tìm môi mà lòng nghe lau sậy
Rung rung trong cơn lốc yêu đương
Tim đập như nhũng hồi trống tan trường
Mồ hôi rịn trong bàn tay khờ dại
Lòng hoang dã như thú rừng sa bẫy
Trong mùi thơm ngào ngạt của môi em
Quyện trong hương dạ lý tỏa êm đềm
Nụ hôn đó cho anh thành người lớn
.......
Rồi năm tháng bước lạc loài nơi chốn
Quê hương người ta một kiếp lang thang
Giữ trong tim, ấp ủ một kho vàng
Nụ hôn ấy trong một đêm thần thoại .


Chuyện dang dở không thể trách ai được vì đúng ra hoàn cảnh không cho phép hai đưá lấy nhau. Hai bên bố mẹ đã quen biết nhau trước cả năm, lúc nói chuyện gia phả mới biết có họ hàng. Vì thế hai người chỉ gặp nhau rồi yêu nhau 2 năm trước khi Tâm đi du học.

Tâm tuy nhỏ hơn Đông Phố một tuổi nhưng trong quan hệ họ hàng lại trên vai vế, tuy là họ hàng xa như họ Hồng Bàng. Trước khi Tâm sắp đi du học chuyện tình yêu hai gia đình biết được, bố mẹ hai bên làm áp lực với con cái bắt ngưng quan hệ, không được đi chơi vơí nhau đâu cả, đến nhà thì luôn luôn có người coi chừng. Khó khăn lắm mơí gặp một hai lần riêng để ôm nhau mà khóc.

Thật ra Tâm lúc đó không đủ can đảm, đủ nghị lực và chín chắn để tranh đấu cho mối tình đó. Cứ nghĩ làm phiền lòng bố mẹ bị họ hàng chê cười là sợ ngay. Nhất là đi du học không biết bao giờ về, mấy tháng đầu cứ phải trả lời thư mẹ phải hứa là lo học và không được thư từ yêu đương gì cả.

Vậy mà thất tình câm lặng đến nổi suýt nữa không học được, bỏ cả năm vì buồn khổ thất vọng. Trong tâm hồn lãng mạn của người con trai 18 mà ôm được người mình yêu trong tay, được trao đổi những nụ hôn nồng thắm, tuy không hề có chuyện ân ái, nhưng vậy cũng đủ mang thương nhớ suốt đời.


Tháng bảy mưa ngâu

Sài gòn tháng bảy
Những trận mưa bay
Những giờ nắng đổ
Thương trách người để khổ cho ta

Ngọc Lan thơm lạ
Theo gió bay xa
Thiên kim nhất tiếu
Chẳng cho ta sắm kiệu đưa người

Son nhạt nét môi
Tình đã muộn rồi
Người em cúi mặt
Tránh không nhìn ánh mắt vấn vương

Mai anh lên đường
Trong nỗi nhớ thương
Mang về đáy vực
Rồi từng đêm thao thức âm thầm

Em về lặng câm
Dưới mái nhà thân
Trong khung trời bé
Để đêm khuya ngấn lệ riêng mình

Từng giọt mưa ngâu
Khóc cuộc tình sầu
Bóng in trên vách
Thương nhớ người xa cách trùng dương.


Xe chở Tâm qua những con đường ngày xưa tràn đầy kỷ niệm, nhưng càng về gần nhà Như Ý thì hình ảnh Như Ý mê man trên giường bệnh càng đầy trong tâm tưởng.

Mẹ Như Ý rất mừng khi thấy Tâm đến, bà dẫn Tâm vào phòng Như Ý, Như Ý nằm trên giường như ngủ, cạnh giường là giá treo dung dịch dưỡng sinh. Như Ý vẫn mê man như người nằm ngủ, sắc mặt có phần xanh xao nhưng vẫn đẹp, chỉ sợ kéo dài mấy tháng nữa thì thân thể kiệt quệ đi. Tâm ngồi xuống bên giường cầm tay Như Ý một lúc lâu, người mẹ vào nhìn thấy ứa nước mắt, nói đã đi mời bác sĩ Mạnh đến hôm nay rồi, cách một ngày ông lại ghé qua, còn có nguy cấp thì cho người gọi, ông sẽ đến ngay. Tâm đề nghị mẹ Như Ý kiếm người phụ việc trong nhà để bà chăm lo Như Ý tốt hơn chứ một mình thì không dám ra khỏi cửa. Thấy bà ngần ngừ Tâm đưa bà 500USD nói để trang trải tiền bác sĩ thuốc men và người giúp việc, bà mẹ cầm tiền không ngăn được hai dòng lệ, nghẹn ngào cám ơn Tâm. Bà nhờ Tâm ở nhà trông chừng Như Ý để bà đi lại nhà mấy người quen xem có ai nhường lại hay giới thiệu người làm không.

Còn lại một mình với Như Ý, tâm hồn Tâm giờ chỉ thấy thương cảm người con gái xinh đẹp đang triền miên trong cơn hôn mê không còn đầu óc nghĩ đến điều gì khác như sửa soạn ngày mốt ra phi trường. Cầm tay Như Ý, có lúc Tâm nói chuyện với nàng như nói với người tỉnh táo hay có những lúc yên lặng nghe nỗi xót thương tràn ngập trong lòng. Tâm chợt thấy mình kém may trong vấn đề tình yêu, người mình vừa yêu mến lại nằm như cái xác không hồn, hoàn toàn không một phản ứng gì về sự có mặt của Tâm, những lời nói bên tai, những xiết tay chua xót. Một hai lần Tâm hôn lên trán lên má Như Ý chỉ để bùi ngùi thêm.

Một cái khăn nhỏ trên giường rơi xuống đất, Tâm cúi xuống để nhặt, bất chợt thấy bàn tay Như Ý để lên đầu mình, Tâm choáng người trong sự vui mừng, trong một tích tắc cả người Tâm như đông lại chờ một cử động tiếp theo, nhưng bàn tay Như Ý đặt lên đầu Tâm rồi xụi xuống thỏng bên cạnh giường. Tâm ngồi lên mới thấy là cánh tay lúc nãy Tâm đặt sát thành giường quá nên tuột xuống đầu Tâm. Dù sao Tâm cũng hy vọng đó là một cử động hay phản xạ do vô thức điều khiển vì có Tâm bên cạnh.
Ngắm Như Ý một lúc, Tâm hôn lên đôi môi đã mất màu đỏ của Như Ý thật lâu, đôi môi vẫn bất động không môt chút sinh lực, một giọt nước mắt Tâm ứa ra nhỏ trên mặt Như Ý. Tâm lùi lại ngồi xuống bưng mặt cố không khóc.

- Lạy trời, lạy chúa, nếu cho Như Ý tỉnh lại con sẽ bảo bọc nàng suốt đời .

Thời gian lặng lẽ trôi qua đã đến trưa, Tâm chợt bế Như Ý ra khỏi giường, giữ đừng cho sút ống truyền nước biển, dựng Như Ý đứng xuống sàn, nhưng người Như Ý rủ xuống, Tâm ra phía sau lưng, vòng tay chặn cổ Như Ý kéo lên, làm Như Ý không thở được, phản xạ tự nhiên của cơ thể khiến thân mình Như Ý giật giật, cổ họng khò khè. Tâm nói vào tai Như Ý trong nước mắt rưng rưng "Anh xin lỗi em" rồi xiết cánh tay lại .




NGÔI NHÀ CŨ Phần 25


- Như Ý tha lỗi cho anh nhé

Tâm nói xong, một tay vẫn còn kẹp cổ, một tay giật tung áo Như Ý ra rồi sờ bóp vào ngực nàng, người run lên vì hổ thẹn. Thân hình Như Ý chợt giật lên, một tiếng thét như dồn nén từ muôn đời trong vô thức kinh hãi bật ra, 2 tay vùng chống cự, móng tay cào sớt cả tay Tâm. Tâm xoay lên trước thấy Như Ý mở mắt thật to còn đầy nét kinh hoàng, dù sức còn yếu sau 3 ngày nằm liệt vẫn vùng vẫy, Tâm ôm chặt Như Ý vào người, mừng như điên lên

- Như Ý! Như Ý! Như Ý ơi! đừng sợ, anh đây, đừng sợ em, ôi em tỉnh lại rồi, cám ơn trời phật, cám ơn Chúa.

Như Ý ôm chặt Tâm khóc, người lả đi vì không còn sức, Tâm bế Như Ý đặt lại lên giường, cúi xuống hôn lên trán, Như Ý nắm tay Tâm không buông ra một phút nào, nước mắt trào ra trên khoé mắt, chảy sang hai bên, miệng nhấp gọi tên Tâm khó nhọc. Nhìn lại trên tay ống plastic truyền nước biển dường như không biết gì cả, Tâm nói:

- Em nằm yên đi, 3 ngày mê man rồi đó, em làm anh lo quá.

Như Ý nằm yên nhìn Tâm rồi bình dung dịch dưỡng sinh , dần dần hiểu ra, thì thào hỏi

- Hôm nay ... thứ mấy ... rồi anh?
- Mùng năm Tết, em vào nhà thương hôm mùng hai, em bị ngã xe biết không?

Như Ý lắc đầu, nhìn xuống thấy áo bị tung ra, Tâm kéo vạt che lại, ngượng ngùng:

- Anh xin lỗi em, là anh đấy, anh làm thế hy vọng nhờ cái shock mà em tỉnh dậy, may mà nhờ trời còn thương chúng mình, tha lỗi cho anh.

Như Ý lắc đầu tỏ ý không cho Tâm nói tiếp, tay dơ lên muốn chạm mặt Tâm mà không nổi, Tâm cúi xuống, áp má vào lòng bàn tay Như Ý để nghe những ngón tay nhỏ xoa mãi lên mặt lên tai .

- Chờ anh vắt nước cam cho em nhé.

Tâm phải gỡ mãi, tay Như Ý mới chịu buông rạ Tâm ngồi vào giường đỡ cho Như Ý ngồi dựa vào mình, cầm ly cho Như Ý uống từng ngụm nước cam nhỏ. Hết một ly và ăn mấy trái nho, Như Ý có phần nào khỏe ra nhưng Tâm cũng đặt nằm lại trên giường. Như Ý nhìn Tâm:

- Anh vẫn ở cạnh em thật không anh?
- Thật đó em, em qua khỏi tai nạn rồi, chắc mẹ em mừng lắm
- Rồi anh lại bỏ em mà đi thôi.
- Như Ý ơi, ba ngày em hôn mê, có biết anh cầu trời gì không?
- Nói em biết đi!
- Anh đã nguyện nếu trời cho em tỉnh dậy, chúng ta sẽ ở bên nhau suốt đời, bé chịu không?

Như Ý lại mệt trở lại chỉ cầm tay Tâm đặt lên má lên môi, ánh mắt cảm động long lanh ngấn lệ . Được một lúc Như Ý nói, giọng thoang thoảng

- Anh cho em ngồi dậỵ
- Em cứ nằm cho yên.
- Em bớt rồi anh.

Tâm chèn gối cao lên, đỡ cho Như ngồi dựa vào thành giường

- Anh lấy trong tủ cái áo màu xanh cho em thay.

Tâm đứng lên mở tủ, lấy áo mang lại giường đưa cho Như Ý. Như Ý không cầm áo mà cầm lấy tay Tâm, nhắm mắt lại nói như trong cơn mơ

- Thay áo cho em, em còn yếu lắm

Tâm ngần ngừ một lúc rồi rút ống truyền nước biển, cởi cái áo Như Ý mặc từ hôm vào nhà thương, cắt một ống tay rồi khi về đến nhà mẹ Như Ý không dám thay vì sợ và không biết cách tháo ống tiếp dưỡng. Không cố ý nhìn nhưng bờ vai và gò ngực Như Ý vẫn nằm trong tầm nhãn quan. Tâm phải chú tâm vào chuyện thay áo, còn Như Ý tuy nhắm mắt nhưng gò má ánh lên nét thẹn thùng.

- Có phải mình sẽ sống với nhau không anh?
- Đúng vậy đó Như Ý
- Em có được hạnh phúc đó sao anh?

Tâm cài khuya áo xong, gắn ống lại, lại dỗ cho Như Ý uống thêm ly nước cam. Lấy khăn lau mặt cho Như Ý, Tâm vỗ về

- Em cố ăn uống cho lại sức, ngày mai, ngày mốt đi chơi với anh.
- Bao giờ anh đi?
- Chiều mốt.

Như Ý tránh không nhìn Tâm, xoay mặt vào tường, vai rung rung. Tâm thì thầm

- Mình còn hai ngày nữa mà em, rồi tháng sau anh qua lại.

Bên ngoài có tiếng mẹ Như Ý về đang mở cửa. Tâm bước ra ngoài, đỡ giỏ thức ăn đặt xuống

- bác ơi, Như Ý tỉnh dậy rồi

Bà mẹ ối trời một tiếng rồi lật đật vào trong, Như Ý gọi khẽ

- Mẹ!

Hai mẹ con ôm nhau khóc mùi mẫn. Tâm ở lại mãi đến qua bữa cơm tối Như Ý mới chịu cho về. Tâm vòng lên nhà Vấn kể lại, Mai và Vấn rất mừng cho hai người, Vấn mang bia ra bắt Tâm ngồi lại chơi nhậu tôm khô củ kiệu và ché.

Về đến khách sạn, chưa ngủ được nên Tâm lo xếp vali, lá thư Đông Phố hiện ra làm Tâm khựng lại, cầm lá thư Tâm nằm vật xuống giường, từng lời trong thư lại vang vang trong óc Tâm.

Rồi cuốn phim trong đầu Tâm làm hiện ra tuần lễ sau cùng với những gặp gỡ và biến cố xảy ra cho Tâm và Như Ý.
Tâm đọc đi đọc lại lá thư Đông Phố nhiều lần dù chàng đã thuộc lòng, chỉ muốn nhìn nét chữ thân thương. Tâm ngồi vào bàn, lấy giấy viết thư cho Đông Phố

"Saigon, ngày ....

Đông Phố thân mến,

Anh rất mừng khi nhận được thư Đông Phố từ tay Vấn. Trong cuộc đời vẫn còn những xếp đặt của trời đất phải không Phố ? nên O Liên thấy anh mà không gọi kịp, viết sang cho Phố báo tin và Phố nghĩ ra Vấn, còn giữ địa chỉ của Vấn và anh về lần này lại gặp Vấn sau 15 năm.

Từ 75 đến nay không gặp nhau nhưng anh mong Đông Phố vẫn khỏe và đẹp như xưa. Nghe tin buồn của Phố anh không biết nói gì hơn là mong Phố đã vượt qua được nỗi đau đó, và Phố có quyền được hưởng hạnh phúc sau những mất mát lớn lao .

Anh mong mỏi cầu chúc Đông Phố tìm được hạnh phúc nàỵ Bây giờ cũng như hai mươi năm trước anh không làm được điều đó. Nếu ngày xưa những ràng buộc là ở phía Phố thì bây giờ lại ngược lại. Dù sao anh cũng rất vui vì biết Phố bình yên, và có một đời sống tương đối ổn định như Phố kể. Về lại Pháp anh sẽ gọi điện thoại cho Phố, có thể sau khi Phố nhận được thư nàỵ

Lời thư không tỏ hết dược những gì anh muốn nói, chỉ cầu chúc Phố vẫn khỏe vẫn đẹp, mong Phố sẽ tìm lại được hạnh phúc.

Anh
"

....
Đại úy Trần Diên bị cấp trên xạc một trận vì trình báo tin thất thiệt. Diên tức tối về lại ngôi nhà cũ để coi lại. Hắn dụ thằng Phúc con thiếu tá hàng xóm đi uống nước ở quán đầu ngõ

- Chú lì xì Tết cháu nàỵ
- Cám ơn chú.
- À Phúc này, cháu đào cái hố ở sau vườn phải không?
- Vâng chú Diên.
- Phúc kể cho chú nghe chuyện chôn mèo đi!
- À sáng sớm hôm chú Việt kiều thấy cháu rửa mặt ngoài sân, chú ấy vẫy cháu sang, chỉ cho coi 1 con mèo chết trong vườn rồi nói cháu chôn cho vệ sinh, tránh truyền nhiễm thì chú cho tiền.
- Chú ấy cho cháu bao nhiêu ?
- Một trăm ngàn - Phúc nói bớt đi phân nửa

Diên móc túi lấy thuốc lá mời Phúc, thằng nhỏ 16 tuổi thấy được coi như người lớn rất thích, ngậm phì phèo

- Con mèo đó cháu có thấy bao giờ chưa ?
- Chưa chú Diên, chắc nó chạy đến đó rồi chết hay mấy nhà đằng sau vứt vào .
- Khi nào thì bố cháu ra ?
- Cháu vào nhà lấy thuổng, đào được một tí thì chú ấy vào nhà chơi rồi bố và chú đứng xem.
- Thế tự cháu lựa chỗ chôn à, sao lại ở đó mà không ở chỗ khác ?
- À chú ấy chỉ cháu đó.
- Thế cháu có khác chỗ đó có vết đào trước không?

Thằng Phúc ngớ người ra, suy nghĩ một lúc, rồi nói
- Cháu không biết, cháu chỉ thấy chú Việt Kiều lấy miễng sành cào cào làm dấu cho cháu đào đất thôi.

Diên suy nghĩ hồi lâu, hắn vẫn nhất định cho là vợ hắn nghi đúng, nhưng biết không làm gì được vì không có bằng chứng. bèn nói cho qua chuyện.

- Thôi chuyện tầm phào đó không cần nói tới nữa. Dù sao thì chú ấy cũng dọn đi rồi.

Diên nói chuyện quanh co với Phúc một lúc, Phúc đi về nhà, Diên ngồi suy nghĩ, lẩm bẩm

"Cái thằng Tâm này, mày mà đào dược cái gì cũng không mang ra được đâu, tao sẽ báo cho Hải quan khám thật kỹ khi mày ra lại!"



NGÔI NHÀ CŨ
Phần 26

Như Ý tỉnh dậy từ sáng sớm, cả ngày qua mẹ nàng chăm sóc tận tâm nên hôm nay Như Ý có phần khỏe lại, đã ăn uống được bình thường. Mẹ nàng kể lại mọi chuyện từ lúc Như Ý ngã xe đến lúc tỉnh lại, kể luôn về sự quan tâm và giúp đỡ của Tâm. Như Ý cảm động vô cùng, thưa với mẹ về các lần gặp gỡ của hai người. Mẹ nàng rất vui khi biết Tâm là người tử tế và có ý định xây dựng với con gái mình. Bà chép miệng nói:

- Mẹ cũng hy vọng cho con được nơi chốn tử tế, mẹ chỉ ngại anh ấy về Pháp lại quên con thôi.
- Mẹ! anh ấy hứa với con hai lần rồi, con nghĩ anh ấy không nói dối con đâu. Con chỉ lo sau này mẹ còn có một mình ở nhà nên con băn khoăn lắm.
- Con đừng lo cho mẹ, mẹ mong con được hạnh phúc là mẹ vui. Con đi rồi mẹ sẽ về Lái Thiêu với dì Tư, dì ấy cũng còn có một mình. Thỉnh thoảng con về thăm mẹ là tốt rồi. Mẹ không muốn theo con ra nước ngoài đâu. Tiền anh ấy đưa để lo bác sĩ thuốc men cho con đây này, chút nữa con đưa lại anh ấy đi.

Chợt có tiếng bấm chuông, Như Ý gần như ngã bổ ra ngoài cửa để đón Tâm. Tâm bước vào nhà thấy Như Ý mặt mũi đã có thần sắc lại rất mừng. Mẹ Như Ý hỏi chuyện qua loa rồi lấy giỏ đi chợ Tâm lễ phép hỏi:

- Thưa bác, ngày mai là cháu bay về lại Pháp, xin bác cho phép cháu đưa em đi chơi bù cho mấy ngày mê man, chắc trưa và chiều không ăn cơm nhà.
- Ồ cậu không về nhà sao, tôi cảm ơn cậu định mời ở lại ăn vài bữa cơm cho đến lúc về.

Như Ý giật tay áo mẹ

- Mẹ!

Bà mẹ hiểu ý, cười nói

- Thôi cậu đưa em nó đi chơi đi, tôi cũng đi chùa tối mai mới về. Mà phải chờ bác sĩ đến đã nhé.

Nói xong mẹ Như Ý chào Tâm rồi đị Tâm nhìn Như Ý âu yếm

- Hôm nay thấy em đỡ hơn nhiều rồi, từ tối qua đến giờ có chịu ăn uống không?
- Có anh ạ, mẹ vắt cam cho uống cả ngày đấỵ Anh ngồi chơi, em lấy nước anh dùng.
- Không cần đâu em à.

Tiếng chuông gọi cửa lại ngân lên, lần này Như Ý không sốt ruột nữa nên không chạy ra mở cửa mà để Tâm ra. Bác sĩ Mạnh bước vào, gặp Như Ý khỏe mạnh tươi tỉnh, bật ra một tiếng ồ thích thú. Bác sĩ ngồi xuống hỏi chuyện Tâm và Như Ý một lúc, Tâm kể sơ lược là nhờ tạo lại một sự kiện đặc biệt làm Như Ý hồi tỉnh lại, nhưng Tâm không kể lúc xé áo Như Ý. Bác sĩ Mạnh nghe chăm chú, ghi chép vào cuốn sổ tay, khám lại cho Như Ý một lần nữa

- Cô hoàn toàn bình phục rồi đấy, có đi ra ngoài nhớ cẩn thận đừng bị nhiễm lạnh là được rồi.

Bác sĩ Mạnh ở lại trò chuyện với Tâm một lát mới về, khi biết Tâm ngày xưa cũng trong phong trào Sinh viên hải ngoại và có biết về hoạt động của mình, ông từ chối không lấy tiền công. Tâm nài nỉ nói bác sĩ cứ nhận để giúp các bệnh nhân túng thiếu hơn. Bác sĩ Mạnh ra về. Tâm nghĩ thầm dù sao người lãnh đạo sinh viên năm nào, ngày nay làm nghề thuốc và có lương tâm nghề nghiệp như thế thì còn hơn những kẻ đầu cơ chính trị bây giờ ăn trên ngồi trước rất nhiều.

Tâm tiễn bác sĩ Mạnh ra cửa, quay vào thấy Như Ý đứng dựa tường, nét mặt trong sáng nhìn chàng không chớp. Tâm bước đến gần, Như Ý úp mặt vào vai Tâm, hai người ôm nhau một lúc lâu trong một yên lặng không cần ngôn ngữ. Tâm cảm thấy vai áo mình ướt dần mặc dù không có tiếng khóc hay một bờ vai rung nhẹ

- Tại sao em khóc hở bé?
- Em ... vui, ... em ... sung sướng quá.
- Vui sao không cười mà lại khóc?
- Em cũng không biết nữa ... Anh!
- Anh đây Như Ý!
- Anh đã mang em từ vùng tối đen về lại đâỵ
- Phải rồi đó em, anh mang hạnh phúc của mình về lại .

Tâm nâng cằm Như Ý lên, lấy khăn lau hết những vệt nước mắt

- Em thay quần áo đi, mình đi chơi Tết trễ mấy bữa đó.
- Anh đợi em một chốc nhé.

Mười phút sau Như Ý bước ra trong chiếc áo dài màu tím nhạt như hôm đi chợ hoa. Tâm cầm tay Như Ý hôn nhẹ:

- Bé có biết là bé đẹp lắm không?
- Em muốn đẹp cho anh vui.
- Như Ý nhắm mắt lại đi.
- Để làm gì hở anh?
- Thì em cứ nhắm mắt đi, anh không hôn trộm đâu mà sợ
- Anh! .. ghẹo em nhé - Như Ý nhắm mắt lại, thì thào - em không sợ gì nữa .

Tâm lấy một sợi giây chuyền vàng, sáng nay vừa nhờ Vấn mua hộ, xỏ vào tượng phật Jade đeo vào cổ cho Như Ý. Như Ý hồi hộp cảm nhận ngón tay Tâm và vật nằng nặng đặt trên ngực mình

- Xong rồi, bé mở mắt đi!
- Ồ anh cho em hở?
- Không! Cho mượn thôi, để anh còn quay lại anh đòi nữa, để em giữ làm tin.

Như Ý cảm động nhìn Tâm rưng rưng, Tâm bẹo má Như Ý

- Thôi mình đi nhé, không thôi bé lại nhè bây giờ.


Saigon sáng mồng sáu đã gần như mất hết không khí Tết, phố xá lại buôn bán nhộn nhịp, công sở và xí nghiệp đã mở cửa lại đầy đủ. Đường phố có vẻ còn đông hơn các ngày trước Tết. Tâm chở Như Ý trên chiếc Honda của nàng. Vì mặc áo daì nên Như Ý ngồi một bên sau yên, tay ôm lấy bụng Tâm, má dựa vào lưng Tâm nghe thật êm ái . Vóc dáng người con gái thon thả cong cong trong chiếc áo dài truyền thống nhìn phía sau trông thật quyến rũ, tà áo sau kéo ra đằng trước để lộ một phần eo hình tam giác giữa khuy cuối và quần dài khiến nhiều người đi bên cạnh tha hồ chiêm ngưỡng. Tâm cũng cảm thấy điều này vì thỉnh thoảng lại có xe vượt lên và ngó lại như muốn xem mặt người nam có xứng với người nữ xinh đẹp ngồi sau không.

Như Ý dựa cằm lên vai Tâm, khuôn mặt đón luồng gió do sức di động của xe cho bờ tóc bay baỵ Tâm quay lại mũi chạm gò má thơm thơm của Như Ý mà lòng trùng xuống, bất giác sống lại những giây phút năm xưa, cũng trên đường phố Saigon trong một ngày nắng đẹp, cũng gò má thơm của người con gái anh yêu. Hình bóng Đông Phố hiện ra nhưng nhạt nhòa không rõ rệt như trước.

Thấy một hàng xôi Tâm đậu xe vào ăn sáng với Như Ý. Nhìn Như Ý ăn mà Tâm đã thấy no rồi, cứ ngồi ngắm mãi làm Như Ý thẹn thùng ép Tâm phải ăn chung cho đỡ ngượng. Hai người đang ăn bỗng có một em bé đến hỏi Tâm có muốn đánh giầy không. Đáng lẽ Tâm từ chối vì không quen có người đánh giầy ngồi dưới chân mình, khi ngó qua thấy thằng bé sáng sủa quá nên anh không đành lòng bèn đưa giầy cho nó đánh với điều kiện là mang giày ra ngoài chứ không ngồi dưới chân. Một lúc sau thằng bé mang đôi giày đánh rất tỉ mỉ vào, Tâm hỏi tiền và cho thêm gấp đôi. Thằng bé lễ phép cám ơn rồi ra ngoài .


Đường ra khu du lịch Bình Quới phải qua Ngã Tư Hàng Xanh, qua khỏi cư xá Thanh Đa, dẫn vào con đường mới tân trang, lớp nhựa còn đen nhánh, dọc theo sông Saìgon, phía tay phải xa xa là cầu xa lộ và Tân cảng. Xa thành phố một quãng khung cảnh trở nên yên lặng và thanh bình hơn, một màu xanh mà rất hiếm ở nội thành giờ đây trải ra hai bên đường, nhiều nhất là dừa nước và cây ăn trái. Tâm lái xe vào một quán nước sát bờ sông. Lúc dựng xe lên, trái tim của Tâm hẫng xuống khi Tâm thấy mất cái ví đeo tay, trong đó có để khoảng 100USD và tiền việt tương đương, nhưng nhất là lọ kem đắnh răng dấu năm viên kim cương lớn. Như Ý thấy Tâm biến sắc, lo lắng hỏi

- Việc gì thế anh?
- Anh mất cái ví đeo tay có tiền và nhiều vật quý lắm.
- Chết chửa, mất lúc nào anh có nhớ không? có mất giấy tờ không?
- Lúc nào anh không biết. Giấy tờ và phần lớn tiền thì anh để trong người nên không mất.
- Có thể mình để quên ở hàng xôi không?
- Nếu ở bàn ăn hàng xôi thì từ lúc nãy đến giờ bao nhiêu người vào rồi còn gì.
- Thôi mình cứ quay lại xem sao anh!

Tâm nghĩ chắc không có hy vọng gì tìm lại nhưng cũng chở Như Ý vòng về. Dọc đường Tâm đùa với Như Ý để trấn tỉnh mình một phần dù gan ruột rối bời.

- Như Ý ơi, may là anh đưa em giữ ông Phật nên mới còn đó.
- Cho em giữ anh luôn nhé.
- Ừ bé giữ anh luôn cho chắc.

Hai người vào đến hàng xôi, đã quá giờ ăn sáng nên bớt khách. Lại bàn cũ không thấy gì, Tâm đến hỏi bà chủ, nhưng bà ta không biết gì cả. Một niềm tiếc nuối trào lên trong lòng Tâm, dù dọc đường Tâm đã chuẩn bị tư tưởng là chuyện tìm lại coi như bất khả thể. Như Ý thấy sắc mặt Tâm biết là giá trị của ví đeo tay rất lớn nên chỉ biết cầm chặt tay Tâm như muốn chia xẻ.

Ra đến bên ngoài, Tâm còn đang mở khóa xe, chợt nghe tiếng nói:

- À chú trở lại đây rồi!

Tâm quay sang thấy thằng bé đánh giầy lúc nãy, tươi cười nhìn chàng

- Lúc nãy chú để quên cái ví này này, cháu giữ hộ, chờ chú đó.

Tâm và Như Ý mừng quá, nhận lấy cái ví trên tay thằng bé

- Chú coi lại xem có thiếu gì không, cháu không có mở ra.

Tâm mở ví ra thấy không thiếu một món gì, mừng rỡ và cảm động, hỏi chuyện thằng bé, nói mãi nó mới chịu cho theo về nhà vì nó sợ nhà nghèo quá. Tâm gọi xích lô chở nó về nhà, còn mình và Như Ý chạy Honda theo sau, Tâm để cái ví vào trong bụng áo, sờ lại mấy lần mới chắc đó là sự thật.

Xe vào mấy ngõ hẻm quanh co rồi dừng trước một chòi gỗ ọp ẹp. Thằng bé chạy vào nhà gọi má nó ra. Một người đàn bà ốm yếu nghèo khổ ngỡ ngàng khi thấy Tâm và Như Ý bước vào. Quần áo bà ta tuy sờn vá nhưng không dơ bẩn. Nói chuyện vài câu Tâm nhận thấy bà là người ăn hiền ở lành và dạy con tử tế. Tâm kể lại chuyện để quên ví nhờ thằng bé mà tìm lại được rồi tặng cho bà 500USD . Bà mẹ nhìn thấy món tiền lớn không dám lấy, đến khi Tâm nói để cho thằng bé ăn học bà ta mới nghẹn ngào cám ơn. Tâm ra về mà lòng vui vô tận, một phần vì có lại cái ví trị giá thật lớn một phần vì thấy vẫn còn những người nghèo mà tâm hồn lương thiện.

Thế là đến trưa hai người mới trở lại Bình Quới. Cái quán bên bờ sông là một biệt thự nhỏ mà gia chủ có vẻ là một nghệ nhân nên trồng nhiều lan, treo lơ lửng trên vách, trên trần. Nơi này lần trước cách đây mấy năm Tâm đã có đến theo lời giới thiệu và có nói chuyện thơ văn cả đêm với trang chủ.

Tâm và Như Ý ngồi bên nhau trong một ghế mây bọc nệm, nhìn lục bình thanh thản trôi dài trên mặt nước. Cái sàn gỗ làm nhoài ra sông có giàn tre trên đầu được trang hoàng bằng nhiều giò lan đủ màu đủ sắc đẹp vô cùng. Trang chủ ra chào hỏi và kêu người nhận đặt thức ăn thức uống. Tâm gọi hai trái dừa và vài món ăn nhẹ. Buổi trưa thật vắng lặng, thỉnh thoảng một chiếc thuyền chạy ngang, có chiếc chở vật liệu xây dựng, có chiếc chở đồ tiểu công nghệ, đồ gốm, nước lên gần đến mí thuyền. Tiếng động cơ máy đuôi tôm xành xạch làm xáo động cái yên lặng rồi dần dần tắt hẳn, mặt nước bị xé ra tạo những làn sóng đẩy đám lục bình dào dạt vào bờ.
....
- Như Ý ơi!
- Dạ anh
- Ngày trước lúc anh đến đây anh có làm một bài thơ tựa là "Một ngày ở Bình Quới" đó em.
- Thế hả anh, cho em nghe với .

Tâm hắng giọng, đọc nhẹ nhàng


"Nắng chiều ấp ủ vòm cây
Nước lên từng chập cho đầy nhớ mong
Cánh bèo trôi dạt trên sông
Lục bình lặng lẽ theo dòng về đâu

Bóng dừa chen lẫn bóng cau
Chiếu lên ánh nước thắm màu xanh tươi
Saigon phía trước mù khơi
Chắc giờ thành phố một trời mưa bay

Người yêu bên ấy có hay
Vắng em nên trọn một ngày u mê
Để đêm che lấp lối về
Bước chân theo ánh đèn quê nhạt mờ

Giã từ Bình Quới mộng mơ
Ta tìm em đến bao giờ mới thôi ."


Như Ý nắm lấy cánh tay Tâm lắng nghe tiếng Tâm hòa vào trong tiếng gió. Hết bài mà Như Ý vẫn còn cảm nhận lời thơ trên sóng nước cũng như trong làn mưa bụi mờ xa. Như Ý nói thật xa xôi

- Thế anh gặp người anh tìm chưa?
- Anh đã tìm em và anh đã gặp em đó.

Một buổi chiều thật êm đềm trôi qua, có những lúc châu đầu thì thầm trao đổi câu chuyện, kể về nhau và những lúc tay trong tay yên lặng ngút ngàn. Khi bóng chiều dần xuống trên hàng cau trước mặt Tâm và Như Ý trở về thành phố, ánh đèn đã bắt đầu vàng loe trên các con đường.



NGÔI NHÀ CŨ Phần 27

Xe Tâm chở hai người rời vùng ngoại ô vào trung tâm thành phố. Saigon vào ban đêm vẫn còn nóng nực, ngọn gió mát từ sông chỉ làm dịu được không khí hai bên bờ, đi xa một chút là nhà cửa san sát nhau chắn hết cả gió, để lại sự oi ả dù là đầu mùa Xuân. Trái với Hà nội, Saigon thật ra bốn mùa đều như nhau, chỉ có lúc nóng ít hoặc nóng nhiều thôi. Khoảng từ 6 giờ là thấy các hàng quán nhậu trên đường phố đã bắt đầu đông, có bọn đón khách từ tuốt ngoài, đứng cả ra giữa mặt đường mà vẫy gọi ơi ới, nhiều khi xe gắn máy nào chỉ cần chạy chậm lại là đã có người gần như giữ lấy tay lái để lôi vào quán mình. Mùi xào nấu, mùi thịt nướng quyện lẫn mùi khói xe, cảnh tượng người ăn nhậu ồn ào trong tiệm và trên lề đươ`ng và cảnh xe cộ đan nhau tạo thành một bức tranh sống động. Một ký giả Tây phương đã viết ở Sàigòn hình như tối đến chỉ toàn là đàn bà làm việc trong các quán từ nấu ăn đến chạy bàn đến chiêu đãi, tiếp khách; còn đàn ông chỉ thấy ăn nhậu nói phét là giỏi.

Như Ý ngồi sau lưng Tâm, ôm chặt bụng người yêu dấu như chỉ sợ Tâm biến đi . Như Ý hít mạnh để cảm nhận mùi da thịt ngây ngây từ lưng Tâm, Như Ý nghe mình nói thầm trong óc "Anh ơi, ở lại với em đêm nay, đừng về nhé anh". Chợt bàn tay Tâm đặt lên tay Như Ý và bóp nhẹ nhưng chặt làm Như Ý bồi hồi nghĩ tiếp "Anh nghe được em nghĩ gì sao ?", rồi đặt cằm lên vai Tâm cho gió thổi bay mái tóc đen.

Hai người mãi trong hạnh phúc đang có nên không biết Trần Diên từ nãy giờ vẫn lái xe phía sau canh chừng. Diên sau khi nói chuyện với thằng con ông thiếu tá hàng xóm, vẫn chưa thỏa mãn bèn vào các nhà phía sau vườn hỏi dò về xác con mèo, không ai nhận là có vứt xác mèo vào vườn cả.

Hắn vào quán, nhậu hai lon Heineken vừa trả tiền, ra xe định đi về thì thấy Tâm chở Như Ý đi ngang. Sẵn không có gì làm lại thấy dáng dấp yêu kiều của Như Ý nên hắn lái xe theo sau xa xa. Đến khi thấy hai người vào nhà hắn ghi lại số nhà rồi đi.

Như Ý vào không thấy mẹ đâu, nhìn lên bàn thấy tờ giấy ghi vài chữ là bà ở chơi nhà người quen ngày mai mới về. Như Ý thầm cám ơn mẹ đã dành cho hai đứa một buổi tối riêng với nhau. Như Ý vào bếp rán bánh chưng cho hai người ăn tối rồi pha trà sen. Buổi tối Saigon vẫn còn ồn với tiếng động từ sinh hoạt gia đình. Hai người ngồi trên ghế salon ăn bánh trước cái TV đang có chương trình ca nhạc. Chợt điệu nhạc bài "Lên xe tiễn em đi" dạo lên rồi giọng ca người nam ca sĩ thật thống thiết:

"... Bên em có trăng soi
Anh một mình thương nhớ
Trời mùa Đông Paris
Suốt đời thèm trăng soi
Hôn nhau phút này,
Chia tay tức thì
Em ơi! Khóc đi em, khóc đi em,
Khóc đi em.
Sao rơi rớt rụng
Môi em ướt mềm
Em ơi! Khóc đi em, khóc đi em,
Khóc đi em.
..."

Tâm quay lại thấy trên gò má Như Ý đang lăn dài hai giọt lệ, Như Ý gục mặt vào ngực Tâm, bờ vai rung rung theo xúc động không nén được.

- Nín đi em, nín đi
- Em muốn trời đừng sáng, để anh đừng đi .
- Tháng sau anh trở lại, mình làm đám cưới nhé em.
- Dạ
- Em không được đi làm nữa đó.
- Không anh, em sẽ báo cho họ biết là không đến nữa .

Như Ý vẫn khóc rưng rức, dấu mặt không cho Tâm thấỵ Tâm ngã người xuống ghế salon kéo Như Ý theo. Hai khuôn mặt gặp nhau trong cái hôn đầu tiên lẫn giọt nước mắt mằn mặn. Tâm thì thào

- Như Ý ơi!
- Tâm ơi, anh là cả cuộc đời của em.
- Em có phải là của anh không?
- Phải đó anh, em trao cho anh tất cả.

Tâm cúi xuống hôn lên môi, lên mắt rồi lên cổ Như Ý, Như Ý mềm người đi trong những cảm xúc ngất ngây, hai vòng ôm chặt lấy Tâm, giọng lạc đi:

- Anh ơi, Anh ơi

rồi không nói được nữa vì nụ hôn thật lâu, thật nồng nàn của Tâm. Như Ý xiết lấy Tâm, thì thào, hai mắt nhắm lại:

- Cho em làm vợ anh đi!

Thình lình có tiếng gõ cửa phía ngoài:

- Mở cửa, mở cửa, công an phường đây!

Hai người ngồi dậy kéo lại áo quần cho thẳng trong tiếng gõ cửa liên tục, Như Ý đi ra mở cửa, hai người công an bước vào nhà, đưa mắt nhìn khắp nơi, Như Ý cố trấn tỉnh hỏi người công an phương có quen nàng, nhưng giọng nói cũng bắt dầu run run:

- Chuyện gì thế hở anh Nam?
- Chúng tôi có người báo là hộ này có người cư trú bất hợp pháp nên đến kiểm tra. Mời tất cả mọi người trong nhà này ra đây.

Tâm ngồi ở ghế salon quay lưng ra cửa, nghe nói đứng dậy tiến ra:

- Trong nhà chỉ có hai người chúng tôi, bà cụ mẹ cô này đi vắng.
- Ông là ai, có trong hộ khẩu không?
- Không, tôi là bạn đến thăm thôi .
- Yâu cầu ông cho coi giấy tờ.

Tâm đưa passport ra, người công an coi sơ rồi bỏ vào túi luôn làm Tâm chưng hửng. Người công an nói:

- Ông đăng ký ở khách sạn nào, sao không về đó ngủ? Ông có biết là ông ở lại đây mà không đăng ký tại công an phường là trái phép không?

Tâm vừa giận vừa lo vì passport mình bị giữ, trả lời:

- Tôi chỉ đến chơi, cũng sửa soạn đi về đâỵ

Người công an cười đểu giả:

- Ông đừng chối quanh, quá giờ giới nghiêm đã nửa giờ rồi còn đi đâu. Ông đã phạm luật cư trú và luật ngoại kiều thì xin mời theo chúng tôi về phường làm việc.

Như Ý năn nỉ:

- Anh Nam, chúng tôi mãi nói chuyện nên quên giờ giới nghiêm, xin anh châm chước cho.

Hai người công an nhất định lôi Tâm ra xe về phường, trong lúc Như Ý vừa lo vừa lấy giầy cho Tâm đi, Tâm ôm Như Ý, hôn nhẹ vào tai và nói thật nhỏ "Cất cái túi của anh đi em", Như Ý chỉ gật đầu mà mắt ứa lệ rồi nhìn theo Tâm ra xe, trong khi trong một góc tối xéo bên kia đường, Trần Diên đang mỉm cười đắc chí.

Như Ý vào nhà cất kỹ cái túi của Tâm, ngồi thẫn thờ không biết phải làm gì, đầu óc rối bời, nàng biết thiếu úy Nam của công an phường này nổi tiếng là lột tiền, nhưng không bao giờ ăn thẳng mà chỉ qua cô vợ. Một phần Như Ý không có tiền nhiều, dù biết là trong túi Tâm gửi có nhưng không muốn mở ra xem, một phần vì cô vợ rất ghét Như Ý vì biết Nam say mê Như Ý, muốn đút tiền khi cũng phải kiếm người làm cò. Như Ý gục đầu vào gối khóc một lúc, bỗng quả quyết thay quần áo, lấy xe đi .

Ngoài đường giờ giới nghiêm thật vắng đến rợn người, tiếng xe Honda của Như Ý trong đêm thanh nổ càng to, Như Ý vừa lái xe vừa sợ hãi vì nếu bị bắt là có thể mất xe mà con gái ban đêm bị mang vào phường công an thì chưa chắc đã an toàn. Họ có thể cho nàng là gái ăn sương nên sẽ đối xử như với gái điếm, Như Ý rùng mình khi nghĩ đến điều đó. Chợt 1 bóng cảnh sát gác đường thổi còi tiến ra định chặn Như Ý lại. Như Ý thấy chuyện mình đang sợ lại xảy ra, trong một chớp nhoáng, nàng rồ ga quẹo vào con đường ngang trong tiếng hét của người cảnh sát và tiếng súng chỉ thiên chát chúa.
Bình thường Như Ý không phải là người gan dạ mà bây giờ phóng xe trong giờ giới nghiêm lại lo bị đuổi bắt nên tay nàng run bần bật nhiều lúc không cầm nổi tay ga làm cho chiếc xe chồm lên rồi hục hặc muốn tắt máy. Như Ý cắn môi gần bật máu cố giữ cho xe được thăng bằng trong khi tiếng còi hụ xe tuần cảnh càng lúc càng gần, may mà đã đến gần nhà Vấn, nàng quẹo vào 2 ngõ thì vừa vặn chiếc xe Jeep cảnh sát chạy vụt qua con đường chính.

Mồ hôi Như Ý toát ra ướt cả áo, nàng bấm chuông nhà Vấn mà tay chân còn run lập cập. Vấn ra mở cửa, rất ngạc nhiên khi thấy Như Ý, Mai theo sau không biết là ai định hỏi thì Vấn đã nói ngay:

- Kìa Như Ý đó hả, có chuyện gì xảy ra cho Tâm hay sao ?



NGÔI NHÀ CŨ Phần 28

Mai hiểu ra, dìu Như Ý vào nhà, vừa ngồi xuống ghế salon Như Ý bỗng thấy đầu óc quay cuồng, không gượng được phải nằm xuống sắp sửa ngất đi, người run rẩy và mặt tái xanh, Mai phải lấy chăn quàng và bôi dầu gió cùng xoa chân tay một lúc. Tỉnh lại Như Ý bật khóc kể chuyện Tâm bị bắt về công an phường cho vợ chồng Vấn nghe. Vấn đứng nghe hết câu chuyện, trầm ngâm đi tới đi lui, Mai ôm Như Ý an ủi. Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau, cũng thấy việc này trong đêm nay khó mà giải quyết, vì chính Vấn cũng không dám vi phạm giới nghiêm. Vấn hỏi Như Ý:

- Lúc nãy Như Ý kể là công an nói có người báo nên đến xét nhà, thế Như Ý có bị ai ghét gì không, sao lại biết Tâm là Việt Kiều đến nhà?

- Không có ai đâu anh Vấn, họa chăng là ông thiếu úy Nam có đôi lần nhăn nhở với em nhưng sợ bà vợ nên thôi. Hay ông Nam muốn làm khó em là chính còn bắt anh Tâm là cớ.

Vấn lắc đầu

- Anh không nghĩ là vì em, có thể họ muốn làm tiền.

Bỗng hình ảnh Trần Diên hiện ra trong đầu Vấn với những lời lúc Vấn trả chìa khóa cho hắn, hắn có bóng gió với Vấn là vẫn nghi ngờ Tâm lấy được cái gì trong ngôi nhà cũ.

Như Ý rút ra năm tờ 100 USD, đưa cho Vấn, nghẹn ngào:

- Tiền này anh Tâm đưa cho mẹ Như Ý để lo bác sĩ thuốc men lúc em còn mê man, bây giờ không cần nữa, xin anh Vấn giúp anh Tâm, anh tìm cách đưa họ tiền đi, chứ Như Ý không còn biết cách nào cả. Em chỉ sợ anh ấy hụt chuyến máy bay dù như thế sẽ được gần anh ấy lâu hơn.

Vấn thở dài nói:

- Như Ý từ từ để anh tính.

Vấn gọi điện thoại cho Trần Diên, thoạt đầu hắn làm như ngạc nhiên và nói rất tiếc là không giúp được. Đến khi Vấn hỏi thẳng hắn muốn bao nhiêu thì Diên vờ nhân nghĩa nói hắn không lấy tiền của Vấn chỉ đưa cho người khác để thu xếp.

Chính Trần Diên sau khi ghi số nhà Như Ý đã ghé trụ sở công an phường. hắn mừng vì phường này do thiếu úy Nam coi, là người đã có làm ăn chia chác với hắn nhiều vụ.
...
Hắn kéo Nam ra quán nhậu, thì thào:

- Ê chú Nam, có vụ này làm ăn được đó mà lại an toàn.
- Cha, nghe anh Hai nói được quá, làm ăn sao đây anh Hai?
- Có thằng Việt Kiều đang ở trong nhà này nè, anh chắc là nó còn ở chơi lâu, chú đợi quá giờ giới nghiêm đến kiểm tra, nếu nó còn ở đó thì xách về phường giữ người và passport lại, phạm luật cư trú mà, anh biết mai nó bay về Pháp nên chú hù nó một hồi là nó xì tiền ngay.

Diên đưa số nhà cho Nam rồi nói:
- Nhớ phần anh nghe chú Nam.
- Dĩ nhiên rồi, Anh hai yên chí đi mà, Ồ mà nhà con nhỏ Như Ý chứ ai, để đàn em bắt con nhỏ hay làm bộ này luôn.
- thôi chú, vụ này chủ yếu gõ thằng Tâm thôi, còn mai mốt chú thiếu gì dịp khác.
...

Tuy vậy giờ đây Trần Diên lại là kẻ nhận tiền để chia chứ không phải Nam nên hắn đắc chí thấy mọi việc nằm trong tay hắn cả, hắn đòi 700 đô la khiến Vấn phải vừa thương lượng vừa ngầm dọa sẽ nhờ người khác rẻ hơn vì chuyện trễ giới nghiêm có nửa giờ chỉ là vi phạm nhẹ thôi. Cuối cùng hắn đồng ý lấy 400 đô. Hắn tính trừ đi 100 cho Nam thì vẫn còn lời chán. 100 USD thời ấy là 5 tháng lương thiếu úy rồi. Thế là một tiếng sau, Diên đi theo xe Nam chở Tâm về nhà Vấn là nơi Tâm có đăng ký đến chơi từ cả tuần nay. Vấn không muốn Diên và Nam vào nhà mình có thể hạch hỏi về sự có mặt của Như Ý nên ra tận ngoài đón Tâm, kín đáo đưa vào tay Diên một phong bì nhỏ, Diên dùng lưng che không cho Nam thấy đếm đủ 4 tờ 100 USD rồi nhón hai tờ cất túi. Ra đến xe hắn làm bộ mở bao thư trước mặt Nam cho Nam thấy chỉ có hai tờ, rồi dúi cho Nam 1 tờ. Hai tên cười đắc chí rồi lái xe đi .


Tâm vào nhà, nét mặt mệt mỏi và chán chường vì đây đã là lần thứ mấy bị công an cảnh sát hạch hỏi và giữ chân. Mọi người ngồi nói chuyện an ủi nhau một lát thì vợ chồng Vấn vào phòng trong để cho Tâm và Như Ý ở ngoài. Hai người ngồi cạnh nhau, Như Ý dựa đầu vào vai Tâm. Tâm nói:

- Ngày xưa anh mong về lại biết bao nhiêu, để sống trên quê hương mình, anh không sợ thiếu tiện nghi vật chất, nhưng cái cảnh cường hào ác bá này thì mình khó mà sống được. Lúc nào cũng phải đương đầu với những bất công, hà hiếp. Anh sẽ đưa em sang Pháp, đời sống tuy có nỗi buồn viễn xứ, có sự lạc lõng giữa người ngoại quốc, có niềm khao khát tiếng gà ban trưa, bóng dừa, bóng cau trên đường quê, nhưng ít nhất có tự do và pháp luật hẳn hòi. Dĩ nhiên ở đâu cũng có người xấu. Kẻ bất lương, trộm cướp ở Âu Mỹ cũng nhiều nhưng không phải bất cứ tên cảnh sát đứng đường nào cũng bắt nạt mình được.

Như Ý dù không hiểu hết suy nghĩ của Tâm, nhưng chỉ cần biết là đang ở bên Tâm là đủ, nắm tay Tâm Như Ý khẻ nói:

- Em chỉ cần sống cạnh anh, anh ở đâu thì em ở đó .

Trời 5 giờ sáng đã hé ánh ban mai. Thành phố lại bắt đầu một ngày mới lên, tiếng người buôn bán dọn hàng chen vào tiếng xe cộ. Tâm đưa Như Ý xuống đường lái xe về nhà Như Ý, lấy cái xách đựnh tiền và hộp kem đánh răng rồi kêu Taxi về khách sạn. Lúc vào Hotel không có ai ngồi chờ khách ở quầy tiếp tân nên Tâm đưa Như Ý lên thẳng trên phòng mà không báo cho ai, là ngày chót và ban ngày nên Tâm cũng chẳng cần giữ điều lệ hotel nữa.

Như Ý phụ xếp va li cho Tâm, từng cái áo cái quần, ve vuốt trong tay, hít lấy mùi quần áo Tâm mà mắt đỏ au. Tâm xuống nhà khách của Hotel lấy nước ngọt, mở tủ lạnh lấy đá rồi đổ nước vào khay để làm đá lại.
Kiểm soát xong hành lý, Tâm ôm lấy Như Ý vào lòng, hai người yên lặng thật lâu, nghe nỗi buồn biệt ly thấm từng tế bào, từng thớ thịt. Rồi là những nụ hôn quấn quýt trao nhau trong vòng tay không muốn mở. Hai người nằm bên nhau, thật tha thiết mà không có một đòi hỏi về xác thịt, thêm phần mệt mỏi vì tối qua không ngủ được, Tâm và Như ý cuộn vào nhau, thiếp đi trên giường nệm trắng.
...
Tiếng chuông dồng hồ báo thức gọi hai người dậy. Sửa soạn xong Tâm và Như Ý cùng lên nhà Vấn. Vợ chồng Mai, Vấn dọn một bữa ăn trưa thật thịnh soạn đễ tiễn chân Tâm, nhưng Tâm và Như Ý chẳng ăn được miếng nào. Lên đến phi trường, Như Ý không cầm lòng được khóc nức nở làm Mai cũng đỏ mắt theo. Tâm xiết chặt tay Vấn trong niềm cảm động không lời. Vấn hứa sẽ đưa Như Ý về nhà để chờ điện thoại của Tâm từ Bangkok như đã hẹn, để chắc là Tâm đã ra khỏi nước bình an, Mai nói sẽ gặp Như Ý thường xuyên để cổ động và an ủi.

Không khí nóng hực và ồn ào chật ních người đưa đón ở Phi trường làm Như Ý lại cảm thấy xây xẩm, lại thêm sự đau đớn của lúc tiễn đưa, nên Như Ý cứ dựa vào Tâm mà nức nở. Tâm thấy Như Ý xanh xao lại càng thương cảm.
Giờ vào làm thủ tục đã đến, thân nhân không được vào theo, Tâm ôm Như Ý một lần cuối, hôn nhẹ lên đôi môi, thì thầm nói

- Anh lại về với em mà Như Ý, đừng khóc nhiều nhé em.

Tâm bước qua khung cửa, ngoái lại thêm một lần rồi thêm một lần cho đến lúc khuất tầm nhìn. Như Ý phải dựa vào Mai, nước mắt chảy chan hòa trên mặt. Vấn cố trông theo Tâm vào chỗ khám giấy tờ, chỉ thấy Tâm đi theo một sĩ quan Hải Quan vào một phòng riêng, trong lòng Vấn lo ngại nhưng không dám nói cho Mai và Như Ý biết. Ba người đợi đến lúc máy bay cất cánh mới chịu ra về.

Tâm đưa passport vào, người trung sĩ coi xong lặng lẽ bấm 1 nút điện, bên trong một viên trung úy hải quan bước ra, cầm lấy passport.

- Mời ông theo chúng tôi khám hành lý.

Tâm thấy tình trạng này không thể đút tiền được, nếu làm còn có nguy cơ bị bắt nên lẳng lặng theo người Hải quan đến nhận diện vali của mình, không biết Trần Diên núp bên trong đang theo dõi. Cuộc khám xét thật kỹ lưỡng nhưng chưa có máy tia X nên tất cả, hải quan đều tháo ra khám xét ngay cả quần áo trên người Tâm. Tâm sốt ruột vì sát giờ bay mà họ vẫn điềm nhiên. Đến lúc khám xách tay cũng không có gì.
Viên hải quan cầm bình tích thủy lắc lắc thấy có tiếng lạo xạo, hỏi

- Ông đựng cái gì trong này đây?
- Nước đá cục để giữ lạnh cho thuốc của tôi .
- Mời ông mở ra xem.
- Vâng ông cho xin cái chậu.

Tâm mở nắp bình đổ ra chậu mười mấy cục nước đá và 1 bình thuốc nhỏ. Người hải quan lấy tay quơ các cục nước đá để kiểm chứng, rồi tháo đáy bình tích thủy ra xem, không thấy gì lại trả lại cho Tâm để mặc chàng loay hoay lắp lại và đổ đá cùng thuốc vào bình trở lại . Cuối cùng chỉ còn lọ kem đánh răng còn khá đầy, viên trung úy hải quan cầm lên ngắm nghía một lúc rồi vặn nắp ra, bóp tất cả kem vào một cái dĩa và nắn mãi cái vỏ dẹp lép. Với vẻ mặt lạnh như tiền, anh ta nói

- Xong rồi, ông lên phòng đợi đi.

Trên đường về nhà Vấn, Như Ý như người mất hồn, Vấn cũng trầm ngâm không nóị Vào nhà mọi người quay quần trong phòng khách. Thời gian lặng lẽ chầm chậm trôi qua, linh tính Như Ý cảm thấy điều gì không yên, nhưng không dám nói cho ai biết. Theo lịch trình thì khoảng 1 tiếng nữa máy bay sẽ đáp xuống Bangkok. Vấn vặn TiVi ra coi cho đỡ buồn, chương trình bỗng nhiên bị cắt ngang bởi một tin tức vừa được đưa đến:

"... Theo thông báo của đài Tiếng Nói Việt Nam, chuyến máy bay của hãng hàng không Thai Airlines số 445 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bangkok chở 220 hành khách đã nổ tung và rơi trên không phận Kampuchia. Nguyên nhân của tai nạn này chưa rõ nhưng theo các chuyên viên hàng không cho biết, hy vọng có người sống sót rất mong manh. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tường thuật. Quí vị có thân nhân trên chuyến này xin liên lạc với văn phòng Air Thai để được cập nhập hóa. Xin nhắc lại chuyến máy bay của Thai Airlines số 445 từ thành phố Hồ Chí Minh đi Bangkok chở 220 hành khách đã nổ tung và rơi trên không phận Kampuchia "

Mọi người sửng sờ, Vấn nhìn lại tờ photocopy vé máy bay của Tâm thì đúng là chuyến Tâm đi. Như Ý hét lên một tiếng, không có sức để khóc, chỉ nghe tim quặn lại, đau nhói như có mũi tên đâm ngang. Như Ý ôm lấy ngực lảo đảo rồi gục xuống sàn, bất động.

- còn tiếp -

Phạm Doanh



Phạm Doanh