NHỮNG CÁI KHÓ ƯA CỦA CHỒNG TÔI

Thụy Khanh

 

Nói lên những điều không tốt đẹp của chồng mình để mọi người nghe thấy như thế này quả là trái với đạo lý, lẽ thường tình. Tuy nhiên, ai biểu ông chồng tôi cứ chế nhạo tôi là chiếc “computer hiện đại nhất” làm chi.  Phen này, tôi quyết chí lôi những dữ kiện mà tôi đã dày công lưu trử từ suốt 20 năm chung sống ra trước ánh sáng mặt trời để người đời suy xét dùm tôi.

Xem nào…tôi nên “click” vào mục nào trước đây?  À, nên chọn mẫu tự cuối cùng trong danh sách vì đó là cơn đau nhức nhối mà tôi đã phải chịu đựng suốt từ một thập niên qua.
* Xưng  hô thiếu thân mật : Thử  hỏi đến giờ phút này, tôi vẫn còn đi đứng mạnh dạn, mỗi bước chân như tiếng vó câu, thế mà chồng tôi nỡ nào tôn tôi lên chức “Bà” nghe thật quá ư nặng nề từ 10 năm trước có dư.  Ôi!  Còn đâu nữa tiếng “em” ngọt ngào hay tên gọi thời con gái ngày xưa ấy?  Mỗi lần nghe tiếng “bà” thốt ra từ cửa miệng của người bạn đời muôn thuở, tôi cảm thấy lòng quặn thắt một nỗi đau khôn tả!  

Phải chi khi ra đường, anh ấy cũng xưng hô như thế thì tôi đâu thèm tức làm chi cho mệt tấm thân.   Đằng này, anh lại gọi cô em bạn dâu của tôi bằng tiếng “em” và xưng “anh” nghe ngọt xớt.  Đành rằng tôi lớn hơn cô ấy vài tuổi nhưng mới hồi cuối tuần vừa qua, tôi vẫn còn được ông chủ shop bán thịt gọi tôi là “Young Lady” khiến tôi đỏ mặt tía tai.  Không biết chồng tôi thờ ơ với tấm nhan sắc của tôi hay ông chủ kia quên mang cặp kính cận thị đây?

À, phải rồi…tôi chợt nhớ ra là chồng tôi cũng có tật hay quên.  Để xem nào…mẫu tự “h” ở đâu?  (Click)

* Hay quên : Mở đến mục này, tôi càng thêm tức cành hông!  Từ xưa đến nay, tôi vốn được mệnh danh là người cẩn thận nhất thế giới, nhì Đông Dương.  Hễ mỗi lần nhờ anh ấy mang vật gì sang cho ba mẹ chồng, tôi đều ân cần đặt nó ngay cái ví và xâu chìa khóa của anh.  Thế mà…nó vẫn nằm trơ ra đó nhìn tôi trong khi hình bóng “người ấy” đã cao bay xa chạy mất tiêu!

Sau lần thất bại chua cay đó, tôi khôn lanh hơn, bèn đặt nó ngay chiếc cửa cái với nụ cười bí hiểm : “Để xem anh có dám bước qua “xác chết” của cái gói này không cho biết!”  Quả nhiên tôi đoán không sai, anh chẳng dám bước qua mà chỉ…đẩy nó vào một góc thôi.  Tôi giận tím ruột bầm gan, vừa thấy mặt anh là tuôn ngay dòng thác trách móc rằng thì là … Nghe xong, anh lộ vẽ chưng hững : - Ủa, hèn chi hồi nãy tui hỏi : “Đứa nào để gói gì lù lù ở đây vậy bây?” mà chẳng có ai trả lời trả vốn gì hết thì làm sao tôi nhớ nỗi lời bà dặn chớ?  Mà thôi, gấp gáp chi chuyện đó, để ngày mai đem qua cũng đặng mà.  Nếu lỡ tui lại quên thì… tự bà mang đi cho rồi, khỏi mắc công nói tới nói lui, nghe càng thêm nhức đầu nhức óc!

Nghe anh ta lý sự nọ kia, tôi tức muốn lộn ruột nhưng đành phải “một câu nhịn, chín câu lành” để còn nhờ cậy về sau.  Nhưng tôi vẫn không sao tránh khỏi bực mình, lẩm bẩm : “Cái đáng nhớ lại không nhớ, cái chẳng cần nhớ lại nhớ rất dai.” (Click)

* Nhớ quá nhiều : Không rõ đây là điều đáng buồn hay vui khi mà chồng tôi có một bộ óc thông minh xuất chúng mỗi khi được tôi nhờ cậy mua dùm các món thực phẩm cần thiết.  Rõ ràng là tôi ghi vào sớ chỉ có 10 món thôi, sao ông ấy vác về tới trên 20 món lận?  Để rồi còn buông lời cằn nhằn cử nhử :
- Cái tật keo kiệt vẫn không chừa!  Bà đưa tui ít xỉn tiền khiến tui không đủ tiền trả.  Thiệt là quê mặt muốn chết!

Riêng công tác dẫn các con đi mua sắm thì…thôi thôi…tôi không dám nhờ cậy ông ấy đâu!  Bởi một lẽ dễ hiểu là tính anh chẳng giống tính tôi.  Trong khi tôi “cần kiệm liêm chính” thì anh xài sang quá thể.  Chẳng hạn như thay vì bắt chước tôi mua 4 cái khăn tắm, giá sale 5 đồng một cái, anh lại hiên ngang xuất hầu bao thẳng tay chi 20 đồng mua chiếc khăn tắm thượng hạng cho cô con gái cưng.  Để tránh bị phê phán là kẻ hà tiện, tôi vội lý luận :
- Mình mua loại rẻ tiền, xài chừng vài tháng, nửa năm thì vạt ra để lau nhà, lau xe, chứ sắm loại tốt quá, phải chờ tới chừng nào mới có giẻ lau?
Cũng thời là tay bản lĩnh hơn người, anh đâu chịu nín thinh :
- Thì lấy quần áo cũ của bà mà lau, đầy nhóc ra đó.
Tôi giật mình đánh thót :
- Í, đâu được, cha nội!  Tuy quần áo của em nhiều thật (lớp do tôi tự may lấy, có cả áo jacket mùa thu nữa đấy, lớp chờ “On sale” mới mua nên đầy kín cả mấy chiếc tủ đứng) nhưng em chỉ mặc mỗi bộ có đôi ba lượt, ngoài ra còn khoảng một chục cái áo hoặc quần chưa kịp diện vào.  Em chớ hề thấy bộ nào cũ đâu mà anh đòi bỏ?  Vả lại, những cái may bằng vải cotton càng được giặt nhiều lần, càng mỏng, mặc vào càng mát, rất cần cho mùa hè sắp tới.  Nói chung, tất cả đều phải được giữ lại hết.  Nếu cần, em sẽ sử dụng quần áo cũ của anh.

Thôi, tôi nên tạm quên đi chuyện quần áo se sua vì tôi chợt nhớ tới một bản tính tốt đẹp mà người Tây phương rất đổi ưa chuộng, đó là tính ga-lăng.  Đáng buồn thay, chồng tôi lại không chịu học hỏi để có thể đối xử với tôi một cách tế nhị hơn, văn minh hơn.  (Click)

* Không ga-lăng : Càng nghĩ, tôi càng buồn cho thân phận hẩm hiu của mình!  Thử hỏi tại sao lúc nào tôi cũng thương yêu, chìu chuộng chồng hết mực, cụ thể là thường chia cho anh phần nhiều, có khi trọn phần những món ăn mà tôi…không thích. Vậy mà đến lúc tôi xuýt xoa:  “Chà, hôm nay anh tài ghê!  Anh lựa mấy trái vải (hay sầu riêng, chôm chôm, long nhãn…) ngon tuyệt, thật là “hẩu xực” quá đi thôi!” thì anh chẳng biết điều, chẳng ga-lăng tí nào, cứ lẳng lặng để dành phần cho các con xong, liền chia đều số còn lại ra làm hai, thay vì nên đẩy phần nhiều hoặc trọn gói cho tôi, gọi là “có qua có lại mới toại lòng nhau” chứ!  (Click)

* Lười tập thể dục : Tuy có tâm hồn ăn uống không thua gì tôi nhưng anh lại chẳng chịu khó nghiên cứu trên sách báo để thấu đáo rằng : di chuyển, làm việc lặt vặt, dọn dẹp nhà cửa cũng là một cách tập thể dục vô cùng hữu hiệu để phòng ngừa bệnh Cholesterol, rất dễ dẫn đến chứng cao huyết  áp và tai biến mạch máu não.  

Nhớ lần nọ, sau một ngày làm việc mệt ứ hơi, tôi lái xe về nhà, lòng phơi phới khi tưởng tượng tới cảnh mình sắp được thong thả ngã lưng trên chiếc nệm ghế salon để thưởng thức cuốn băng Paris By Night mới vừa được phát hành.  Chừng bước vào ngưỡng cửa … Ối Trời đất quỉ thần ơi!  Cái phòng khách của tôi trông giống như bãi chiến trường!  Đồ chơi vương vãi khắp nơi khiến tôi hoa cả mắt.  Tôi thở dài đánh sượt, không nén được lời trách móc :
- Mấy cha con ở nhà bày dữ vậy, sao không dọn dùm chút coi?
Anh chồng, mắt vẫn dán chặt vào trận bóng đá trên màn ảnh Tivi, nhẩn nha trả lời :
        - Dọn làm chi cho mệt, chẳng bao lâu tụi nhỏ lại lôi ra nữa thôi.
Còn hai cậu quí tử, tay không ngừng bấm Game, nhăn răng cười toe toét :
        - Tụi con đâu thấy có gì cần dọn đâu hở Mẹ?

Như vậy có nghĩa là chỉ có một mình tôi cảm thấy ngứa mắt nên đành xăng tay áo lên, thực hiện bài tập thể dục một cách thật uể oải, chốc chốc lại đưa mắt liếc nhìn cuốn băng nhạc nằm tênh hênh trên mặt bàn mà lòng buồn rười rượi…
     
Thế đấy, quả là chồng tôi có nhiều tật xấu khó ưa cần phải gấp rút thay tâm đổi tính có phải không?  Tuy nhiên, công bằng mà nói, chồng tôi cũng có một số điểm đáng ngợi khen lắm chứ, chẳng hạn như … Ồ!  Sao kỳ lạ vậy?  Tự dưng cái “computer hiện đại nhất” này lại bị “frozen”, đứng ỳ một chỗ, chẳng chịu chuyển sang mục khác gì hết vầy nè?  Có lẽ nãy giờ nghe kể lể nhiều quá, nó thấm mệt rồi chăng?  Thôi thì…đành cáo lỗi, xin hẹn sẽ tường trình tiếp vào dịp khác vậy.

Thụy Khanh