vùng ký ức đớn đau

Hoàng Chính

 

Cầm tờ giấy cho nghỉ việc trong tay, tôi ngập ngừng bước ra khỏi cửa hãng. Buổi chiều lộng gió. Gió, như một bàn tay nghịch ngợm, chụp giựt tờ giấy trên tay tôi. Tôi đã đọc tờ giấy hình chữ nhật có những chữ đánh máy tròn trĩnh ấy hai lần rồi, nhưng sao cứ muốn đọc lại hoài.
Ngồi xuống chiếc ghế chờ xe buýt bên đường, tôi mở tờ giấy đã xếp làm tư ra. Gió đập vào mặt giấy lạch phạch. Chúng tôi trân trọng thông báo cho ông biết là ông được cho nghỉ việc vô hạn định. Mỗi lần đọc tới những chữ vô hạn định, lòng tôi lại nhói lên cái cảm giác tê buốt như thể trái tim bị chích bằng một mũi kim nhọn.
Một thứ mùi khăn khẳn, hôi mốc tỏa ra, vắt trong gió. Tôi khịt khịt mũi, cố định hướng xem cái mùi hắc ám ấy từ đâu đến, nhưng đành chịu. Quanh đây đường xá sạch sẽ, không có một bãi rác nào ở gần; cũng không có một khúc đường cống nào bị vỡ cả. Chợt có tiếng thở phì phò thật gần phía sau. Tôi xoay người lại và đụng vào một thân người khô cứng như một bộ xương cũ kỹ. Một lão già mốc ngời bụi bặm đang chồm người từ phía sau, nhìn đăm đăm vào tờ giấy tôi đang cầm trên tay. Không thèm chú ý đến tôi, lão lẩm nhẩm đọc. Đôi mắt nâu đục lờ những vệt mây trắng của lão dán chặt vào mảnh giấy cho nghỉ việc của tôi. Tôi sững sờ, không còn biết phản ứng cách nào khác hơn là chờ cho lão đọc xong. Xong việc, lão hơi quay đầu qua phía tôi, khạc ra câu nói nhỏ khàn khàn vướng vất trong cái cổ họng dài ngoằng, “Thanks!”
Cách phát âm “th” rõ rệt của lão làm tôi nghĩ lão không phải là người sinh đẻ ở đây. Không chờ tôi trả lời, lão già lủi đi thật nhanh như một con chồn, biến mất vào đám đông trên hè phố. Lão biến đi rồi, cái mùi ẩm mốc như còn vương lại trong không gian lộng gió. Mùi chua chua ngai ngái của thức ăn đã vữa làm cái bụng trống trơn của tôi quặn lên, khó chịu. Tôi nhìn theo hướng đi của lão, cố tìm vóc dáng gầy gò của lão trong đám đông, nhưng không cách nào thấy được cái bóng nhỏ bé, loắt choắt ấy trong đám người áo quần mùa hạ loẹt lòe màu sắc.

Đó không phải là lần đầu tiên tôi gặp lão. Trước đây, tôi cũng đã thường thấy lão, như một chiếc áo choàng rộng thùng thình bằng vải jeans bạc phếch, tròng bên ngoài bộ xương lòng khòng, khô khốc. Lão hay khật khưỡng thả những bước mòn trên khúc đường, mà những mảnh gạch vuông trong lòng đường cũng cũ kỹ như con người của lão. Quãng đường tôi thường gặp lão nhất là khúc đường nhỏ cong quẹo như một chiếc lưỡi liềm mỏng mảnh, dẫn qua một ngôi trường luôn luôn vang vọng tiếng trẻ. Ngôi trường đồ sộ hình như có tới hai cấp lớp: trung và tiểu học. Lão thường hay đi dọc theo lề đường, cái đầu bù xù tóc xám cúi gằm ra phía trước, như một chiếc sọ khô ở đầu một ngọn cây, cắm vào một thân thể thằng bù nhìn làm bằng vải cũ. Cái đầu gật gưỡng như sắp gẫy lìa ra ở khúc cổ. Lão quả là một con người kỳ lạ. Lão không phải ăn mày; lão cũng không có vẻ gì của một con người không đàng hoàng. Trái lại, lão có cái vẻ cần cù của một người biết tằn tiện.
Tôi xếp tấm giấy làm tư, nhét vào túi áo. Ngửa người ra sau, hít đầy hai buồng phổi thứ không khí khô của một ngày xế chiều mùa hạ ran ran hơi nóng. Đêm nay chắc sẽ mưa như dự báo thời tiết trên truyền hình đã loan báo. Tôi mong mưa như mong một người tình yêu thầm nhớ trộm. Ngước nhìn những bệt mây màu trắng đục ở một góc trời bị những khoảng cao ốc cắt góc, tôi hình dung đến những giọt mưa lạnh buốt; những hạt mưa tròn tròn, trong vắt như những viên pha lê mát rượi. Tôi ngáp dài nhìn thiên hạ dập dìu trên đường phố. Đèn giao thông ở ngã tư lặng lờ chớp tắt, xe cộ từng đợt dừng lại, rồi túa đi. Những người đi bộ lao xao như những hình người trong các khúc phim hoạt họa của trẻ em. Chưa bao giờ tôi thấy mình đứng bên ngoài cuộc sống như lúc này. Khi mất việc làm, người ta cũng bị tách luôn khỏi những sinh hoạt của đời sống mệt mỏi nhưng sinh động, như đứa bé sơ sinh bị cắt cuống rốn, tách lìa khỏi thân thể người mẹ.

Vừa nhìn mông sang phía bên kia đường, tôi chợt tỉnh ngủ khi bắt gặp cái bóng gầy guộc của lão già ban nãy; cái bóng mờ nhạt trong đám đông đang cần cù như một con sóc bới bới, đào đào cái giỏ rác bằng lưới mắt cáo đặt bên vỉa hè. Tôi chăm chú nhìn lão. Lão lượm được một miếng giấy gì đó, ngồi khòm xuống, đặt lên đầu gối, vuốt cho phẳng phiu và chăm chú đọc. Những lần trước tình cờ gặp lão, tôi không buồn để ý, nhưng lần này, sau khi mất việc làm, tôi như chao đi trong khoảng không cuống cuồng chóng mặt. Và tôi bỗng dưng thấy hình ảnh của lão quen thuộc như đã thuộc về một phần đời sống mình.
Nhìn vóc dáng, tôi tin chắc lão là một người? Châu. Khuôn mặt lão biện minh cho những điều phỏng đoán ấy. Tóc lão xám xỉn, nhưng trước kia hẳn mái tóc ấy có một màu đen nhánh, đôi mắt lão xếch ngược như đôi mắt một tướng Mông cổ ngày xưa, thường thấy trong tranh vẽ. Tôi tưởng tượng Thành Cát Tư Hãn năm nào, sau cuộc binh đao đã không về lại được đất Trung nguyên ngắt xanh đồng cỏ, để tối ngày đi lang thang tìm lại ấn tín, trong những lề đường thênh thang xứ lạ. Ngồi bên này đường nhìn sang, vừa bằng thị giác mỏi nhừ chói nắng, vừa bằng trí nhớ cùn mòn, tôi thấy mặt lão nhăn nhúm như mặt một chiếc mặt nạ bằng da thuộc. Đôi má hóp và cái miệng chưa bao giờ mở hé được một nụ cười, khiến tôi đoán là lão cũng đã rụng gần hết răng. Mà vậy cũng phải, như tôi đây, gã trai trẻ mới ngoài ba mươi tuổi mà cũng đã có cái cười móm mém tội nghiệp. (Tôi bị chứng thiếu chất vôi trong cơ thể, nên răng và xương èo ọt một cách đáng sợ.)
Lão đọc xong miếng giấy, lẩm bẩm gì đó. Tôi không thấy rõ khuôn mặt lão nhưng hình dung ra được vẻ thất vọng in trên những nếp nhăn. Hẳn lão đang chửi thề. Không biết khi chửi thề thì lão dùng tiếng mẹ đẻ hay tiếng của xứ sở tạm dung. Vài người đi đường dừng lại nhìn lão, nghĩ ngợi gì đó, rồi lại lầm lũi bước đi. Dường như lão chẳng thèm để ý đến ai. Lão lúc nào cũng đắm chìm trong một kiếm tìm vô vọng. Nhưng mà lão tìm kiếm cái gì ở những tờ giấy vụn trong những giỏ rác, hay những tờ bích chương quảng cáo đã phai màu ấy chứ. Tôi tự hỏi, và không tìm nổi câu trả lời.
Một cơn gió thổi thốc tháo trong lòng phố, làm những mảnh giấy vụn bị cuốn lên không gian, xoay tròn rồi lả tả rơi xuống mặt đường. Chiều, hoặc chậm lắm là tối nay sẽ có mưa. Mưa xuống, tôi sẽ chôn chân ở nhà, ngồi (hoặc nằm) bên những cuốn sách cũ, viết lăng nhăng những vần thơ què quặt và nhớ mông lung cái thời còn đi học. (Tôi bỏ học ngay khi vừa tròn cái tuổi hết bị chi phối bởi luật cưỡng bách giáo dục.) Hồi đó, tôi cũng đã yêu mưa; những cơn mưa màu xám ở sân trường...

Hai hôm sau, tôi trở lại hãng nhận hồ-sơ việc làm để đi nộp cho sở Thất nghiệp. Lúc đưa cho tôi tờ giấy có ghi số giờ đã làm, cũng như số tiền lãnh được trong năm qua, con nhỏ thư ký có cái mụn ruồi bên khóe môi trên, bên phải đã ném cho tôi một nụ cười ái ngại.
“Bạn có dự-tính đi xin việc ở đâu không?”
“Cũng chưa biết nữa,” tôi ngập ngừng. “Có lẽ tôi sẽ nghỉ dưỡng sức một thời gian...”
“Tính đi học lại không?”
“Có lẽ...”
“Cố lên, bạn còn trẻ mà, hãy trở lại trường,” con nhỏ dịu dàng an ủi.
“Tôi nghèo mạt rệp.”
“Me too!”
Tôi muốn nói “Nhưng cô là phụ nữ, cô là người bản xứ, và nhất là cô có nhan sắc, còn tôi chỉ là một kẻ di dân hèn mọn...” nhưng tôi dằn nỗi chua cay xuống tận đáy lòng, và chỉ nói ra một phần ý nghĩ mình:
“Nhưng cô đẹp, cô giống người mẫu trên bìa các tạp chí thời trang.”
Khuôn mặt đứa con gái rạng rỡ một nụ cười. (Đó là hình ảnh đẹp thứ nhất tôi ghi nhận được trong ngày, cám ơn Thượng đế.) Nàng cám ơn tôi tíu tít.
“Chúc may mắn!”
“Cám ơn!”
“Hẹn gặp lại.”
“Chào!”
“Tạm biệt.”

Tôi bước ra khỏi cánh cổng khép hờ của hãng. Tiếng máy chạy xình xịch khép lại sau lưng, phố xá mở ra trước mặt. Tiếng xe cộ rầm rĩ. Buổi sáng, ngày còn mềm như tẩm đẫm hơi nước của cơn mưa đêm trước. Những chiếc lá ngắt xanh loang loáng ướt. Gió đu đưa cành, làm rụng xuống những hạt nước mỏng lành lạnh. Tôi nhìn quanh quẩn hai bên lề đường tìm kiếm lão già bữa trước. Phố xá giờ này như còn ngái ngủ. Những kẻ đi làm thì đang ở trong hãng, còn lại trên đường phố hẳn phải là những kẻ thất nghiệp như tôi, hoặc thất tình (?) như lão. (Lão giống một kẻ thất tình lắm chứ.)
Buổi sáng tươi mát như thế này, tôi thèm có được một người bạn, rủ nhau đến một quán cà phê nào đó, nói cho nhau nghe những mẫu chuyện lặt vặt trong đời sống. Những sinh hoạt, những mẫu chuyện nhiều khi chẳng có ý nghĩa gì, nhưng đó lại là một phần của đời sống. (Tại sao cứ phải đi tìm ý nghĩa nọ kia cho những sự việc thực sự chẳng có ý nghĩa gì ráo!)
Tôi đứng lừng khừng bên lề đường, nhìn vẩn vơ những đám mây trắng rỡ. Phải kiếm chỗ nào nhìn thiên hạ hấp tấp sống chứ. Tôi nghĩ đến chiếc băng ghế dài chỗ trạm ngừng xe buýt. Chỗ đó hơi ồn ào, nhưng nếu muốn tìm thêm những hình ảnh đẹp, để xếp vào sưu tập của một ngày thì trạm ngừng xe là nơi lý tưởng. Những học sinh trung học của ngôi trường ở khúc quanh cũng thường xuống xe buýt ở đây. Những con bé tươi mát, tròn đầy như tuổi trẻ của một xứ sở tự do no đủ.
Nhưng chiếc băng ghế dài sáng nay đã bị chiếm ngự. Lão già đó chứ ai, cái lưng gù của lão trong chiếc áo choàng vải jeans bạc phếch ấy làm sao có thể lầm với ai khác được. Đôi vai rung rung như thể lão đang rùng mình vì gió lạnh. Mái tóc bù xù rối rắm tưởng chừng như lão vừa mới được gỡ ra khỏi một cuộc vật lộn. Lão đang lúi húi làm gì đó. Từ đàng này, tôi chỉ có thể nhìn thấy khoảng lưng gù của lão rung rung khe khẽ. Lão lạnh chắc.
Tôi luồn tay vào túi áo, đếm lại những đồng xu. Tôi sẽ mời lão già một ly cà phê, chắc lão sẽ nhận lời. Tôi cũng dân? châu như lão. Lão già, tôi trẻ nhưng điều đó hẳn không ảnh hưởng gì đến cái tình thân hữu chúng tôi sắp chia xẻ với nhau. Những đồng xu va chạm nhau leng keng trong túi quần. Tôi lẩm nhẩm tính. Còn đủ cho vài ly cà phê và một chuyến xe buýt về nhà.
Hít chút tự tin tưởng tượng váng vất trong không khí vào đầy lồng ngực, tôi thong thả bước về phía lão. Vài chiếc xe qua lại dưới lòng đường ẩm ướt. Tiếng bánh xe nhèm nhẹp bóc lên từ mặt đường gạch ướt. Tôi bước đến sát cạnh lão. Lão đang cắm cúi trên một mảnh giấy vuông, nhỏ như một trang vở học trò. Tôi vòng qua phía trước, chuẩn bị một câu chào. Nhưng tôi chưa kịp chào, đã bắt gặp cái khuôn mặt nhăn nheo của lão vặn vẹo đau đớn. Miệng lão căng ra hai bên, hai má ướt nhòa nước mắt. Những sợi tóc xám bạc ủ rũ trên trán, đôi vai lão rung rung. Hai tay lão kềm siết mảnh giấy nhỏ đã nhòa hết chữ viết, chỉ còn trơ lại những hàng kẻ lờ mờ. Tiếng nấc nức nở lọt qua cái miệng méo xệch và hai lỗ mũi phập phồng, lấm lem mũi rãi. Lão khóc; Trời ơi, lão đang khóc, như một đứa bé ở đáy nỗi khổ đau tột cùng.

Đôi-chân-hăng-hái tôi chùn lại, và chôn cứng trên nền gạch. Tôi bối rối, hỏi lão bằng tiếng Anh, “Ông có sao không?”
Lão vẫn khóc tức tưởi. Tôi khom người về phía lão. Cái mùi chua chua, ẩm mốc vồ lấy tôi, như một cơn lốc nhỏ. Tôi lại chào lão và hỏi, “Tôi có thể giúp ông được chuyện gì không?”
Dòng nước vẫn túa ra từ hai hố mắt sâu. Tiếng nấc của lão làm tôi hoang mang khôn tả.
“Chào ông, ông có sao không?”
Lão vẫn khóc.
“Ông bệnh phải không?”
“...”
“Tôi gọi xe cấp cứu cho ông nghe.” Tôi kiên nhẫn hỏi, chẳng biết lão có hiểu cái thứ tiếng Anh tôi đang nói không.
“Ông có mất gì không?” Tôi lại hỏi, dù không tin là lão có gì để mất.
Tiếng khóc rưng rức vẫn cuồn cuộn tuôn ra, qua cái miệng căng dài như một cái gạch ngang khốn khổ và hai lỗ mũi phập phồng nước. Vai lão khóc, lưng lão khóc, cả người lão cùng khóc; cả những ngón tay đang miết trên mảnh giấy hình vuông, cũ kỹ cũng khóc.
“Ông cần gọi cảnh sát không, tôi gọi dùm cho.”
“No!” Lão chợt gầm lên rồi lại tiếp tục khóc. Tiếng rống của lão khàn khàn như tiếng gầm của một con sư tử già nua.
Tôi lại ngập ngừng, “Are you okay?” dù biết chắc lão chẳng ô-kê chút nào.
Tôi cố nhìn cái đầu của lão, để đón bắt một cái gật hay lắc của chiếc sọ nhỏ bé cắm trên mảnh thân hình mỏng teo ấy. Nhưng chỉ thấy được những cái rung của cả thân người nhịp nhàng với những tiếng nấc khô khan.
Tôi rón rén ngồi xuống cạnh lão. Kiên-nhẫn. Bỗng dưng, tôi thấy thương xót lão như thương một người chú, người cậu ốm đau, bệnh hoạn. Cái mùi vữa chua vẫn tỏa ra quanh lão, nhưng tôi thấy dễ chịu hơn ngày hôm trước. Cái mùi ấy không còn làm tôi muốn ói mửa. Lão hẳn có chuyện gì buồn ghê gớm lắm. Tôi ngồi cách lão khoảng một gang tay. Tôi không muốn gây cho lão cái cảm-giác đang bị quấy rầy. Tôi chỉ muốn tìm hiểu, và nếu được, giúp lão được gì thì giúp, thế thôi. Lão cũng là người tha hương như tôi.
Vài người đi đường ngoái lại nhìn chúng tôi. Hai kẻ tóc đen này hẳn giống hệt đứa con hoang đàng và người cha già nặng tình phụ-tử trong Kinh thánh. Những bóng cây dần dần ngắn lại. Nắng trải xuống lòng đường lát gạch những mảnh thủy tinh óng ả. Cơn khóc vật vã lắng dần, lão đưa tay áo lên quệt nước mắt, và bất chợt xoay qua, dúi mảnh giấy vào tay tôi. Tôi chụp lấy tấm giấy, vội như con mèo háu ăn vồ con cá nhỏ.
Tôi run run mở rộng tờ giấy mềm, ẩm ướt. Đó là một tấm giấy cỡ trang vở học trò có những đường kẻ xanh cũ mờ. Tờ giấy nhăn nhúm nhòe nhoẹt những chữ viết mực xanh tím. Tôi lật qua lật lại mảnh giấy, hoàn toàn không hình dung ra được những gì đã được viết trên đó.
Tôi ngập ngừng hỏi lão, “Giấy gì đây?”
Giọng lão khàn khàn. “Đọc dùm tao được không?” Tiếng Anh của lão tương đối cũng dễ nghe. Tôi đưa tờ giấy, soi lên ánh nắng trong, lắc đầu nghi ngại.
“Không thể. Chẳng có gì hết...”
“Vậy thì hãy mặc xác tao!” Lão gầm lên và giật phắt tờ giấy trong tay tôi. Trong lúc tôi chưng hửng ngơ ngác thì lão cẩn thận vuốt tấm giấy cho thẳng thớm và xếp lại làm tư, rồi làm tám, và nhét sâu vào túi. Tôi liếc nhìn lão, thấy cái túi áo dày cộm giấy tờ. Bây giờ tôi mới nhận ra hai túi ngoài áo choàng vải jeans của lão cũng đầy những giấy. Lão lặng lẽ đứng dậy, khục khặc ho rồi xoay lưng về phía tôi, lầm lũi bước đi. Chiếc quần jeans lão mặc đã bạc trắng và rách tua ở hai ống. Đôi giầy bata đen đúa dơ bẩn dưới chân lão, nhùng nhằng hai sợi dây cụt ngủn.
Tôi nói với theo, “See you later!”
Không nghe lão trả lời. Cái bóng gù của lão già lẫn vào bóng những người qua lại trên đường phố. Nhìn theo cái bóng gầy guộc ấy, tôi không khỏi không nhớ đến nhân vật Lão gù nhà thờ Đức Bà trong truyện Victor Hugo. Lão đi rồi, cả một khoảng trống trải của một ngày không có gì làm trải ra trước mắt tôi. Đường phố vẫn thấp thoáng người qua lại. Tôi nhìn lại bằng trí nhớ tờ giấy lão già đưa cho coi ban nãy. Vẫn chẳng tìm ra được điều gì mới lạ. Bỗng dưng tôi thấy mình thở dài.

Bẵng đi một thời gian tôi không gặp lão. Đúng ra thì cũng mới chỉ có ba ngày. Có lẽ sự chờ đợi đã cho tôi cái cảm-giác mỏi mòn về thời gian. Suốt ba ngày nay, tôi không gặp lão già sống vất vưởng ấy. Tôi nghĩ là lão ốm đau chi đó. Tội nghiệp lão. Một thân một mình (sao mà lão giống tôi thế không biết,) những lúc ốm đau như thế biết trông cậy vào ai. Suốt ba hôm liền, sáng nào tôi cũng ra ngồi ở chiếc ghế trống bên trạm ngừng xe buýt. Người tài xế tuyến đường này hẳn không hiểu nổi tôi mắc chứng gì mà chờ hoài những chuyến xe đến rồi đi bên đường phố cũ. Thực ra, cũng có lúc tôi băn khoăn tới mức muốn đi báo cảnh sát để họ tìm lão. Tôi sợ lão chết dấm dúi đâu đó, ở một xó xỉnh vắng vẻ của thành phố. Tội nghiệp lão. Lão già vô gia cư. Phải chi hôm gặp lão ở đây, tôi rủ lão về sống với tôi, hẳn lão đã không chết vì đói, lạnh. Hình dung đến cái thân hình xương xẩu của lão nằm chết khô bên một ống cống nước hôi hám, tôi cảm thấy mình có lỗi với lão; tôi thấy mình đồng lõa với Thần Chết. Nhưng chắc gì lão đã chết. Tôi mong lão còn sống, còn khỏe mạnh và nhanh lẹ như con chồn tinh khôn, vẫn thường lục lọi những giỏ rác, trong khúc đường ngắn ngủn dẫn tới ngôi trường học khang trang lúc nào cũng rộn ràng tiếng trẻ. Có lẽ lão trôi dạt đến một thành phố khác. Gã Thành Cát Tư Hãn lưu lạc mò mẫm tìm đường về đất Trung nguyên xa thăm thẳm.

“Hey, Đọc dùm cái này coi!”
Lão già, trời ơi, lão đây chứ ai. Tiếng gọi bất ngờ của lão làm tôi muốn đứng tim. Vẫn khuôn mặt nhăn nheo lớp da chai cứng, đôi mắt xếch như hai dấu sắc và huyền trên vừng trán lòa xòa mớ tóc xám bạc màu rối rắm. Cặp môi khô nẻ, hở ra hàm răng sún mất chiếc răng cửa. Tiếng Anh của lão cũng dễ nghe. Tôi mừng rỡ, đón lấy mảnh giấy nhàu nát, nhích qua một bên nhường chỗ cho lão và cố gắng lịch sự mỉm cười.
“Chào ông, mời ông ngồi.”
Lão gá người ngồi xuống cạnh tôi. Mùi chua mốc tỏa ra oi nồng, khó chịu.
“Thanks!”
Tôi vuốt mảnh giấy cho thẳng. Lão nhắc bằng cái giọng vướng đàm trong cổ họng:
“Cẩn thận!”
“Đừng lo.”
“Quan trọng đấy. Mắt tao kém, đọc không được.”
Tôi cố gắng đọc những chữ nhỏ li ti lờ mờ trên trang giấy. Những chữ viết tay xấu xí quấn lấy nhau như những con giun quằn lên vì bị xéo.
“Đọc được không?”
“Được chứ. Giấy báo dọn nhà, Thưa ông quản lý, tôi xin thông báo cho ông biết tôi sẽ dọn ra khỏi...”
“Shit!” Lão gắt.
Tôi ngơ ngác xoay qua nhìn lão. Lão không nói gì thêm, lặng lẽ gỡ mảnh giấy ra khỏi tay tôi, xếp lại làm tư rồi làm tám và nhét vào túi áo.
“Ông bị mất giấy tờ hả?” Tôi tò mò.
Lão lặng thinh nhìn theo chiếc xe buýt học sinh đang quẹo trái ở ngã tư.
“Ông uống cà phê không, tôi mời; mình lại cái quán đàng kia...”
Lão vẫn chăm chú nhìn chiếc xe đã mất hút ở khúc quanh. Bỗng dưng lão gầm gừ trong cổ họng, “Thằng Jack khốn nạn!”
“Jack là ai vậy?”
“Thằng Jack khốn nạn; khốn nạn...”
“Mình lại quán cà phê ngồi nói chuyện. Tôi mời...”
Lão bỗng quay sang, nhìn thẳng vào mắt tôi, “Tao thèm rượu.”
Tôi cố tính nhẩm xem trong túi mình còn bao nhiêu tiền, có đủ mời lão uống vài ly rượu không, nhưng không nhớ nổi.
“Ngày mai mình uống rượu, hôm nay uống cà phê. Tôi mời...”
“Shit!” Lão quay phắt đi như giận dỗi sau câu chửi thề.
“Jack là ai vậy?” Tôi thắc mắc.
Lão không trả lời, mà hỏi ngược lại, “Uống cà phê ở đâu?”
Tôi chỉ về phía quán cà phê có bán bánh ngọt ở góc đường, kế bên trường học.
“Đi!”
Lão nói và đứng ngay dậy, tôi đứng lên theo và thong thả đi bên cạnh lão, về phía ngôi trường trung học. Tin rằng mình đang dần chinh phục được lão già, lòng tôi hân hoan khôn tả. Tôi muốn hỏi lão từ đâu tới nhưng chưa dám. Chúng tôi chưa quen nhau tới mức có thể hỏi những câu như thế. Trí tưởng tượng của tôi hoạt-động khẩn cấp. Lão hiện ra như một tay gián điệp quan-trọng của quân đội Thiên hoàng. Cặp mắt xếch làm lão có nét giống một sĩ quan Nhật. Biết đâu, lão lại chẳng đang miệt mài tìm kiếm một cái gì đó mà tôi không thể nào ngờ tới. Lão cũng có thể là một tay sát nhân đang bị truy lùng nên giả điên giả khùng che mắt thiên hạ.
Lúc gần tới tiệm cà phê, lão chợt đứng sững lại. Tôi ngơ ngác nhìn lão, “Chuyện gì thế?”
“Tao ghét con nhỏ ở quầy tính tiền.”
“Tại sao?”
“Nó không thích dân tóc đen.”
“Chả sao.”
Lão trừng mắt, giận dữ, “Tóc mày màu gì?”
“Thì...đen.”
Lão đưa tay gãi đầu xồn xột. Những bụi trắng từ chân tóc lão lỏa tỏa bay ra trong nắng sớm. Lão nói như ra lệnh, “Mày mua rượu về nhà tao uống.”
Tôi ngạc nhiên. Lão mà cũng có nhà nữa ư. Thôi được, cứ mua đại chai rượu gì đó, về nhà lão uống lai rai. Ừ biết đâu lão lại chẳng là một tay triệu phú trá hình; biết đâu lão lại chẳng thấy tôi hiền lành, đáng thương (thực tình, tôi thấy mình cũng dễ thương,) mà chia cho một phần tài sản. Lão già triệu phú không ai nối dõi sẽ chọn tôi làm người thừa kế. Hình ảnh căn nhà nguy nga hiện ra lờ mờ trong trí tưởng. Tôi - trong trí tưởng - đi ra đi vào căn nhà rực rỡ ánh đèn ấy, một con chó trắng như bông quấn quýt dưới chân. Tôi thành một tay trưởng giả thứ thiệt dễ ghét. Chỉ có thế mà lòng tôi cũng thơ thới, hân hoan như những lúc đọc được một vần thơ trác tuyệt.
“Mày mua chai rượu nào được được một chút. Tao chờ ở đây.”
Lão nói khi chúng tôi đi ngang qua chỗ chiếc ghế quen thuộc ở trạm ngừng xe buýt. Một người đàn bà mặc chiếc áo đầm lòe loẹt màu sắc đang ngồi ở một đầu ghế. Lão ngồi xà xuống đầu ghế bên kia. Tôi nói ô-kê và quay đầu bước đi, thoáng thấy mụ già hấp tấp đứng dậy dạt ra phía sau, cách chiếc ghế một khoảng xa. Tôi không nghe tiếng chửi thề của lão. Tôi mong lão đừng thèm để ý đến chuyện nhỏ nhặt ấy. Những người đàn bà ở đây đầy quyền năng. Hẳn lão đã biết cách giữ mình.
Tôi vào tiệm rượu ở phía bên kia con phố. Những chai rượu đủ loại làm tôi bối rối. Tôi không biết lão thích thứ gì. Sau cùng, tôi lựa đại một chai rượu vừa túi tiền nhất, (nghĩa là chai rượu rẻ nhất,) hẳn lão cũng thông cảm dùm tôi.
Lúc tôi quay lại, lão đang vuốt ve một mảnh giấy vụn nhỏ bằng bàn tay. Vừa thấy bóng tôi, lão xếp tờ giấy lại, bỏ vào túi áo.
“Let's go!” Tôi quơ cái bọc có chai rượu lên trước mặt lão.
“Okay.”
“Nhà ông ở đâu?”
”Đừng hỏi.”
Thấy lão gắt gỏng, tôi đổi đề-tài, “Trời đẹp quá.”
Lão cứ lầm lũi bước. Tôi hấp tấp đi theo. Lão già lủi nhanh như một con sóc. Lúc đi ngang qua sân trường học, bước chân lão có hơi chậm lại. Lão quay đầu nhìn vào sân trường. Tôi liếc theo hướng nhìn của lão rồi quay lại nhìn lão. Lúc này, lão giống ông Ba bị đi tìm bắt trẻ con. Lão lẩm bẩm gì đó tôi nghe không rõ, rồi lại lầm lũi bước.
“Thằng khốn nạn Jack...”
“Hả?”
“Tao không nói chuyện với mày!”
“Ồ, xin lỗi.”
“Khỏi cần xin lỗi.”
Thái độ của lão làm tôi thấy thích thú. Tôi lập lại câu hỏi ban nãy, “Nhà ông ở xa không?”
“Mày có thể câm mồm đi được không?”
“Okay.” Tôi kiên nhẫn.
Sau khi đã qua mấy chục khúc rẽ quanh co, chúng tôi đi vào một khoảng sân rậm rì cỏ dại. Một căn nhà đổ nát bỏ hoang, xiêu vẹo trên nền đất, cạnh đó là một cái nhà để xe lụp xụp. Tôi ngỡ ngàng chùn bước.
Thấy tôi chăm chú nhìn căn nhà, lão hầm hừ, “Không phải nhà đó, cái kia kìa.” Lão chỉ cho tôi căn nhà để xe nhỏ bé như chiếc hộp bị móp méo khắp xung quanh.
“À.”
“Vào chơi!” Giọng lão dịu xuống.
“Vâng, cám ơn.”
Lão đẩy cánh cửa gỗ qua một bên. ?nh nắng lùa vào, vẽ lên trước mắt tôi một cái ổ chuột khổng lồ gồm những nệm giường mủn rách, những khăn trải giường nhăn nhúm cũ rích, một chiếc ghế có nệm bọc da màu xanh lá cây đã bung lò so. Và biết bao nhiêu là giấy tờ lụn vụn. Những tờ giấy vuốt thẳng, buộc lại với nhau thành từng bó, xếp dọc theo vách tường.
“Sit down,” lão nói, tay chỉ chiếc ghế cũ. “Coi chừng rách quần.”
“Thanks!”
Tôi dè dặt ngồi xuống ghế. Tiếng lò so khô dầu kêu lên kèn kẹt. Chiếc ghế lỏng lẻo như thể không chịu nổi sức nặng của tôi, chỉ muốn gẫy sụp.
Lão trấn an tôi, “Đừng lo, coi vậy mà chắc lắm.”
“Thanks.”
“Sao mày cám ơn hoài vậy?” Lão cau có ngồi phịch xuống tấm nệm giường cũ kỹ. Tôi lúng túng cười trừ.
“Đưa tao coi chai rượu xem.”
Tôi trao chai rượu còn trong bọc cho lão. Lão hấp tấp xé toạc cái túi giấy bọc ngoài, đưa chai rượu sát đôi mắt màu nâu đã kéo mây ngắm nghía; đôi mắt có những đường gân máu ngoằn ngoèo đỏ loét. Tôi chăm chú theo dõi cử chỉ của lão. Không bày tỏ một nét nào của sự hài lòng hay thất vọng, lão loay hoay tìm cách mở nút chai.
“Ông không có đồ mở nút chai sao?”
“Silly question.”
“Sorry!”
Loay hoay một hồi lão cũng mở được cái nút chai, và đưa chai rượu lên mũi hít hà. Đôi mắt lim dim, như thể lão đang say mê thưởng thức cái hạnh-phúc nhỏ nhoi nồng nồng bốc hơi trong không khí. Tôi toan hỏi lão có ly uống rượu không, nhưng kịp ngừng ngay lại. Lão dốc chai rượu lên tu một hớp, nhăn mặt hít hà.
“Mẹ kiếp, thua rượu nếp than xa!”
Lão làm tôi giật mình, hoảng hốt. Lão vừa mới nói một câu tiếng Việt. Lão là người Việt Nam, Trời ạ. Vậy mà tôi có bao giờ ngờ. Tại đôi mắt Mông cổ của lão. Tôi cuống quýt hỏi lão, bằng tiếng Việt:
“Ông Việt Nam hở?”
Lão sựng người lại, chai rượu bị giật ra khỏi cái miệng rộng, đổ sánh ra vài giọt. Lão trợn mắt nhìn tôi:
“Mày Việt Nam à? Sao giống Tàu quá, Tao tưởng mày là Tàu Đài Loan, Hồng Kông gì chứ.”
Lão đặt chai rượu xuống nền xi măng lồi lõm, lừ đừ đứng lên, như một xác chết vừa đội mồ sống dậy. Khuôn mặt lão căng ra vì sững sờ, rồi chùng xuống, dãn ra, và mềm lại như đang hạnh-phúc tột cùng.
“Vậy mà tao có biết đâu. Ha ha,” lão cười khoái trá. “Tha hương ngộ cố tri...”
Lão nói giọng Bắc thật rõ. Lão bước tới một bước, ôm chầm lấy tôi, siết cứng lại. Thân hình xương xẩu của lão cấn lên người tôi, như những thanh sắt cong của một chiếc giường vênh vẹo. Tôi ngộp thở trong đôi tay bằng thép của lão. Mùi hôi mốc siết cứng lấy hai lỗ mũi tôi ngột ngạt. Bàn tay lão vỗ về lưng tôi dịu dàng, thân thiết.
“Mày còn đi học không?”
“Dạ không.”
“Mày còn trẻ quá. Tên gì nhỉ?”
‘Dạ, Tâm.”
“Vợ con gì chưa?” Lão vẫn chưa buông tôi ra.
“Chưa.”
“Thất nghiệp hả?”
“Dạ.”
“Có nhà cửa gì không, nếu không về ở với tao.”
Lão buông thõng hai tay, nhìn tôi, chờ câu trả lời.
Tôi ngập ngừng, “Dạ có, thuê apartment.”
“À,” lão nắm lấy cổ chai rượu, ngồi phịch xuống tấm nệm cũ. “Rảnh rỗi lại đây chơi.”
“Vâng.”
Lão đưa chai rượu lên miệng, tu ừng ực. Xong, gật gù lẩm bẩm một mình, “Được lắm, được lắm...”
Không hiểu lão khen rượu hay khen mình, tôi áy náy ngước nhìn mảnh mặt trời lấp ló sau khoảng trống trên mái “căn nhà” của lão.
“Ông ở đây mùa đông có đủ ấm không?”
Lão tu một hơi rượu, nuốt cái ực, khề khà, “Mày hay hỏi ngớ ngẩn.”
Mặt lão ngả dần sang màu tím, cái màu của miếng thịt bò ôi. Từ lúc khui chai rượu ra đến giờ, lão chẳng hề mời tôi được một câu. Tôi ngồi lặng lẽ nhìn lão uống tì tì như một tay bợm nhậu thứ thiệt, không cần tới đồ nhắm.
“Giấy tờ gì mà ông có nhiều thế?” Tôi đánh liều hỏi, hai mắt đảo vội một vòng căn nhà để xe chật hẹp.
Mặt lão bỗng nghiêm trang hẳn lại. Đôi mắt đỏ sọng nhìn mông vào khoảng trống trước mặt. Lão ngồi đờ người ra như bị thôi miên mất vài giây rồi lại tiếp tục uống. Lão uống, hết ngụm này tới ngụm khác. Chẳng bao lâu rượu đã cạn tới gần đáy chai.
Tôi làm ra vẻ thản nhiên, “Jack là ai vậy?”
Tia nhìn lão tóe lửa về phía tôi bỏng rát. Mặt lão cau lại hằn học, cằm lão bạnh ra như đang nén cái đau trong cơn tra tấn bạo tàn. Tôi lì lợm đợi câu trả lời của lão. Mất đến hơn một phút căng thẳng nặng nề, sau cùng mặt lão dịu xuống, lão tu một hớp rượu, nói nhỏ, “Thằng Jack học cùng trường tao hồi đó.”
Tôi thở phào.
“À, bạn học cũ của ông...”
“Cùng trường nhưng khác lớp.”
“....”
“Nó chết rồi!”
Tôi ngơ ngác nhìn lão, đợi câu nói kế tiếp.
Lão tu một hớp rượu, rồi thong thả, “Tao giết nó.”
Tôi sững người, ngơ ngác, “Ông giết?”
“Ừ.” Giọng lão lạnh tanh.
“Ở đâu?”
“Cái trường ở khúc mày hay ngồi đợi xe bus.”
“Hồi nào?”
“Lâu rồi.”
Tôi đã đoán đúng. Lão là kẻ đang bị pháp luật truy lùng; hèn chi lão giả điên giả khùng. Tôi lo lắng liếc quanh, tìm xem có vũ khí gì có thể tự vệ được, để nếu cần...
“Thằng khốn nạn Jack.” Lão nói bằng tiếng Việt cái câu mà trước đây tôi hay nghe lão lẩm bẩm bằng tiếng Anh.
“Rồi, rồi...ông có bị gì không?”
“Mày sợ hả?” Lão quay phắt qua nhìn tôi. Đôi mắt ánh lên những tia lửa màu đỏ cam. Lão già, tôi trẻ, chắc tôi đủ khả năng tự vệ nếu bị lão tấn công. Tôi luống cuống:
“Không có, hỏi cho biết vậy thôi.”
Lão trầm ngâm, “Tao ở tù hai chục năm.”
Tôi điếng hồn. Lão lẩm bẩm, “Mẹ kiếp!”
Cả hai chúng tôi cùng im lặng. Tôi không biết phải hỏi lão về chuyện gì mà không làm lão bực mình. Lão nóng tính. Tôi không muốn làm mất lòng lão. Dù sao lão cũng đáng tuổi cha chú; dù sao lão cũng là người đồng hương. Lão già bắt đầu say. Cái đầu lỏng khỏng của lão lắc lư như đầu con rối bị đứt dây. Một tay lão nắm cứng cổ chai rượu đã gần cạn, tay kia quơ quào loạng quạng.
Chợt lão quát lên, “Mẹ kiếp, lẽ... ra tao cũng... không nên giết nó...”
Tôi chồm người ra đằng trước ngóng câu nói kế tiếp của lão.
“Giết nó rồi, gần ba chục năm sau, tao vẫn không tìm lại được...” Lão buông lửng câu nói. Chất tò mò trong tôi bị kích-thích đến cực độ, nhưng tôi không dám đặt câu hỏi, chỉ sợ lão nổi giận. Tôi kiên nhẫn ngồi chờ, như kẻ đệ tử ngồi chờ sư phụ ban truyền bí kiếp. Một vuông nắng lọt qua khoảng trống trên mái, rớt xuống mặt lão. Tôi thấy được những nếp nhăn đặm nét. Có những giọt nước lăn dài trên má lão. Lão lại khóc. Tôi thấy vai lão rung rung. Giọng lão khao khao ướt sũng:
“Không bao giờ tìm được; never, never...”
Lão bắt đầu khóc. Tiếng khóc rưng rức làm tim tôi đau nhói. Tôi là kẻ đa cảm, tôi không muốn khóc theo lão, nhưng trời ơi cái hình ảnh một lão già sống lẻ loi, lưu lạc ở một nơi cách xa quê-hương hàng chục ngàn cây số ngồi khóc tức tưởi vì một niềm đau nỗi khổ nào đó, làm lòng tôi mềm nhũn như miếng bánh tráng nhúng nước.
“Thằng Jack khốn nạn...”
“Nó làm gì ông?” Tôi hỏi.
“Tao học thua nó... hai lớp. Tao tị nạn... tao mù chữ Anh...”
Lão khụt khịt mũi. Khuôn mặt lão tối sầm dù đang được mặt trời ném xuống cho một vạt nắng hình vuông.
“Ngày nào nó cũng giựt cặp sách, mũ, giầy tao... quăng đi... như chơi baseball..”
Tôi hình dung ra một thằng bé tóc đen chạy lăng quăng theo cái cặp xách, cái mũ, chiếc giầy mà lũ bạn ác độc đang chuyền tay nhau trên sân trường.
“Tao học lớp mười, tao ở với chú... và con mụ thím... khốn nạn... mày biết không? À mà mày tên gì... tao quên mất rồi.”
“Tâm.”
“Ừ, Tâm... Con mụ thím khốn nạn.... Phải không Tâm?”
“Phải.”
Lão quơ tay một vòng, chỉ cho tôi coi đống giấy vụn lão gom thành từng bó xếp chung quanh vách tường. Những mảnh giấy vụn ấy thì liên-hệ gì tới câu chuyện của lão chứ. Và con mụ thím khốn nạn nữa?
“Tao lấy địa chỉ trường để nhận thư... Tao không muốn... con mụ thím khốn nạn mở thư tao ra xem...” Lão lại ngửa cổ tu một hớp rượu. “Thằng Jack khốn nạn lấy cặp sách của tao quăng cho một lũ khốn nạn khác... giấy tờ, sách vở bay tứ tung...”
Lão ngừng lại, đưa tay áo lên chùi nước mắt.
“Hôm ấy tao vừa mới... nhận được thư của... mẹ tao... ở Việt Nam...” Lão nói đến chữ Mẹ một cách kính cẩn. “Thư của mẹ tao...”
Lão lại khóc tức tưởi. Tôi lờ mờ hiểu ra sự liên-hệ của tờ giấy vụn mà có một lần lão đã nhờ tôi đọc dùm, cùng những đống giấy vụn chất đầy quanh bốn bức tường cái nhà để xe chật hẹp này, với câu chuyện lão đang kể. Giọng nói lão khàn khàn khê đặc, “Mấy chục năm nay... tao vẫn không hiểu... mẹ tao đã viết những gì... trong tờ thư đó... thằng Jack khốn nạn.... thằng khốn nạn...”
Tôi nhỏ nhẹ, “Sao ông không viết thư hỏi bà cụ?”
Lão bất thần quăng chai rượu vào tường, cái chai thủy tinh vỡ nát, mảnh vụn rào rào bay tứ tung. Tôi hoảng hốt toan đứng dậy chạy trốn, nhưng thấy lão vẫn ngồi đó, sự phẫn nộ chỉ hằn trên nét mặt, nên tôi ngồi nén lại, nhấp nhổm trên mặt ghế.
“Đồ ngu!” Lão gầm gừ. Tia nhìn của lão tóe lửa. “Mẹ tao đau màng óc... ở Việt Nam... đó là tờ thư cuối cùng... biết không? Thằng ngu!”
Lão gào lên, khóc sướt mướt như lần tôi bắt gặp lão khóc trên đường phố. Tôi bối rối cùng tột. Biết nói gì cho lão nguôi ngoai đây hở Trời. Tình mẹ con có gì mà đền bù được. Thằng Jack nào đó khốn nạn thật. Và con mụ thím nào đó cũng khốn nạn không thua gì thằng Jack. Tôi thương lão già quá, nhưng biết làm sao bây giờ. Người mẹ khốn khổ đã trối trăn gì với thằng con xa xứ nhỉ. Trời ơi, có biết bao nhiêu là câu hỏi. Tôi nảy ra ý nghĩ viết một tờ thư giả, thuyết phục lão rằng đó là tờ thư của mẹ lão. Biết lão có tin tôi không. Tính lão nóng nảy. Lão dám giết tôi nếu khám phá ra sự thật. Trời ơi, hãy chỉ cho tôi biết phải làm gì để giúp lão già tội nghiệp này.
Tôi lúng túng ôm hờ lấy vai lão. Cơn say đã đầy ứ tới cổ, người lão mềm nhũn, lão sụt sùi ngã người theo sức đỡ của cánh tay tôi. Tôi đỡ lão nằm xuống tấm nệm cũ. Hai mắt lão nhắm nghiền, hai vai rung rung theo tiếng nấc.

Một lát, căn nhà để xe vuông vức vang vang tiếng ngáy.

***

Vậy là tôi không còn thất nghiệp nữa; trong những ngày tới, tôi sẽ phụ lão trong việc tìm kiếm một tờ thư; một tờ thư đến từ cái nước Việt Nam xa lơ xa lắc. Tôi tần ngần nhìn vệt nắng nhảy múa trên ngực lão, cái ngực mỏng teo phồng lên, xẹp xuống theo tiếng ngáy rền rĩ; cái ngực chứa đầy nỗi uất ức của một đứa con không được nghe những lời cuối của mẹ mình.


hoàng chính
(Trong tập truyện “Viết Cho Mẹ Ở Quê Nhà” sắp xuất bản.)
www.hoangchinh.com

Hoàng Chính