EM VẪN NHỚ

Thụy Khanh

 


Anh yêu dấu,

Trước mắt em là quang cảnh của một đám cưới đang được chiếu trên màn ảnh truyền hình.  Cô dâu và chú rể tha thiết trao cho nhau ánh mắt nồng nàn, nụ cười mãn nguyện nhất và cùng nhau gợi nhớ lại nỗi gian nan đầy sóng gió đã qua, niềm trăn trở nhớ nhung trong  những đêm dài nghìn trùng xa cách… Cuộc hôn  nhân tuy đến muộn màng, thời gian đã làm phai đi phần nào màu hồng thắm trên má cô dâu, cùng lúc hằn vết nhăn trên vầng trán rộng của chú rể nhưng chính thời gian thử thách dài đăng đẳng ấy lại làm cho ngày vui nhất đời này mang nhiều ý nghĩa sâu đậm hơn, trân quí hơn.

Dù không thể nào hiểu hết từng chữ từng lời những gì đôi tân lang và tân giai nhân đang âu yếm trao cho nhau, thế mà em đã để đôi dòng nước mắt chảy dài trên má!  Em đã nhìn, đã nghe đoạn phim ấy không phải chỉ bằng cặp mắt, đôi tai mà còn bằng cả trái tim của mình nữa.  Xin tạ ơn Trời đã tiếp sức cho chúng ta có đủ nghị lực vượt qua bao thử thách cam go để vợ chồng mình ngày càng cảm thấy gần gũi, gắn bó nhau hơn.

Mới đây, anh Hiếu đã nêu lên một câu hỏi thật khó trả lời : “Nếu có thể lội ngược dòng thời gian để trở lại từ thuở ban đầu, em có chọn anh nữa không?”  Anh nghĩ em nên trả lời sao cho hợp tình hợp lý đây?  Nếu như trả lời “không” thì em lo anh sẽ trách hờn em nhưng nếu trả lời “có” thì e rằng em đã nói dối lòng mình.   Bởi lẽ em vốn là người rất tin vào thuyết định mệnh, sở dĩ hai đứa mình gặp nhau là do Ông Tơ Bà Nguyệt chỉ lối đưa đường đó thôi.  Đã không ít người thắc mắc, hỏi em chứ tại sao anh là người miền Tây, em dân Sàigòn mà lại quen nhau ở Đà Lạt?  Em trả lời rất ư là ngắn gọn : “Thì tại duyên nợ ấy mà!”  Anh đừng cười em nói chuyện tào lao mà hãy thử nghe em lý luận xem có đúng vậy không?

Này nhá!  Nếu giả sử em đừng học luyện thi Tú Tài II cấp tốc ở  trường trung học nọ để khỏi kết bạn với chị Hương (người tự xưng là có họ hàng xa với anh, xa đến nỗi đại bác bắn 20 năm cũng chưa tới) thì làm sao em biết được là có một chàng sĩ quan hào hoa phong nhã như anh trên cõi đời này chứ?  Rồi nếu hồi ấy em dạn dĩ như bây giờ, đừng e ấp trong cách xưng hô thì đâu có những cánh thư lượn lờ giữa Đà Lạt - Sàigòn chứa toàn những tiếng gọi : “Đại huynh ơi! Tiểu muội à!” nghe thật lạ lẫm, dễ thương.  Và nếu như mẹ em cứ đồng ý cho em học Luật, đừng chê em ít nói, làm sao cãi lại với ai thì em đâu đi thi vào trường Đại học ấy, đâu hăng hái khăn gói lên Đà Lạt để tìm gặp “đại huynh” của “tiểu muội”.  Và nếu như “đại huynh” của em lúc ấy xí thật là xí trai…thì đâu đến nỗi tụi mình mang nợ như ngày hôm nay.  Trái lại, dưới ánh đèn dìu dịu trong câu lạc bộ đêm đó, từ ánh mắt đến nụ cười, từ nét mặt đến lời nói tựa như có ma lực hớp hết cả hồn em.  Nó làm em ngẩn ngơ đến nỗi khi chị Hương hỏi em muốn bỏ đường ít hay nhiều vào ly cà phê, em mơ màng trả lời : “Em chẳng cần chút đường nào hết.”  (Bây giờ nhớ lại, em vẫn còn cảm thấy cà phê gì mà đắng thấy cha luôn!)

Mà không biết tại cà phê đắng hay tại cái chi chi đó ám ảnh, em cứ trằn trọc suốt đêm, không tài nào chợp mắt.  Tiếng sét ái tình chăng?  Em chưa vội tin như thế vì lúc ấy, em như con chim nhỏ vừa bị trúng tên.  Có một chuyện đã xảy ra, không lấy gì làm nghiêm trọng lắm, tất cả chỉ vì câu gán ghép bông đùa giữa em và người bạn của cậu em trai đã khiến em mơ mơ mộng mộng.  Cho mãi tới lúc anh ấy sắp sang Bỉ du học, em mới vở lẽ ra là người ta đã có ý trung nhân rồi.  Bởi vậy, anh còn nhớ không, em từng giao kết với anh là hai đứa mình chỉ trao đổi thư từ thôi, đừng bao giờ tìm gặp mặt nhau.  Em tự ví mình như cô bé lọ lem, không ai thèm đoái hoài tới!  Riêng phần anh, chẳng hiểu anh nghĩ gì về “tiểu muội” nhỉ?  Em nhớ lúc ấy, tụi mình cứ nói huyên thuyên, bỏ mặc bà mai Hương và chị bạn dẫn đường ngồi trố mắt nhìn hai đứa líu lo, quên cả thế sự trên đời.

Thế rồi suốt năm đó, em cùng anh dung dăng dung dẻ trên hầu hết các nẻo đường thơ mộng nhất của thành phố Đà Lạt sương mù, thành phố đã tạo nên biết bao trang tình sử đẹp như thơ cũng có mà đong đầy nước mắt cũng có.  Trong trí em lại hiện lên cảnh bọn tụi em gấp rút ôm chị bạn –cùng ở chung trong ký túc xá- lên xe trực chỉ tới nhà thương.  Chị ấy uống thuốc tự tử vì bị gia đình người yêu từ chối cuộc tình mà chị đã trọn lòng gởi trao.  Đã bao nhiêu năm trôi qua mà em vẫn chưa quên được dáng dấp dong dỏng cao, khuôn mặt đẹp mang nhiều nét Tây phương, bản tính nhẹ nhàng, hiền dịu, chị đáng được hưởng một cuộc đời tốt đẹp, yên vui.  Thế mà sau lần tự hủy hoại đời mình đó, tuy được kịp thời cứu sống nhưng ngày nào chị cũng phải dùng khăn để chậm bớt đi chất nước cứ làm ươn ướt chân tóc khắp trên đầu chị (có lẽ là do phản ứng của chất thuốc mà chị đã cố tình uống quá liều chăng?) với nét mặt bình thản như chẳng có việc gì xảy ra.  Hẳn nhiên là chị không hề ân hận về điều mình đã làm nhưng nếu một lúc nào đó nhớ về cha mẹ, chị có cảm thấy lòng bất an chăng?

Và em lại nhớ tới đôi mắt đầm đìa ngấn lệ của người con gái ấy khi hay tin người yêu sắp làm lễ thành hôn với người đã được đính ước từ lâu.  Ôi!  Ai đó có thấu hiểu nỗi đau khổ tột cùng của cô gái nhỏ nhắn, có mái tóc dài đen nhánh và khuôn mặt hiền hậu đáng yêu, trông rất giống cố nghệ sĩ Thanh Nga ấy không?

Thế đó, chính cảnh vật nên thơ của xứ hoa anh đào đã làm mềm lòng khách đa tình để rồi tự mình chuốc lấy khổ đau.  Nhiều khi nghĩ lại, em vẫn thầm cám ơn anh đã một lòng tôn trọng em, đã giữ đúng nề nếp Á Đông “Nam nữ thọ thọ bất thân”, không hề lợi dụng cảnh vật vắng vẻ để tấn công em. (Chà, nếu các ông bạn cùng khóa của anh nghe được chuyện này, mấy ông ấy sẽ phá lên cười ha hả, hí hửng hùa nhau la to lên : “Thì đã bảo nó có biệt danh là “Gà Mái” mà lị!”  Nhưng sự thật không phải vậy đâu, không phải vì anh “Gà Mái” mà chỉ tại em “Sư Tử” đó thôi.)  Nhớ lần ấy, trong lúc tụi mình đang nói chuyện vui đùa với nhau, anh vô tình chạm phải tay em.  Thế là em quắc mắt lên, phủi mạnh tay một cái, không quên kèm theo một câu xanh dờn : “Đánh chết bây giờ!”  Anh rụt tay về, cười ngượng ngập.  Em nghĩ chắc anh giận em dữ lắm, nhưng biết làm sao đây, phản xạ tự nhiên thôi mà!  Có điều anh đừng tưởng em ngây thơ, hiền lành như “ma soeur” mà lầm vì thật ra từ hồi mới học lớp nhì, em đã biết chơi trò “liếc trộm nhìn nhau”, chừng lớn hơn vài tuổi cũng biết viết những lá thư thơ thẩn, thẩn thờ, ngầm trao cho ai.  Tuy nhiên, cũng nhờ ba mẹ và ngay cả thằng em trai của em dặn dò em tận tình quá nên em chưa từng dám phiêu lưu, hẹn hò với ai.

Mãi đến bây giờ em vẫn còn tự hỏi tại sao Mẹ có thể yên lòng để đứa con gái đầu lòng nhút nhát như em một mình đơn thân lên tận miền đất thơ mộng ấy?   Nhắc tới Mẹ, nước mắt em lại tuôn rơi!  Ba em từ giã cõi đời này, bỏ lại Mẹ với gánh nặng 6 đứa con trong lúc Mẹ chưa bước vào tuổi 40, cái tuổi còn tràn đầy nhựa sống của một đời người.  Thế mà Mẹ vẫn một lòng ở vậy, nuôi nấng chị em chúng em học hành tới nơi tới chốn, không một lời thở than.  Em hằng ao ước có một ngày nào đó, em có đủ bình tâm để ngồi viết lại cuộc đời của Mẹ, một mảnh đời truân chuyên với bao nỗi ưu tư, phiền muộn..  Hình như cả cuộc đời của Mẹ chỉ sống cho hai chữ “hy sinh”, hy sinh cái tuổi thanh xuân và cả tâm tư tình cảm của mình để được nhìn thấy sự an bình của Cha Mẹ, các em và sau này cho những đứa con của Mẹ.  Cũng chính vì sự hy sinh cao cả đó mà em đã luôn cố gắng tự giữ mình, em không nỡ làm Mẹ phải thất vọng về em.  Cũng may mà em gặp anh, anh đã thật sự thông cảm em trong mọi tinh huống.  Sau này, lúc anh ra khỏi tù, khi hai đứa lại được gần gũi với nhau,  anh đã cầm tay em, bộc lộ tâm tư : Chính nhờ cái hất tay quyết liệt của em lần đó mà anh tin tưởng rằng em có đủ nghị lực để giữ lòng mình trong thời gian dài xa cách.

Anh có biết không, cho mãi đến giờ, dù tóc đã điểm sương, em vẫn không thể nào ngăn được cảm xúc dạt dào mỗi khi nhìn thấy một dốc đồi xanh mướt, một hốc dá cheo leo hay một con đường rợp mát bóng cây…Mỗi cảnh vật đều gợi em nhớ lại những khung trời kỷ niệm mà dấu chân của hai đứa mình đã len lỏi qua : Hồ Than Thở, Thác Cam Ly, Đồi Thông Hai Mộ, Hồ Xuân Hương, Thác Prenn, Đập Đa Thiện,… Nhưng nhớ nhất vẫn là ngọn Đồi Cù thoai thoải ấy.  Tụi mình thường ngồi kề bên nhau, thủ thỉ thầm thì những chuyện đâu đâu. Anh còn nhớ tụi mình nói với nhau những gì không nhỉ?  Riêng em vẫn còn cảm thấy thích thích khi hồi tưởng lại  câu nịnh đầm rất khéo của anh.  Nhớ lần đó, vừa thấy mấy con kiến bé tí chầm chậm bò trên tà áo dài màu hoa cà của em, anh mỉm cười, liếc nhìn em thật tình tứ rồi vuốt nhẹ một câu : “Em làm sao mà đến kiến cũng thương!”  Em bẻn lẻn cúi đầu, lòng lâng lâng một niềm vui chất ngất.  (Nhưng mà bây giờ, anh chớ dại mà nịnh đầm em bằng câu đó nữa nghe, bằng không em chẳng ngần ngại phang cho anh một câu : “Thôi đừng cải lương nữa, cha nội!”)

Tụi mình vui bên nhau chẳng bao lâu thì sắp phải chia tay!  Anh mời em và mấy đứa bạn đến dự lễ Truy điệu và lễ Mãn khóa của các anh.  Tối hôm ấy, em cùng hai nhỏ Ngọc Nga, Thu Tuyết súng sính trong chiếc áo dài đẹp nhất lần đầu tiên bước vào khán đài thuộc ngôi trường Đại học của các anh để làm lễ Truy điệu các chiến sĩ đã anh dũng bỏ mình vì công cuộc bảo vệ mảnh quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.  Tiếng trống, tiếng kèn rộn rã làm tụi em cũng hòa mình theo cái khí thế hào hùng của những chàng chiến sĩ đang nhịp nhàng di chuyển, trong bộ quân phục màu rêu sậm, trông oai phong lẩm liệt làm sao!  Buổi lễ vừa dứt, anh hiên ngang bước lại gần em, với thanh gươm còn đeo lủng lẳng bên hông, trông anh giống một chàng hiệp sĩ trong phim.  Em nhìn thanh gươm một cách thích thú, rồi ngu ngơ hỏi anh chứ bộ lính bây giờ cũng còn dùng gươm sao?  Anh nhìn em, nheo mắt cười : “Chỉ dùng để làm lễ thôi mà!”

Ngày hôm sau mới đúng là ngày huy hoàng nhất, trang trọng nhất cho các chàng chiến sĩ sắp được chính thức mang quân hàm Thiếu úy.  Ôi!  Cảm động làm sao cái giây phút vô cùng quan trọng ấy!  Chỉ là khách tới tham dự thôi mà em còn hồi hộp đến ngộp thở nữa là!  Lúc đó, trông anh nào cũng rạng rỡ, đẹp trai ra phết!  Riêng em, cứ tưởng tượng được sánh vai cùng chàng sĩ quan trong bộ quân phục còn thơm mùi vải mới, lòng em đã nghe rộn rã một niềm vui khôn tả!

Tàn cuộc vui chung, hai đứa mình bắt đầu cuộc vui riêng.  Không trống, không kèn, không tiếng nhạc, lời ca, chỉ nghe tiếng đập của trái tim chúng mình thôi.  Vui sướng làm sao những giây phút cuối cùng mình quấn quít bên nhau trên ngọn đồi vắng vẻ ấy!  Không biết ma lực nào đã xui khiến em trở nên dịu dàng đến thế, em không muốn phủi tay anh nữa, trái lại em đã ngã mình nằm gọn trong vòng tay ấm áp  và…lần đầu tiên trong đời, em biết thế nào là hương vị ngọt ngào của một nụ hôn.  Em ngây ngất, em chơi vơi…cho mãi đến khi chợt bừng tĩnh, em hoảng hồn, run lẩy bẩy, vội vã đứng lên, quay mặt bỏ đi về một nước, khiến anh ngỡ ngàng, lẻo đẻo bước theo sau. (Chắc em lại hiện nguyên hình con sư tử nữa rồi phải không?)  Bây giờ ngồi nhớ lại em vẫn còn cảm thấy xấu hổ!  Thật ra chỉ vì những gì xảy ra quá mới mẻ đối với em khiến em mang mặc cảm mình vừa phạm một trọng tội.  Qua đến sáng hôm sau thì…không cần phải kể lể dài dòng nữa, hai đứa mình chẳng chịu rời môi nhau, chỉ trừ lúc…tụi mình đói bụng gần chết tới nơi!

Sau hai ngày ở lại cùng em dung dăng dung dẻ, anh về đơn vị nhà, em ở lại thêm ít lâu với muôn vàn nhung nhớ.  Và rồi trong kỳ hè năm đó, vì không đành lòng nhìn cảnh Mẹ rộng rãi chu cấp cho việc học của em trong khi còn phải lo cho năm đứa em nữa (con bé Mai nhỏ nhất, lúc ấy mới được 4 tuổi), em quyết định thi vào trường Quốc gia Sư phạm.  Khỏi phải nói, anh mừng ghê lắm phải không vì anh sẽ khỏi phải lặn lội lên tận trên Đà Lạt để thăm em.  Nhưng mẹ em thì chẳng mừng chút nào vì ao ước lớn nhất của Mẹ là cả sáu chị em tụi em sẽ đạt được mảnh bằng Đại học, xem như đó là một cách để làm Ba em ngậm cười nơi chín suối.  

Rồi đến lúc biết được chuyện của hai đứa mình, Mẹ càng lo lắng nhiều hơn khi nghĩ đến cuộc đời lính tráng rày đây mai đó của anh, và chuyện sống chết ra sao, khó mà tiên đoán được.  Ba em vừa nằm xuống không bao lâu, Mẹ không muốn em phải chịu thêm một lần buồn thảm.  Em nhớ mình đã khóc thật nhiều, khóc như mưa, tưởng chừng như mọi ước vọng đều tiêu tan thành mây khói hết rồi còn đâu!  Lúc ấy em chỉ nghĩ tới tình riêng, làm sao hiểu thấu được nỗi lòng người mẹ với trăm ngàn nỗi lo.  Cho đến ngày hôm đó, vì muốn làm vui lòng Mẹ, em đành gạt lệ, hứa sẽ tuyệt giao.  Thế nhưng khi nhìn vào mắt ai…Sao mà khó nói lắm thay!  Em đành lần lựa đến lần sau, rồi lần sau nữa…Cuối cùng, vì không nỡ nhìn em ngày đêm ủ dột, biếng nói biếng cười, Mẹ đã chấp nhận cho chúng mình làm lễ đính hôn và định sẽ tổ chức lễ cưới vào tháng 7 năm ấy, sau khi em thi xong bằng tốt nghiệp.

Thế nhưng hỡi ơi!  Có ai ngờ đâu chúng mình đã xa cách nhau gần 7 năm dài dằng dặc!  Với bản hồ sơ  lý lịch có ghi tên chồng đang học tập trong trại cải tạo, em bị bổ nhiệm đến tận một vùng đất cằn cổi, xa xôi.  Đó có phải là sự trừng phạt về cái tội em dám chọn người lính Việt Nam Cộng Hòa làm chồng không?  Cứ chiều chiều, ngồi nhìn quang cảnh tiêu điều chung quanh, em ứa nước mắt!  Buồn cho vận nước bỗng chốc đổi thay và buồn cho thân phận hẩm hiu của mình!  Nhưng khi chạnh nhớ tới hoàn cảnh các chị vừa nuôi con vừa phải nuôi chồng đang bị cầm giữ trong trại tù, lòng em lại lắng xuống.  Chắc hẳn tâm trạng của các chị còn sầu thảm hơn : Làm thế nào để tự lực cánh sinh hầu có thể đứng vững trên đôi chân mà không phải ngã vào vòng tay của người đàn ông khác, để khỏi phải mang tội là kẻ phụ tình?

Thương em tuổi  mới đôi mươi
Vì cơn quốc nạn, phải nuôi chồng tù.

Riêng phần em, là thân gái lưu lạc nơi miền xa lạ ấy, làm sao tránh khỏi cảnh ong bướm vờn quanh mặc dù chưa bao giờ em tháo gỡ chiếc nhẫn đính hôn, ngầm báo cho ong kia bướm nọ biết rằng hoa đây đã có chủ rồi.  Để giữ lòng mình khỏi nghiêng ngã, cứ mỗi độ hè về, Tết đến, em lại lặn lội tới trại tù thăm anh.  Không gặp thì nhớ nhưng chừng gặp lại cảm thấy ngàn nỗi xót xa.  Một lần gặp thêm một lần hy vọng để rồi thất vọng!  Một lần chia tay thêm một lần bịn rịn, không nỡ rời nhau.  Em thật sự nghe thấm thía lời ai đó thở than : “Thuở chờ đợi, thời gian …ôi, rét mướt ! ”

Cuối cùng rồi anh cũng đã về!  Biết làm sao diễn tả cho hết nỗi vui sướng tột cùng của hai đứa mình, anh nhỉ?  Em còn nhớ như in là vừa nghe tin em tìm đến, anh đã vội ngoi lên khỏi mặt nước, phóng từ dưới sông chạy vội lên, mình mẩy ướt loi ngoi, rộng miệng cười rạng rỡ.  Thoáng thấy khuôn ngực trần trụi của anh, em mắc cở quay mặt đi, thầm mừng là trông anh vẫn khỏe mạnh, không ốm yếu bịnh hoạn như em hằng lo lắng.  Và sung sướng nhất vẫn là niềm vui rất thầm kín : “Em sắp được mãi mãi nằm gọn trong lồng ngực ấy.”

Dĩ nhiên là đám cưới của tụi mình đã được gấp rút tổ chức, mặc dù ngày được chọn không hẳn là ngày tốt nhất.  Khoác chiếc áo dài cưới đỏ thắm bước lên xe hoa, lòng em như mở hội, hạnh phúc ngập tràn khiến em cứ lo rằng mình hãy còn nằm mơ.  Nhìn em, cười âu yếm, anh thầm thì bên tai : “Em đẹp quá!”  Em thẹn thùng cúi mặt, thầm nói với anh : “Thì anh cũng đẹp vậy!”  Nhưng đẹp nhất vẫn là mối tình của chúng ta với đầy đủ ý nghĩa vuông tròn của nó.

Sau một tuần quấn quít bên nhau, em lại phải trở lên Sàigòn. Gia đình anh cứ thúc hối em xin thuyên chuyển nhiệm sở về quê anh vì Vú không đành lòng thấy anh thẩn thờ vào ra.  Nhìn mái tóc của Vú bỗng chốc bạc trắng từ sau cái ngày anh bị đưa vào trại tù, em hiểu Vú thương anh nhiều vô kể nên một lần nữa, em lại từ giã chốn phồn hoa, đô hội để về sống nơi nửa chợ nửa quê, mặc cho nhiều lời cản ngăn của bè bạn gần xa.  Ước vọng của em là được chung sống bên anh, thế thì em tiếc chi cuộc sống rộn ràng, tấp nập ấy, một khi nơi đó không có bóng hình anh?  Em luôn dặn lòng sẽ cố gắng hết sức mình để trở thành nàng dâu thảo, cô vợ hiền, nhất định sẽ mang niềm vui, hạnh phúc đến cho anh hầu giúp anh quên bớt phần nào tủi nhục, đắng cay của một kẻ thất thế sa cơ.

Thế nhưng, thực tế thường xảy ra trái với lòng mình mong ước!  Cái cảnh mỗi sáng em vận bộ quần áo tươm tất đến trường làm việc trong khi anh phải lặn lội ngoài ruộng rẩy đến tối mịt tối mù càng ngày càng gây thêm nhiều rạn nứt giữa vợ chồng chúng ta và ngay cả với mọi người trong gia đình nữa.  Nhiều khi nghĩ lại cách xử sự thiếu bình tĩnh của mình trong thời gian ấy, em cảm thấy mình vô cùng có lỗi!  Lúc đó, em tự ví mình như một cánh chim lạc loài, đã dại dột từ bỏ chiếc lồng son để chui vào cái rọ chật chội quá, gò bó quá.  Em đã không đủ sáng suốt để hiểu rằng yêu thương hòa nghĩa với hy sinh, chứ không phải luôn dành phần phải cho riêng bản thân mình.

Sau bao ngày mong mỏi, đợi chờ, em và anh sung sướng được ngắm nhìn đứa con gái đầu lòng mở mắt chào đời.  Con bé trắng trẻo, xinh xắn, càng lớn càng khôn lanh.  Mới hai tuổi đầu, nó có thể hát hầu hết các bài hát mẫu giáo mà nó mới nghe qua một vài lần.  Mọi người thương yêu, cưng chìu nó hết mực.  Em sung sướng thấy mình đã đem lại niềm vui cho gia đình chồng.

Vào đầu hè năm 1986, khi em mang thai cu Quang được ba tháng, anh quyết chí bỏ nước ra đi để tìm tự do cho bản thân cũng như để chuẩn bị một tương lai sáng lạn cho các đứa con sau này.  Nghĩ tới phận mình một lần nữa lại phải sống trong cảnh phòng không chiếc bóng, em nhất định ôm con xin đi cùng.  Những ai đã từng trải qua nỗi gian nan trên đường vượt biển mới thật sự hiểu được thế nào là sự sợ hãi tột cùng của 99 con người chen chúc nhau trên chiếc tàu đánh cá nhỏ qua 7 ngày đêm lênh đênh trên biển rộng mênh mông, không biết đâu là bến là bờ…May mắn thay, nhờ Trời thương, hết lòng che chở, tất cả mọi người  trên tàu đều được an toàn đưa đến Galang, một hòn đảo của Indonesia.  Sau khi sinh cu Quang được 3 tháng, gia đình mình hân hoan bước chân lên máy bay đến định cư tại xứ sở  nổi tiếng là vùng đất rộng người thưa.  Thế là cuộc đời chúng mình lại rẽ sang một bước ngoặc mới : tái lập sự nghiệp trên mảnh quê hương thứ hai với hai bàn tay trắng, hoàn toàn trắng trơn!

Mỗi khi gợi nhớ lại chặng đường đã qua, em vẫn còn cảm thấy bàng hoàng!  Không hiểu sao vào khoảng thời gian trước đây, vợ chồng mình có đủ sức lực để làm việc quần quật đến thế?  Thật ra cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả vì hầu hết người tị nạn chúng ta đều phải trải qua thời gian khổ cực để mong tạo cho mình một mái ấm gia đình không những chỉ sung túc mà còn phải an vui nữa.  Và cu Vinh, đứa con trai út ít, mủm mỉm, dễ thương đã chào đời trong khoảng thời gian vợ chồng mình vật lộn với đời sống một cách khó khăn nhất.  

Viết đến đây, em lại cảm thấy áy náy, không yên!  Ước gì mình có thể quay ngược được chiếc kim đồng hồ vô tri vô giác kia, chắc chắn em sẽ làm nên những chuyện tốt đẹp hơn, không phạm nhiều sai lầm đến như vậy.  Điều thường khiến em ray rứt vẫn là làm thế nào để có thể giúp ba đứa con –nhất là Thúy Vi, đứa con gái đầu lòng của chúng mình- được lanh lợi hơn, hòa đồng với mọi người hơn và lạc quan, yêu đời hơn.  Đã từng là một cô giáo, em cũng hiểu mình cần phải thường xuyên gần gũi, chuyện trò với các con và…nhiều điều khác nữa.  Thế nhưng nợ nhà, nợ người to lớn quá, mớ hàng may bề bộn kia phải làm dứt điểm trong vòng vài ngày tới. Tất cả mọi việc cứ xoay tụi mình như chong chóng, em chỉ còn đủ tâm trí để lo cho các con ăn ngủ, đi học, thỉnh thoảng giúp chúng làm bài tập mỗi khi chúng cần đến.  Chỉ có thế thôi, em đã cảm thấy gần ngộp thở mất rồi!

Cho dù có hết sức cố gắng tự biện minh đến đâu đi chăng nữa, em vẫn thấy mình có lỗi với các con.  Bây giờ, khi đời sống gia đình mình đã khả quan hơn trước nhiều, cho dù em có rộng thời gian để chuyện trò cùng các con thì chúng cũng chẳng biết phải tâm sự với em như thế nào và giá như em có mua cho các con những gì mà chúng thích nhất, có bỏ cả vạn đồng vào sổ bank của chúng, chắc chắn em cũng không thể nào tạo được nét hồn nhiên, vui vẻ, một tâm hồn cởi mở nơi những đứa con đáng tội nghiệp của mình.  Cũng may mà các con rất ngoan, biết vâng lời, học giỏi như Cha, đặc biệt là Quang và Vinh cũng có đôi chút tính khôi hài như Mẹ.

Và cũng chính sự tất bật, đầu tắt mặt tối ấy đã làm vợ chồng mình gay cấn với nhau không ít, có lúc tưởng chừng như không thể nào cứu vãn nỗi.  Em còn nhớ lúc đó, cu Quang mới được 8 tuổi, cái tuổi chỉ biết ăn ngủ, vui chơi.  Vậy mà sao bỗng nhiên đêm hôm ấy, nó trở nên nhạy cảm vô cùng!  Nó đã biết đứng chận nơi ngưỡng cửa, mếu máo van nài Mẹ đừng bỏ đi.  Đến nửa đêm, nó còn rón rén bước sang đứng cạnh giường nhìn kỹ hơn để chắc chắn rằng Mẹ vẫn còn đó, chưa nỡ lìa xa nó.  Em đang khóc sướt mướt khi ghi lại những dòng chữ này đây.  Cũng may mà những lời nói non nớt của đứa con trai nhỏ đã kịp thời đánh thức lương tâm em.  Em sinh ra các con, em phải có trách nhiệm chăm lo, bảo bọc  chúng, chứ không thể vì một chút tự ái, buồn giận riêng tư mà bỏ mặc chúng bơ vơ giữa xã hội đầy cám dỗ này.

Dòng thời gian cứ thế chầm chậm trôi, cùng lúc cuốn đi bớt những lo âu, phiền muộn trong đời sống hàng ngày, vô tình giúp chúng ta cảm thấy thư giãn hơn, nhìn đời bằng cặp mắt lạc quan hơn, thấy đời tươi đẹp hơn cho dù lực sắp cạn đến nơi rồi.  Càng ngày em càng ít muốn giận hờn anh, đỡ cảm thấy khó chịu mỗi khi anh làm chuyện trên trời dưới đất gì đâu, bởi em tự nhủ : “Mình đã làm chồng mình vui sướng, hạnh phúc được bao nhiêu mà sao mình lại nỡ đòi hỏi ở anh ấy nhiều quá vậy?  Mình có những thú vui riêng của mình thì hãy để anh ấy tận hưởng những thú vui lành mạnh mà anh ấy thích cho bõ những ngày khổ cực đã qua.  Như mình thường ngâm nga đó thôi : “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ?”

Xin tạ ơn Trời đã cho con gặp người chồng đáng yêu, đã cho các con người cha đáng quí.  Cảm ơn anh đã chịu đựng em trong suốt hơn 20 năm qua, đã hết mực giúp đỡ em chăm lo cho các con từng món ăn  mặn đến miếng táo ngon.   Cảm ơn anh đã một dạ thủy chung, không thờ ơ với người vợ đã đến tuổi ngã bóng về chiều, trái lại còn cưng chìu quá đổi, vô tình anh đã giúp em tìm thấy sự bình an nơi tâm hồn để cảm thấy thích sống hơn, không còn u hoài như trước kia nữa.  Và cũng cảm ơn anh đã cho em được quen biết những người bạn đồng môn, đồng khóa để em có thể chia xẻ những niềm vui, nỗi buồn của mình một cách thật cởi mở, thật thân tình.

Bây giờ,  nếu như anh Hiếu vẫn cố tình bắt ép em phải nghiêm chỉnh trả lời câu hỏi : “Nếu được trở lại từ thuở ban đầu, em có chọn anh nữa không?” thì em sẽ không ngần ngại trả lời rằng : “Ngàn lần, vạn lần em vẫn chọn anh” vì

        Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
        Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.

Thụy Khanh