Ước Mơ

Hải Ðức

 

                 Thương tặng những người bạn của thời thơ ấu

    Hành lý, thủ tục, hồi hộp, chờ đợi, cuối cùng em đã ngồi trong lòng phi cơ, bỏ lại sau lưng không khí oi nồng, chật chội, hỗn độn, ồn ào, thiếu trật tự. Những người hành sự với khuôn mặt lạnh lùng, thiếu nụ cười sẵn sàng bắt lỗi mình vì những cớ không đâu. Những đồng dollars màu xanh là những chiếc bùa hộ mệnh có hiệu lực nhất trong lúc này. Máy bay cất cánh từ từ lên cao; em nhìn qua cửa sổ quê hương nhọc nhằn, yêu dấu thu nhỏ dần rồi mất hút vào trong mây trắng bềnh bồng lãng đãng, trôi trôi như tâm trạng của kẻ đã về thăm lại quê cha đất tổ lần đầu, sau 15 năm xa cách.
    Em chợt  nhận ra trong chiếc túi hành lý của tâm tư. Em đã mang theo một món quà  của ai đó đã để lại. Mà có lẽ em nên mở ra bảo cho  người gởi biết em đã nhận được những gì. Do đó, trong đời sống này ít ra một lần em  bày tỏ, không thì em chẳng có dịp nào cả. Vì đối với anh  không tin có kiếp sau và em không cố ý lưu trữ lâu qúa như vậy. Gặp lại anh sau ba mươi  năm xa cách một khoảng thời  gian dài như vậy, biết bao nhiêu  là dâu bể. Dưới mắt em, anh không  còn là «một người lớn» đối với «một cô bé» nữa mà hình như em có phần cao lớn hơn. Tuy nhiên, dáng dấp, phong cách của anh cùng với ánh mắt và nụ cười vẫn như xưa mang theo cả một vùng trời  kỷ niệm vụt thoát từ ký ức làm choáng ngợp hồn em ... và ước mơ  được  gặp lại anh đã kết liễu.
     Máy bay đã hạ cánh, khi em bước vào phi trường quốc tế Los angeles với cảm giác thân thương như trong vòng tay của người mẹ đưa con đi và đón con về an toàn. Vào, ra thế giới để thực hiện giấc mơ chu du thiên hạ, không biết bao lần, không chút nghi ngại, khó khăn.Trong bầu không khí mát dịu, em lại hoà mình vào dòng sinh hoạt thứ tự nhịp nhàng, như một bản đại hòa tấu đang trổi lên với những động tác quen thuộc. Lần đầu em trở lại lái xe sau một tháng đi xa, luồng khí mát mẻ từ máy điều hòa tỏa ra, một bản nhạc tình ca nhẹ nhàng, cho em một cảm giác vui vẻ, thỏa mái, bình an, trong căn nhà nhỏ mà trước đây em không để ý. Đúng rồi! Hạnh phúc. Em lại một lần nữa cảm ơn quê hương này cho em những may mắn em đang có.    
    Con em đã đến trường, một mình em trong phòng vắng, nhìn qua khung cửa sổ, trời đã vào thu. Những cây Maple lá đã đổi sang màu vàng, đỏ, rực rỡ trong nắng và cũng trải luôn mặt đất dưới gốc mình tấm thảm cũng màu như vậy. Em thanh thản ngồi xuống đã lấy giấy bút viết lên những dòng này.
    Em rất vui đã gặp lại anh. Vì sao? Thư thả cho em được giải bày, ngược dòng thời gian trở về với quá khứ. Tiên-đỏa là nơi chôn nhau cắt rốn của em.Thời loạn ly má em đã sống chung với dì em và sinh ra em tại nơi đây. Miền cát trắng đầy thùy dương muôn đời thủ thỉ bên nhau trong nắng gió. Vùng cát trắng mà em hữu duyên nhưng vô phận. Những ngày vui nhiều hơn những ngày buồn, lòng phơi phới tin yêu của những hạnh ngộ và chia xa. Từ lúc học lớp tư cho đến khi vào trung học gần như mùa hè nào em cũng được về nơi đây từ thành phố Đà-nẵng. Khi chiếc xe đạp thồ dừng lại ở đường lộ chính đắp bằng đất đỏ nằm giữa hai dãy dương trọng tuổi để bảo vệ cho đường khỏi bị gió cát mưa lũ cuốn đi. Em nhảy xuống xe chạy vào ngã rẽ bên tay trái chỉ có cát và cát nên những bước chân em bị cát níu xuống, chẳng bao lâu em đã ngồi phịch xuống cát để bắt kịp hơi thở và nhịp tim và để lòng háo hức của em dịu xuống.        
    Trong những phút dừng chân bất đắc dĩ như vậy, em đưa mắt nhìn quanh bên phải là một cồn cát cố định được rễ cây mua và cây dứa giữ lại mà chiều cao của em dù đứng hay nhảy xổm lên cũng không thể thấy được những ao nuôi cá đầy những rong bèo, sâu hơn sau đó là nhà của dì em. Bên trái phong cảnh hữu tình hơn. Bãi cát trắng trải dài phẳng phiu đưa đến một hồ sen mặt hồ lấp đầy lá xanh và hoa hồng với những chiều cao khác nhau phô trương sự tươi mát của mình. Nhìn sâu vào phía trong là căn nhà của gia đình anh khiêm nhường ẩn hiện sau những dãy dương nối tiếp. Căn nhà ấy sớm muộn gì em cũng sẽ qua, chẳng nhớ được là bao nhiêu lần và có khi có quá nhiều lần trong một ngày. Vì nó có sự thu hút của những chàng trai trẻ hiền hoà, chơn chất,  siêng học, siêng  làm, tràn ngập niềm vui và rộn rã tiếng cười ...  
    Anh là người anh lớn hơn em chừng bảy tuổi, lần cuối chia tay với anh; em vào khoảng mười lăm tuổi và anh cũng là cháu kêu chồng của dì em bằng chú ruột. Anh có một em gái và ba em trai cùng với một bà mẹ. Ba anh đã qua đời. Có thể vì thế, trông anh có vẻ cương nghị, lo lắng kinh tế và trọng trách gia đình chăng? Thời đó em không có ý niệm rõ rệt về giàu nghèo. Khi em đọc những dòng chữ của anh về những ngày thơ ấu thì em mới biết rằng những chén cơm ghế  khoai mà anh rất ghét gọi là khoai cỏng cơm của quê anh, còn em thì rất hoan hỷ đón nhận những chén cơm này như một món qùa đặc biệt mà  em chỉ có được khi về đây. Hạnh phúc của em là đau khổ của anh!
    Quê anh, là cả một trời ngọt ngào của em từ những chảo bắp rang pha mắm ớt, những trái thơm  Tiên-đờn chín đỏ ngọt lịm  múi thơm vàng ánh trong veo mọng nước. Những buổi hừng đông, em ra đầu đàng đứng chờ những gánh đậu hủ được những cô gái trẻ tươi mát xinh xắn  từ xóm trong đi theo một đoàn nhịp nhàng mang theo cả dòng sống động lượn theo con đường quê uốn khúc. Một cô  dừng lại vội vã bán cho em để còn kịp theo chân bạn ra phố chợ nơi có đường  xe hơi chạy. Có khi theo chân dì em xuống chợ ,quê nghèo chẳng có nhiều hàng quà, chỉ có bánh đúc làm bằng gạo đỏ đầu mùa  thơm dẻo chấm mắm nêm đền công em đi, về trên quãng đường dài là có thể thấy nụ cười hớn hở trên mặt em rồi. Dì em cũng không quên chỉ cho em bà Nỏn bán hàng xén giữa chợ và bảo rằng :"  Bà là cô mụ giúp con ra đời.".Em đứng lặng nhìn bà ta buôn bán với chút lòng ngưỡng mộ.  
         Còn những đêm tối trời cuối tuần thì bạn của anh Mân và anh Nghĩa  từ trên phố  về đây tụ lại gom lá dương khô  thành đụn lớn, có những củ khoai lang Trà-đỏa đang nằm yên ổn ở bên trong chờ chuyển hóa.  Lửa được đốt lên để có một vùng ánh sáng  cùng nhau ca hát trong tiếng đệm của đàn guitar lẫn tiếng cười đùa  vui vẻ. Khi những  lá dương cuối cùng đã cháy hết, sẽ có một bữa tiệc khoai lang nướng vừa thơm ngon vừa ngọt ngào. Tuy nhiên có những  lúc buồn miệng không có gì để nhai. Em hái vài lá thùy dương bỏ vào miệng nhai và cũng không quên được hương vị chua chát thấm vào lưỡi và cũng đâu có ngờ rằng hương vị này em còn nếm dài dài trong quãng đời sau này. Còn anh lúc nào cũng điềm đạm, hòa nhã không thấy anh than thở một điều gì với đầu óc thơ ngây của em không bao giờ nghĩ tới  hay  hiểu được những khó nhọc của anh trong đời sống nông thôn.
       Thời đó với tuổi dậy thì cộng thêm tính hiếu động của em có đám bạn nhỏ gồm : hai đưa em gái của em Hà-mật và Lộc-Uyển, anh Cường em út của anh cùng tuổi với em và anh Nghĩa con dì em và thỉnh thoảng có cả Bích-Tuyền cùng học tiểu học với em cũng là em họ của anh. Không có nơi nào mà thiếu vắng dấu chân bọn em.Khi thì hái sen, trái mua,dưa hấu, bắt cá lia thia, nòng nọc, con cun cút sau nhà chui xuống  cát và để lại những vòng tròn hình nón. Có lúc cùng nhảy xuống hồ sen để tập bơi, hay là lập ngôi chợ nhỏ để bán hàng xén. Khi thì rủ nhau lên đồi sim, sim cuối mùa không còn bao nhiêu trái,trời nắng, nóng báo hại một phen khát nước trên quãng đường về xa xôi... Còn những đêm trăng sáng thì niềm vui dường như bất tận. Mọi người tụ tập lại, có cả anh Chính con cậu Lượng ở xóm trên cũng tham gia trên bãi cát trắng gần hồ sen chơi cút bắt, chơi u, chôn giép vào dưới cát.. .Có khi  em chẳng làm gì cả, chỉ nằm dài trên cát ngửa mặt nhìn lên vòm trời cao rộng trải đầy sao và trăng. Em mơ ước làm sao có thể thoát được thân phận nhỏ bé của mình đi chu du thiên hạ.
     Hôm gặp nhau anh nói với  em :  "Em còn nhớ gì ngày xưa không và vì sao em thương anh?  Còn anh thì thương em rất nhiều và anh còn nhớ những lúc ta ngồi bên cạnh nhau ở bờ ao nhỏ gần lối đi." Em chưa trả lời rõ ràng, cái gì đã ở lại trong lòng em bao nhiêu năm nay đang từ từ rủ nhau về. Hồi tưởng lại thời xa xưa ấy, liệu có còn đầy  hay không?      
    Mùa hè thường có những hôm mưa giông xối xả, sấm sét  vang trời nhưng chóng  tạnh hay những buổi trưa nắng gay gắt.  Anh Cường đang khó nhọc lùa đàn bò vào chuồng ở phía tay phải của sân trước nhà,  mặt đỏ hồng trán lấm tấm mồ hôi, hiền lành,  nhoẻn miệng cười tươi để lộ hàm răng trắng đều tràn đầy sức sống, nhìn vào trong nhà nơi mà em và anh đang ngồi đó nhìn ra. Trông anh Cường  đẹp như một cô gái phải không anh ? Người như thế sao lại mệnh bạc, rời dương thế khi chưa đến tuổi trưởng thành, anh có nhớ anh Cường không? Trong cái nóng nhìn ra ngoài thấy đom đóm như thế này thì dù cho người ham làm việc như anh hay người ham chơi như em thì cũng đành bỏ cuộc mà thôi. Những con bò vàng đang nằm ngoan ngoãn trong chuồng và bắt đầu nhai lại cỏ chúng đã gậm sáng nay.
  Em thì ngồi yên lẩn quẩn mãi bên anh cũng chán và kiếm cách phá phách như thường lệ. Em đang hốt một bụm cát đầy tay bỏ vào sau áo anh để anh có được cảm giác lăn tăn nham nhám của những hạt cát thi nhau trở về nguyên quán hay còn lưu lại trên chiếc lưng ẩm ướt của anh. Có khi thì em dạn dĩ hơn đối diện với anh kéo hai trái  tai của anh cho dài xuống để anh được sống lâu...trăm tuổi. Anh chẳng bao giờ giận em, dang đôi tay nắm giữ đôi bàn tay em trong tay anh với nụ cười nửa miệng, đôi mắt nhìn em với một niềm thương cảm, trìu  mến, bao dung truyền sang.   Em rút tay lại đồng thời làm cho tính đùa nghịch cố hữu của em chùng xuống, tắt lịm và nhường chỗ cho lòng quí mến. Theo năm tháng em lớn khôn dần và lòng mến thương của em đối với anh cũng lớn dần theo tháng năm.
    Em cũng rất thích nhìn cảnh vật sau cơn mưa  sạch sẽ trong lành. Những giọt nước mưa trong như lưu ly, lung linh phản chiếu ánh mặt trời đang treo cuối những cọng lá thùy  dương và cũng xóa  đi những dấu chân hỗn loạn trên cát.  Trả lại cho cát sự trinh nguyên trắng trẻo nằm bên nhau trong vui vẻ, đoàn kết, bình đẳng. Mưa tạnh, bước chân anh lại hằn sâu trên cát  trở lại với công việc dở dang và để em ở lại phía sau dõi mắt nhìn theo lòng quạnh hiu với chiếc cầu vồng năm màu ở cuối trời.    
       Có những buổi chiều vàng mà ánh nắng ngoài kia chỉ còn một nửa, từ chiếc máy  hát quay tay của anh  Mân giọng ca Thanh Thúy rót vào không gian âm thanh buồn.Tôi đi giữa hoàng hôn,  Khi ánh chiều buông khi nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài, Mà lòng mình thấy u hoài..  hòa lẫn với tiếng rập con thoi đều đặn từ khung cửi dệt vải vọng lại. Có thể là em đang ngồi đu đưa trên chiếc võng trong nhà bếp, nhìn nắng tắt dần ở ngoài sân mà lòng bỗng bâng khuâng.  
      Hay là em đang ngồi  bên anh và gần như khoảng cách không còn nữa trên bờ ao nhỏ thòng chân xuống nhưng không bị ướt vì mực nước chỉ tráng đáy ao được viền bởi một vòng ngò om xanh mướt thoang thoảng mùi hương. Trong khung cảnh êm đềm và mộc mạc, làn gió nhẹ vuốt ve đôi má. Em chưa đủ niềm tin để tựa đầu vào vai anh và tiếng thùy dương mấy bờ không ru em vào giấc ngủ chỉ ru em vào mơ màng nhìn anh  mái tóc dợn sóng,  sống  mũi dài cao, miệng mỉm cười và đôi mắt to sâu thăm thẳm như muốn nhìn  tận đáy lòng của người khác. Lòng em đã mềm đi và dường như một tình yêu vừa chớm nở.  Em đã  quay đầu đi để tránh ánh mắt này. Ánh sáng đã tan dần trong bóng tối như đồng tình ấp ủ bí mật này của chúng ta vào trong hương đêm.  
     Ở thời điểm này chiến tranh lan rộng dần và mẹ em cũng đã qua đời. Em trải qua một khoảng thời gian dài tồi tệ để có thể chấp nhận chuyện này. Do đó ba em quyết định  cho em vào  Sài gòn để đi học, hy vọng với hoàn cảnh mới em sẻ quên đi nỗi bất hạnh. Cả em cũng hạ quyết  tâm lo học hành hướng tới những ngày mới của tương lai, để hết chuyện của qúa khứ vào ngăn kéo lãng quên. Giã từ  tất cả. Anh rồi cũng sẽ bỏ nơi này ra Huế vào đại học. Chiến tranh đến gây tang tóc , đổ vỡ,  không cho chúng  ta gặp nhau một lần nào nữa ở nơi đây và em mất tin anh từ đó .  Chuyện tình thơ dại ngày nào đó có một kết  thúc giống  như cô bé trong bốn câu thơ của nhạc sĩ Phạm đình Chương:
                                  Anh đi chắc hẳn  anh còn nhớ,
                                  Đôi mắt u uẩn chiều tiễn đưa,
                                  Của người em nhỏ  thơ ngây quá,
                                  Chưa biết cười lên hẹn đợi chờ .  
         Chỉ còn là kỷ niệm . Một kỷ niệm đẹp làm phong phú đời mình.  Anh có muốn biết giấc mơ của em khi còn thanh xuân là gì không? Em ước mơ được đi du học và đi vòng quanh thế giới. Ước mơ đó không còn  xa vời như hái sao trên trời nữa. Bởi vì nếu em muốn đi đến một nơi nào trên thế giới, thì em có thể đến đó dễ dàng hơn là ngồi viết những dòng chữ này cho anh. Hầu như người Mỹ nào cũng có thể đi vòng quanh thế giới nếu họ muốn. Còn muốn vào đại học của nước Mỹ dễ như cơm dọn sẳn trên bàn vậy,bắt cứ màu da và tuổi tác nào một người dân của nước Mỹ có kiên nhẫn ngồi vào bàn và có ý chí cầm đũa chén lên thì có thể bới cơm vào chén đưa vô miệng. Nâng đỡ dân trí là ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ . Nếu có một người nào đó bảo:" Tôi học rất giỏi, nhưng nhà nghèo dành bỏ dở." Thì sẽ khiến cho người ta phì cười và nghĩ rằng  người đó không thành thật. Bây giờ người ta có thể ở nhà học đại học xuyên qua mạng lưới điện toán.    
      Tuy nhiên khi đến Mỹ em tay dắt, tay bồng nên bỏ ý định trở lại đại học.  
     Nhưng các con em nối tiếp ước mơ của mẹ nó, chúng nó đã, đang và sẽ bước qua quãng đường đại học. Khi con gái lớn của em vào đại học thì ba các cháu qua đời. Cõi lòng em tan nát với một quá khứ chông gai, một hiện tại đau buồn, một tương lai khó khăn thử thách. Em tưởng rằng em sẽ gục ngã những cuối cùng em tự vực mình đứng lên bằng đôi chân của chính mình, kiên cường đối diện với đau thương và đi xuyên qua nó. Cháu cũng buồn nhưng đồng thời cũng cảm thấy tự do hơn nên chểnh mảng việc học không muốn trở thành dược sĩ nữa vì đuờng dài , nên khi học đến năm thứ tư sinh hóa lại bỏ  qua học  Computer science. Hiện cháu là trưởng  phòng kế hoạch của một trường đại học.Ngày cháu ra trường áo mũ xênh xang xếp hàng lên bục cao ở chánh giữa  để lãnh bằng với những vòng hoa phong lan đeo cổ, tay ôm đầy những bó hoa,quà, đã làm em cảm động  muốn rơi nước mắt. Con trai kế của em hỏi: "Chị Minh-Thu ra trường me có vui không?". Em trả lời: "Me vui nhưng khi Ben ra trường chắc me sẽ vui hơn nữa." Cháu trả lời:  "Me đừng lo con sẽ làm được".
             Bây giờ cháu là sinh viên năm thứ ba  trường đại học Santa Barbara. Đó là một trường đại học nổi tiếng đứng hạng thứ 6 của tiểu bang Cali, rất  đẹp nằm dọc theo bờ biển có cái vịnh nhỏ ăn sâu vào trong đất liền. Trường nằm trên mảnh đất rộng hơn hai ngàn mẫu , khang trang đầy đủ tiện nghi nhà ăn ,quán cà phê, nơi tập thể thao , thể dục, nhà bán sách với những món qùa lưu niệm. Sân trường cây cao bóng mát .Từ  trong nhìn qua cửa sổ thấy trời, nước xanh một màu, từng đoàn hải âu đùa với sóng, những chiếc du thuyền với cánh buồm trắng no tròn căng gió và những sinh viên chạy bộ  trên bờ để giữ thân hình đẹp và khỏe. Em bảo cháu:  "Con đang ở một nơi mà chỉ có triệu phú nước Mỹ mới ở được và những sinh viên người Việt ở quê nhà có mơ cũng không dám nghĩ tới. Con là người đang có may mắn. Điểm chính là con phải cố gắng học hành, tương lai và tư cách của con làm tăng thêm gía trị ngôi trường này." Còn con gái út của em, Katty năm tới sẽ chuẩn bị vô đại học nối gót theo anh ,chị.
      Duy có điều em quan ngại là  làm sao cho các con em lắng nghe và hiểu  thế nào là biết sống có hạnh phúc. Không cần phải đuổi theo danh vọng tiền tài một cách say sưa vì tiêu xài phung phí theo thị hiếu của xã hội chiếm mất nhiều thời giờ  của đời người ngắn ngủi và không biết trước được tương lai  .                            
         Em dài dòng như vậy mục đích của em là gì?  Anh đang sống ở Việt-nam trong  xã hội phức tạp, nhọc nhằn tranh đấu để sinh tồn có nhiều bất công. Em chỉ biết ước mơ rằng mọi người biết được khuyết điểm nằm ở đâu để sửa đổi đưa hoàn cảnh sống trở nên tốt đẹp hơn và dân giàu nước mạnh. Anh là nhà văn  cũng là chủ nhiệm của một tờ báo. Anh có khả năng bày tỏ tư duy và nhận thức đi sát với nguyện vọng của dân chúng, qua bài viết phản ảnh được sự thật và góp phần làm đẹp cuộc đời. Anh là người hiểu rõ điều này hơn ai hết vì tên anh là Duy Lệ.    
        Anh có biết ước mơ của em bây giờ là gì không? Em mơ ước được sống khỏe mạnh, có cái nhìn và suy nghĩ về cuộc đời với tâm tĩnh lặng. Thỉnh thoảng  em leo lên Great Hidden mountain, Deer park [ Đại ẩn sơn, vườn nai] thăm các vị thầy mà em đã mang ơn dạy bảo hướng dẫn em có  một nơi để tới và một nẻo đi về.  
    Sau đó em tìm đến một điểm cao trên núi có nhiều tảng đá lớn có mặt  phẳng, em ngồi xếp bằng nhìn xuống chân núi. Xứ sở của giàu sang phú qúi nhà cửa, cao  ốc, cây cối, phố xá  sắp đặt một cách gọn gàng, đẹp đẽ,dưới bầu trời trong vắt với màu xanh hy vọng. Hai dòng xa lộ cao tốc ngược chiều nhau, xe chạy không ngơi nghỉ như là dòng huyết mạch đang luân lưu nuôi dưỡng con người . Trong đó chứa đựng những con  người đến từ tứ xứ, nhiều ngôn ngữ , nhiều tôn giáo, một nên văn minh đa dạng, khởi sắc. Họ đã từ bỏ quê hương của họ với nhiều lý do khác nhau và cùng đến đây với một ước mơ tìm tự do, hạnh phúc và đời sống phồn vinh của miền đất hứa. Họ miệt mài  tranh đua nhau một cách công bằng trong luật định cỡi trên con thác giàu sang phú qúi cuồn cuộn chảy... Và em cũng chắc rằng họ cũng đủ khôn ngoan khi căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, biết đủ, biết dừng lại, quay về tắm mát trong con suối hiểu và thương đang trôi chảy êm đềm bên trong họ và những đóa hoa dại bên bờ suối đang chờ họ nhìn ngắm.
     Ngày xửa ngày xưa, tiểu bang Cali còn là núi rừng, đầm lầy hoang dại, những đòan người di dân đổ xô về đây tìm mỏ vàng. Họ đi đến đâu nỗ lực khai phá, đào bới tới đó, rồi trồng trọt, xây đựng, thiết lập.. . Rốt cuộc  vàng không có trong  lòng đất mà ở ngay trong tấm lòng của họ và tên của một  thành phố Cựu Kim Sơn là kỷ niệm giấc mơ  tìm vàng của họ. Bây giờ  Cali là tiểu bang  giàu nhất nước Mỹ và đứng hạng thứ năm trên thế giới .    
          Em ngồi đây hít vào thở ra không khí trong lành của núi cao và nhẹ nhàng khép đôi mắt lại,  mỉm cười cảm nhận sự chuyển hóa giúp cho tâm hồn em lắng dịu hơn. Bao nhiêu phiền muộn, nhớ nhung em gởi cho gió núi với mây ngàn.  Để từ từ thiết lập một hồ chân không mầu nhiệm ở trong em và ngâm cây kiếm trực giác trở thành bén nhạy. Đến khi em mở mắt ra  an nhiên, tự tại, bước từng bước chậm xuống núi về với đời  thường và có thể lấy cây kiếm này ra dùng một cách tài tình điệu nghệ mà không gây họa cho  muôn loài.

Hải Ðức