Vì Sao Khiêm Tốn

Việt Hải, Los Angeles

 

Hôm cuối tuần vừa qua bạn tôi, anh bác sĩ Trang Morita đến nhà rủ tôi đi thăm một người mà tối đã gặp một lần cách đây khá lâu. Bây giờ tôi được cơ hội đi thăm anh ấy. Người mà tôi muốn đề cập đến là nhạc sĩ Lam Phương. Tôi cho anh Morita biết tôi muốn viết bài về anh Lam Phương (LP), anh Morita đồng ý vì cả hai chúng tôi đều thích nhạc của LP.

Ngược dòng thời gian khi tôi còn nhỏ tôi thường nghe những nhạc phẩm ca ngợi nét đẹp đồng quê như bài “Trăng Thanh Bình”, “Nắng Đẹp Miền Nam” hay “Khúc Ca Ngày Mùa”, những bài hát mang người nghe về cái nắng ấm của miền nam tự do cho người Việt sống dưới vĩ tuyến 17. Sau năm 1954, trăng thanh bình thật sự chiếu sáng các vùng đồng quê Việt Nam, khi mà người dân quê chưa bị ảnh hưởng nhiều vì những nghiệt ngã tan thương của cuộc chiến khốc liệt, để biến họ thành những nạn nhân của những tranh chấp ý thức hệ. Nhạc LP chan chứa cái ước mơ của cuộc sống họ thật bình dị với cái hạnh phúc của trăng thanh bình, của mơ mùa lúa mới, của gạo trắng trăng thanh như:

“Giờ đây ánh trăng lên rơi xuống khắp đồng quê
bao la la bao la ạ..ạ..
Có một đàn cò trắng bay về về đồi xa
xa xa xa vời.
Mừng vui lúa tung tăng hò reo lúa mừng trăng reo
vang vang tình tang lúa reo.
Lúa mừng cuộc đời sống thanh bình đã về đây
với dân yên lành.”

Người nông dân vất vã đổ mồ hôi, nhoc nhằn cho thửa ruộng mà họ bám víu để sinh sống. Ngày mùa gặt hái thu hoạch dưới ánh trăng vàng là niềm hạnh phúc của đời sống thôn quê. LP diển tả niềm vui sướng của người nông gia qua bài “Khúc Trăng Ngày Mùa” với tiếng chày khua giã gạo, xen lẫn tiếng hát hoan ca ngày mùa:

“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời
.
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời

Lờ lững trôi qua trôi mãi trong chiều tà
tiếng tiêu buồn êm quá
Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng
tiếng cười thơ ngây
Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch bóng
khuất sau rặng tre
Tiếng ai hò chập chùng xa đưa
Hò là hò lơ hó lơ hò lơ ...”

LP diển tả nét đẹp của miền nam, nơi bao người dân hiền hòa, yêu chuộng tự do được may mắn sống dưới ánh sáng của thiên nhiên, của tình người, qua bài “Nắng Đẹp Miền Nam”:

“Đây trời bao la ánh nắng mai
hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh.
Ta cùng chen vai đem tay góp sức
tăng gia cho người người vui hòa .
Đường cày hôm nay lên tràn
bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi!
Đến mai sẽ là ngày muôn hạt chín lả lơi
mình ngắm nhau cười.

Kìa đàn chim quê chim tung bay về đâu
mang tin rằng giờ đây ta sống với bình minh.
Tiếng ca trong lành tiếng hát lừng trời xanh
đẹp biết bao tâm tình...
Tình là tình nồng thắm
buộc lòng mình vào núi sông
tình mến quê hương.

Ngàn bóng đêm phai rồi
vầng dương lên soi đời làng ta nay rạng ngời!... “

Năm 1954 khi miền nam hân hoan tiếp nhận hai triệu người di cư từ miền bắc vượt vĩ tuyến 17 để tìm tự do nơi phương nam, Lam Phương sáng tác nhạc phẩm “Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, nói lên mối tình chia cách bởi định mệnh khắt khe của quê hương phân ly:

“Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng
Ơ... aị.. hò ...
Giòng sông mơ màng và đẹp lắm ...”

Lam Phương thuở nhỏ ra sao ?

Tôi và anh Trang Morita vui vẽ trao đổi những mẫu chuyện với anh LP để hiểu rỏ hơn thời niên thiếu của anh. Anh cho biết về chi tiết của người nhạc sĩ mà cả hai chúng tôi đang đối diện, anh từ tốn kể chuyện vui vẽ. Tôi nhận thấy nét khiêm cung và nụ cười hiền hòa, với cung cách ăn nói khoan thai, nhỏ nhẹ như sau:
Thuở nhỏ của anh rất hàn vi vì vào thời kỳ thế chiến thứ hai bùng nổ người dân quê sống giữa hai lằn đại của quân đội Nhật và Đồng Minh, gia đình anh chia chung số phận kém may mắn của vận mạng quê hương, gia đình anh nghèo, thiếu thốn nhưng anh lại may mắn có người hiền mẫu hết lòng yêu thương con cái. Trong lúc tâm sự chúng tôi thấy nét xúc động dâng tràn mỗi khi anh nhắc về bà mẹ của mình. Tôi vừa hỏi vừa ghi chép tiếp về tiểu sử của anh.

Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20/3/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá. Anh là người anh cả trong gia đình gồm 6 anh em. Các em của anh không ai lại chọn con đường âm nhạc hay nghệ thuật như anh.

Khi anh kể tiếp thêm về thân phụ mình thì trong thời Thế Chiến thứ 2 loạn lạc, thôn quê miền Nam VN thường bị phi cơ của quân đội Đồng Minh oanh kích, tấn công quân Nhật đang chiếm đóng Đông Dương. Nhiều gia đình đã phải lánh nạn, thông thường người đàn ông trưởng gia đình lên thành phố lớn kiếm sống và để thăm dò đường tái định cư nơi yên ổn cho toàn gia đình còn lại. Thân phụ anh ra đi lên Saigon nhưng ông đã không trở về đón vợ con. Ông quyết định ở lại với những bóng hình của người phụ nữ khác. Để rồi sau này LP có nhiều em khác dòng, cùng cha khác mẹ.
LP rất thương mẹ. Mẹ anh là một bậc hiền mẫu, một lòng nuôi nấng con cái cho ăn học, bà như bao bà mẹ quê dù chất phác, mộc mạc, nhưng bà sống trọn tình mẫu tử. Những năm tháng hàn vi đó đã hun đúc cho LP thành con người kiên trì và nhẫn nại và anh đã dồn hết tình thương cho người mẹ. Hoàn cảnh hàn vi đó đã ảnh hưởng đến sự phấn đấu liên tục để vươn lên, nó đã tô luyện cho anh một ý chí tự lập thân và còn lo cho gia đình, một đặc điểm cao quí của nội tâm LP. Và cũng bởi lòng yêu thương người mẹ hiền mà LP đã quyết tâm vượt mọi trở ngại để thành công trên bước đường sự nghiệp âm nhạc của mình. Để rồi sau này tại Saigon LP đã thành đạt ý nguyện tạo một cuộc sống khả quan đền đáp mẹ hiền. Tôi nhận xét anh LP là một con người rất tình cảm. Tình thương mẹ lúc nào cũng ấp ủ con tim anh. Hình ảnh người mẹ hiền lúc nào cũng phảng phất trong nét bình dị của những ca khúc về mẹ của LP. Tôi nghe bài “Tạ Ơn Mẹ” mà mường tượng trong tâm trí sự diệu hiền của người mẹ quê với tình thương bao la nuôi con khôn lớn. Rồi ngày hôm nay, người con gởi lại mẹ những lời tri ân nồng nàn nhất về mẹ, vì mẹ và cho mẹ như bài hát sau:

“Đêm nay nằm nghe sóng vỗ, êm đềm như tiếng mẹ ru
Lời ru của thuở ban đầu, nụ cười tiếng khóc đầu môi,
đã làm đời mẹ buồn vuị..
Đến khi khôn lớn ra đời, lời mẹ hiền nhớ khôn nguôi
...
Ạ`... ơị.. lời đó cho con ngọt bùị..
Ạ`... ơị.. tiếng ru man mác xa vờị..
Những lúc đông sang, những ngày băng giá tuyết rơi,
lời mẹ hiền như... giọt nắng... muôn đờị..
là ngọn đuốc soi đường trong đêm dài triền miên đen tối
Dù dòng đời trăm ngàn thay đổi.
Lời yêu thương chở che của mẹ vẫn ngàn đời ấm mãi tim con..."

Nói về khuynh hướng nhạc Lam Phương thì âm nhạc anh được sáng tác rất đa dạng về các thể điệu khác nhau, và về các chủ đề khác nhau, như nhạc quê hương, nhạc tình ca, hay nhạc lính chiến. Ngày xưa trong thời kỳ học tiểu học trường tôi thường tập dợt các bài hát nhịp nhàng khi trình diển các điệu vũ múa vào dịp bãi trường hay tất niên. Các cô hay thầy dùng các bài có điệu mambo, tôi nhớ là bài của LP được chọn lựa như bài: “Trăng Thanh Bình”, “Nhạc Rừng Khuya” hay “Khúc Ca Ngày Mùa”.

Sau thời gian gia nhập vào quân đội kể từ năm 1958 trở đi, LP chuyển sang sáng tác các bài tình ca mang hình ảnh của ngừời quân nhân và cuộc chiến như bài “Đêm Dài Chiến Tuyến”, "Chiều Hành Quân", "Tình Anh Lính Chiến". Tôi nhớ bài tình ca về người lính chiến và người em gái nhỏ hậu phương “Chiều Hành Quân”:

“Một chiều hành quân qua thôn xưa
lúc nắng xuân chưa nhạt màu,
Chạnh lòng tìm người em gái cũ:
Em tôi đã đi phương nào?
Nghẹn ngào nhìn qua hàng tre xanh
ngắm bóng chim đua trên cành,
Giờ tìm đâu hình bóng cũ:
Em ơi! Em đi về đâu?
Về đâu em ơi lúc tình còn sâu
lúc hương trần đời vẫn chờ nhau giữa đêm thâu
Về đâu khi em vẫn là nguồn sống,
khi ánh xuân nồng vừa nhẹ vương lên má hồng...”

Ngày trước năm 75, tôi nghe chị Hoàng Oanh hát bài “Tình Anh Lính Chiến”, tôi thích lắm, bài hát nói lên tình đẹp nên thơ khi người trai đi chiến đấu bảo vệ sơn hà, nơi hậu tuyến yên vui người em gái xây ước mơ, xây mộng đẹp ngày đoàn viên:

“Xuyên lá cành trăng lên lều vải
Lòng đất ấm thương tình đôi mươi
Thương những người mạch sống đang khơi
Đang tìm một cuộc đời cho lòng vơi nét phong sương

Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến
Đời lính chiến xui gặp nhau đây
Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay
Nói gì cạn niềm thương để rồi mai ta lên đường...”

Tôi cũng nghe chị Thanh Tuyền cất tiếng ca vang bài hát “Đêm Đài Chiến Tuyến” khi xưa tại Sài Gòn. Một nhạc phẩm nói lên giờ phút xa xôi nơi chiến trường người chinh nhân đang đồn trú nơi xa xăm, nhớ về người em gái nhỏ, rồi biên những dòng thơ nhung nhớ gởi về từ chiến tuyến:

“Một đêm dài nhớ em, một đêm dài trắng đêm
Nhìn sao rừng nhớ em, nhìn núi đồi thấy em,
người anh yêu trọn đời
Từ khi mình biết nhau, đời ta đẹp biết bao
Giờ vui đời chiến binh, bạn anh là gió sương,
quê anh là muôn phương
Nếu hôm xưa không đến tìm em với muôn lời nồng say
thì giờ trong bóng đêm tình đâu vấn vương
Và tìm ai nhớ thương
Đêm nay gối súng viết lên dòng thư gởi em
Viết cho em, trao cả về em
Viết trong vạn niềm say vì đời trai gió sương
ngoài kia núi sông, thì tim này dâng cả em
anh xin một điều, là mình đừng dối lừa nhau,
đừng gây niềm kỷ niệm khổ đau, vì thư hồng vẫn trao.”

Anh LP kể tiếp cho chúng tôi nghe là về sau anh gia nhập vào Đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương. Rồi về cộng tác với các đài phát thanh như Đài Phát Thanh Quân Đội, Đài Phát Thanh Sài Gòn và Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Tôi nhớ ngày xưa được nghe các chương trình kịch nghệ của ban Thẩm Thúy Hằng hay ban kịch Sống của Túy Hồng, mà nhiều bài hát của LP được lồng vào các vở kịch như: “Nghẹn Ngào”, "Phút Cuối", ”Chờ Người”, "Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi", “Đèn Khuya”, "Chiều Tàn", "Đèn Khuya", "Mộng Ước”,”Thu Sầu”, “Trăm Nhơ’ Ngàn Thương”,... Bài tôi vẫn nhớ vì tôi có một người bạn thân có kỷ niệm riêng với nó là bài ca nhạc tình xao xuyến “Phút Cuối”. Anh ca nhạc phẩm này rất hay và rốt cuộc phút cuối anh tan vỡ với người tình như nội dung của bài hát:
“Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Nguời theo cánh chim về vui với đời
Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi
Núi đồi lồng lộng chiều mưa nhớ ai
Biển xanh vẫn xanh nguời đi sao đành
Để trong giấc mơ hồn anh thẫn thờ
Em ơi bao giờ mới đuợc gần nhau...”

Âm nhạc có những bản nhạc được quảng đại quần chúng trong dân gian tiếp nhận rộng rãi khi nó thực sự nhập tâm hay đi vào lòng người vì nó nói lên nỗi lòng của họ hay một cảm nhận mà nhân gian gần gủi trong các tiết tấu, nhịp điệu của bài hát đó. Bài “Duyên Kiếp” là một trong các bài điển hình khi tôi nghe anh bạn hàng xóm nhà tôi trong cơn bị tình phụ, tối tối buồn tình vác đàn ra trước bao lơn nhà hát nghêu ngao kiểu chế lại lời bài hát:

“Em ơi nếu mộng không thành thì sao
Mua chai thuốc chuột uống vô là rồi
Đường đời mịt mời vạn nẻo về đâu
Mong chờ duyên kiếp đưa lối niết bàn...”

Thay vì lời đúng là:

“Em ơi nếu mộng không thành thì sao
Non cao đất rộng biết đâu mà tìm
Đường đời mịt mời vạn nẻo về đâu
Mong chờ duyên kiếp đưa lối bắc cầu...”

Trong biến cố mất miền nam LP ra đi, rồi đem gia đình sang sau và định cư tại Cali. Nhưng vì có những khó khăn của tình cảm tại Mỹ, anh bỏ sang Pháp sinh sống. Khi anh ra nhạc phẩm “Lầm”, nó tiêu biểu cho hàng ngàn con tim trắc trở khi ân hận đưa em sang đây. Không phải nó chỉ đúng cho khối người di tản đợt năm 75 không thôi, mà gần đây nhiều anh “Việt Kiều” về bên nhà cưới vợ, rồi mang sang Mỹ, để rồi các anh cảm thấy lời bài “Lầm” thật ai oán, thật phũ phàng như lời tiên tri và nó rất gần gủi với họ hơn bao giờ hết.

Bài hát “Tình Đời” cũng là bài ca nói lên nỗi oan trái của tình trường, tình đến rồi đi theo cơn gió nghiệt ngã, bẽ bàng:
“Em có còn thương nhớ gì không
Trong những đêm lạnh giá canh trường
Một mình lẻ bóng đơn côi
Lời yêu ai đành gian dối
Kỷ niệm buồn che khuất vành môi

Còn nhớ tiếng nói thơm môi, lời yêu một thời
Tình xanh tuyệt vời mà ta đã trao
Và tôi say trong tình vừa nở
Ngờ đâu ngày tan vỡ
Giờ còn trong giấc mơ thôi

Nên mới hiểu nhân thế đổi thay
Khi trắng tay người ngoảnh xa người
Người thì tính toán lợi toan
Người thì trăm bề gian dối
Ngẫm sự đời ta buồn mình ta”

xxx

Anh cho biết trong hơn 200 ca khúc anh sáng tác trong đời thì thời gian lưu trú bên Pháp nguồn cảm hứng phơi phới đến với anh tại kinh đô ánh sáng Ba Lê đã cho anh hơn phân nửa tổng số nhạc đó.
Vui say với tình yêu mới nơi kinh thành Paris, LP sáng tác nhạc phẩm “Mùa Thu Yêu Đương”, nhịp điệu tươi vui, lời nhạc thật tình tứ. Paris đem những mùa thu của LP thêm ngọt ngào trong hạnh phúc qua lời ca, tiếng hát:

“... Mùa thu ơi
Paris dệt mộng tình si
Khi nghe người đi vào đời,
Thấy lòng như bớt đơn côi

Bờ môi em là nguồn tin yêu đắm đuối
Ngày thuyền tình vào bến mới
Ta sẽ cho nhau tình yêu tuyệt vời

Anh ước mai sau cũng như ngày đầu
Thương lời ngọt ngào
Đưa anh vượt khỏi cơn đau ngày nào
Mùa thu thay lá, mùa nối tơ duyên
Anh nguyện một đời tình ta mãi là
Mùa thu yêu đương. “

Tôi xem anh xuất hiện trên hai băng video số 22 và 28 của Thúy Nga Paris By Night, tôi thấy nét phong độ, nét yêu đời của anh. Do đó chính hoàn cảnh mới tạo điều kiện cho tâm hồn hân hoan, vui vẽ cho anh sáng tác thật sung mãn. Bài hát “Bài Tango Cho Em” đã nói lên ý niệm của sự suy nghĩ mà tôi vừa nói đến:

“Từ ngày có em về,
nhà mình toàn ánh trăng thề.
Giòng nhạc tình đang tắt lâu,
tuôn trào ngọt ngào như giòng suối.

Anh yêu phút ban đầu,
đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu.
Trong mắt em buồn về mau,
em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau.

Tiếng đàn hòa êm ái,
nhịp bước em thêm lả lơi.
Cung điệu buồn chơi vơi,
đôi tâm hồn riêng thế giới.

Mình dìu sát đi em
để nghe làn hơi cháy
trong tim nồng nàn.
Tiếc thương chi trời rộng thênh thang,
Vương vấn để rồi một đời cưu mang...”


Khi anh hay tin ca sĩ Họa Mi vượt thoát tìm tự do, xin tị nạn chính trị tại Pháp, LP cho ra nhạc phẩm “Em Đi Rồi” làm xúc động hàng triệu thính giả khi xem video mà Họa Mi ca bằng nước mắt oan khiên của hoàn cảnh nghiệt ngã vì gia đình phân ly:

“Em đi rồi, đường xưa có nắng không anh?
Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày ?
Giờ một mình anh, lẻ bước trong sương mai
Người tình còn đâu, chỉ đớn đau con tim
Em đi rồi từ đây tiếng hát cô đơn
Biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người
Một lần biệt ly chẳng biết nói năng chi
Lệ tràn bờ mi thì đã quá chia ly
Dù tình thật xa tình vẫn còn đây
Khóe mắt u hoài vì ngấn lệ chưa vơi
Trời buồn tình ngâu trời đêm bão tố
Mưa tuôn thành giòng thuận gió biển đông
Tình buồn tình xa tình không mờ xóa
Hai phương trời rộng tình vẫn mênh mông.”

Đường đời vẫn là bãi chiến trường thử thách nhạc sĩ LP. Rời bỏ Rạch Giá lên Sài Gòn lập nghiệp, anh gặt hái nhiều thành công về kinh tế cũng như danh phận, tạo tên tuổi cho biệt hiệu Lam Phương.
Rồi khi ra hải ngoại đổi đời, hạnh phúc tình yêu thử thách anh, anh vẫn đứng vững tạo thêm nhiều tác phẩm âm nhạc hơn khi còn trong xứ. Đến tháng 3 năm 1999, một thử thách khác lại đến với đời anh là một căn bệnh quái ác tai biến mạch máu não, do chứng tiểu đường gây ra. Sau biến cố này, bác sĩ Morita được nhạc sĩ Nam Lộc giới thiệu đến trị bệnh cho anh tại nhà, từ đó tôi được dịp thăm anh. Hậu quả của căn bệnh tai biến này làm cho anh bị tê liệt nửa cơ thể, đây là một khó khăn lớn cho những hoạt động thường nhật của anh, mà trong đó cái đam mê và sự nghiệp âm nhạc bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy với ý chí phấn đấu anh luyện tập đi đứng hằng ngày, sức khoẻ của anh có phần khả quan hơn, khi chúng tôi vào nhà, anh cho chúng tôi đi thăm phòng tập thể lực của anh với các dụng cụ máy móc thể dục. Gần đây chúng tôi xem video Thúy Nga #74, nhạc phẩm mới nhất “Hạnh Phúc Mang Theo” của anh trong giai đoạn hậu tai biến (post stroke) được trình làng.

Lời Kết:

Có lẽ không ai chối cải LP là một nhạc sĩ tài danh vì những nhạc phẩm của anh đã đi vào lòng dân gian, những lời ca từ các bài hát của LP đã đi vào quảng đại quần chúng.
LP trải qua ba thử thách trong cuộc đời là: Sự nghèo khó lúc thiếu thời, Sự bấp bênh của hạnh phúc cá nhân khi ra hải ngoại, và Sự nguy hiểm của vấn đề sức khỏe đe dọa đời anh. Đến nay anh đang hướng về cái tuổi “Cổ Lai Hy” 70, một khúc quanh quan trọng trong cuộc sống đối với người Việt Nam.
Chúng tôi vui khi gặp anh và xin cầu chúc sức khoẻ anh thêm dồi dào.

Khi ra về trên freeway hướng về Los Angeles, anh Morita hỏi tôi sẽ viết gì và có kỷ niệm gì với nhạc sĩ Lam Phương. Tôi đáp lời anh Morita là bài viết tôi sẽ kể nhiều về những nhạc phẩm của anh Lam Phương mà tôi thích. Lam Phương cho tôi niềm lạc quan, sức phấn đấu bền bỉ và nụ cười hiền hòa như những mùa trăng thanh bình trong bài hát của anh. Và điều trên cao hơn hết mà chúng tôi quí anh vì:
"Lam Phương là một vì sao khiêm tốn."


(Gởi anh Lam Phương cùng Bác sĩ Trang Peter Morita)

Việt Hải, Los Angeles