Quê nhà quê người

T. Vấn

 


               •T.Vấn
               •Chiều nay, gởi tới quê xưa,
                 biết là bao, thương nhớ cho vừa
                                         ( Phạm Duy –Thuyền Viễn Xứ)

Ai cũng có một quê hương ,để khi xa thì nhớ về và để khi gần thì . . . ghét bỏ. Như mái nhà cha mẹ , từ đó mình được sinh ra. Như thành phố thân yêu, từ đó mình lớn lên và có những kỷ niệm. Đất và nước – hai thành tố cấu tạo một miền quê hương. Khổ đau và hạnh phúc- hai mặt của một định mệnh cấu thành cuộc sống con người. Quê nhà và quê người – hai nẻo của một cõi đi về. Một bên là hệ lụy. Bên kia là nấm mồ.
Có mấy ai ra đi, hiểu được nỗi lòng của người ở lại, và có bao nhiêu người ở lại, đau được nỗi đau của kẻ ra đi ?
Hơn 10 năm trước đây, một buổi chiều, tôi bước lên máy bay đi định cư xứ người, bắt đầu một trang mới  trong cuộc đời lắm  buồn  hơn vui của mình. Qua khoang cửa sổ nhỏ xíu của máy bay, tôi liếc nhìn quê nhà lần cuối – lúc ấy làm sao tôi biết có một ngày trở về -. Nắng chiều đang đổ dài. Cái thứ nắng quái chiều hôm luôn làm tôi bứt rứt khó chịu. Những con đường đất, những mảnh ruộng khô, những mái nhà quê đơn sơ, chìm khuất giữa bụi và cát. Một miền quê hương bỗng trở nên xa lắc. Một chút ngậm ngùi thoáng qua, rồi tan biến đi giữa những háo hức, cả những âu lo về một vùng đất mới với những con người mới hoàn toàn lạ lẫm trước mặt.
Đời sống, đó là định mệnh mà không ai trong chúng ta, có thể từ chối được. Và tôi chấp nhận cuộc sống mới, như một định mệnh mới của mình. Như tôi đã từng chấp nhận những định mệnh khắc nghiệt của tôi trong quá khứ. Mỗi một định mệnh đều  có những niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta, không có một lựa chọn nào khác, phải tập cho quen với những gì cuộc sống đem lại.
Hơn 10 năm đốt đuốc soi rừng giữa xứ người xa lạ,tôi nghiệm được rằng, dường như tôi đã quá già để tập cho mình quen được với những đổi thay trong cuộc sống. Tôi như một người bị bệnh thấp khớp kinh niên.
Làm sao tránh được những ray rứt, mỗi khi trái gió trở trời.
Ở đây, nơi xứ người ít cát , ít bụi, ít những con đường đất đỏ, ít những mảnh ruộng khô cằn, ít những căn nhà quê đơn sơ mộc mạc, nhưng vẫn có nhiều gió. Và không thiếu những cơn gió lớn chết người, cuốn nhà , cuốn xe như gió quê nhà cuốn đi những cánh diều giấy tuổi thơ. Cũng có những buổi chiều nắng xế. Và nỗi bứt rứt. Nhưng cái bứt rứt không phải là cảm giác thấm vào da vào thịt như nắng xế quê nhà. Mà là cái bứt rứt của sự hụt hẫng, của sự bùi ngùi, của muôn ngàn hồi ức về những buổi chiều quê nhà ùa về làm nặng trĩu cõi lòng.
Tôi chợt nhận ra rằng, đời sống này có quá nhiều những lựa chọn, mà lựa chọn nào cũng đau đớn. Chỉ có một điều duy nhất chúng ta không được lựa chọn là sự có mặt trong đời sống. Trong mỗi lựa chọn, chúng ta tự cầm dao rạch vào hồn mình những vết thương. Theo năm tháng, có những vết thương đã thành sẹo, có những vết thương cứ tiếp tục mưng mủ. Có những vết thương tưởng đã thành sẹo lâu rồi, bỗng chợt vỡ òa ra, như những giọt nước mắt già nua, tưởng đã khô cạn, bỗng một hôm trào ra làm ướt hết cả những kỷ niệm. Đúng hay sai của một sự chọn lựa, nhiều khi không phải là điều làm chúng ta quan tâm, vì lằn ranh của đúng sai trong cuộc sống nhiễu nhương này, chỉ cách nhau có một sợi chỉ mong manh. Cái chúng ta quan tâm – trong nhiều trường hợp – là sự lựa chọn – trong một khoảng đời nào đó- có đưa chúng ta về được với chính mình. Dù đúng dù sai, dù hay dù dở, cũng vẫn là mình.
Chiều nay, trong cái bứt rứt khó chịu của nắng xế chiều hôm xứ người, cái thứ nắng mà quê nhà gọi là nắng xiên khoai, tôi nhớ về sự lựa chọn ra đi năm xưa. Đó là một lựa chọn định mệnh. Tôi hằng tin như vậy. Nhiều bạn bè tôi, có cùng một lựa chọn, cũng hằng tin như vậy. Có nuối tiếc không ? Hiển nhiên là không ! Làm sao phân định được đúng sai để mà nuối tiếc. Vả chăng, nơi quê nhà năm ấy, chúng tôi đâu có được quyền xem đó như chốn quê nhà của mình, để mà nuối tiếc !
Tôi có trở lại nơi tôi bỏ ra đi một lần. Căn nhà xưa, nơi tôi sinh ra, không còn là căn nhà của tôi nữa. Thành phố ấy, nơi tôi lớn lên, trưởng thành, có mối tình học trò đầu tiên, không còn là thành phố của tôi nữa. Những người sống ở đó, không  còn ai là bạn của tôi nữa. Tôi có đến những nơi chốn trước đây tôi thường lui tới. Những khu bán sách cũ. Những quán xá. Những ngã tư hò hẹn. Những con đường lá me bay ngày ngày tôi đi học. Tất cả đều dửng dưng với tôi. Như với một người lạ. Như với một du khách.
Từ quê nhà, tôi lủi thủi quay lại quê người với tâm trạng của một người tình bị hắt hủi.
Hiển nhiên, tôi cũng còn những người thân ở quê nhà. Nhưng những người thân của tôi vẫn chưa đủ để làm nên một quãng đời, một quá khứ, một định mệnh.
Dẫu sao – tôi nghĩ rằng  - tất cả chúng ta  - những nhân vật bất đắc dĩ trong vở bi kịch thời đại – đều cần có một quê nhà để nhớ về, để đi hết con đường định mệnh đã lựa chọn.
Quê nhà quê người – hai nẻo của một cõi đi về.
Một bên là hệ luỵ.
Bên kia là nấm mồ.

T. Vấn