LỜI KHUYÊN CỦA MẸ QUA GIẤC MƠ

Ðồng Mai

 

Ðồng Mai đã có duyên đọc qua bài viết “Tường thuật về một giấc mơ kỳ lạ ” của Trúc Huy được đăng trên tạp chí THẾ KỶ 21 số 187 (November 2004), và cũng thấy đăng trên các websites như: CHIM VIỆT CÀNH NAM số 17, HỒN QUÊ số 35, NGUYỆT SAN LIÊN HOA, số 409 chủ đề Vu Lan Báo Hiếu v. v… Ðồng Mai sẽ nói rõ thêm về lời khuyên của Mẹ Trúc Huy qua giấc mơ đó. Tác giả Trúc Huy viết:

Trong giấc mơ, tôi đang dạo chơi, bỗng nhiên một cơn mưa giông nhẹ đổ xuống nhưng tạnh liền ngay sau đó. Rồi, không rõ nguyên nhân từ đâu, nước dâng lên rất nhanh, nhưng tôi đã kịp thời bám vào vách đá của núi để leo lên và tránh được nước lụt. Có điều lạ, tuy là nước lụt nhưng lại trong như nước suối, chứ không phải dòng nước đục ngầu như thường thấy. Tôi tháo cởi đôi giày và tất, rồi vừa leo dần theo các vách đá để leo lên một ngọn núi, leo tới đâu tôi đều cẩn thận chuyển đôi giày da màu nâu của tôi theo và tìm chỗ cất tạm đôi giày vào trong một hốc đá, rồi cứ thế tiếp tục leo tiếp. Lúc tôi leo như thế, cơn mưa rào đã tạnh từ lâu, chỉ còn vài giọt mưa lất phất, khí trời rất mát dịu. Và đôi giày tôi đưa lên cao tới đâu cũng như áo quần tôi đang mặc đều được khô ráo cả. Trong giấc mơ, khi leo theo các vách đá của triền núi, tôi không hề cảm thấy mệt mỏi gì cả, và các tảng đá tôi bám vào để leo đều khô ráo, sạch sẽ chứ không nhơ nhám đầy rêu phong như ở ngoài thực tế. Triền núi gồm những tảng đá lớn nhưng rất dễ bám vào để leo, ở phía chân núi có vài chỗ cũng thấy có những loại grilles bao bọc theo chân núi, người ta làm để chận lại những tảng đá lở có thể lăn xuống đường nguy hiểm.

Tôi leo như thế chẳng mấy chốc đã lên tới đỉnh núi. Nhìn lại áo quần tay chân đều sạch sẽ, không hề bị lấm lem dơ bẩn gì cả. Và ở trên này bây giờ là mặt đất bằng phẳng rộng lớn, chỉ có một ít cây cỏ và hoa lá chứ không có loại cây to lớn, nhưng lại nhìn thấy trước mặt có một cảnh chùa – có lẽ là kiến trúc duy nhất được xây ở trên núi. Tôi như đang ở một nơi tiên cảnh rất đẹp và rất lạ chưa từng thấy bao giờ. Tôi đang ngồi, vừa nghỉ ngơi đôi chút vừa loay hoay tìm đôi giày để mang lại vào chân, nhưng không còn tìm thấy đâu nữa, có lẽ đã để quên trong một hốc đá trong lúc đang leo lên, bây giờ không tìm ra. Nhìn xuống xa xa phía dưới chân núi, tôi không thấy nhà cửa gì cả, chỉ thấy nước lụt trong veo vẫn còn lấp xấp, bao la chung quanh ngọn núi. Có điều lạ lùng, kể từ khi tôi bắt đầu leo lên núi, hình như ngoài tôi ra không có ai cả, nhưng trong giấc mơ, tôi không cảm thấy ngạc nhiên tại sao quang cảnh lại thanh vắng chỉ có một mình tôi giữa bầu trời bao la bát ngát để tránh nước lụt như thế!!!

Không tìm được giày, tôi đứng dậy thơ thẩn rảo bước về phía chùa. Tôi đi đến trước đôi cánh cửa lớn của điện Phật được mở rộng từ lúc nào rồi, và đứng bên ngoài, tôi đưa mắt nhìn vào bên trong điện Phật, tuy bị ánh sáng ngoài trời làm cho nhìn thấy bên trong có phần dịu mắt hơn, nhưng tôi cũng nhận ra được cách trang trí của một điện Phật rộng và sâu mà tôi thường có dịp thấy: bên trong chánh điện có một tượng Phật rất lớn uy nghiêm trên tòa sen, và những pho tượng Phật khác nhỏ hơn nhưng tất cả đều thếp vàng lộng lẫy, và nhiều hương đèn hoa quả trên các bàn thờ... Chánh điện được bài trí rất trang nghiêm thanh tịnh, có mùi hương trầm thơm dịu thoang thoảng lan toả ra trong không gian...

Tôi đang tần ngần đứng nhìn vào bên trong điện thờ như thế thì thấy mẹ tôi từ bên trong điện Phật xuất hiện và bước ra đứng gần ngay mé cửa, và như tình cờ mà mẹ tôi nhìn thấy tôi đang đứng ở trước điện. Mẹ tôi mặc loại áo tu màu lam tro đơn sơ của các sư bà sư cô, và mẹ tôi có vẻ như vừa làm xong các công việc sửa soạn hương đèn hoa quả cần thiết trước khi chùa sắp làm khoá tụng thường nhật cho buổi chiều, có lẽ vào giờ sắp tới. Và không hiểu sao, tuy không nhìn thấy có ai khác ngoài mẹ tôi, nhưng tôi biết là bên trong chùa, ở phía đằng sau, còn có một ít sư bà sư cô khác, nhưng những vị này đang có những công tác riêng ở phía sau bên trong chùa.

Mẹ tôi nhận ra tôi ngay, và tuy hai mẹ con bất ngờ gặp lại nhau, nhưng cả mẹ tôi và tôi hình như không ai tỏ vẻ ngạc nhiên cả. Tuy tình mẫu tử vẫn còn sâu đậm trong tâm trí của cả hai mẹ con, nhưng mẹ tôi và tôi bây giờ đây không còn biểu lộ ra bên ngoài sự vui mừng được gặp lại nhau như thường thấy ở ngoài đời nữa. Tôi thấy mẹ tôi nhìn tôi một cách dịu dàng với một thoáng vui đơn sơ đầy vẻ hiền từ và rất thư thái an lạc, song ánh mắt của mẹ tôi có vẻ xa xăm như nhìn vào khoảng bầu trời bao la không bị vướng che ở trước mặt. Lúc đó vào khoảng 4, 5 giờ chiều, khí trời thật là trong thanh mát dịu. Trong giấc mơ, tôi hoàn toàn không có ý niệm gì về chuyện mẹ tôi đã mất từ lâu rồi – và trong nhiều giấc mơ khác của tôi về mẹ tôi, tôi đều thấy mẹ tôi còn rất trẻ, khoẻ mạnh, và sinh sống một cách bình thường với mọi người, chứ không bao giờ tôi biết đó là mẹ tôi nhưng là một người mẹ đã mất.

Bây giờ đây, tuy hai mẹ con bất ngờ gặp lại nhau ở trước điện Phật chùa như thế, mẹ tôi không còn lộ vẻ vui mừng rõ rệt như khi lâu ngày được gặp lại một đứa con. Về phần tôi, tuy được gặp lại mẹ tôi như thế, tôi cũng không biểu lộ ra sự vui mừng được gặp lại một người mẹ yêu quý như ở ngoài thực tế, và tôi cũng không thắc mắc tại sao mẹ tôi không còn ở với gia đình con cái mà lại đang tu tại một ngôi chùa ở một nơi tiên cảnh như thế này. Hình như có một sự ngăn cách vô hình nào đó làm cho cả mẹ tôi và tôi đều không còn thấy nhiều ràng buộc liên hệ với nhau nữa, vì cả hai đang sống ở hai cảnh giới khác nhau.
Lúc đó, không hiểu sao tôi lại hỏi mẹ tôi một câu hết sức ngớ ngẩn như sau: "Mạ có thấy đôi giày của con ở đâu không?" Mẹ tôi đang đứng cạnh cửa điện Phật, liền quay lại ở hông bên trong gần sát ngay cửa điện, lấy ra một đôi giày, rồi đưa cho tôi và nói: "Có phải đôi giày này không con?" Tôi nhìn kỹ đôi giày mẹ tôi đưa cho tôi xem thì thấy rất lạ: cũng là một đôi giày da gồm có chiếc cho chân phải và chiếc cho chân trái, song hai chiếc lại không cùng cỡ và không cùng màu (một chiếc màu nâu đỏ, còn chiếc kia màu đen), nhưng mẹ tôi có vẻ như không cần quan tâm tới chuyện hai chiếc giày không giống nhau đó và xem như đó cũng là một 'đôi giày' mà thôi. Khi mẹ tôi đưa cho tôi xem đôi giày đó thì tôi lắc đầu trả lời: "Dạ, không phải đôi giày đó!" Mẹ tôi liền cất đôi giày vào lại chỗ cũ ở hông bên trong gần cửa điện. Và đến đây – tiếc thay! – giấc mơ của tôi cũng chấm dứt một cách đột ngột... Về sự việc đôi giày được lấy ra từ bên trong điện Phật kể cũng hơi lạ, vì thông thường giày dép bao giờ cũng để ở bên ngoài, chứ có khi nào người ta đem để hoặc cất giữ ở trong điện Phật bao giờ?

Sau giấc mơ kỳ lạ đó, tôi còn có nằm mơ thêm vài ba lần khác, cũng là những giấc mơ có liên hệ đến chuyện mất giày dép, nhưng ở trong những hoàn cảnh khác nhau và không còn có mẹ tôi xuất hiện như trong giấc mơ đầu tiên. Và lần nào cũng thế, khi tìm ra được một đôi giày khác thì cũng đều là không phải đôi giày của tôi, mà là một đôi giày nào đó không cùng cỡ và không cùng màu (!?). Tôi không hiểu ý nghĩa của giấc mơ ra làm sao cả! Tôi không thể nào giải thích nổi! Tại sao lại có chuyện nước lụt, tại sao có chuyện leo núi đá để tránh lụt, tại sao có chuyện mất giày, hay là chuyện đôi giày không cùng cỡ và không cùng màu, tại sao có chuyện gặp mẹ tôi đang tu ở một ngôi chùa nơi tiên cảnh như thế?

Người ta thường cho rằng mỗi giấc mơ đều có hàm chứa một ý nghĩa ẩn dụ nào đó. Tôi cũng nghĩ rằng giấc mơ này ắt phải có một ý nghĩa thầm kín nào đó được hàm chứa ẩn dụ trong đó, nhưng rất tiếc đã mười năm qua, mỗi khi có dịp nhớ lại, tôi vẫn chưa tìm ra được một lời giải đoán nào cho giấc mơ kỳ lạ này.



Vào đoạn đầu giấc mơ, tác giả Trúc Huy thấy mình đang dạo chơi bỗng nhiên có một cơn mưa giông nhẹ đổ xuống và tạnh liền ngay sau đó. Vì là cơn giông nhẹ nên không thể nào bị ngập lụt nhanh được. Nhưng trong giấc mơ, Trúc Huy thấy nước dâng lên rất nhanh, có thể xem đó như là một động lực thúc đẩy Trúc Huy phải leo lên núi. Khi leo lên núi Trúc Huy không có cảm thấy mệt mỏi, hoảng hốt, sợ sệt mà Trúc Huy leo núi một cách dễ dàng, không bị mệt mỏi. Leo đến đâu Trúc Huy còn nhớ đem theo đôi giầy của mình nữa, vì vậy có thể nói là TH đã đi lên núi. Khi lên đến đỉnh núi, TH đã gặp lại Mẹ của TH, như vậy Mẹ của TH muốn nói với TH là Bà cũng đang tu ở trên ấy. Khi hai mẹ con gặp lại nhau, Mẹ của TH không tỏ ra vui mừng khi gặp lại đứa con của mình, cũng như TH không hề nghĩ rằng mẹ mình đã mất từ lâu, là vì hai người đang ở hai thế giới khác nhau, nhưng tình mẫu tử của hai người vẫn còn sâu đậm, cho nên hai người đã có cơ hội gặp lại nhau. Nếu sau này TH có gặp ai mà TH chưa bao giờ gặp lần nào trước đó và TH có cảm giác như đã quen biết người đó lâu rồi thì TH nên biết đó là do có tình cảm nhiều đời, nhiều kiếp với nhau nên khi gặp lại thường hay có cảm giác đó.

Chúng ta thường nghe kể chùa ở trên tiên cảnh, thường thường là có Tiên Ông, Hòa Thượng hay Thượng Tọa giảng kinh nói pháp. Thế nhưng trong giấc mơ của TH, TH lại cảm thấy có sư bà hay sư cô ở bên trong chùa chứ không phải là thầy hay hòa thượng. Như vậy, đoạn kế của giấc mơ có ý nghĩa là sau này sẽ có người nữ giảng kinh nói pháp. Người nữ này có phải là sư bà hay sư cô hay không, thì TH sẽ hiểu thêm qua đôi dép mà Mẹ của TH đưa cho TH. Ðôi dép có chiếc to, chiếc nhỏ là ý Mẹ của TH muốn nói với TH rằng người nữ này còn trẻ tuổi, và khuyên TH không nên có tâm phân biệt già trẻ lớn bé. Ðôi dép có chiếc màu đỏ và chiếc màu đen là ý nói người nữ này sẽ mặc áo màu đỏ, màu đen. Ý nói người nữ này là cư sĩ, và Mẹ của TH muốn khuyên TH là không nên có tâm phân biệt là người có thể giảng kinh Đại Thừa phải là Hòa Thượng mặc áo vàng, áo nâu, hay sư bà, sư cô mặc áo lam, chứ không thể là người nữ cư sĩ trẻ, mặc áo đỏ áo đen. Nói tóm lại, là Mẹ của TH muốn cho TH biết là sau này sẽ có người nữ cư sĩ trẻ tuổi giảng kinh nói pháp và khuyên TH không nên khinh thường người này, vì thấy người này là nữ, còn trẻ mà lại không phải là sư cô hay là hòa thượng mà không thèm học theo lời giảng của người này. Dù sao đôi dép có chiếc to, chiếc nhỏ và màu sắc khác nhau kia cũng có thể giúp TH đi qua đoạn đường đầy chông gai mà TH không bị miểng chai cắt đứt chân chảy máu, và TH không bị đau đớn. Cũng như lời giảng Phật pháp của người nữ cư sĩ trẻ tuổi này sẽ giúp TH thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, và TH không còn bị đau khổ nữa. Nói tóm lại, Mẹ của TH khuyên TH không nên chê người nữ trẻ tuổi này mà không thèm học theo giáo lý của người này, giống như TH chê không thèm nhận đôi giầy có chiếc to chiếc nhỏ và màu sắc khác nhau kia.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật có nói về Tiểu Long Nữ thành Phật, nhưng mấy ai trong chúng ta thành tâm muốn nghe Tiểu Long Nữ nói pháp. Hay là khi chúng ta gặp Tiểu Long Nữ, chúng ta sanh tâm khinh thường vì thấy người này còn trẻ mà lại là nữ. Chúng ta quay lưng lại đi thẳng và không thèm nghe Tiểu Long Nữ giảng Phật pháp. Người ta thường nói: “Được sanh ra đời cùng thời với Phật Tổ đã là khó, được gặp Phật Tổ, được học và hành theo giáo lý của Ngài lại càng khó hơn.” TH không nên bỏ mất cơ hội đó. Nói tóm lại, Mẹ của TH muốn khuyên TH không nên có tâm phân biệt. Người còn có tâm phân biệt thì con đường trở về tâm thanh tịnh của mình còn xa lắm. Hy vọng bài viết này sẽ giải đáp được những thắc mắc của TH qua giấc mơ mà TH đã thấy cách đây mười năm.

Tháng 11, 2004

Ðồng Mai