Một Bóng Hồng Viết Nhạc: ĐÀO NGUYÊN

Quách Nam Dung

 


Tháng ngày như những đợt sóng biển vỗ về trên bãi cát, khỏa lấp những dấu chân người. Từ những niềm vui chúng ta đang có trọn vẹn trong tay, đến nỗi buồn về những gì chúng ta đã mất … Tình yêu của con người dành cho con người đối với cuộc đời, đối với cỏ cây tạo vật, đã đem đến cho ta chúng niềm hạnh phúc được làm người …

Đó là những những dòng chữ in nơi trang trong của bìa CD Trả Lại Cho Anh, gồm 10 bài nhạc trữ tình của Đào Nguyên.

Nhạc sĩ Trần Văn Khê (TVK), khi duyệt qua lịch sử âm nhạc của các nước Âu Mỹ trong Tiểu Luận VĂN HÓA VỚI ÂM NHẠC DÂN TỘC, đã đưa ra nhận xét rằng, từ ngàn xưa đến gần cuối thế kỷ thứ 19, ông không thấy có tên một nữ nhạc sĩ nào cả. Trong giai đoạn này, chúng ta thường chỉ biết đến Bach, Beethoven, Mozart, Lully, Debussy, Ravel, Tchaikowsky, Chopin …. Trong thời kỳ cận đại thì gồm những Schonberg, Messian, Boulez. Bên Pháp, đến mãi đầu thế kỷ 20 mới có bà Germaine Tailleferre thuộc nhóm “Sáu Nhạc Sĩ”, và bà Nadia Boulanger, người đã từng đoạt “Giải Thưởng Roma” về bộ môn sáng tác. Ông tự đặt câu hỏi “Có bạn nào có dịp nghe một nhạc phẩm của hai nữ nhạc sĩ ấy chăng?”. Riêng bản thân nhạc sĩ TVK, dù cư ngụ ở Pháp đã gần 50 năm*, dù đã từng theo dõi các buổi hòa nhạc cổ điển Âu Mỹ, thế mà ông vẫn chưa được dịp nghe một nhạc phẩm nào của hai nữ nhạc sĩ này. Bên Châu Á cũng vậy, theo nhạc sĩ TVK, chúng ta biết đến vua Phục Hy chế ra đàn cổ cầm, cổ sắt của Trung quốc. Chúng ta biết Tư Mã Tương Như đàn bài Phụng Cầu Hoàng rất hay, hay đến đỗi nàng Trác Văn Quân sau khi nghe tiếng đàn này đã không còn thủ tiết thờ chồng nữa mà bỏ nhà theo chàng Tư Mã này. Bá Nha đàn bản Lưu Thủy Cao Sơn cho chàng Chung Tử Kỳ nghe. Tử Kỳ, khi nghe bạn đàn, có thể đoán được tâm trạng của Bá Nha khi nào bạn nghĩ đến nước chảy, khi nào bạn tưởng đến mây bay, tạo nên một câu chuyện được truyền trong nhân gian về sự đồng cảm tuyệt vời trong tình bạn. Tại Việt Nam, theo nhạc sĩ TVK, chúng ta được biết đến tương truyền về cây đàn bầu, hay đàn độc huyền, nhắc đến Trương Viên đi đánh giặc, vợ ở nhà thay chồng nuôi mẹ. Nhờ tình hiếu đạo nên được tiên cho cây đàn để độ nhật nuôi mẹ chồng. Về sau, chính cây đàn này đã giúp cho vợ chồng sum họp. Về cây đàn đáy trong truyền thống ca trù có nhắc đến Đinh Lễ, hay Đinh Dự, được tiên truyền cho cây đàn mầu nhiệm của thượng giới.

Theo nhạc sĩ TVK, những tên tuổi được nhắc đến trên đều thuộc nam giới. Và một lần nữa, nhạc sĩ tự đặt câu hỏi “Tại sao phụ nữ không có nhiều tài năng như nam giới?” Theo nhạc sĩ, lý do đầu tiên là vì các sử gia thời đó hầu hết là thuộc phái nam, nên thường có khuynh hướng chỉ nhắc đến tên những nam nhạc sĩ. Lý do thứ nhì ông đưa ra, liên quan đến xã hội của các nước Á Châu thời xưa, theo ông nhận xét, âm nhạc không được trọng dụng đúng mức. Tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, vào thời đó, con cháu học nhạc chỉ để thưởng thức chứ không được trình diễn tại các nơi công cộng. Nhạc công trong triều đình chỉ được xem như lính lệ, lính hầu. Lý do thứ ba, vì quan niệm xưa kia cho rằng những phụ nữ đàn hay hát giỏi thường bị xã hội liệt vào hạng người “bán phấn buôn hương”.      

Những quan niệm xa xưa về giai trò của người phụ nữ trong xã hội giờ đã thay đổi nhiều. Người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt những phụ nữ Việt Nam hiện đang sống tại hải ngoại, không ít thì nhiều đã chịu ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương, nền văn minh mà vai trò của người phụ nữ thường được đề cao trong xã hội. Quan niệm xướng ca vô loại mà ta thường nghe đến lúc trước cũng đã đổi thay. Vì thế, trong lãnh vực sáng tác ca khúc hiện nay tại hải ngoại, chúng ta đã thấy sự dần dà xuất hiện của những đoá hoa biết nói, tác giả những bản nhạc viết cho tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, và mỗi một đoá hoa này mang một sắc thái riêng biệt. Đào Nguyên, hiện cư ngụ tại San José, Hoa Kỳ, là một trong những nữ nhạc sĩ này.

Theo Ðào Nguyên tâm sự, Đào Nguyên sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Gia đình gồm ba mẹ, một người anh, và Đào Nguyên. Tất cả đều yêu thích âm nhạc. Ba Đào Nguyên là người thầy dạy nhạc lý căn bản đầu tiên cho Đào Nguyên. Đào Nguyên đã được ba dạy chơi đàn mandolin từ lúc 8 tuổi. Ba Đào Nguyên cũng biết chơi guitar Hawaienne nữa. Đào Nguyên vẫn nhớ ba Đào Nguyên hay chơi guitar Hawaienne, và cứ đánh đi đánh lại một lúc vài ba bài nhạc. Vào thời gian đó Đào vẫn thường lén lấy đàn này để tập đánh những bản nhạc mà Đào đã nghe được, làm cho ba lắm lúc phải ngạc nhiên. Đào Nguyên không còn nhớ tựa các bản nhạc này, nhưng đến bây giờ vẫn còn thuộc làu các nốt nhạc của một trong các bài hát này. Nhân dịp mẹ Đào Nguyên được tặng một cây đàn piano cũ của Pháp, mà Đào rất thích, Mẹ cho Đào học piano ở trường do các Ma Soeur dạy, lúc đó Đào được khoảng 9 tuổi. Năm 1974, lúc Đào Nguyên được 12 tuổi, Đào Nguyên bắt đầu học piano cổ điển một cách nghiêm túc với thầy Nghiêm Phú Phi, và cô Phạm Thị Lạc Nhân. Trong thời gian học với thầy Nghiêm Phú Phi, Đào Nguyên đã tiếp thu được rất nhiều điều hữu ích từ thầy. Đến mãi bây giờ, Đào Nguyên vẫn còn nhớ rất rõ các bài nhạc mà thầy đã dạy cho Đào. Khi qua Mỹ năm 1984, Đào Nguyên học thêm về piano ở trường college, song song với khóa học kế toán. Vào thời gian này, Đào thường đi học bằng xe bus, và được một bà thầy người Mỹ dạy piano trong trường đến đưa đón tận nhà để Đào Nguyên có thể học các lớp đêm về phương pháp dạy đàn piano. Năm 1986, Đào Nguyên đã hoàn tất khóa học này, và được cấp cho chứng chỉ để dạy đàn piano.

Một trong những kỷ niệm mà Đào Nguyên nhớ mãi là vào khoảng năm 1986, Đào Nguyên đã lên Chicago để trình diễn độc tấu đàn tranh gây quỹ cho Hội Người Việt ở đây. Chương trình văn nghệ này được tổ chức tại khách sạn Hilton, có nhiều khách ngoại quốc tham dự. Vào buổi trình diễn hôm ấy, Đào Nguyên đã mặc chiếc áo dài màu vàng do chính mình may. Đào Nguyên nhớ, tương đối khi đánh đàn Đào không có run nhiều, và hình như lúc đó Đào cũng đã dạn dĩ nói ít lời chào quan khách, dù Đào Nguyên cho biết bản tính Đào Nguyên nhút nhát và hay run khi phải trình diễn trước đám đông quan khách.

Khi còn ở Việt Nam, lúc vào khoảng 11 hay 12 tuổi, Đào Nguyên học đàn tranh tại trường Hồng Bàng với thầy Trương Hữu Lang, và một cô giáo nữa mà Đào không nhớ rõ tên. Lúc vừa trước khi rời Việt Nam, Đào Nguyên học đàn tranh với một người thầy khác nữa, Đào cũng không nhớ tên. Khi được hỏi về những kinh nghiệm vui buồn trong thời gian học đàn tranh, Đào Nguyên cho biết sau khi học piano, một nhạc khí Tây Phương, Đào Nguyên đôi khi cũng hơi tò mò muốn tìm hiểu thêm về những nhạc cụ dân tộc của mình. Bạn bè của ba mẹ Đào Nguyên cũng khuyến khích Đào học thêm về đàn tranh. Đào bắt đầu học đàn tranh tại trường Hồng Bàng. Đến lúc qua Hoa Kỳ, cô Phạm Thị Lạc Nhân (nay đã quá cố), một trong những người thầy dạy Đào chơi đàn piano trước đây, đã khuyến khích Đào Nguyên luyện tập thêm về cách chơi đàn tranh sau khi cô nghe Đào chơi nhạc cụ này. Đào Nguyên không rõ mình chơi piano hay dỡ ra sao, mà khi gặp lại cô, cô lại nói Đào tập thêm về đàn tranh. Theo Đào Nguyên, đàn tranh có vài điều bất tiện là dây rất dễ đứt và dễ bị lạc giọng, Đào Nguyên nhớ mình hay lấy mấy cái trụ đàn nhúng vô nước cho gỗ của đàn nở ra thì hy vọng dây khó bị tuột, rồi tìm cách chêm thêm giấy vào. Cũng có thể nếu đàn được làm với kỹ thuật cao thì có lẽ ít bị tuột dây. Móng đàn, theo Đào Nguyên, cũng dễ bị tuột vì tư thế ngón tay đưa xuống. Đó là một vài mẫu chuyện nho nhỏ mà Đào vẫn còn nhớ trong thời gian học đàn tranh.

Trong lãnh vực sáng tác, Đào Nguyên thường để cảm hứng dìu dắt mình. Khi nguồn cảm hứng chợt đến thì Đào ghi vội những nốt nhạc xuống liền. Sau một thời gian sáng tác và phổ nhạc các bài thơ theo cảm hứng, Đào Nguyên đã quyết định theo học về nguyên tắc sáng tác nhạc, dù lúc đầu, Đào không cảm thấy thích học về môn này cho lắm. Đào e ngại một khi biết về lý thuyết nhiều sẽ có thể khiến Đào khó viết nhạc vì có thể bị ràng buộc hay bị phân tâm vì những nguyên tắc này. Đào Nguyên cuối cùng đã sắp xếp thời giờ để học sáng tác với nhạc sĩ Trần Quảng Nam vào mùa hè năm 2003 (Đào Nguyên là một thành viên trong Câu Lạc Bộ Âm Nhạc San José mà nhạc sĩ Trần Quảng Nam là một trong những sáng lập viên). Khi viết nhạc, Đào Nguyên cho biết mình thường viết cấu trúc bài nhạc đơn giản để cho dễ nghe, dễ hiểu, và thường thì không thí nghiệm những gì quá lạ tai. Đào Nguyên cho biết lúc nào mình cũng muốn trau dồi thêm kiến thức trong lãnh vực âm nhạc nghệ thuật, mặc dầu hoàn cảnh của Đào đôi khi không được thuận lợi cho lắm để thực hiện ước nguyện này.

Khi hỏi “Nếu cho Đào Nguyên một điều ước thì Đào Nguyên sẽ ước mơ gì?”, Đào Nguyên cho biết ước mơ có được sự công bằng trong xã hội, trong đó mọi người đến với nhau và đối xử với nhau thật công bằng, chân thật và với tấm lòng rộng mở. Chính từ những cái bất công mà Đào đã tận mắt chứng kiến trong xã hội, đã khiến Đào có khi cảm thấy chán ngán cuộc đời, và tìm đến lối thoát qua âm nhạc, như một hình thức giải tỏa nỗi lòng mình.

CD Trả Lại Cho Anh là CD đầu tay của Đào Nguyên sau một thời gian dài thực hiện, gồm những bản nhạc khá đắc ý của Đào Nguyên. CD Trả Lại Cho Anh được thực hiện công phu, gồm tất cả 10 nhạc bản về tình yêu, về quê hương, được phổ nhạc từ những vần thơ của Từ Minh Phương (Gió Sương, Vòng Tròn Mãi Xoay, Có Một Giòng Sông, Nhớ Biển Tình Quê, Chờ Một Chuyến Đò), Nhất Uyên (Thiên Đường Mùa Xuân, Ưu Tư Của Biển, Chiều Không Em), L. Kh. V. (Giòng Sông Xưa), và bài nhạc Trả Lại Cho Anh, Đào Nguyên viết lời chung với Từ Minh Phương. Các nhạc phẩm trong CD này được các giọng ca điêu luyện của Diễm Liên, Quang Minh, Hồ Quỳnh Hương, Quỳnh Lan, Quang Tuấn, Trang Nhung. Bìa CD Trả Lại Cho Anh được in trên giấy cứng một cách có mỹ thuật, với màu sắc trang nhã. Trang trong của bìa được trình bày như một tập sách nhỏ. Những trang giấy của quyển tập nhỏ này có in lời tất cả các bản nhạc trong CD Trả Lại Cho Anh, và cả lời Anh ngữ của vài bản nhạc như On A Windy And Foggy Day (Gió Sương), The Cycle (Vòng Tròn Mãi Xoay), Where The River Of Home Flows (Có Một Giòng Sông), Whilst Awaiting The Barge (Chờ Một Chuyến Đò), mà theo Đào Nguyên, đã được Trinh Đỗ dịch khá sát nghĩa, hầu có thể giới thiệu những tác phẩm này đến với người ngoại quốc và thế hệ thanh niên sinh trưởng tại hải ngoại. Đây là các bài nhạc về Thiền và về tình yêu quê hương. Đào Nguyên cho biết còn một số các sáng tác khác, với lời và nhạc của Đào Nguyên, có thể sẽ được thực hiện và phổ biến trong tương lai.

Trong các sáng tác của Đào Nguyên, bài Trả Lại Cho Anh, lời viết chung với chị Từ Minh Phuơng, là bài hát mà Đào Nguyên yêu thích nhất, vì bản nhạc này đã gói ghém rất nhiều tâm sự của bản thân Đào Nguyên. Trả Lại Cho Anh mối tình xa xưa, với những vần thơ anh gởi tặng, giờ chỉ còn lại những nét chữ phai màu, như gió thoảng bay trong một buổi chiều hôm nao:

  Trả lại cho anh vần thơ yêu dấu
Bút mực cũng mờ nét chữ dần phai
Tình hỡi tình ơi chấp cánh cao bay
Bay theo gió thoảng nhạt phai giữa chiều

Cuộc tình đắm say những tưởng sẽ hòa cùng vũ trụ cho vạn vật thêm tươi màu, cho lá hoa thêm tươi thắm hương tình … giờ đây xin trả lại cho anh những lời nói hôm nào:

Trả lại cho anh ngàn lời say đắm
Nói chi bao lời như gió vào mưa
Cùng đem tình ta rưới mát muôn nơi
Hoa kia với lá thơm mùi lúa hương

Những ước mơ một đời bên nhau, những kỷ niệm êm đềm ngày hôm ấy, giờ còn lại gì, ngoài một giấc mơ phù du?:

Những ngày qua giấc mơ phù du
Đơm bao kỷ niệm tươi thắm muôn nơi
Ước mơ ngày mai một trời chung bước

Giọt lệ nào đong đầy những kỷ niệm, làm buốt nhói con tim … những vì sao nào lấp lánh những tia sáng huyền ảo, bao phủ cả một giòng sông thiết tha những yêu đương, xin trả lại cho anh đó:

Trả lại anh những ân tình xưa
Có những giọt lòng ngăn lối con tim
Thiết tha ngàn sao lấp đầy sông thương

Vầng trăng đêm ấy rồi cũng nhạt nhòa theo năm tháng … nét vẽ hôm nào cũng đã nhạt phai màu … và tiếng đàn giờ chỉ còn vang vọng lại những âm thanh rã rời lạc lõng nỗi nhớ mong. Lời nói hôm nào, giờ xin trả lại cho anh … Xin gởi trả lại anh cả những lời thở than, vì biết rằng mình đã thật sự mất nhau rồi:
 
Trả lại cho anh vầng trăng năm ấy
Bóng trăng cũng mờ nét vẽ chờ phai
Tình anh lồng theo cánh gió chơi vơi
Quyện theo tiếng đàn trầm vang nỗi lòng
Trả lại cho anh một lời than thở
Để quên những chiều anh nói tình chung
Quyện theo nghìn nơi tiếng gió vi vu
Mây kia với gió không cùng chốn vui.

Trả Lại Cho Anh, với những âm thanh thiết tha như còn vang vọng đâu đây … Trả Lại Cho Anh đã được Quỳnh Lan trình bày, với chút chua xót, chút trách móc, lẫn chút dỗi hờn, mà Đào Nguyên tâm sự, Đào vẫn thường nghẹn ngào khi lái xe nghe bài hát này. Có đôi khi Đào Nguyên hát theo giọng ca sĩ nữa.

Đào Nguyên cũng có những sáng tác về quê hương từ những vần thơ của Từ Minh Phương, như bài Nhớ Biển Tình Quê và bài Có Một Giòng Sông. Những bài hát này, theo Đào Nguyên, để cho bài hát có được sức thuyết phục hơn, Đào đã viết thêm các đoạn lên cao trào và nhất là các đoạn CODA ở cuối bản nhạc.

Nhớ Biển Tình Quê là một bản nhạc về tình yêu quê hương … Nơi bờ biển này, vào một buổi chiều hoàng hôn với người qua lại, sao nghe lòng trống vắng. Ký ức như quay quắt trở về một bờ biển cát trắng năm nào, nơi có hàng dừa cao, và những dấu chân in trên cát vẫn như còn hằn sâu trong tâm trí:

Hoàng hôn trên biển xanh
Bờ biển lao xao người
Sao hồn tôi lạnh vắng
Bỏ sau miền cát trắng

Nơi bến mơ này, ngàn sao vẫn lấp lánh trên bầu trời cao, mà lòng sao trĩu đầy nhung nhớ, nhớ đến một cuộc tình không trọn vẹn bên kia bờ đại dương:

Chiều nay trên bến mơ
Trời biển sao chập chùng
Sao hồn tôi chiều vắng
Bỏ sau tình với nắng

Bên bờ biển cách xa nghìn trùng ấy, biết sóng có gọi thầm ai đó? Biết có bước chân nào ngập ngừng in trên bãi cát vào một chiều nắng lung linh?:

Một trời xa cách xa
Chiều về trong nắng trong
Bên ấy biển gọi thầm
Bước chân còn luyến lưu

Giòng đời vẫn trôi, trời đất vẫn hững hờ, chim trời dường như quên vỗ cánh, đại dương dường như quên vỗ sóng. Thiên nhiên dường như đã nhuốm vận nỗi buồn của người tha hương? Ôi quê hương sao vẫn còn mờ mịt cuối chân trời:

Rồi thời gian vẫn trôi
Trời đất vẫn lạnh lùng
Nhớ tình quê ngày ấy
Nhớ điệu hò ngây ngất
Hàng cây sao đứng im
Giọng hát ai vang về
Chim trời quên vỗ cánh
Sóng như ngừng tiếng ru

Nhớ Biển Tình Quê đã được Đào Nguyên khéo léo đan kết thành những âm thanh man mác một nỗi buồn, nỗi buồn của một người viễn xứ. Lời bản nhạc xuất phát từ những dòng thơ đậm nét quê hương của Từ Minh Phương, được Quang Tuấn trình bày với một chất giọng quyến rũ trầm ấm làm xao xuyến người nghe.  

Giòng Sông Xưa được trình bày qua tiếng hát Quang Minh, một giọng hát truyền cảm chững chạc. Giòng Sông Xưa, thơ L. Kh. V., là những áng thơ mang đầy màu sắc, với không gian là một giòng sông quê cũ có hoa lục bình trôi bềnh bồng, và thời gian vào một buổi chiều khi ánh tà dương đang dần khuất bóng:

Mời em trở lại giòng sông xưa
Hoàng hôn đỏ chín một vòm trời
Hoa lục bình cất cao tiếng hát
Tím cả giòng sông tình đong đưa

Cả một bức tranh về quê nhà đã được vẽ lên với một đời sống mộc mạc, với hình ảnh một giòng sông êm đềm trôi, thấp thoáng những vườn bắp vườn cà, cả những cánh hoa dại lẻ loi bên đường, như đang đắm chìm trong hạnh phúc:

Mời em trở lại giòng sông xưa
Có vườn nho vườn bắp vườn cà
Có hoa dại bên đường cất tiếng hát
Sống đời bình dị mộng bình thường

Nơi giòng sông xưa đó, ta đã từng trải lối đi với đầy bông hoa sứ, anh ước mơ người em gái nhỏ năm nào trở về, để cùng nhau mình hái sen mùa Hạ, những cánh hoa đượm tình quê hương:

Mời em trở lại giòng sông xưa
Cùng em mình hái sen mùa Hạ
Hoa đượm tình quê hương thương nhớ
Lấy bông hoa sứ trải đường đi

Quê hương ta đó, nơi có giòng sông thân thương, nơi có núi Dia-blo, và những đoá hoa hướng dương làm vàng cả một cánh đồng. Quê hương ta đó, biết bao giờ em trở lại?. Có bao giờ em sẽ trở lại?:

Mời em trở lại giòng sông xưa
Núi Dia-blo ngủ giữa trời
Hoa hướng dương cất cao tiếng hát
Vàng cả cánh đồng vàng ước mơ

Những nốt nhạc du dương trầm bổng lồng trong cấu trúc hài hòa của những nhạc bản trong CD Trả Lại Cho Anh, đã được Đào Nguyên ghi lại từ những vần thơ êm ái, mang đến người thưởng thức những ngạc nhiên đầy thích thú. Thời gian rồi sẽ qua đi như bóng nắng. Tuổi thơ rồi sẽ trở vàng như những ngọn lá chuyển mùa. Có còn lại chăng là niềm hạnh phúc yêu thương và được yêu thương, cả hạnh phúc của sự mất mát** … Xin cám ơn những dòng âm thanh mượt mà xuất phát từ tấm chân tình của người nữ nhạc sĩ này, cho cuộc đời này thêm chút sắc màu ... Xin cám ơn Đào Nguyên. Xin cám ơn một bóng hồng viết nhạc.    


* Văn Hóa Với Âm Nhạc Dân Tộc, tiểu luận của Giáo Sư Tiến Sĩ Trần Văn Khê, nhà xuất bản Thanh Niên, 2000.

** Trích trong trang trong của bìa CD Trả Lại Cho Anh.

Quách Nam Dung