Câu chuyện đầu năm

T. Vấn

 


       •T. Vấn
      • Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có hơi ấm ở hai bên : vợ con và  bạn bè ngày cũ. Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa  nhỏ nhoi này.  ( P. Hiệp )

Ngày đầu của một năm. Lại một chặng đường đánh mốc thời gian bằng 365 ngày nữa. Với tôi, vẫn cũng lại một ngày như mọi ngày, đêm hôm trước đi làm về trễ, để buổi sáng là giấc ngủ muộn màng. Nhưng sáng nay, buổi sáng ngày đầu năm mới – mùng một tết – tôi được đánh thức dậy bằng cú điện thoại  ở cách xa hàng ngàn dặm đường. Những người bạn cũ của tôi, nhân ngày đầu năm , quây quần lại, gọi là để cùng nhau ăn thêm một cái Tết tha hương. Cũng vẫn là chén rượu ngày thường. Cũng vẫn là ghế bàn cũ kỹ ngu ngơ theo năm tháng. Cũng vẫn là đồng đất xứ người mang tiếng mùa xuân  mà lại lạnh lẽo hơn những ngày giáp tết. Tiếng xôn xao cười nói bên kia đầu dây. Những lời chúc quen thuộc. Tôi tỉnh ngủ hẳn, nhỏm dậy, nhìn ra khoảng sân trước nhà trắng xoá trận bão tuyết đêm qua. Và bên tai, tôi nghe có tiếng thì thầm. Chúng ta ra đi, đã chẳng mang theo bên mình cố hương hay sao ?
Trong buổi sáng mưa tuyết của một thành phố chỉ là cái chấm nhỏ trên bản đồ nước Mỹ, tôi lắng nghe tiếng bạn hữu nói cười bên ly rượu ấm từ một nơi cũng chỉ là cái chấm nhỏ trên bản đồ nước Mỹ mà nghĩ về những người bạn ngày xưa, về một cố hương xa tít tắp bên kia nửa quả địa cầu. Tôi chợt thèm cái hạnh phúc của những người bạn tôi, giờ này, họ đang quây quần bên nhau, tìm lại chút cố hương qua tấm lòng bằng hữu.
Nhìn tờ lịch mới vừa được giở sang trang, tôi chợt thèm đọc lại những trang viết cũ. Những trang viết đã từng rất được trân trọng gởi đến bạn bè. . .

Chúng ta đã qua một thời binh lửa. Đã có những mất mát vô cùng lớn lao. Đã có những đứa hy sinh trong cuộc chiến. Nhiều đứa cả một thời trai trẻ giam thân trong các nhà tù chạy dài suốt từ Ải Nam Quan cho đến Mũi Cà Mau. Từ những nhà tù, đã có những đứa không trở về. Đã có những đứa vượt biển bỏ xác dọc đường. Vì thế, nếu tôi có sa đà với những kỷ niệm của hôm qua, có yếu lòng để rơi những giọt nước mắt già nua, cũng chỉ là để cho mình tìm lại được chính mình. Tôi chỉ muốn được trở về với cội rễ lòng mình, soi bóng mình còm cõi trong đó, mà tìm lại anh em bạn bè kẻ còn người mất. Người mất thì coi như đã hoàn tất cuộc trở về quê hương đích thực. Kẻ còn thì, đứa lang thang vất vưởng cuộc mưu sinh quê nhà ,  đứa ray rứt với những hệ luỵ của một đời lưu vong quê người. Dẫu quê nhà hay quê người, cũng vẫn là chúng ta. Những thằng ra đi từ ngọn đồi thân thương mùa hè năm ấy. Ba mươi năm một giấc ngủ đông muộn màng. Mẹ kiếp! Nửa đêm thức giấc, bỗng thấy mình chưa thể chết được nếu chưa gặp được nhau để trả món nợ 30 năm. Vả chăng, sống ở đời ai mà không nợ. Không nợ tiền thì cũng nợ tình. Không nợ ân thì cũng nợ oán. Những dòng này được viết để gởi đến những người anh em đã một thời rất thân thương của tôi. Những người anh em mà một thời chúng tôi chia nhau từng điếu thuốc đen khét nghẹt và những ly cà phê bắp rang mà mỗi đứa chỉ đủ tiền để trả cho phần của mình. Chúng tôi đã nợ nhau ân tình những ngày ấy. Cái món nợ mà tôi – mà cả các bạn – đã hân hoan xin được đón nhận. Vì không gì hạnh phúc hơn  được nợ nhau một chút tình. Vì sống ở đời, đó là cái nâng đỡ chúng ta vượt qua mọi gian nan sóng gió . . .( T. Vấn )
Như vậy là đầu năm khai bút, tôi đọc lại mình. Có phải đó cũng là một cách ôn cố tri tân ?
Lại chợt giật mình khi  đọc những dòng viết cũ. Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo để trở về cố hương.
Sao lại chỉ có một nẻo ? nếu như chỉ có một nẻo, mà lối về đã bị lấp kín, hẳn là chúng ta sẽ mãi mãi là những nấm mồ viễn xứ !

Còn nhớ, cũng ngày này năm ngóai, có một người già 73 tuổi về ăn Tết ở quê nhà sau gần 30 năm xa xứ. Ông tổ chức họp báo, và  nói rằng, trong đời ông có hai lần khóc. Lần thứ nhất, là khi ông bỏ quê nhà ra đi năm ấy. Lần thứ hai, là mới đây khi ông đặt chân trên mảnh đất quê hương. Xét cho cùng, không phải chỉ mình ông có những xúc động ấy. Tất cả mọi người chúng ta, không phân biệt chính kiến, không phân biệt màu da chủng tộc, đều cũng sẽ khóc như ông khóc. Xa quê hương ai mà không nhớ. Xa mái nhà cha mẹ ai mà không thương. Nhưng để làm gì khi đem bán rao những tình cảm rất thật ấy ở con người ? và có chút thật thà nào không trong những lời bán rao ầm ĩ ấy ? Tôi đau xót nghiệm ra một điều. Chúng ta hình như đang sống trong một thời đại, với những con người mà bất cứ thứ gì cũng có thể là một món hàng để bán rao, một mặc cả để đổi chác. Kể cả nỗi đau khổ của con người. Kể cả những ngổn ngang bời bời của tấc lòng cố quốc tha hương. . .

Nhờ vậy, tôi lại có dịp tri tân. Quả thật, đường đời trăm vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu – tượng trưng cho tình thương yêu và thuỷ chung của con người – và hành trang là những giọt nước mắt – cả khổ đau lẫn hạnh phúc – của những người thân  yêu nhất.
Lối về ấy, tuy nhỏ hẹp, nhưng lại vẫn rất thênh thang cho những tấm lòng thực sự cố quốc tha hương, dù có nặng trĩu  vô vàn những đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời. Lối về ấy, sẽ không bao giờ bị che lấp, trừ phi, chính chúng ta tự ngăn mất lối về của mình.
Như một người già 73 tuổi , vừa mới thêm một lần cuối đời lầm lỡ. Cái lầm lỡ lẽ ra có thể tránh được.
Đầu năm khai bút, tôi đọc lại mình, tôi đọc lại bạn bè.

Một đời thăng trầm chúng mình đã đi qua, cách này hay cách khác mà cách nào cũng hoạn nạn nhiều hơn diễm phúc, khổ đau nhiều hơn vui mừng. Qua đi, qua đi, những cơn mê. Tình này chồng chất lê thê. Được, thua rồi chẳng còn gì. Chỉ còn lại là những kỷ niệm rực rỡ của một thời thanh xuân không bao giờ tìm thấy nữa. Giờ đây, tạm yên thân nơi xứ lạ quê người, cũng là lúc dọn mình đi xuống. Xuống một nơi bình yên nhất của một kiếp nhân sinh phù du.
Và trên con đường buồn bã kia, chỉ có hơi ấm ở hai bên : vợ con và bạn bè ngày cũ.
Cầu xin mọi người giữ mãi ngọn lửa nhỏ nhoi này. ( P. Hiệp)

Tôi cảm thấy thật bình yên ấm áp trên lối nhỏ trở về cố hương qua những tấm lòng bằng hữu. Dẫu cho ngoài kia đất trời đang gầm thét thêm một cơn bão tuyết làm trắng cả mùa xuân.

T. Vấn