THẦY CÙ

Bích Xuân

 

Hình ảnh ông thầy dạy Anh văn ngày xưa, dỏng cao, đầu hói, da trắng, cái mũi hơi to, môi mỏng, đeo kính cận đi dạy học hằng ngày bằng xe vespa trắng. Thầy độc thân, nghề dạy học tư. Năm học Anh văn với thầy lúc đó tôi mười tám tuổi còn thầy ba mươi ba. Mỗi tuần tôi học  với thầy bốn giờ vì tôi mất căn bản về môn này, nên học với thầy tôi rất chăm chỉ. Thầy Cù dạy kèm luôn cả Pháp văn và toán lý hoá chiều thứ bảy, chủ nhật, dạy luôn buổi tối cho những học sinh luyện thi tú tài. (Thầy học chương trình Pháp ). Phục thầy quá ! Tôi hỏi làm thế nào mà thầy học giỏi quá vậy ! Thầy nói cũng vài năm Đại học thôi, sau thì mướn phòng dạy kèm, rồi nghề dạy nghề nên có phương pháp riêng để dạy. Hơn tôi mười ba tuổi mà thầy giỏi đủ thứ ! Nhưng, tôi lại không thích cặp môi mỏng dính như bánh tráng của thầy…

Người thầy cao ráo sáng sủa, đẹp trai thế, văn minh thế mà có tên Ngô Dân Cù ! Tôi chê. Thầy nói thầy là dân Bắc kỳ hồi 54 gia đình chạy tuốt qua bên Cao Miên thầy đổi tên, đổi họ lại là Ngô Dân Cung nhưng người đánh máy làm rụng chữ  n và g thầy không để ý, sau coi lại thì thầy hoảng hồn, nhưng đã trể rồi . Thầy sáng ý thêm vào dấu huyền, thầy nói đáng ra lúc đầu thầy sửa lại chữ Ư nhưng thầy lại sợ nhỡ cái râu nó rụng lần nữa thì nguy hiểm lắm ! nên thầy có tên Cù là vậy. Thầy Cù là người miền Bắc rõ ràng, còn chuyện di cư qua Cao Miên ai mà biết…

Ba tôi cấm tôi học Anh văn, vì thời đó trong làng tôi có mấy cô đi làm công sở của Mỹ rồi có chồng Mỹ. Bà con trong làng trề môi xầm xì chê bai…Coi như chuyện con gái lấy chồng Mỹ là điều xấu xa không bằng! Cụ thân sinh tôi nghĩ,  nếu cho tôi học tiếng Anh, thế nào rồi tôi cũng đi làm cho hãng Mỹ, thế nào rồi cũng lấy chồng…Mỹ, thế nào rồi…nên cụ nhất định không cho học, tôi mà cãi, cụ cho bạt tai ngay. Khiếp lắm ! Đâu có như bây giờ con cái được cưng như trứng, hứng như hoa. Bố có giận thì thoi tay vào tường, vào ghế cho đỡ tức…Bố nào lớn gan mới « dám » đánh con, cảnh sát mà biết được ngồi…tù như chơi . Xứ tự do đấy !  Nhưng đừng tưởng bở.
Thời đó tôi cũng « ghét » ba tôi bởi cái tính con gái mới lớn, dễ giận, dễ ghét, dễ buồn vu vơ, không làm vừa ý mình là giận, rồi đâm ghét. Bây giờ sức mấy mà buồn, mà ghét chi cho mệt !

Ba tôi không cho học tiếng Anh nên tôi phải nghỉ học, lúc đó tôi đã học với thầy Cù được năm tháng rồi, mỗi tuần học có bốn tiếng, học như vậy thì chẳng biết được bao nhiêu chữ. Trường dạy tư của thầy Cù có tất cả ba mươi hai học trò, cả nam lẫn nữ. Tôi phải ngồi hàng sau chót sát tường, vì tôi  cao gần bằng thầy .

Thầy Cù có tật khi giảng bài nói nhanh như bắp rang ! làm như là ai dành nói với thẩy không bằng, nhiều lúc thầy giảng tôi không hiểu, về nhà chép lại, coi tới coi lui rất lâu mới hiểu, tôi ghét thầy dễ sợ…Nhớ lại cặp môi mỏng của thẩy nói nhiều mà mình chẳng hiểu bao nhiêu, tôi càng ghét thêm …    
Trong lớp học nhỏ này, cũng có những chuyện « tình sử » của nó. Học đường thì có tình thầy trò, trong công sở thì có ông giám đốc với cô ký điệu, rồi đến chuyện con sen với ông chủ, cha chồng nàng dâu, anh rể với em vợ, cha nuôi với con gái nuôi, v.v...ít khi nghe chuyện cô giáo với học trò, bà chủ với anh công nhân, mẹ vợ con rể…Đàn ông biểu tượng phái mạnh, nhưng khi đụng đến tình cảm thì trái tim họ yếu xìu như bún, nên mới rắc rối cuộc đời…Còn đàn bà con gái tuy yếu đuối, nhưng trái tim đầy đủ sức khỏe,  nên ít có chuyện như trên để nói .

Trong lớp thầy Cù có vài cô xinh xắn dễ thương, trong đó có Nguyệt (gái Huế), nên thầy Cù vừa giảng bài vừa liếc xéo xuống chỗ Nguyệt. Nguyệt có bộ ngực  sừng sững. Ai nói chuyện với Nguyệt cũng nhìn xuống ngực của Nguyệt, chẳng ai thèm nhìn lên. Nguyệt nói chuyện lại nhỏ nhẹ, mắt chớp chớp hàng mi đen dài, miệng mủm mỉm như gọi mời, như khiêu khích. Bước đi nhẹ nhàng thướt tha như…ma. Thế mới chết người. Muốn bắt chước dáng đi như Nguyệt, nhưng không làm sao được. Ông trời thiệt bất công ! đã cho Nguyệt khuôn mặt đẫy đà, lại đầy đủ bản tính của nữ nhi. Nguyệt biết mình đẹp, biết mỗi bước đi của mình có người nhìn theo, nên ráng tạo thêm dáng yểu điệu kiêu kỳ thành ra thấy…chướng mắt ! Đàn ông nhìn Nguyệt lúc đầu thấy ngồ ngộ, kỳ kỳ, nhìn lâu đâm ghiền, thành ra mắt như bị kéo mây…mù, đâm ngơ ngáo hết .
Thầy Cù thấy mòi như muốn « cua » Nguyệt .
Không biết thầy Cù chở Nguyệt đi đâu mà có người thấy, rồi học trò xầm xì Nguyệt là bồ thầy Cù. Hôm nay là buổi học cuối của tôi với thầy. Thầy Cù chưa biết tôi sẽ nghỉ học, tan giờ học tôi sẽ nói cho thầy biết cũng được mà…Hôm đó thầy Cù thao thao bất tuyệt giảng các thì ở thể tương lai, rồi thế nào là tương lai đang diễn tiến, nào là tương lai hoàn thành, rồi điều kiện cách v.v…Tôi đang lơ tơ mơ, vừa lúc thầy Cù quay lại, nhìn xuống. Tôi có cảm giác là thầy nhìn tôi lâu hơn so với những lần khác. Thầy bỗng hỏi tôi:
     - Bích em có hiểu không ?
     - Dạ không ? - Tôi lắc đầu .
Chà ! mình giảng khô cổ mà học trò không hiểu . Thầy Cù có vẻ bực nên hơi lớn tiếng, nhưng thầy quên mất tôi là con gái :
     - Không hiểu ! sao em không đặt câu hỏi ?
     - Có hiểu mới hỏi ! Không hiểu biết gì mà hỏi ? - Tôi trả lời .
Thầy Cù quay qua hỏi một nữ sinh:
     - Hương  em hiểu tôi giảng không ?
     - Dạ hiểu .
Thầy hỏi một nam sinh khác ngồi bên phải .
     - Hùng  em hiểu tôi giảng không ?
     - Dạ hiểu .
Thầy lại hỏi thêm một nữ sinh bên trái :
     - Lan em hiểu không ?
     - Dạ không ?
Tôi mừng húm vọt miệng nói nhanh :
     - Thầy giảng mất trật tự quá, lại nói nhiều, nói nhanh…Giảng tùm lum ai mà hiểu cho kịp !.
Thầy Cù sững sờ nhìn người học trò ngang ngược, cả lớp sững sờ quay lại nhìn tôi. Mặt tôi tỉnh queo. Lạnh lùng. Thầy Cù hơi « quê» thầy xìu như cái bong bóng thật tộâi nghiệp :
      - Thôi, để tôi giảng lại …
Lúc đó Nguyệt vụt miệng « bênh » thầy :
     - Thầy Cù nói có gì đâu mà nhanh…không hiểu !
Lớp học quay lại nhìn Nguyệt. Tôi ấm ức, hỏi một câu làm Nguyệt tịnh khẩu luôn:
     -  Thầy đâu hỏi mà Nguyệt trả lời, Nguyệt hiểu hả ! Lên bảng làm cô giáo giảng dùm đi ?
Thầy Cù quơ tay :
     - Thôi, thôi nghe tôi giảng lại nè…
Ui dà ! Thầy trò lại bênh nhau…
Hết giờ học, tôi chờ đi ra sau cùng, để nói với thầy là tôi nghỉ học. Tôi cảm thấy thầy Cù cũng giả vờ loáy hoáy xếp các cuốn sách, chùi bảng, sửa lại ghế ngay thẳng để ra sau cùng. Rõ ràng thầy  đang cố ý chờ tôi. Khi ngang qua bàn thầy tôi đứng lại, không nhìn thầy mà nhìn xuống mặt bàn. Im lặng.
Thầy Cù dịu giọng :
     -  À…chuyện gì đó Bích ?
     

- Dạ thưa thầy… Rồi tôi im lặng. Thầy Cù cũng im lặng .
Lúc này thì tôi hết chịu đựng được nữa, tôi oà khóc. Thầy Cù nghĩ tôi hối hận những lời « tay đôi » với thầy nên thầy đứng yên…thông cảm. Trật lất ! Tôi ngập ngừng trong cơn xúc động:
- Em xin lỗi thầy chuyện hồi nẫy…
Thầy cười gượng. Tôi nhìn chăm chăm thầy :
     - Tuần sau em không học với thầy nữa .
Thầy ngước mắt ngạc nhiên, rồi hỏi một câu ngớ ngẩn.  
     - Tôi giảng em không hiểu hả ?
Tự nhiên tôi được câu trả lời, tôi nói đại :
     - Dạ, em học mà không hiểu! nên xin nghỉ .
     - Không phải vậy đâu, em mau hiểu lắm !  nhưng tại tôi giảng tối nghĩa nên em không hiểu đó thôi !
Tôi làm thinh dáng vẻ như giận hờn. Thầy Cù có vẻ bức xức. Thầy tức bởi thầy giảng mà học trò không hiểu! Bây giờ tôi xin nghỉ học thầy tự ái lắm! Mắt thầy có vẻ mệt mỏi.  Tôi hỏi :
     - Thầy khen an ủi em phải không ?
     - Nói thiệt chứ không an ủi đâu ! Tôi biết ý em mà không hiểu, mặt lơ láo, giảng thế nào em cũng gạt ra hết, nhất định không để những lời giảng lọt vô, thà em để cái đầu ở không. Thôi, em ráng ở lại học với…các bạn.
Thầy Cù lúc nào cũng xưng tôi, không nghe thầy xưng thầy bao giờ, chắc là muốn giữ khoảng cách tự nhiên như…anh em. Tôi bối rối nhìn thầy. Dứt khoát lắc đầu. Thầy nói :
- Chưa bao giờ tôi nài nỉ học trò học với tôi, chỉ có em là tôi năn nỉ. Bỏ học uổng lắm ! em nắm được gần hết các «Thì » rồi, ở lại học với… thầy nghe !  
Tích tắc thời gian ngắn ngủi thôi, trái tim nhỏ bé của tôi đang run rẩy càng nhỏ bé thêm. Bỏ lớp học này như một gia đình nhỏ, tôi cũng buồn lắm, nhưng ba tôi không muốn tôi học tiếng Anh nữa thì tôi biết sao đây ? Tự nhiên tôi cảm thấy bịn rịn…
Thấy tôi tư lự, thầy Cù vụt hỏi lý đo gì tôi không muốn học nữa. Tôi nói thật với thầy về ý của Ba tôi. Nghe xong thầy cầm bàn tay tôi, đôi mắt thầy như có lửa, giọng thầy ghìm trong hơi thở :
-  Không sao ! vậy thì em học lớp Pháp văn buổi sáng .  
Tôi bàng hoàng run trong những ngón tay thầy vài phút. Tôi nhìn thầy như đang chìm vào một thế giới bí ẩn nào đó. Mắt tôi và mắt thầy gặp nhau trong một giây. Lửa trong lồng ngực tôi phừng lên.
Bước ra khỏi lớp, tôi thấy bóng Nguyệt còn đứng ở cuối đường ngóng chờ ai. Phố xá tấp nập của buổi về chiều, tôi đi chầm chậm bên hàng cây xanh lá, bầu trời chiều đang dịu lại sau cơn nắng. Tôi nghe có một cái gì gần gũi, nhưng rất mong manh, rất xa…

Rồi tôi qua học tiếng Pháp với thầy Cù kể từ đó. Mỗi buổi sáng cái dư hơi khó hiểu trong lòng mình khi đến lớp với thầy, rồi buổi chiều tôi mang về nhà mỗi tối. Rồi từ nhà lại mang tới lớp theo mưa trắng, nắng trời của đời học sinh. Trong lớp có mười lăm học sinh. Đây là lớp dạy kèm Pháp văn cho những học sinh còn yếu về môn văn phạm. Trong lớp, tôi biết một cô tên là Thủy. Cô này bằng tuổi tôi nhưng chơi « nổi » lắm ! con nhà giàu học dở ở trường Tây, nên học thêm với thầy Cù. Thủy tự nhiên, không tỏ ra e lệ như các cô khi mặc chiếc áo dài trắng ôm cặp đi học. Thủy có nhiều bạn trai, ít bạn gái, Thuỷ hay mặc đầm. Có một dạo Thủy mặc áo dài trắng, quần trắng mỏng dính thấy rõ làn da, thấy rõ miếng vải tí tẹo bên trong, đi ngông giữa phố sau giờ tan học rồi biến mất... Các nữ sinh trường khác dè bỉu chê Thủy ăn mặc quá bạo tợn. Các nam sinh thì xầm xì…khoái con nhỏ học trường đầm chơi bạo, kích thích khoái lạc cặp mắt người bình thường, bằng sự tò mò thích thú khi được nhìn người khác phái khêu gợi thân hình, gần như là trần truồng tự nhiên trong bộ áo dài nghệ thuật. Tôi hỏi Thủy sao không mặc áo dài nữa. Thủy cười hinh hích nói nghịch ngợm quyến rũ chút chơi cho vui, chứ Thủy đâu có học trường Việt đâu mà sợ mấy cô giáo bình phẩm. Rồi Thủy nói về thầy Cù đang « cặp » với con nhỏ Lan bạn của Thủy, thầy Cù kèm toán lý hóa, trưa nào thầy cũng « đèo » nó về …
Mặt tôi nóng rân. Cảm giác thay đổi liên tục. Mắt ngó quanh tìm một cái gì. Đúng là con gái có khác !

Sau khi nghe Thủy nói, tôi không muốn học với thầy Cù nữa. Rồi tôi suy ngẫm về ông thầy giáo của mình bồ bịch lung tung, mỗi lớp có một cô bồ. Hèn chi ba mươi ba tuổi rồi mà thầy không không chịu lấy vợ, là để được tự do yêu đương. Tôi nghĩ là mình không nên học với thầy Cù nữa. Vì tôi biết trong lòng mình cũng đã « thương » thầy rồi .

Tôi nói thẳng chuyện thầy cặp bồ với học trò, nên tôi không muốn học với thầy nữa. Nghe tôi nói xong mặt thầy Cù buồn xo :« Không có vợ được là vì vậy…! ». Mặt tôi kênh kênh: « Tính thầy lăng nhăng quá! » Thầy Cù đổ  quạu : « Em đừng có lộn xộn, nghe ai nói gì là em đòi bỏ học. Hết chuyện Nguyệt tới chuyện của Lan…» Tôi vùng vằng, rồi nhảy vọt ra ngoài lớp, bỏ về. Thầy Cù lái xe kè kè bên tôi, bảo tôi lên xe thầy chở về. Còn khuya ! tôi mới ngồi lên xe thầy, nhỡ có đứa nào thấy được lại đồn ầm lên .

Tự nhiên cơn mưa vô duyên đổ xuống cái vèo, tôi lầm bầm chửi mưa trong miệng. Thầy Cù vẫn chạy xe sát bên tôi, nhưng tôi nhất định không là không. Nước mưa thấm tóc, làm toàn thân da tôi run căng lên, hai hàm răng bắt đầu đánh vào nhau. Thầy Cù cũng ướt như mèo. Lạnh quá chịu hết nổi, tôi nhảy lên xe để thầy Cù chở về. Thầy hỏi gì tôi vẫn im lìm dưới mưa. Thầy Cù chở tôi quẹo vô ngõ nhà thầy .

Vô nhà, thầy đưa áo của thầy cho tôi mặc cho đỡ lạnh, rồi đi xuống bếp đun nước nóng để tôi tắm. Tôi ngồi thù lù giữa nhà tối mịt nhìn quanh. Nhà chẳng có gì ngoài cái bàn vuông, cái TV để một góc bên cuối tường, và một cái tủ để bộ tách trà bên trong. Tiếng nước mưa róc rách trên mái nhà, tôi mơ màng thấy mình bồng bềnh trôi trên một dòng nước. Từ khi leo lên xe, cho đến khi về nhà ông thầy gíáo, tôi không tỏ ra thân tình với thầy như trước nữa. Không nhìn mình trong kiếng, nhưng tôi biết mặt mình lúc này nhạt nhẽo lắm !
Thầy Cù trong nhà bếp bước ra. Thầy nói nước nóng đủ rồi em đi tắm đi …
Tắm xong, tôi hỏi thầy mượn cái máy sấy tóc, tưởng là thầy không có, đâu dè thầy cũng sắm sẵn. Thế rồi tôi ngồi giữa nhà hơ tóc. Tóc trước đã khô, hơ phía sau nữa là xong, thầy Cù bảo đưa thầy hơ dùm cho, tôi né qua một bên không muốn thầy đụng vào tóc tôi. Hơ xong tóc, tôi đòi về, thầy nói ai cho về mà về, chờ mưa tạnh tôi đưa về…

Tôi nhìn ra ngoài, trời mưa tầm tã mịt mù nước bên ngạch cửa. Lạ nhỉ ? thầy làm thinh chẳng thèm đếm xỉa gì đến tôi. Lúc này tôi muốn…khóc để thầy dỗ dành, nhưng một giọt cũng không thấy trào ra…Tôi quay nhìn lại ông thầy giáo, thầy đang nhắm mắt, tay cầm ly nước đã uống cạn. Tiếng thở đều đặn, thầy đã ngủ say, chắc vì mệt sau một ngày giảng dạy. Trong những phút yên tĩnh, tôi nhớ rất nhanh những lúc tôi học với thầy, giờ học quá ngắn ngủi nên chỉ học là học, chứ tôi cũng không mấy cảm tình, không mấy gì ưa thầy, tôi không hiểu vì sao, chắc là vì thân hình gầy ốm và hai tay thòng lòng của thầy, không có một sức hấp dẫn gì đối với tôi ? Hay là thầy có vài tính xấu ? cái tính xấu của thầy là hay lý sự để biện minh cho mình…Úi, mỗi người có một nhân cách xấu hay tốt là của riêng, mắc mớ gì đến tôi ! Rồi thời gian học với thầy. Tôi  cảm phục thầy có nhiều căn bản về kiến thức khoa học. Thầy dạy học nhiệt tình, cởi mở và hoạt bát, nên tôi « chịu» thầy, có cảm tình với thầy hồi nào không hay. Lạ thực, bây giờ thì tôi không có cảm giác, cái dáng cao mảnh và hai tay thòng lọng như con cò đói của thầy nữa, mà cái dáng cao cao thể hiện của một sinh viên, hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn

Tôi yêu thầm giấu trong lòng, không để lộ cho thầy biết, tôi nghĩ là vậy, nhưng thầy đã thấy hết ruột gan của tôi. Riêng về thầy cũng không để lộ tình cảm, thầy giữ vẻ bình thản, nhưng tôi cũng đủ sáng suốt nhìn được, trong đôi mắt dịu dàng âu yếm của thầy khi nhìn tôi .

Tình yêu thể hiện một chút gì đó thêm gần gũi, thơm lành mát dịu cho hai bên. Các cụ thường hay cảnh cáo con gái : Coi chừng lửa gần rơm có ngày cũng cháy. Thật là đúng, lửa này luôn luôn xẩy ra trong cuộc sống tình cảm. Bản thân tôi vẫn coi chừng và, rất cứng rắn hàng ngày khi tuổi vừa lớn, nhưng với sự ân cần với « phong phú trong lòng » thầy Cù của những cảnh đời khác nhau, như xã hội, kinh tế, văn chương v.v…dễ làm cho tôi yêu tràn ngập, dễ làm tôi cảm động sung sướng… Trong cái tỉnh táo mình bị « chuyện đó » mà mình không ngờ !

Ngồi co ro nhìn mưa gió qua tấm cửa, tôi tập trung suy nghĩ đang nhảy nhót lung tung, làm đầu nhức rân rân. Bởi một cơn mưa mà tôi thay đổi thế này ! Mưa đã làm trôi đi cái vỏ cứng rắn bọc bên ngoài, bây giờ lại thấy da diết bên trong? Nhà lạ hoắc, vắng ngắt. « Dũng khí » tôi bay đâu mất rồi ! Ồ không, dưỡng khí trong lòng tôi chợt bừng chợt tắt, rồi khởi dậy mãnh liệt khác thường. Tôi tràn đầy sinh lực, đang tỏa rộng tình yêu, toát ra một điện lực kỳ lạ …
Tôi rón rén bước đến bên thầy. Tim tôi đập thình thịch…  

Thầy bỗng mở mắt, nắm tay tôi kéo xuống: « Bích, em Bích…» Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống khẽ khàng một tiếng: « Thầy…». Thầy xoa xoa bàn tay tôi, rồi thầy hôn tay tôi. Ủa, mà sao thầy…cắn ngón tay tôi vậy cà ! Từ trong tâm linh thầm kín, tôi bỗng cảm nhận ngón tay tôi chạm vào đầu lưỡi thầy và, tôi nhớ rõ ràng, nhớ chắc chắn rằng : Tôi đổ gục trong vòng tay siết chặt của thầy, tôi uốn mình khi nghe cảm giác từ đâu rơi xuốngŽcổ. Hàm răng thầy loạn xạ bên mép tai tôi vừa êm ái, vừa rát bỏng. Tôi liếm môi rụt cổ lại. Thầy Cù ôm tôi. Thầy nghiêng mắt sát gần vào mặt tôi, rồi…mút vào môi tôi. Tôi nghe cái gì mới lạ ấm áp đụng chạm nhau. Thầy lộ cái tính thật của thầy ra, không còn kín đáo như trước kia nữa, mà phơi bày ra rõ rệt tình yêu bằng mắt bằng môi, lưỡi và ngón tay, nó đang lây lất sống trong phần vô thức nay bừng dậy, tự nhiên lãng mạn và bản năng sinh lý con người, là động cơ của sự truyền chủng trong cuộc sống. Tôi bừng bừng da thịt, óc tôi không còn minh mẩn nữa, mắt tôi say mềm lung linh gương mặt thầy, nhầy nhòa trong trí nhớ. Tôi lảo đảo như đụng phải lá ngứa, tôi đã bị « ngộ cảm » chén rượu đang nghiêng tràn ra miệng chén…Tôi ngã lăn xuống gầm giường bởi một hơi nóng làm tê mê đầu núm…hoa. Cặp mắt tôi nhìn xuống, nửa phía trên mũi thầy đang áp trên bụng tôi. Tôi nghe tiếng thầy khe khẽ…nhưng tôi không hiểu thầy muốn nói gì :« Nụ hồng của thầy, nụ hồng của tôi. Tôi muốn…uống nụ hồng của tôi… ». Căn nhà trong bóng tối, có một ngọn đèn le lói trong góc, chỉ nghe một âm thanh không lời lạ lùng từ trong miệng tôi vang lại trong đêm kín mít. Tôi đã bị « chuột rút » cứng đờ, như chết đuối giữa dòng sông, hai chân đang co duổi bơi đạp ào ào …

Ái tình có tính chất độc quyền trong bản chất của nó, nên trái tim tôi hay bị « dằn vặt » khó hiểu, ấm ức trong lòng, khi nghe chuyện về thầy với Nguyệt với Lan…Tôi nghi ngờ, giận dỗi vô lý làm sách vở tung tóe rơi xuống bàn, tôi nổi cơn khùng ghen với Nguyệt với Lan, cào cấu vào mặt thầy như rét run, đau buốt. Thầy muốn « yên thân » nên lặng thinh chịu đựng, và sau đó là lời dỗ ru ngọt ngào…Đó là tình của thầy, tình ở lớp học, tình ở trong phòng…Có phải hình ảnh thầy là một cái gì đẹp ?

Tình yêu nẩy nở thêm, khi tôi biết thầy thuộc về tôi, chứ không phải thầy yêu Nguyệt hay Lan như học trò đồn đãi trước đó, làm lòng tôi cứ chìm chìm xám xám hoài. Vì ái tình vì hạnh phúc, vì sự rung động kỳ dị ước muốn, và ước muốn vẫn còn lây lất trong người, tôi là gái mới lớn có tính tò mò, muốn biết tình yêu nên không còn rụt rè hay giấu giếm, tôi đã bị động tình nên mê đắm đàn ông. Sau này, tan giờ học, chiều nào tôi cũng đến nhà thầy, để một thầy một trò, tình

tứ yêu mến nhau, nằm bên nhau, ôm nhau…cho tới khi bàn tay thầy đụng vào cái thân mềm dẻo của tôi thì tứ chi thầy cũng mềm nhũn ra, trong lúc tôi kêu lên tựa như tiếng mèo trong đêm, như hàng triệu tỉ tỉ con mèo khác. Tình yêu được thể hiện một biểu tượng, đó không phải là những hình ảnh sống sượng, không phải là sự phóng túng, mà là sự lãng mạn thực tế trong tinh thần tình ái.  

Trong địa hạt tình yêu không có sự cách biệt, nên tôi nhìn thầy Cù lúc này như tuổi mười tám như tôi. Tôi với thầy như bóng với hình, tôi càng quấn quít bên thầy mỗi ngày như một loại cây leo. Và « nụ hồng » của tôi là cái cửa, là dấu hiệu của một tam giác hợp thành mà thầy dòm ngó, khi

thèm muốn nó luôn luôn hiện diện, trong phần sâu thẩm vô thức của thầy. Lúc này tôi thấy vẻ mặt thầy khờ khạo, còn tôi thì thản nhiên như thách thức. Nhìn vẻ thèm muốn đòi hỏi, xin xỏ của thầy, tôi có cảm tưởng mình đang kiêu hãnh về tuổi trẻ, về sắc đẹp, về bộ ngực nở nang của mình…Tôi còn trẻ, quá trẻ, nên thấy cuộc đời quá đẹp, quá hạnh phúc ! Đầu óc non nớt tôi cứ nghĩ : Dầu sao thì  tình tôi với thầy cũng có ý nghĩa, hạnh phúc của tuổi trẻ mà...

Thế rồi, mùa hè năm ấy bỗng nhiên cả lớp đều mất tin tức của thầy. Tôi được biết sau buổi học cuối  năm thầy sẽ cùng mẹ thầy qua Campuchia để giao hàng và mua hàng Miên đem về!  Mẹ thầy vẫn qua lại để buôn bán bên đó. Không may cho hai mẹ con thầy trong thời điểm đó, có nạn Cáp Duồn . Cáp là chặt đầu.Ž Duồn là Việt. Người Cao Miên thấy người Việt là bắt đem chặt đầu, năm đó là năm bảy mươi thì phải.

Trong lúc Sihanouk qua Pháp để chữa bệnh…không ngờ ở quê nhà tướng Lon Nol lật đổ chính quyền Sihanouk. Chỉ trong vài tháng mà Lon Nol làm được hai chuyện : Lật đổ chính quyền Sihanouk và Cáp Duồn người Việt hết ba trăm mạng. Chính sách dã man của Lon Nol được toàn dân Miên hưởng ứng nhiệt liệt. Đâu đâu cũng thấy biểu ngữ ba người Cao Miên bị người Việt chôn sống từ ngàn xưa, còn chừa ba cái đầu dưới đất để làm bếp. Trên ba cái đầu người Miên đội cái nồi, thật là hãi hùng ...
Thời gian Lon Nol lên nắm chính quyền không bao lâu, thì xuất hiện Pol Pot. Pol Pot muốn thành lập một xã hội chủ nghĩa mới của Mao, nên phải giết hết đám Cao Miên già, trẻ con để qua một bên huấn luyện sau. Thế rồi đoàn quân của Pol Pot từ trong…rừng hiên ngang đi ra thành phố, được toàn dân Miên chào đón, phần đông  các « chiến sĩ » là con nít, cái mặt còn non choẹt, ôm cây súng còn cao hơn nó. Lính của Pol Pot đi tìm đám già lật đổ Sihanouk giết sạch. Và đặc biệt là dân Pol Pot không được giết người Việt. Lần này chính người Miên giết người Miên với ý đồ diệt chủng, xương chất thành núi. Dân số Cao Miên bảy triệu mà nghe đâu Pol Pot giết gần hai triệu !.
Trong lúc  ấy thì bỗng đâu xuất hiện Hun Sen! Hun Sen càn quét hết lính Pol Pot để « lên ngôi » trị vì dân Cao Miên cho đến bây giờ. Hun Sen gốc Miên trăm phần trăm mà nói tiếng Việt như người Việt. Còn giỏi về văn chương người Việt nữa.

Bây giờ trở lại chuyện của thầy Cù. Thầy Cù cùng mẹ qua Cao Miên mua hàng bị kẹt lại đó, hai mẹ con thầy và một số người Việt bị  Pol Pot lùa vào rừng, rồi từ đó nhóm người Việt mới lần mò tìm đường về VN . Thời gian lội núi băng rừng, đói thì ăn lá cây, đúng một tháng .

Rồi thời gian qua …
Một buổi tối năm bảy lăm, tôi và thầy mất liên lạc một lần nữa. Trước đó vài tuần thầy đã cho tôi hay thầy sẽ vô Sài gòn, nhưng chưa chắc. Thầy hẹn tối mai ra bến tàu sẽ cùng thầy xuống tàu Hải quân đi thẳng qua Hồng Kông. Khi tôi đến bến tàu, không thấy chiếc tàu và thầy  ở đâu, chỉ thấy một rừng người như kiến trong đêm .
Một cuộc tình không có cảnh quyến luyến lúc chia ly, nhưng cũng cho tôi những cảm giác, những âm thanh gì réo rắt trong lòng, một hối tiếc vu vơ…



Gió lạnh đầu mùa trong không khí êm ả, nhưng buồn thiu. Nơi đây, một một vùng trắng xoá toàn là tuyết. Tôi mơ màng thấy lại những ngày lãng mạn, như nước thủy triều tràn lên bãi cát. Hình ảnh của thời dĩ vãng xa xăm trong thời niên thiếu. Với những trắc trở, dằn vặt, rắc rối... Kỷ niệm tạo thêm kỷ niệm hiện ra trong bóng tối, do những ước muốn còn sống trong vô thức hiện thành .

Trên mấy chục năm nay rồi, bây giờ nghĩ lại vẫn còn bâng khuâng, thấy như năm ngoái năm kia. Tình thầy trò tuy đã thuộc về quá khứ, nhưng nó vẫn còn ở trong hiện tại, và có thể kéo dài mãi ở tương lai !. Rồi tôi băn khoăn tự hỏi, với cơn lốc xoáy của thời gian, hôm nay thầy đã sáu mươi ba tuổi rồi, thầy ra sao ? mập hay ốm ? Hay là thầy đã…

Bích Xuân

bichxuanparis@yahoo.com
website : http://bichxuanparis.online.fr

Bích Xuân