Người Đàn Bà Tội Nghiệp

Ngọc Dung

 



Người Đàn Bà Tội Nghiệp*

Thế giới
Phía bên ngòai khung cửa
Là những toan tính lọc lừa
Là những hẹn hò lầm lỡ
Là những đợi chờ vô vọng
Là của tôi và của em
Người đàn bà tội nghiệp
( Phạm Ngọc )


Những cặp tình nhân đang ngồi trên ghế cặp tay nhau đứng vội lên khi người phụ nữ tới gần, trông chị nhếch nhác bẩn thỉu, mảnh vải được gọi là váy che lấy nủa phần cơ thể cũng chẳng được tinh tươm, cái màu của lá mục loang lổ, chiếc áo chị mặc cũng thế, có lẽ trước đây nó có một màu không đến nỗi tệ lắm, nhưng bây giờ nhìn bộ váy áo chị đang mặc, tôi không đóan ra trước đấy là màu gì . Giương cặp mắt chị trơ nhìn những đôi nam nữ đang lánh xa chị, đôi mắt không hẳn là câu hỏi “vì sao thấy mình họ lại đi” cũng không phải là câu trả lời “mình bẩn thỉu quá họ sợ mình” đôi mắt tôi nhìn thấy ở chị là sự vô hồn bàng quang, chị không để ý người ta đang nghĩ gì, đang hành động thế nào khi chị tới gần .
Ngọn gió chợt đi qua, cái khăn trùm đầu tụt xuống bộ tóc nâu màu hạt dẻ dài xổ tung, người phụ nữ châm rãi nhặt lện hai bàn tay bẩn với những móng tay đen thui cáu đầy đất bới vội những lọn tóc rối bù , dễ đã rất lâu người phụ nữ có lẽ chưa trải đầu, khuôn mặt nhem nhuốc, không hẳn là đất, mà chắc chị ấy không soi gương hay rửa mặt kỹ bao giờ . Có lẽ trước đây người phụ nữ ấy là một người rất đẹp, bởi trên khuôn mặt nhem nhuốc bẩn thỉu ấy, tôi vẫn nhận ra những đường nét thanh tú của một thuở nào, là cặp lông mày đường nét, chiếc mũi dài thẳng, hàng mi cong dưới đôi mắt to thông minh và miệng chị, đôi môi không hề có son vẫn tươi hồng
Người phụ nữ bỗng chợt chạy theo một mảnh giấy trắng mà vô tình cơn gió thổi từ đâu tới, ánh mắt chị ta tươi hẳn lên, khuôn mặt sáng bừng rạng rỡ
- Thư của tôi
Chị chạy theo tờ giấy, chạy ngang qua những con chim sẻ, chim bồ câu mùa này đậu đầy trong " công viên " . Tiếng chị reo lên làm tôi sửng sốt . Xung quanh chẳng có ai, chỉ có tôi và vài ba bà cụ già đang ngồi sưởi dưới ánh nắng đằng kia, không có một người đàn ông nào quanh đó, cũng không ai đi ngang qua để nói rằng người ta làm rơi giấy tờ, và cũng không thể là “ thư “ người phụ nữ để trong người bị rơi rồi quay lại tìm, chị ấy vừa mới tới đây mà chỉ là mảnh giấy trắng người ta vẫn gọi là rác có lẽ bay ra từ một thùng đựng rác nào đấy mà khi ai đó mở ra để rác vào đã quên đậy nắp thôi mà,
- có lẽ chị ấy điên, tôi thầm nghĩ vậy và quay lại với cuốn sách của mình .
Mùa thu tôi rất thích xuống sân và ra công viên chơi, nói là công viên cho nó sang trọng chứ nơi tôi đang ngồi chỉ là mảnh sân nhỏ có năm sáu chiếc ghế dài bằng gỗ, mà xung quanh có cả đu quay, cầu bập bênh, những ô vuông nhỏ chứa đầy cát, ngay giữa những thứ đó người ta cất lên một cái nhà gỗ, bên trong trang trí bằng những con thú gỗ và hai cái ghế dài hai bên . Tất cả những thứ tôi nhìn thấy đều được quét bằng nhiều màu sơn trong rất vui mắt, người ta vẫn gọi nó là sân chơi của trẻ con . Trẻ con đâu thì tôi cũng ít thấy, nhưng thanh niên nam nữ hẹn hò thì rất nhiều, có những cặp ngồi hôn nhau say đắm không hề biết có những cậu bé chừng hai tuổi lẫm chẫm đi lại tròn đôi mắt xanh hay mắt nâu nhìn họ . Các bà cụ già đã nghỉ hưu sống cùng con cái hay chỉ sống đơn độc một mình cũng thường xuống cái “ công viên “ này ngồi nói chuyện với nhau, chuyện nhà, chuyện con, chuyện hiện tại, chuyện quá khứ, và cả chuyện chính quyền hiện nay thế nào ? đồng đô la đang lên hay xuống, giá trứng và bánh mì cũng theo giá tiền lên đến “ chóng mặt “ . Sống trong những ngôi nhà cao tầng thì mảnh sân con phía dưới bao giờ cũng là nơi lý tưởng và có thể gọi là “ công viên “ được rồi . Những lúc có thể được hoặc những ngày đi làm về, bao giờ tôi cũng muốn ngồi lại trước cái “ công viên “ một lúc, chẳng phải tôi muốn “ nghỉ mệt “ sau 20 phút đi bộ từ metro về nhà . Mà chỉ vì, tôi thích ngồi trước những những ngọn gió lành, ngồi giữa thiên nhiên và khung cảnh ấy , tôi cảm thấy nơi tôi sống dù ngắn hay dài nó thân thuộc được với tôi hơn Người phụ nữ “ điên “ bỗng đi lại phía tôi ngồi , chị ta lên tiếng
- Cho cô này, không phải lá thư của tôi
Tôi giật mình nhìn chị, chị vẫn chăm chăm mơ màng nói :
- Tôi vẫn chờ mãi, chờ mãi hôm nay sẽ nhận được thư, hôm nay cũng không có, hôm qua cũng đã không có rồi, và ngày mai, ngày mai cô có ra đây chờ thư với tôi không ?
- Chị, chị chờ thư của ai ? tại sao phải chờ thư ? sao chị không tìm ở thùng thư trong nhà, chị ở nhà nào ? tôi bật lên hỏi người phụ nữ một lọat câu hỏi và mời chị ngồi cạnh .
– Có lẽ Chị ấy không điên
- “ Anh ấy nói với tôi, anh ấy sẽ viết cho tôi lá thư và anh ấy đã để tôi chờ mãi … “
Người phụ nữ đang kể về một người đàn ông nào đấy đã đến trong cuộc đời của chị và đã hứa hẹn với chị một lá thư quan trọng, nhưng người đàn ông chị chờ mãi vẫn không quay trở lại . Chị ngồi xuống ghế, tay miết miết nhẹ nhàng chiếc ghế dài, chiếc ghế chỉ là một thứ đồ bằng gỗ để ngồi thật vô vị khi trải qua những trận bão tuyết của mùa đông phủ tới người ta không nhìn thấy ghế nữa mà chỉ là một đụm tuyết lớn . Mùa hè, mùa thu thiên hạ dập dìu, chiếc ghế dài không bị bỏ quên mà lại như bóng lên vì bị ngồi nhiều . Nhìn chị ta âu yếm chiếc ghế gỗ, tôi đóan thầm, có lẽ chiếc ghế tôi và chị đang ngồi cũng có một dấu ấn hay kỷ niệm gì chăng ?

Tôi nghe mấy bà cụ ngồi tắm nắng kể chuyện, người phụ ấy đã yêu một người đàn ông, nhà ấy họ sống với nhau rất hạnh phúc trong ngôi nhà đối diện căn nhà tôi đang sống, người chồng không biết làm nghề gì nhưng rất sang trọng, cách đây vài năm lúc nào cũng thấy họ vào buổi chiều hoặc những đêm hè ngồi với nhau tay trong tay ở cái sân nhỏ này, bẵng đi một dạo không thấy họ nữa , người phụ nữ vẫn ở lại ngôi nhà, hồi đầu chị ta còn ăn mặc tử tế, thời gian gần đây lại thấy chị ta đi lang thang khắp nơi tìm kiếm cái gì đó, thật khổ thân, không biết chị ta gặp chuyện gì mà như thế nữa .
- Tôi biết, các bà không xem chương trình tìm người trên ti vi à ? chương trình này rất hay đấy, có nhiều người mất tích và bị bán sang những đất nước khác hoặc là bị thất lạc còn nhỏ từ hồi chiến tranh tới nay người ta vẫn tìm thấy người thân cho họ . Người đàn ông kia không phải chồng bà kia đâu, anh ta có gia đình rồi, không hiểu vì lý do gì anh ta đã bỏ mặc gia đình mình và lên Matxcơva sinh sống, qua chương trình tìm ngườI của ti vi gia đình anh ta chị vợ và bốn đứa con sống ở tỉnh mới tìm lại được anh ta . Tội gì mà tội ? ngữ con gái ấy để cho qụa tha, chắc cô ta thấy anh ta lắm tiền nhiều của nên bám theo ấy mà
- Bà nói sai rồi, bà cụ già bộ mặt phúc hậu ít khi nói lên tiếng
- Sao bà lại bảo tôi nói sai ? bà cứ nhìn đi kìa, những lũ con trai, con gái bây giờ, mới nứt mắt ra đã ra đây vuốt ve âu yếm nhau rồi, chúng nó đâu có chịu tìm hiểu nhau cho kỹ càng, chúng nó cứ coi như cái khỏang sân này của riêng chúng nó, hết nghe tiếng động gầm rú của xe máy lại nghe tiếng nhạc nhức óc mà chúng nó bật lên rồi mở toang cửa xe ra nghe cả một lũ con trai con gái như điếc hết cả ấy, chúng nó sống như thế làm gì không hư hỏng ? làm gì không thất bại trong tình duyên
- Bà càng nói bà càng sai, bà nói câu chuyện đi đâu thế ? tôi nói bà nói cô gái kia sai rồi là vì chính cô ấy cũng không biết anh kia có vợ và gia đình mà sao bà lại chê trách cô ấy được ? Chúng ta không ai có thể hiểu được về cô ấy, hãy đồng cảm hơn là nói những lời cay độc .

Bẵng đi một thời gian, vì bận học vì phải đi làm thêm ngòai giờ tôi không xuống sân chơi trước cửa nhà nữa, hôm nào cũng mãi chin giờ tối hoặc khuya hơn tôi mới về nhà, ở tách biệt không gần bà con người Việt, tôi cũng rất sợ nên có thích mấy tôi cũng không thể nán lại khỏang sân phía trước nhà được nữa, trời vào thu cũng đã lâu cho nên mặt trời dường như cũng đi ngủ sớm hơn chưa nói những hôm mưa gió cũng rất lạnh, về tới nhà, tôi chỉ kịp cắm bình pha nước, bỏ gói mì tôm ra bát to, đổ nước xôi vào đậy lại, trong khi chờ đợi tôi mở tủ lạnh lấy qủa cà chua xắt thêm ra để ăn với mì gói cho đỡ xót ruột, xong bữa tối vội vàng nhanh gọn cho qua bữa tôi đi học bài rồi tranh thủ đan thuê, một ngày với tôi được lấp kín bởi những công việc bảo toàn cho cuộc sống của tôi ở xứ người, tan lớp tôi đi vội ra bến tàu, ngồi tàu điện ngầm, chuyển xe buýt, xe điện đến trông hàng và bán thuê cho một chị người Việt Nam, cả ngày chẳng mấy khi tôi được ngồi , công việc chủ yếu là đứng và cũng nặng nhọc vì không chỉ bán hang mà còn phải leo lên những cái công-te-nơ lọai 10 phít được dùng làm kho, chủ chợ có lẽ vì tiết kiệm nên cái nọ chồng lên cái kia muốn lấy phải bắc thang, tôi phải lấy hàng từ kho ra rồi treo bán hôm nào làm buổi chiều tôi lo dọn dẹp hàng vào kho và đóng cửa, một tháng chị người Việt trả cho tôi 200 đô la, tôi biết là ít cũng chẳng dám kỳ kèo thêm vì thời buổi khó khăn buôn bán ế ẩm việc ít mà sinh viên cần làm thêm thì nhiều nên tôi nghĩ có việc thì cứ làm miễn sao có đủ tiền thuê nhà học tiếp và để dành chút ít gửi về cho mẹ giúp mấy đứa em ở nhà .Tôi sang đây theo dạng đi học tự túc, có nghĩa là Bộ Đại Học ở VN có rất nhiều suốt học bổng cho sinh viên, nhưng chẳng biết các ông ở nhà làm sao đó bán được những xuất học bổng ., mỗi xuất các ông ấy bán chừng bảy ngàn đô la mỹ đóng cả một lượt. Chúng tôi phải trả tiền học cho suốt 5 năm học ở đây từ VN, sang đến đây tháng đầu tiên chúng tôi học dự bị tiếng được đón tiếp nồng hậu tử tế ,hàng tháng còn được nhận cả học bổng ,các ông dịch vụ đã giữ lại hơn một nửa tiền nhà nước cấp cho sinh viên có học bổng, chúng tôi nhận lại một nữa, tuy là chỉ có 120 đô la nhưng thế cũng là tốt lắm rồi, đến năm thứ 2 khi đã vào trường chính quy để học chuyên, chẳng hiểu vì lý do gì tên chúng tôi đã ra khỏi danh sách nhà nước cấp học bổng, thế là tiền mất, kiện ai? kiện sứ quán Việt Nam ư? người này đổ lỗi cho người kia và họ nói " các cô các cậu ai bảo đi theo dịch vụ? ai bảo chỉ ký hợp đồng một phía? và ai bảo mua xuất? " chẳng lẽ lại khăn gói trở về, cha mẹ tôi đã bán cả mảnh vườn ông bà cho để tôi đi học, nghĩ đến vậy tôi ứa nước mắt cứ liều ở lại vừa đi làm lấy tiền trả học phí vừa thuê nhà riêng ở ngòai để ở .Tôi ở chung với một bà già độc thân, tôi gặp được bà cụ rất tốt bụng, vào những ngày hè thu bà cụ đi ra ngọai ô sống. Một mình tôi ở trông nhà luôn cho bà. Vì thế bất cứ việc gì nặng nhọc mấy tôi cũng làm, được cái sức khỏe tôi tốt và cũng chịu khó nên cũng nhiều người việt khi cần người bán hàng họ vẫn gọi tôi đi làm . Tôi không còn thời gian để quan tâm đến chuyện dưới sân với các bà già và cũng quên mất người phụ nữ tôi đã gặp trước đây .


Một hôm đi làm về khuya đang đứng bấm số cửa để vào nhà, bổng thấy bóng đen phía sau với tiếng thở gấp, tôi giật mình lo sợ, không biết có phải cướp không ? biết kêu ai bây giờ ? nhưng không phải chỉ là chị phụ nữ ,
- Tôi chờ em lâu rồi ở ngòai sân
Vâng dạo này em bận quá, chị có chuyện gì nói với em ư ? chị cần gì em giúp chị ư ?
- Tôi vẫn nhớ ánh mắt thương cảm của em hôm ấy. Tôi không phải là người điên dù đôi lúc tôi vẫn có những cử chỉ hành động bất thường nhưng em đừng nghĩ tôi điê . Em có thể ra đây ngồi lại với tôi một lúc không ?
Liều mình và dù trong lòng sợ hãy rối ren, tôi vẫn quay lại theo chân người phụ nữ tới khỏang sân trước mặt, chúng tôi ngồi lại chiếc gế mà hôm nào tôi đã mời chị ngồi hôm nào
- Chiếc ghế này cũng thật nhiều kỷ niệm, hôm nay là kỷ niệm 15 năm ngày tôi và anh ấy quen nhau, anh ấy tốt lắm, anh ấy yêu thương tôi lắm, chúng tôi đã có những ngày sống với nhau ái ân thật hạnh phúc, chỉ tiếc rằng, cả một khỏang thời gian dài ấy tôi không thể sinh cho anh ấy một đứa con, đứa con của tình yêu, của những gì tôi muốn dâng hiến, tôi người phụ nữ không thể sinh con được, tôi không thể được làm mẹ, bây giờ với tôi chỉ còn là kỷ niệm chỉ còn là những ký ức, tôi không thể quên được anh ấy và tôi cũng không muốn trở thành người thứ ba, cũng không thể bắt anh ấy từ bỏ gia đình của mình để trở về với tôi . Từ ngày anh ấy đi, với tôi thời gian dường như đã chết, niềm vui, tình yêu và mọi thứ đều tan biến theo, tôi không còn cảm thấy sự dịu dàng trọn vẹn trong cuộc đời, tôi không còn biết đến niềm vui và hạnh phúc khi anh ấy ra đi, tôi cũng không thể sống mãi trong căn hộ đó cũng không thể quên được nụ cười ngọt ngào có sức mạnh của anh làm tôi run rẩy mỗi khi đến bên anh, nơi đó vẫn còn nguyên mọi thứ của anh ấy . Tôi sẽ hạnh phúc dù nếu như ai đó bảo rằng linh hồn tôi sẽ trầm luân nơi địa ngục vì anh ấy tôi cũng cam lòng ….

Người phụ nữ vẫn độc thọai với đêm những mảnh vụn ký ức và kỷ niệm của tình yêu, tôi không muốn lay động thức tỉnh chị được, dưới bầu trời cao và rộng, vẫn lấp lánh những vì sao nhỏ bé xa tít tắp, quanh tôi những hàng ghế đá chẳng có chiếc nào trống, họ vẫn từng cặp ngồi bên nhau như thế không có chiếc ghế đá nào chỉ dành cho phụ nữ vào cái đêm ngan ngát hương trăn , ngan ngát mùi lá, ban đêm những mùi cây cỏ thường thơm hơn thì phải và những chiếc ghế gỗ đã được những tia sáng của các cặp tình nhân sưởi ấm làm cho mặt gỗ êm hơn chứ không lạnh ngắt như nấm mồ giống chiếc ghế của tôi và người phụ nữ lạ đang ngồi . Bất chợt tôi dường như thấy mình thân thuộc với chị hơn, có phải trong màn đêm, dưới ánh trăng thoang thỏang những ngọn gió rủ nhau đùa rỡn của buổi tối, mọi cảm xúc đều hòa quện vào nhau không ? tôi cũng như người phụ nữ bẩn thỉu rách rưới đang ngồi cạnh, và các cặp tình nhân xung quanh chúng tôi họ cũng thế chăng ? cái đẹp, cái xấu, người đẹp người xấu hòan thiện hay không hòan thiện dường như được màn đêm bao phủ che khuất, chúng ta đều cũng như nhau cả trong bóng đêm . Trong quá khứ ai cũng mang trong mình một vết thương lòng có những vết thương, người ta sẽ dễ dàng cải tạo được nó, sự chấn động dù mạnh đến đâu cũng có thể khiến hệ thần kinh tê dại u mê được sáng suốt , nhưng vết thương lòng và những gì đã qua trong quá khứ đôi khi sẽ nhức nhối . Tôi biết, tôi rất muốn nói người phụ nữ, muốn diễn đạt hết với chị bằng thứ ngôn ngữ của xứ xở chị mà tôi học chưa xong rằng chị hãy nhìn vào cuộc sống, mỗi một ngày mới lên, những tia nắng vàng dù yếu ớt nhưng cũng vẫn xua tan được màn đêm, cuộc sống của chị rồi biết đâu chẳng có người đàn ông tốt đẹp hơn chân tình hơn cho chị một hạnh phúc hơn là một người đàn ông đã quay về với gia đình của họ và lời hứa của người đã có gia đình …, cũng đã theo gió bay đi chị chờ đợi để làm gì.

Cho : " Cỗ quan tài quá khứ
Khi đợi chờ vô vọng một tình yêu "...
         Phạm Ngọc



12-2004
Ngọc Dung

* Tựa đề của truyện và thơ minh họa được đặt theo bài thơ “Người Đàn Bà Tội Nghiệp” trong thi tập Mùa Khát Vọng của Phạm Ngọc do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành năm 2004

Ngọc Dung