CỐ GẮNG QUÁ SỨC - STRESS

Vũ Ðức

 



-Giáo Sư  VŨ ĐỨC, N. D.
(Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ)


I- STRESS  LÀ  GÌ ?   Theo nghĩa thông thường, STRESS là sự cố gắng quá sức lực để đưa đến tình trạng tiêu hao sinh lực của chúng ta, trong đời sống hàng ngày.  Về phương diện thể chất và tinh thần, STRESS là điều kiện cơ thể được phát sinh, để đáp ứng với những khó khăn đang xảy ra, hay được dự liệu trong cuộc sống.  Do đó, STRESS còn có thể hiểu như :
     -Những kích thích, hoặc vấn đề gây ảnh hưởng, làm xáo trộn tình trạng quân bình của cơ thể hay tâm thần.
     -Những nhu cầu thích nghi để đáp ứng những điều kiện, hay tình thế khác nhau, trong đời sống hàng ngày.
     -Những dự liệu về các nhu cầu, tình thế, và mối đe dọa có thể xảy ra trong tương lai.

II- ĐẶC  TÍNH  CỦA  STRESS :   Một cách tổng quát, STRESS  gồm có hai đặc tính : -Lạc Quan (Positive hay Eustress) và Bi Quan (Negative hay Distress).  Trong cùng một vấn đề hay một kích thích, tùy thuộc vào cách nhận định, thái độ, hoặc phản ứng khác nhau của mỗi người, hậu quả của STRESS có thể trở nên lạc quan hay bi quan.  Ngoài ra, dù lạc quan hay bi quan, STRESS  luôn luôn khiến cho cơ thể tạo nên những phản ứng sinh lý, và tiêu hao sinh lực.  STRESS bi quan bắt đầu gây nên những nổi lo âu, sợ hải.  Trong khi STRESS lạc quan mang đến những niềm vui khoan khoái, các dự đoán êm đẹp.  Tuy nhiên, STRESS lạc quan, nếu không kiểm soát đúng mức, có thể nhanh chóng trở nên bi quan, nguy hại cho sức khỏe, thí dụ như sau thời kỳ kết hôn, hoặc sau chuyến du lịch, cơ thể bị tiêu hao nhiều sinh lực, để chịu đựng một cố gắng quá sức, trong niềm vui vẻ (Stress lạc quan).  Nếu chúng ta không kiểm soát mức độ, cơ thể trở nên quá mệt mỏi, kiệt sức, và những bệnh chứng phát sinh.  Như thế, hậu quả của STRESS  từ lạc quan trở nên bi quan.                                                                      
A- STRESS LẠC QUAN (Positive hay Eustress) :   Trong tính chất lạc quan, STRESS đưa đến những thử thách, kích thích, để tạo cho đời sống thêm phần thú vị, vui tươi, nhưng không làm tổn hại đến sức khỏe chúng ta.  Theo các nhà chuyên môn, STRESS là một kinh nghiệm học tập, giúp chúng ta có cơ hội trưởng thành, và phát triển.  Ngoài ra, STRESS có thể giúp chúng ta tập trung sức lực, nhằm vào mục tiêu, và thực thi, để tiến đến hiệu quả công việc, trong một thời gian ngắn nhất.  Sau một tiến trình vội vã, đầy áp lực (Stress), để hoàn thành công việc, chúng ta nên biết dành thời gian cho việc nghĩ ngơi, và thư giãn cơ thể, để phục hồi sinh lực thân tâm, nhằm chuẩn bị cho những thử thách sắp tới.  Sự nghĩ ngơi, để phục hồi sinh lực, chính là một trong những yếu tố chính yếu của tính chất STRESS Lạc Quan.  Do đó, STRESS Lạc Quan là tiến trình của một kích thích ngắn hạn, được tiếp nối với sự nghỉ ngơi thư giãn cơ thể, để giúp chúng ta đối đầu với những thay đổi, và thử thách, trong đời sống hàng ngày.
B-STRESS BI QUAN(Negative hay Distress) :  Trong tính chất bi quan, STRESS  có liên quan đến việc gây nên nhiều bệnh chứng cho cơ thể như : Bệnh nhức đầu, áp huyết cao, đau tim, nhức mỏi gân thịt, suy nhược thể chất và tinh thần, . . .  Khi cơ thể bị đặt trong tình trạng thử thách dài hạn, hoặc những kích thích ngắn hạn liên tục, và thiếu thời gian nghĩ ngơi, thư giãn thích đáng, Stress làm tiêu hao sinh lực, đưa cơ thể đến tình trạng kiệt sức, và tổn hại sức khỏe.  Do đó, Stress mang tính chất bi quan (Negative hay Distress).

III- NGUYÊN NHÂN GÂY RA  STRESS  :   Nguyên động lực gây nên Stress được gọi là  STRESSOR.  Đây là những nguồn lực phát sinh từ bên ngoài, hoặc bên trong cơ thể, để trở nên những nhu cầu bất thường, được áp đặt lên cơ thể hay tâm trí chúng ta.  STRESS  được gây nên bởi năm (5) nguyên nhân chính yếu (STRESSORS) như sau :
A-Biến Chuyển Sinh Lý : Những biến chuyển  sinh lý trong cơ thể gây ảnh hưởng đến đời sống bình thường của chúng ta như : Bệnh tật, sự giới hạn cử động của cơ thể, sự biến đổi sinh lý tùy từng lứa tuổi như thiếu niên, thanh niên, trung niên, và cao niên, . . . đều là những nguyên động lực tạo nên STRESS.
B- Sự Kiện Môi Sinh :  Những sự việc thuộc môi sinh là những nguồn lực đến từ thiên nhiên, địa lý, và nhân sinh, gây ảnh hưởng đến vùng sinh sống của chúng ta, đều tạo nên những STRESS, thí dụ như : Thiên tai dộng đất, bảo lụt, cầu cống hư hỏng, đường xá chật hẹp lưu thông đình trệ, dân cư đông đảo, và nghèo đói, nhiều tiếng động ồn ào của xe cộ và hãng xưởng, . . .
C- Biến Chuyển Trong Cuộc Sống :  Những sự việc thay đổi về hoàn cảnh, và giao dịch trong cuộc sống hàng ngày, thuộc phạm vi cá nhân, gia đình, việc làm, và tài chánh, đều là những nguyên động lực đưa đến STRESS.  Thí dụ như : Sự qua đời của thân nhân và bạn hữu, thay đổi điều kiện sống và nơi cư trú, liên hệ đến vi phạm luật pháp, sự bất hòa với thân nhân, thay đổi việc làm, điều kiện bất ổn tại sở làm, tình trạng tài chánh bị thay đổi, đối đầu với các món nợ phải trả, . . .
 D-Thói QuenXấu TrongCách Sống :  Thói quen xấu được thể hiện trong cách sinh sống hàng ngày là nguyên động lực gây nên STRESS.  Thí dụ như : Tật nghiện hút thuốc lá, nghiện rượu, tham ăn, và lười biếng ăn uống, không giữ đúng giờ giấc (quá trễ hoặc quá sớm), . . .
E-Sinh Hoạt Trí Thức Và Tinh Thần :     Những sinh hoạt sử dụng đến trí não để suy nghĩ đều gây nên STRESS.  Thí dụ như :  Việc dự thi trắc nghiệm, ôn bài thi mãn khóa, đọc sách báo, viết văn, làm báo chí, xem TiVi hoặc phim ảnh Video trong nhiều giờ, . . .

IV-TÁC ĐỘNG STRESS TRÊN CƠ THỂ  :   STRESS luôn luôn tác động khiến cho cơ thể chúng ta phát sinh những phản ứng hóa học.  Theo nhà sinh vật học Hans Selye, sự ảnh hưởng của STRESS trên cơ thể người ta được dựa vào Hội Chứng Thích Nghi Tổng Quát (G.A.S. – The General Adaptation Syndrome) mà cơ thể phản ứng qua ba (3) giai đoạn như : 1- Báo Động (Alarm), 2-Đề Kháng (Resistance), và Kiệt Sức (Exhaustion). A-Giai Đoạn Báo Động (Alarm) : Để đáp ứng STRESS, một kích thích hay đe dọa đưa đến, lập tức, hệ thống thần kinh trung ương não bộ ghi nhận một nhu cầu sử dụng đến nguồn năng lực thể chất lẩn tinh thần.
      Trước tiên, vùng nhỏ trong đáy não (Hypothalamus) tiếp nhận những tín hiệu, từ những phần khác của não bộ, để chỉ thị Tuyến Điều Hòa Nội Tiết (Pituitary Gland) tiết ra chất hóa học ACTH (Adreno-Cortico-Tropic Hormone) đưa vào trong dòng máu.  
       Sau đó, Tuyến Nang Thượng Thận (Adrenal Glands) được kích thích bởi chất hóa học nầy (ACTH), để tiết ra và đưa vào trong dòng máu chất Cortisol, và các chất hóa học khác như : Adrenalin, Epinephrine, và Norepinephrine.  Các chất hóa học nầy tạo nên một chuỗi biến đổi sinh hoạt bình thường của các bộ phận trong cơ thể như : -Tai và mắt trở nên rõ và sáng hơn, nhịp đập tim gia tăng để bơm máu và Oxygen gia tăng trong khắp cơ thể, -Gan tiết thêm một số lượng đường phụ trội vào trong dòng máu để gia tăng năng lực cho bắp thịt và não bộ, -Bộ máy tiêu hóa bị đình trệ, -Sự bài tiết mồ hôi gia tăng để làm mát làn da, -Chất Endorphine được tiết ra để làm dịu bớt đau trong lúc bị thương, -Tế bào máu được gia tăng sản xuất, . . .
         Tất cả những biến đổi nầy đều xảy ra cùng một lúc, và được xem như  “Phản Ứng Tấn-Hoặc-Thối” (The Fight-Or-Flight Reaction), nhằm nâng cao sức đề kháng và sức mạnh phụ trội cần thiết, để chuẩn bị cho cơ thể có những hành động phản xạ, lập tức, đối đầu với mối đe dọa.
B- Giai Đoạn Đề Kháng (Resistance) :  Với sức đề kháng, phản ứng báo động cố gắng tái tạo sự thăng bằng, và bình thường hóa các hoạt động trong cơ thể (được gọi là Homeostasis), cho đến khi nguyên động lực (Stressor) gây nên Stress bị giảm thiểu mất dần, và Hệ Thần Kinh Tự Động/Đối Giao Cảm (The Parasympathetic Autonomic Nervous System) tạo nên sự chấm dứt phản ứng báo động, và bắt đầu khai thông sự điều chỉnh, để phục hồi Homeostasis, một tình trạng thăng bằng và bình thường hóa của cơ thể.  Lúc đó, cơ thể trở nên êm dịu, nhịp tim đập chậm lại, hơi thở trở lại bình thường.  Như thế, giai đoạn đề kháng xóa bỏ tình trạng báo động, và cho phép cơ thể chúng ta trở lại đời sống hàng ngày.
C-Giai Đoạn Kiệt Sức(Exhaustion) :  Xuyên qua hai giai đoạn Báo Động (Alarm) và Đề Kháng (Resistance), cơ thể đã tiêu hao một số lượng sinh lực đáng kể.  Trong trường hợp Stressor, nguyên động lựcgây nên Stress, vẫn tiếp tục kéo dài, hoặc gia tăng, lúc đó, phản ứng Báo Động (Alarm) được tiếp tục lập lại nhiều lần, và làm tiêu cạn hết nguồn sinh lực dự trữ.  Sau cùng, cơ thể ở vào tình trạng kiệt sức.  Một hình thức bấn loạn tâm thần, nguy hiểm đến tính mạng.

V- DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG STRESS  :  “Sống Là Tranh Đấu”,  muốn sinh tồn con người cần phải tranh đấu.  Vì thế, trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải đối diện với nhiều vấn đề lớn nhỏ khác nhau, trong một thế giới văn minh phức tạp, với tinh thần sáng tạo, và khả năng sản xuất có giới hạn của con người.  Do đó, STRESS gây ảnh hưởng cho mọi người.  Dù muốn hay không muốn chấp nhận nó, STRESS  vẫn hiện hữu, và đóng một vai trò quan trọng, mà chúng ta phải trả một giá xứng đáng, trong việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân.  Vì thế, chúng ta cần nhận thức Stress qua những dấu hiệu báo động sau đây :
A-Stress Bi Quan(Negative hay Distress) :  Xuyên qua bảng liệt kê những dấu hiệu báo động Stress bi quan sau đây, nếu xét thấy có hơn ba (3) dấu hiệu báo động thường xảy đến cho chúng ta, như thế chứng tỏ chúng ta đang ở vào tình trạng Stress bi quan :
 a) Dấu Hiệu Về Thói Quen :  -Giấc ngủ bất thường.  -Ăn uống quá lượng.  -Uống nhiều rượu.            
-Gia tăng việc dùng nhiều loại thuốc.  -Thường gây nhiều tai nạn nhỏ. . . .
  b) Dấu Hiệu Tinh Thần :  -Cảm thấy không có khả năng làm chậm lại và thư giãn.  -Dễ tức giận  với kích thích nhỏ.  -Lo âu và căng thẳng tinh thần trong nhiều ngày.  -Cảm tưởng thường làm những việc sai lầm. -Không có khả năng để tập trung tư tưởng. -Thường có hoặc kéo dài những cảm giác nhàm chán. . . .                                                            c) Dấu Hiệu Thể Chất :  -Thân thể mệt mỏi.  -Trở ngại tình dục.  -Nhức đầu vì căng thẳng. -Nhức đầu kinh niên.  -Bàn tay và chân bị lạnh. -Đau nhức bắp thịt cổ và vai.  -Trở ngại việc  tiêu hóa. -Buồn nôn và mửa.  -Không thích ăn.  -Bị tiêu chảy.  -Lở loét trên da.  -Tim hồi hộp và đập nhanh.  -Bị táo bón.  -Đau nhức thắt lưng.  -Bệnh dị ứng hoặc suyễn bộc phát. -Hơi thơngắn và khó khăn.  -Cơ thể thường bị lạnh. -Thường bị nhiễm trùng nhẹ. . . .
B-Stress LạcQuan (Positive hay Eustress) :  Khi mọi việc tiến hành tốt đẹp, chúng ta không thấy những dấu hiệu báo động Stress xuất hiện.  Đời sống hàng ngày chúng ta cảm thấy quân bình, mọi việc được hoàn thành tốt đẹp, không có trở ngại lo âu, mặc dù thể chất và tinh thần có phần thấm mệt, nhưng vẫn có đủ thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, phục hồi sức lực, và tiếp nối các công việc khác trong đời sống lạc quan.  Sau đây là những dấu hiệu lạc quan của Stress :
-Khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả.  –Đủ khả năng để gánh vác trách nhiệm.
-Làm việc hiệu quả dưới những áp lực uy quyền, tình thế khó khăn, và những điều kiện giới hạn.
 -Biết nhẫn nại trước mọi thất bại.  –Thích nghi được với mọi sự thay đổi.  –Thể hiện được lòng tin cậy với mọi người.
-Thể hiện tình thân thiện và giúp đỡ những người chung quanh.  –Có tinh thần độc lập và tự tin.  –Biết dùng thời gian vào các sinh hoạt giãi trí.  –Dễ dàng thích nghi với các điều kiện thư giãn và ngũ nghĩ.

VI-ƯỚC LƯỢNG TỈ LỆ STRESS BI QUAN  :   Để ước lượng tỉ lệ tiêu hao sức khỏe do Stress bi quan gây nên, hai nhà nghiên cứu Hoa Kỳ,  Thomas Holmes và Richard Rahe, đã phác họa ra một bảng câu hỏi tính điểm  “Social Readjustment Rating Scale”, gồm có bốn mươi hai (42) sự việc thuộc về gia đình, cá nhân, việc làm, và tài chánh.  Mỗi sự việc đều được ấn định một số điểm cố định, tiêu biểu cho số lượng đơn vị thay đổi đời sống (L.C.Us = Life Change Units).  Cao điểm nhất là 100 điểm (LCUs) cho việc qua đời của người phối ngẫu.  Trung bình là 50 điểm (LCUs) cho việc hôn nhân.  Thấp nhất là 11 điểm (LCUs) cho việc vi phạm nhỏ về luật  pháp.  Sau khi áp dụng cho hàng ngàn người trong cuộc thí nghiệm, Holmes và Rahe nhận thấy tổng số điểm (LCUs) của những sự việc xảy ra cho một người, trong một năm, đều có liên hệ trực tiếp, và tỉ lệ thuận với sự tiêu hao sức khỏe của người đó, trong vòng hai năm sau.  Điều nầy có nghĩa là tổng số điểm (LCUs) trong năm càng cao, cơ hội sinh bệnh để tiêu hao sức khỏe càng trầm trọng, trong vòng hai năm sắp tới.  Để tìm ra đáp số trong việc ước lượng nầy, Holmes và Rahe đã lập ra tiêu chuẩn chỉ dẫn và bảng liệt kê bốn mươi hai (42) sự việc, có ấn định số điểm (LCUs) cho mỗi sự việc khác nhau sau đây :
 -Tiêu Chuẩn Chỉ Dẫn :  (0 – 150 điểm) sẽ có bệnh làm tiêu hao 10% sức khỏe, trong vòng hai năm tới.
(150 – 300 điểm) sẽ có bệnh làm tiêu hao 50% sức khỏe, trong vòng hai năm tới.   (300 điểm – trở lên) sẽ có bệnh nguy hiểm, tiêu hao 90% sức khỏe trong hai năm tới.
-Bảng Liệt Kê Các Sự Việc Với Số Điểm  LCUs :
-VỀ  GIA  ĐÌNH  :   -Sự qua đời của người phối ngẫu hoặc con  =  100  điểm  LCUs.  –Ly dị  =  73 điểm  -Ly thân  =  65.  –Sự qua đời của thân nhân  =  63.  –Kết hôn  =  50.  –Sự hòa giải giữa vợ chồng  =  45. -Sự biến đổi lớn về sức khỏe gia đình  =  44.  –Sự mang thai  =  40.  –Việc có thêm thân nhân mới sống trong gia đình  =  39.  –Sự thay đổi lớn trong lúc tranh luận giữa vợ chồng  =  35.  –Sự bất an về luật pháp  =  29.
-Con cái xa nhà  =  29.  –Sự nghĩ việc hoặc bắt đầu việc mới của chồng hoặc vợ  =  26.  –Sự biến đổi lớn trong việc đoàn tụ gia đình  =  15.  
-VỀ  CÁ  NHÂN  :   -Bị giam giữ  trong tù  =  63.  –Bệnh tật hay bị thương nặng  =  53.  –Sự khó khăn về tình dục  =  39.  –Sự qua đời của bạn thân  =  37.  –Sự hoàn thành xuất sắc cá nhân trong việc làm  =  28.  –Bắt đầu hay chấm dứt việc học  =  26.  –Sự thay đổi lớn về các điều kiện sống  =  25.  –Việc sửa đổi lớn những thói quen cá nhân  =  24.  –Sự chuyển đổi trường học mới  =  20.  –Sự thay đổi nơi cư trú  =  20.  –Sự thay đổi lớn trong việc giải trí  =  19.  –Sự thay đổi lớn trong sinh hoạt nhà thờ  =  19.  –Sự thay đổi lớn trong cách ngũ bình thường  =  16.  –Sự thay đổi lớn trong cách ăn bình thường  =  15.  –Kỳ nghỉ hè  =  13.  –Mùa giáng sinh  =  12.
-Việc vi phạm nhỏ về luật pháp  =  11.
-VỀ  VIỆC  LÀM  TẠI  SỞ  :  -Bị mất việc làm  =  47.  –Về hưu  =  45.  –Điều chỉnh lớn trong việc làm  =  39.  -Chuyển đổi đến bộ phận khác trong việc làm  =  36.  –Sự thay đổi lớn trong trách nhiệm việc làm  =  29.  -Có sự trở ngại với chủ  =  23.  –Sự thay đổi lớn trong điều kiện làm việc  =  20.
-VỀ  TÀI  CHÁNH  :   -Sự thay đổi lớn trong tình trạng tài chánh  =  38.  –Số tiền nợ trên $20,000.  =  31.  -Sự tịch thu tài sản  =  30.  –Số tiền nợ dưới  $20,000.  =  17./.

Giáo Sư VŨ ĐỨC, N.D.

Vũ Ðức