THỂ DỤC TÂY PHƯƠNG

Vũ Ðức

 


-Giáo Sư  VŨ ĐỨC, N.D.
(Tiến Sĩ Dưỡng Sinh Hoa Kỳ)


I- KHÁI  NIỆM THỂ DỤC :  Thể dục là môn huấn luyện thân thể bằng phương pháp vận động thể chất, để giúp cho đời sống con người được khỏe mạnh. Về phương diện thể chất, vận động thân thể được hiểu như một hình thái hoạt động của bắp thịt, để vượt qua một đối lực đang tác động lên nó.  Vận động thân thể thường ở vào hai trạng thái căn bản như sau : Động Luyện (Dynamic hoặc Isotonic), và  Tĩnh Luyện (Static hoặc Isometric).
    -Động Luyện (Dynamic hoặc Isotonic Exercise) là loại vận động cụ thể, có liên quan đến tình trạng  chuyển động của bắp thịt, và một trong những phần của thân thể, để sinh ra một lực đề kháng chống lại với một đối lực trực tiếp, hoặc gián tiếp đang tác động lên bắp thịt.
     -Tĩnh Luyện (Static hoặc Isometric Exercise) là loại vận động trừu tượng, có liên quan đến sự phối hợp ngầm của sức mạnh ý chí (tâm trí), để kích thích tính chất đàn hồi, và cương cường ở bên trong thân thể, nhằm sinh ra một lực đề kháng chống lại với một đối lực trực tiếp, hoặc gián tiếp đang tác động lên bắp thịt, trong khi mặt ngoài của thân thể vẫn ở tình trạng bất động.  Sự gồng cứng của bắp thịt tay, hoặc sự căng cứng các bắp thịt ở vùng bụng, trong khi thân thể bất động là những thí dụ điển hình cho loại vận động tĩnh luyện.
     Qua sự vận động thân thể, các bộ phận cấu trúc cơ thể sẽ được trau dồi lành mạnh hơn. Thí dụ như :Bắp thịt và gân với toàn bộ xương sẽ được vững mạnh, và rắn chắc hơn. Quả tim và các mạch máu cùng với hệ thống tuần hoàn sẽ hoạt động phối hợp điều hòa tốt hơn, để mang đủ lượng máu đỏ nuôi sống các tế bào trong khắp cơ thể. Phổi cùng với hệ thống hô hấp sẽ được trực tiếp kích thích trong điều kiện tốt, để mang đủ lượng dưỡng khí (Oxygen) vào trong cơ thể.  Do đó, sự khỏe mạnh của con người luôn luôn được thuận lợi, và là mục tiêu chánh yếu của bộ môn thể dục.
II- LƯỢC SỬ THỂ DỤC THỂ THAO :  Trước tiên, thể dục dưỡng sinh được bắt nguồn từ thời sơ khai của loài người, do bởi các ý niệm sơ khởi của các bậc cha mẹ, để dạy con trẻ của mình biết cách ngồi, bò, lăn, lộn, đi, đứng, chạy, nhảy, đá, ném, . . .  Vì những năng khiếu sơ đẳng nầy là nhu cầu thiết yếu, trong việc tìm kiếm thực phẩm, cho sự sinh tồn của con người, vào thuở sơ khai.
      Đến thời cổ xưa, con người cần có những chiến sĩ anh dũng, có khả năng bảo vệ đồng đội, để chống lại với thú dữ, và các bộ lạc khác. Cho nên, những người trai trẻ, thuộc các nước cổ xưa, đều được huấn luyện thể lực, trau dồi các năng khiếu như : chạy, nhảy, ném tạ, và thuật cỡi ngựa. Dân Spartans, thuộc vùng Nam Hy Lạp, còn chú trọng huấn luyện thể dục cho cả nam lẩn nữ.  Nam được huấn luyện về các môn : chạy, ném tạ, đấu vật, cùng những năng khiếu khác, để trở thành những dũng sĩ.  Phái nữ thường được huấn luyện về các môn như : thể dục thẩm mỹ (Gymnastics), khiêu vũ, bơi lội, ném dĩa, chạy, và đấu vật.
      Tại Athens, thủ đô Hy Lạp, những sinh hoạt thể lực như thế cũng được phát triển, và dân Athens thường chú trọng nhiều nhất đến việc phát triển các vẽ đẹp thẩm mỹ, vẽ duyên dáng, và tinh thần thể thao.
      Tại La Mã, chính quyền còn đặc biệt áp dụng những sinh hoạt thể dục vào các việc huấn luyện quân đội, đấu võ, đấu bóng, thi cử tạ, và thi đua xe chiến mã, . . . Vào thế kỷ thứ năm (5), sau Thiên chúa, khoảng một ngàn (1,000.) năm sau khi đế quốc La Mã suy tàn, bộ môn thể dục đã mất dần sự chú ý của đại đa số quần chúng La Mã.
      Vào thế kỷ thứ 15 và 16, những biến chuyển mới cho ngành giáo dục phổ thông, và thể dục, được phát khởi, do Ông Vittorino Da Feltre, người Ý, với sáng kiến áp dụng phối hợp việc huấn luyện thể chất cùng với tinh thần giáo dục phổ thông, vào ngôi trường của ông, tại Mantua, vào năm 1423, gồm có những vị thầy đặc biệt dạy về các môn : khiêu vũ, kỵ mã, kiếm thuật, bơi lội, đô vật, chạy nhảy, bắn cung, săn bắn,  câu cá, cùng với các môn giáo dục phổ thông học đường.  Đồng thời, còn có một số giáo chức khác tích cực cổ động, đề xướng những công trình xây cất vận động trường, và thực hiện những sinh hoạt thể dục thao, trong chương trình giáo dục phổ thông tại học đường.
      Vào khoảng những năm từ 1750 đến 1850, một số các quốc gia tại Âu Châu đã phát triển một số trường thể dục kiểu mẫu.Đặc biệt tại Đức, Ông Johann Basedow thành lập trường huấn luyện thể dục, vào năm 1774, với một chương trình huấn luyện hàng ngày, được chú trọng vào các môn nhảy cao, nhảy xa, các môn nhào lộn trên không cùng với các chiếc vòng trợ thủ và chiếc xích đu.Hơn nữa, việc huấn luyện thể dục tại Đức còn được tiến xa hơn nữa vào đầu thập niên 1800's, do Ông Guts Muths, một tác giả viết nhiều sách về thể dục thể thao.Ông Friedrich Jahn thiết lập một hệ thống, với những dụng cụ trang bị cho môn tập thể dục thẩm mỹ (Gymnastic), cùng với những bài thực tập vận động thân thể, trên các trợ huấn cụ như : xà ngang, xà đôi, ngựa gỗ, . . . Tại Đức, vào khoảng những năm  1810 - 1858, Ông Adolph Spiess còn áp dụng phương pháp Jahn để giới thiệu môn thể dục vào các học đường tại Đức.  Trong thời kỳ nầy, tại Thụy Điển, Ông Perhenrick  Ling thực hiện sự cải cách cho ngành thể dục, với hệ thống thể dục thẩm mỹ (Gymnastics) của ông, gồm những bài thực tập thông thường, không cần đến, hoặc cần rất ít  dụng cụ, nhằm để nâng cao phương pháp rèn luyện thân thể.
       Tại Đan Mạch, dưới sự lãnh đạo của Franz Nathtegall (1777 - 1847), chương trình huấn luyện thể dục được nhấn mạnh vào các hoạt động, nhằm  phát triển các tính chất uyển chuyển, linh động, dẻo dai, và các đường nét tạo nên vẽ duyên dáng cho thân thể.
       Trong thời kỳ nầy, người Pháp cũng phát triển ngành thể dục, bằng cách noi gương theo các chương trình huấn luyện thể dục của các quốc gia bạn.  Ngoài ra, những hoạt động thể chất khác còn được chọn lựa, áp dụng, mà người Pháp nghĩ rằng những hoạt động đó thích nghi, và tốt nhất cho họ.
      Lúc bấy giờ, dân Nga đã có tầm nhìn về ngành thể dục có tính chất kém quan trọng.  Mãi đến năm 1918, Xã Hội Chủ Nghĩa Nga xuất hiện, và môn thể dục dần dần được phát triển tại Nga.
     Tại Anh Quốc, vào thập niên 1850's, theo sau môn thể dục thẩm mỹ (Gymnastics), ngành thể dục được giới thiệu vào chương trình phổ thông học đường, các môn chơi thể dục thể thao khác, lần lượt, đều được  sự hưởng ứng nồng nhiệt, trong quảng đại quần  chúng Anh.
     Riêng với Hoa Kỳ, môn thể dục thẩm mỹ (Gymnastics), ở buổi ban sơ, đã được đặt nặng trong chương trình huấn luyện thể dục học đường. Mãi đến hậu bán thế kỷ 19, các môn thể dục thể thao bậc đại học mới được bắt đầu phổ thông, trong quần chúng Mỹ. Đặc biệt về các môn thể thao như : chèo thuyền, dã cầu (Baseball), điền kinh chạy bộ (Track and Field), và bóng bầu dục (Football) rất được ngưỡng mộ trong quảng đại quần chúng Mỹ. Vào thế kỷ 20, các môn thể thao toàn đội, bắt đầu, được phát triển mạnh mẽ.  Nói chung, phần lớn dân Hoa kỳ đều có khuynh hướng thể dục thể thao, nhằm nâng cao sự khỏe mạnh cá nhân.

III- THỂ DỤC HỌC ĐƯỜNG :   Vào thời xa xưa, trong cuộc sống hàng ngày, nhu cầu lao động chân tay rất cần thiết.  Cho nên, khả năng vận động trong việc làm đã có dịp thích nghi, giúp ích vào việc giữ gìn sức khỏe con người.  Sự ích lợi nầy dường như rất ít người lưu tâm đến.
         Trái lại, trong đời sống văn minh hiện nay, các phương tiện máy móc đã thay thế, hầu hết, sức lao động của con người, và gây nên tình trạng thụ động, con người càng ngày càng xa dần tính chất phát triển thể chất trong việc làm hàng ngày.  Cho nên, trong chương trình giáo dục học đường hiện nay, hầu hết, các trường học trên thế giới đều áp dụng chương trình huấn luyện thể dục, thể thao, chú trọng vào việc phát triển sự khỏe mạnh thân thể, giúp cho tuổi trẻ, học sinh có dịp trau dồi các năng khiếu thể chất như : sức mạnh, thăng bằng, nhanh nhẹn, dẻo dai, cân đối, tốc lực, và chính xác, . . .Mặc dù, sự khỏe mạnh thân thể còn tùy thuộc, phần lớn, vào việc tập luyện thể dục, nhưng các yếu tố sau đây cũng không kém phần quan trọng như : ăn uống, ngủ nghỉ, và các thói quen bảo vệ sức khỏe.  Cho nên, trong các chương trình thể dục học đường, học sinh còn được tham gia vào các lớp học về dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe, và các sinh hoạt vui chơi thể dục thể thao.
          Tại Hoa Kỳ, các trường học thường giúp học sinh có dịp tham gia vào các sinh hoạt vui chơi thể dục thể thao, với các môn chơi, bao gồm trong ba tính chất căn bản như : cá nhân, toàn đội, và nhịp điệu :
           *Các Môn Chơi Có Tính Chất Cá Nhân như : -Đánh Cầu Lông (Badminton), -Ném Bóng (Bowling), -Bóng Ném (Handball), -Đi Bộ Nhẹ (Jogging), -Quyền thuật (Martial Arts, Boxing), -Đánh Gốp (Golf), -Đánh Banh Bằng Vợt (Racquetball), -Bóng Bàn (Table Tennis), -Quần Vợt (Tennis), -Bơi Lội (Swimming), -Trượt Tuyết-Băng (Skating), -Điền Kinh, Chạy Bộ (Track and Field), và -Đấu Vật (Wrestling), . . .
            *Các Môn Chơi Có Tính Chất Toàn Đội (Nhiều người cùng chơi) như :  -Dã Cầu (Baseball), -Lam Cầu hay Bóng Rổ (Basketball), -Bóng Bầu Dục hay Cà Na (Football), -Bóng Gậy Công (Hockey), -Túc Cầu (Soccer), -Bóng Chuyền (Volleyball), . . .
             *Các Hoạt Động Có Nhịp Điệu như :  -Khiêu Vũ (Dance), -Thể Dục Thẩm Mỹ (Gymnastics), -Thuật Diễn Hành (Marching), -Cử Động Trình Diễn (Calisthenics), . . .
              Chương  trình thể dục học đường, tại Hoa Kỳ,  đều  được áp dụng cho các trường học thuộc ba bậc : -Tiểu Học, -Trung Học, và –Đại Học.
A-Thể Dục Ở Bậc Tiểu Học :  Hầu hết, chương trình thể dục ở các trường tiểu học nhằm giúp các trẻ em, phát triển cơ thể, với các môn thực tập về cử động có nhịp điệu, các vũ điệu căn bản, vận động thân thể, và các năng khiếu thể thao trong các sinh hoạt thể dục thể thao thông thường.  Ngoài ra, các em còn được học tập căn bản về tinh thần kỷ lust, thái độ cư xử tốt đẹp với nhau, trong sinh hoạt thể dục thể thao.
B- Thể Dục Ở Bậc Trung Học :  Chương trình thể dục ở các trường trung học bao gồm các môn thực tập về khiêu vũ (Dance), cử động trình diễn (Calisthenics), môn nhào lộn (Tumbling), công việc thiết bị trong thể dục thể thao (Apparatus Work), các bộ môn thể thao toàn đội (Team Sport). Trong những năm trung học (Junior và Senior), cơ thể của học sinh trưởng thành rất nhanh, cho nên, các sinh hoạt thể dục nhằm phát triển cơ thể được cân đối, trong lúc nầy.  Ngoài ra, chương trình thể dục còn nhấn mạnh vào việc huấn luyện  cho học sinh trung học có những  năng khiếu cần thiết, trong các môn chơi thể thao toàn đội, và khuyến khích các em phát triển tinh thần đồng đội, tinh thần lãnh đạo, và tinh thần trách nhiệm.
C-Thể Dục Ở Bậc Đại Học :  Tại các trường đại học, chương trình huấn luyện thể dục thể thao nhằm tiếp nối sự  phát triển khả năng thể dục phổ thông cho sinh viên, cùng với những năng khiếu căn bản, được áp dụng vào trong các bộ môn thể thao khác nhau.  Ngoài ra, chương trình tập luyện cá nhân nhằm trau dồi sự khỏe mạnh cơ thể, còn được quan tâm đến trong các đại học hiện nay.  Để nêu cao tinh thần thể thao, ở bậc đại học còn chú trọng đến chương trình bảo trợ thường xuyên cho những cuộc tổ chức tranh tài thể thao cá nhân, hoặc toàn đội, trong tinh thần thân hữu giữa các sinh viên nội bộ, hoặc liên trường.  Tiến xa hơn, nhằm đào tạo các chuyên viên trong tương lai, một chương trình đặc biệt huấn luyện sinh viên, sau khi tốt nghiệp, trở thành các nhà chuyên nghiệp về thể dục thể thao như : Huấn luyện viên, bậc thầy giảng dạy về môn thể dục thể thao.

Giáo Sư  VŨ ĐỨC, N.D.                                              

Vũ Ðức