CHÚNG TÔI NÀO CÓ LỖI CHI ?

Thụy Khanh

 


Theo tôi đoán, trong một chục người đàn ông sống trên cõi thế gian này, đã có đến 9 ông thường than phiền về cái tật cằn nhằn cử nhử của bà vợ mình.  Kẻ thì kể lể với bạn bè, người giỏi văn chương thì đưa lên mặt báo.  Ôi thôi, loạn cả lên!  Thế nhưng các ông chỉ rộng miệng trách móc thôi, chứ có khi nào các ông chịu bình tâm tự suy xét, thử tìm hiểu nguyên nhân nào đã khiến các bà sinh ra bản tính mà các ông cho là khó ưa ấy không?  

Rõ ràng là trước khi bước chân về nhà chồng, chị em bạn gái chúng tôi luôn được cánh đàn ông nâng niu, chiều chuộng, thường âu yếm gọi chúng tôi là “con chim nhỏ bé của anh” hay “con nai vàng ngơ ngác” hoặc “cánh hồng tươi thắm, đáng yêu”.  Thế mà sau khi chung sống với chồng chẳng bao lâu, chúng tôi bỗng nhiên hóa thành những con vật ghê gớm, nào là Bà Chằng Lửa, nào là Sư Tử Cái.  Trong khi đó, mọi người trên cõi đời này không hề nghe thấy một ai gọi người đàn ông là Chằng Tinh cả.  

Như vậy, sự kết hợp giữa hai vợ chồng đang vấp phải một trở ngại nào đó chưa được giải quyết ổn thỏa, cần được tận tình bàn luận, mổ xẻ có phải không?  Theo tôi nghĩ (mà thôi… cứ cho là đại đa số giới phụ nữ chúng tôi đều nghĩ như nhau đi, nghe có vẽ hùng hậu, có sức thuyết phục trong giờ phút tranh luận gay cấn này), sở dĩ các ông hưởng được danh hay tiếng tốt chỉ vì chị em chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đấng Tạo hóa đã tin tưởng giao phó cho chúng tôi.  Cụ thể là chúng tôi đã hết dạ thương yêu chồng, chăm sóc, nuôi dưỡng chồng con trở thành những người hữu dụng cho xã hội trong hiện tại cũng như tương lai.  Nhiệm vụ đó quá đổi nặng nề, cực khổ, gian lao, thế nhưng chúng tôi chẳng hề phân bua kể lể, không từ nan một việc lớn nhỏ nào, kể cả việc giữ trọn số lương hàng tuần mà chồng mình lãnh được (các ông nhớ đưa đủ số ghi trên giấy phát lương để chúng tôi tiện việc sổ sách đó nghe).

Trong khi đó, các ông hãy nghĩ lại mà xem, các ông đã làm được những gì để đền bù xứng đáng công khó nhọc của chị em chúng tôi ?  Ngoài việc cật lực đi cày hai, ba jobs để trang trải phần nhiều chi phí trong gia đình (Khoan khoan…xin đừng lấy chuyện này ra mà kể công, vì đây là bổn phận của các cây cột trụ trong gia đình mà.  Chẳng lẽ phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi lại bôn ba đi làm nhiều hơn, để các ông có thì giờ chui vào bếp, lo công việc dọn dẹp, chùi rửa, nấu nướng thì…coi sao đặng!  Người đời sẽ vin vào đó mà kết án chúng tôi là kẻ ăn hiếp chồng), thử hỏi các ông có giúp ích chi nhiều cho chúng tôi đâu, chỉ toàn là làm cho chúng tôi bực mình bực mẩy thêm thôi.  Chẳng hạn như:                   -

- Tật “dài lưng tốn vải” : Ứ hự!  Mỗi lần ra sân phơi quần áo, nhìn cái hàng rào xiêu vẹo sắp ngã đến nơi, tôi thở dài ngao ngán nhưng thật tình, tôi chẳng còn hơi sức đâu mà nói năng chi nữa!  Tôi lải nhải nhắc đi nhắc lại từ hai năm nay rồi đấy, thế mà chồng tôi vẫn trơ như đá, chẳng thèm động tay.  Phải chi cái hàng rào cũ rích mười mấy năm ấy nghiêng sang nhà hàng xóm thì tôi đâu cần lo lắng làm chi cho mệt tấm thân.  Lắm khi tức mình quá, tôi định bước sang bên ấy, năn nỉ ông chủ nhà làm ơn qua sửa chữa dùm cho tôi (vì tôi biết chắc là ông ta đặc biệt ga-lăng với tôi) nhưng sau nhiều đêm thao thức suy nghĩ thiệt hơn, tôi đành từ bỏ ý định rồ dại đó.  Bởi lẽ nếu tôi nhờ cậy ông ta phen này, biết đâu bà vợ ông bắt chước, tìm cớ nhờ cậy lại chồng tôi thì sao?  Thật ra, láng giềng hàng xóm giúp đỡ nhau là chuyện thường tình, chúng ta chớ nên so đo thiệt hơn, dễ làm thương tổn tình hữu nghị giữa đôi bên.  Tuy nhiên, trong trường hợp này…(chà, hơi khó nói một chút nhưng chẳng sao, mình chỉ nghĩ trong bụng thôi, chả ai moi ra được đâu mà sợ) bà vợ ông hàng xóm trông còn sung sức lắm, trong khi ông ta thì già hơn tôi hơn cả chục tuổi.  Nếu để chồng tôi lang thang sang bên ấy, liệu có đảm bảo an toàn cho chồng tôi không, rủi anh ấy bị bà ta tấn công thì sao?  Đối lại thì…chồng tôi chẳng cần phải lo vì ông hàng xóm sắp chống gậy đến nơi rồi.  Vì thế cho nên mọi sự ở đâu cứ để yên đó, chồng của ai, người đó cứ hưởng, cứ “xài” là thượng sách.

- Ồn ào : Thật vậy!  Các ông cứ tưởng vai u thịt bắp, tướng mạo phương phi như thế là tài giỏi ghê lắm!  Cứ oang oang lên giọng kẻ cả, chuyên môn lựa thế lấn lướt chúng tôi.  Xin các ông nhớ cho rằng đây là thời đại văn minh, “Lady first” nhá.  Phụ nữ chúng tôi được luật pháp bênh vực, bảo vệ kỹ lưởng lắm đấy.  Hù các ông chút chơi cho vui vậy thôi chứ chẳng phải chúng tôi định lên mặt để hưởng lợi lộc chi đâu.  Chúng tôi chẳng mong gì hơn được chồng mình nghĩ lại mà thương cho phận gái thuyền quyên mười hai bến nước, đành rời bỏ mái ấm gia đình, giã từ cha mẹ, anh chị em ruột thịt để về chung sống bên người tình lý tưởng.  Chúng tôi hy vọng sẽ được tận hưởng cuộc đời mới ấm êm, hạnh phúc chứ đâu muốn rước lấy lắm điều phiền toái, khổ đau.

Thế mà chẳng hiểu có phải vì muốn tỏ ra mình là một đấng nam nhi chi chí, cóc sợ vợ, các ông cứ bày đặt nhăn mặt nhíu mày, lớn tiếng la rầy, lên giọng trịch thượng, lắm lúc lại đổ trút mọi cơn bực tức từ nơi hãng xưởng, chỗ làm việc lên đầu lên cổ chúng tôi.  Dĩ nhiên là phận hiền thê, chúng tôi cố gắng thông cảm, đành chịu đựng thôi.  Nhưng tiếc thay, chúng tôi chỉ là con người bằng xương bằng thịt, yếu đuối về thể chất nhưng rất dạt dào xúc cảm, dễ bị tổn thương.  Và sau quá nhiều lần bị tổn thương, đến một lúc nào đó, khi “tức nước vở bờ”, chúng tôi sẽ trở nên lầm lì, đối kháng hoặc tệ hơn nữa sẽ dễ lên cơn nóng nãy, bẳn gắt mà các ông gán cho cái tội là hay cằn nhằn cử nhử.

Ngoài ra, còn có anh chồng tính tình tâm hơ tâm hất, chẳng thèm lưu tâm để ý chi cả.  Ban đêm, anh cứ mở toang cửa đằng trước, bỏ ra đằng sau hứng gió trong khi nhà có đứa con gái mới lớn.   Cô vợ lo sợ quá, mở miệng trách cứ thì anh lại nổi dóa, lớn tiếng phê phán cái tật hay cằn nhằn của vợ anh.  Thử hỏi ai có lỗi trong chuyện này chứ?

-Tự phụ : Nhiều khi các ông làm chúng tôi buồn ghê lắm!  Các ông cứ tưởng mình là ông Trời còn chúng tôi chỉ là kẻ hạ giới, không thông minh bằng các ông.  Như các ông cũng thấy đó, hầu như lúc nào những bà vợ hiền ngoan chúng tôi cũng đều hỏi ý kiến chồng mình trước khi quyết định một vấn đề lớn nhỏ nào.  Còn các ông thì sao?  Cứ ung dung, tự quyền quyết định, chẳng cần đếm xỉa chi tới ý kiến của vợ mình chi cả, vô tình khiến chúng tôi mang mặc cảm mình  là hiện thân của một chiếc bóng mờ ảo, và bóng chỉ được nương theo hình mà thôi.

Nói đến đây, mắt tôi lại ươn ướt!   Nhớ lần đó như mọi ngày, sau khi đi làm về, anh ấy giúp tôi vắt sổ mớ hàng may.  Sáng ra, tôi mới khám phá ra là cả 200 chiếc túi quần tây bị vắt sổ sai bét.  Vừa tháo, tôi vừa khóc!  Vừa vắt sổ lại, tôi càng cảm thấy đời đáng chán đáng chê!  Tôi thầm trách chồng sao không thèm hỏi tôi một lời, chỉ một lời thôi cũng đủ giúp tôi thoát khỏi cơn buồn thảm như thế này.  Tối hôm đó, tôi chỉ lầm lì, chẳng buồn nói năn chi vì tôi dư hiểu rằng chồng tôi không bao giờ chịu nhận sai sót của mình, trái lại chỉ khiến cho anh ấy có cớ để bỏ dỡ công việc đang làm mà thôi.  Nhờ đó, tôi đỡ mang tiếng là kẻ hay cằn nhằn nhưng… khổ cho thân tôi vì tôi đã phải trả một giá quá đắt, có phải không?

Đó là trong công việc làm ăn, còn trong các vấn đề khác thì sao?  Thì cũng chứng nào tật nấy thôi, có nghĩa là ta thông minh xuất chúng mà, ta đâu cần hỏi han, học hỏi kinh nghiệm của vợ làm chi cho xấu mặt anh hùng nam nhân chi chí.  Chẳng hạn như chuyện của ông Năm nhà nọ…

Vào một buổi chiều tà, khi nắng vàng đã tắt, bỗng ông Năm hứng chí.  Thay vì phóng bút đề thơ như mọi khi, ông lại tha thiết muốn bày tỏ tấm chân tình hết mực yêu thương vợ, bèn xăng tay áo lên, làm một màn chế biến thức ăn.  Ông hí hửng ba hoa rằng phen này nhất định sẽ cho vợ thưởng thức tài nấu ăn độc đáo, đầy sáng kiến của ông.  

Nghe qua, bà vợ mừng húm, chắc mẩm là từ nay sẽ có được tay đầu bếp đắc lực xông pha trong khói lửa để thỉnh thoảng bà có thể làm bộ lên cơn nhức đầu, đau bụng, lấy cớ nằm vùi trong phòng ngủ, đánh một giấc dài cho sướng tấm thân.  Tới chừng nhìn tô canh nóng hổi, đục ngầu vì được tưới thêm một lít sữa tươi cho đậm đà mùi béo bổ, bà Năm muốn lăn đùng té ngửa, vội vàng ôm bụng rên la thảm thiết để khỏi phải nuốt món canh măng pha sữa mà từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ, bà chớ hề được một lần nghe ai nhắc tới.

Nằm vùi trên giường, bà Năm cảm thấy đói muốn rả ruột nhưng bà nhất định thà chết chứ không chịu ăn.  Miệng bà lẩm bẩm : “Bao nhiêu lần tui ra tay chế biến, bắt ông vét hết, bộ ông thấy ngon lắm sao mà bây giờ lại bắt tui ăn cái thứ chế biến quỉ quái đó?  Ông tưởng tui khờ dại như ông vậy à?  Còn khuya, ông Năm ơi là ông Năm!”

Thế đấy!  Quả thật là chị em bạn gái chúng tôi nào có lỗi chi đâu.

Thụy Khanh