::: Linh Bảo :::

CON CHỒN TINH QUÁI

Chương I /phần 1, 2, 3

 
CON CHỒN TINH QUÁI

Chuyện cổ tích – Linh Bảo kể
1967


Ghi Chú:
Thánh kinh Cựu ước chép rằng trong Lạc viên có một cây Táo, nếu ai ăn quả sẽ thông minh và biết phân biệt thiện ác. Thượng đế dặn A Đam và E Và có thể ăn tất cả các thứ trái khác, chỉ trừ Táo là không được động đến, ăn vào sẽ chết. Vì thế nên trái ấy được gọi là Trái Cấm. E Và rất thèm Táo nhưng không dám ăn vụng nên rất khổ tâm. Về sau có một con rắn nói cho E Và biết rõ sự bí mật của Trái Cấm và xúi dục nàng làm theo ý muốn, E Và không dằn được sự cám dỗ của rắn bèn hái quả ăn và cho chồng ăn. Thượng đế thấy hai người phạm tội bèn tức giận đuổi ra khỏi Lạc viên.


1---Tại Sao Loài Chồn Ra Đời


E Và bị rắn dụ dỗ hái quả cấm, đã thế còn đem cho A Đam ăn. Nhưng đó chỉ là một hành động thường tình của đàn bà yêu chồng, bao giờ có miếng ngọt miếng bùi gì cũng muốn cho chồng con cùng được hưởng. A Đam ăn vì nể vợ một phần mà cũng vì thèm một phần, chàng biết lỗi mình nên khi bị Thượng đế đuổi ra khỏi Lạc viên không hề than van một lời.

Ban đầu A Đam và E Và thấy mình được tự do không còn bị giữ gìn cấm đoán nữa thì rất sung sướng vui mừng. Nhưng chỉ mấy hôm sau chàng mới biết tự do ấy phải trả bằng một giá rất đắt. Những sự cung cấp sẵn sàng và đầy đủ ở Lạc viên không còn nữa. Hai người phải tự lo liệu tất cả, nào là lo ăn, lo mặc, lo đói, lo rét, lo bệnh, lo chết đủ thứ.

Đã thế E Và lại còn đổi tính, vì sau khi ăn Trái Cấm nàng khôn ranh hơn nhiều. Lại thêm sinh ra cái tính vui, buồn, mừng, giận, thương, ghét, nũng nịu, hờn dỗi, gắt gỏng mà trước kia không hề có làm cho A Đam bực mình vô cùng. Chàng lại còn khổ tâm hơn nữa vì chưa quen làm việc khó nhọc, nên không thể cung cấp đủ mọi thứ cần dùng cho E Và làm nàng khóc lên khóc xuống hoài. Thượng đế vốn rất từ bi ngài thương hại đứa con tội lỗi bèn tìm cách giúp chàng.

Một hôm hai người đang ngồi bên cạnh bờ bể rầu rĩ vì suốt ngày chưa có gì ăn, bụng đói gần muốn đi không nổi. Thượng đế bỗng hiện ra trước mặt A Đam mà ngài cho là tội nhẹ hơn E Và . Ngài phán bảo:
- “ A Đam, ta sợ con chưa đủ trí khôn để đối phó với mọi sự bất ngờ trên đời và nhất là kiếm ăn vất vả nên ta cho con gậy phép này. Lúc con cầm gậy đánh xuống nước sẽ có một giống động vật có ích cho con nổi lên mặt nước. Nhưng con phải cẩn thận cấm không cho E Và cầm gậy, nếu không sẽ sinh ra tai họa đời đời.”
Nói xong Thượng đế trao Gậy phép cho A Đam rồi biến mất.
E Và nghe câu nói cuối cùng rất khó chịu, nhưng vốn tính tò mò, nàng tạm gác cục giận lại không làm tình làm tội A Đam vội, để bào chàng đập gậy xuống nước xem có giống gì ăn được hiện ra không.
Nàng dục rối rít:
- A Đam mau đập gậy xuống nước đi, em đói gần chết đến nơi rồi đây!
A Đam nghe lời vợ lấy gậy phép đập xuống nước. Một con dê mẹ dắt theo đàn dê con nổi lên mặt nước, từ từ bơi vào bờ. Nhờ thế vấn đề y phục và lương thực đồng thời giải quyết. Da dê có thể làm áo, sữa dê làm bơ và phó mát hay uống tươi, lại còn có thịt dê non thơm ngon béo bổ nữa.
E Và vui mừng quá quên cả lời Thượng đế dặn, cũng muốn đập gậy phép, vì nàng tin là mình đập khéo hơn chồng nhiều. Ban đầu A Đam không cho, nhưng vốn tính sợ vợ quen thân mất nết rồi, chàng nghĩ thầm:” Thôi thà có lỗi với Thượng đế còn hơn là để vợ giận”. Chàng bèn đưa gậy cho E Và nhưng giao hẹn chỉ cho đập thử một cái thôi.
E Và cầm lấy gậy vừa đánh nhẹ xuống nước thì một con chó sói hiện ra ngay. Nó vừa trông thấy đàn dê liền xông đến cắn đầu con dê mẹ tha vào rừng.
A Đam trách vợ:
- Em xem, tại em bướng bỉnh làm chúng ta bị mất con dê mẹ rồi, bây giờ biết làm thế nào?
A Đam vừa nói vừa giật lấy gậy, bực tức đánh xuống đất. Chàng đứng cạnh bờ nên đầu gậy bị chạm vào mặt nước và dưới nước bỗng nổi lên một con vật cũng giống như con chó sói vừa rồi. E Và trông thấy vỗ tay cười chế nhạo :
- Còn gắt nữa thôi! Anh đánh cũng chả hơn gì, cho nó ăn nốt cả đàn dê con đi!

Nhưng E Và đã lầm. Đấy là một con chó. Chó đến cạnh A Đam vẫy đuôi chào mừng xong chạy vào rừng cắn nhau với chó sói cướp lại con dê mẹ đem về. Đã có sự thực chứng minh E Và không thể dùng gậy phép được nên nàng không còn chối cãi vào đâu, đành phải để cho A Đam dùng gậy một mình.
A Đam cất dấu gậy rất cẩn thận và lúc dùng cũng không để cho E Và trông thấy vì chàng biết tính vợ hay tủi thân và cũng là người không biết phục thiện. Lần lần A Đam dùng gậy phép đem tất cả các giống động vật có ích cho loài người như trâu,
bò, heo, gà, vịt v. v. . lên bờ làm cho cuộc sống của hai người càng ngày càng phong phú hơn lên.
E Và xưa nay vẫn có tính tò mò, ương ngạnh và lại còn rất tinh ranh nữa là khác. Nàng chỉ làm bộ ngoan ngoãn cho A Đam tin, sự thực nàng vẫn để ý rình và biết chỗ A Đam dấu gậy phép.
Một hôm, nàng chờ lúc A Đam bận vào rừng hái quả bèn đánh cắp gậy phép đi ra bờ biển một mình. Nàng chỉ nghịch nước một lát đã đem lên bờ tất cả các giống vật khác như sài lang, hổ, báo, sư tử v. v. .Cố nhiên là nàng giấu không cho chồng biết công trình “ vĩ đại “ của mình.
Một hôm E Và lại lén lấy gậy phép định đi nghịch nước nữa thì bị A Đam bắt gặp. Chàng dành lại gậy, nhưng cả hai bên cùng dùng sức mạnh bằng nhau, không ai thua ai nên hóa ra cả hai cùng cầm gậy đánh xuống nước một lúc.
Mèo bèn hiện ra. Đó là “ tác phẩm” chung của hai người nên mèo vừa rất dễ thương hiền lành và đồng thời cũng có thể rất dễ ghét, tai ác tùy theo thái độ của người ta đối với nó mà thay đổi.
A Đam nhắc lại lời Thượng đế dặn, khuyên E Và không nên cầm gậy phép. E Và tức giận và xấu hổ nên bẻ gãy gậy ném xuống bể. Mặt bể bỗng sôi lên và từ đằng xa trôi vào một con vật có bộ lông rất mướt và tuyệt đẹp. E Và trông thấy bèn chạy đến định bắt nó để lột da làm áo khoác, nhưng lúc nàng vừa đến gần thì chồn cười nhạt một cách rất nghịch ngợm , khiêu khích rồi chạy biến vào rừng.
Gậy phép đã gảy chìm xuống bể mất rồi nhưng con chồn thủy tổ ra đời. Ngay lúc vừa đặt chân lên bờ nó bắt đầu trêu ghẹo E Và làm cho nàng thèm thuồng bộ áo lông rất đẹp mà không thể bắt được nó.
Sau khi vào rừng chồn sinh con đẻ cái đầy đàn, và con cháu nó bao giờ cũng giữ được đức tính đặc biệt của loài chồn là tinh quái vô cùng.
Sau đây là lịch sử của một con chồn tinh quái, con chồn này bên ngoài có một dáng điệu rất thanh nhã, quý phái, có học thức, đạo đức, nhưng sự thực trái hẳn, nó xảo quyệt và độc ác vô cùng. Nghệ thuật lừa dối của nó rất cao siêu lại thêm miệng luỡi hoạt bát nên đã đánh lừa tất cả các giống động vật trong rừng, đồng thời trốn tránh được sự trừng phạt. Hơn nữa, lại còn lừa được cả vua Sư Tử, Vương Phi và tất cả “ quý tộc “ trong Triều đình mãnh thú.
Cuốn truyện này chép lại những mưu kế xảo quyệt nghịch ngợm, gian trá của con chồn tinh quái. Tuy cũng có lúc thất bại nhưng sau đó nó có cách làm cho kẻ thù thiệt hại gấp bội. Những tài liệu này rút trong bộ truyện “ Lịch sử rừng xanh” đời vua Sư Tử đệ nhất, thời mà người và vật còn trò chuyện được với nhau.


2---Bạn Bè Họ Hàng Của Chồn


Chồn và Sói là một đôi bạn thân từ thuở bé, và tình bạn hai bên đã giữ được rất lâu. Muốn thêm phần thân thiết Chồn gọi Sói bằng cậu, làm cho ai không biết cứ tưởng là hai bên có họ với nhau.
Sói vốn là một vị Nam tước có quyền thế vào bậc nhất nhì trong Triều đình của vua Sư Tử. Cậu Sói rất anh hùng can đảm nhưng lại thật thà đần độn, vì thế Chồn vẫn hay dùng nhiều mưu kế hiểm độc trêu ghẹo Sói, làm tình làm tội Sói đủ điều mà Sói vẫn không hay biết nghi ngờ gì cả.
Mỗi khi Sói bị lừa xong bao giờ cũng đổ lỗi cho số mệnh rủi ro, hay tại mình vụng về ngu dốt chứ không bao giờ oán trách ai, nhờ thế tình thân của Chồn và Sói vẫn không hề sức mẽ tí nào. Đã thế mợ Sói lại rất chiều quý Chồn. Mợ có thái độ của người quân tử đối với kẻ tiểu nhân, bao giờ cũng rộng lượng tha thứ và muốn lấy lòng nhân đạo cảm hóa đứa cháu hờ mất dạy kia.
Bà con bạn bè của Chồn chỉ có Lợn Lòi là gần nhất. Hắn được coi như anh em, ïvì lúc nào cũng sốt sắng và thành thật. Ngoài ra Chồn còn có bạn khá như Khỉ, một giống xảo trá, thông minh vặt không kém gì Chồn. Bạn không thân lắm có Gấu Chó, Chồn Hương, Lợn Rừng v. v. . . Tất cả đám bạn hữu ấy đều làm quan trong Triều đình dưới quyền thống trị của vua Sư tử và Vương Phi.
Lại còn vợ chồng nhà Mèo cũng khôn ngoan và nhiều mưu kế xài được nên Chồn vẫn phải nể một vài phần. Các giống khác như Chó, Gà Trống, Thỏ, Chim Sẻ v. v. . . vốn là bạn , nhưng vì ghét tính tham ăn của Chồn nên đều dần dần xa lánh hắn ta.
Chồn sống với vợ con trong hang riêng mà hắn ta đã xây như một tòa lâu đài, bên ngoài lại còn đắp thêm thành lũy rất kiên cố phòng thủ. Mỗi ngày hắn ra khỏi hang đi kiếm mồi khắp nơi đem về nuôi vợ con. Tính Chồn rất háu đói , đã thế lại thích ăn ngon nên suốt đời vì miếng ăn hắn đã phải đem tất cả trí khôn ra tìm mồi , và hắn đã dùng tất cả mọi cách dù hại đến bà con bạn hữu, hay hại cả Hoàng đế Sư Tử của hắn cũng không từ.



3---Chồn, Chó Và Mèo


Sáng nay chàng Chó được chủ hứa hẹn sẽ cho một bữa chén ngon lành. Chủ đã để dành cho hắn một khúc dồi rất to, thơm và còn nóng hôi hổi.
Chị bếp đưa khúc dồi đến trước mặt, bảo nó tha hồ ngắm thỏa thích, rồi lại còn cho nó ngửi mùi thơm đầy quyến rũ kia nữa. Chó vui mừng đợi được nếm thử, nhưng vì chưa đến giờ ăn nên chị bếp lại lấy cất lên nóc tủ rất cao. Chó tức giận run cả người, vẫy đuôi rối rít kêu gâu gâu ầm nhà lên. Chị bếp bảo:
- Mày kêu cũng vô ích, chưa đến giờ ăn thì phải đợi đã!
Chó thấy món ăn ngon càng đói bụng thêm, nhưng hắn bị xích chặt không làm gì được, đành thở dài nằm xuống đất chờ đợi, cổ họng gầm gừ một cách uất ức.
Khúc dồi còn nóng nên mùi thơm phưng phức bay tỏa rất xa, Chồn tình cờ đi ngang qua, hắn hít hơi mấy cái gật gù:
- Chà thơm quá! không biết ở đâu phát ra mùi thơm sang trọng thế kia nhỉ?
Xưa nay Chồn vẫn chuyên môn “ nghiên cứu” những mùi vị ấy nên hắn nhất định điều tra cho ra manh mối. Hắn đến gần nhà trông thấy Mèo đang nằm còng queo ngủ gà ngủ gật dưới bóng cây.
Chồn hỏi trước:
- Chào anh Mèo chắc nhà anh hôm nay có giỗ thì phải. Tôi nghe như có mùi thơm rất sang trọng từ trong nhà anh bay ra. Nếu thực có việc gì nên cho anh em biết để có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu.
Mèo ngẩng đầu dậy một cách miễn cưỡng, hắn mở to mắt nhìn quanh, đánh hơi trong gió một lúc gật gù bảo:
- Ừ, thơm thật, chắc là nhà đang sửa soạn làm cơm cho tôi.
Mèo nói thêm có vẻ thân thiết:
- Nếu anh muốn biết rõ đó là mùi gì thì theo tôi về xem sao. Mèo ưỡn mình mấy cái, uốn éo thân hình mềm dẻo, lấy tay lau mặt mãi mới chịu đứng dậy đi rất thong thả nghênh ngang. Còn Chồn lủi thủi theo sau, vì hắn biết đây không phải là giang sơn của hắn. Đôi bạn vừa đến cửa thoáng nghe tiếng Chó đang than thở một mình:
- Dồi ơi, dồi, dồi nóng mới thơm ngon làm sao! Ta ước gì mày có chân chạy xuống đây thì ta sung sướng biết bao nhiêu! Dồi ơi, hỡi dồi, ta yêu mi!
Mèo lễ phép hỏi Chó:
- Anh thất tình ai thế hở anh Chó. Nếu anh có cần gửi thư từ gì cho Mi mi hay Lu lu tiểu thư nào, tôi sẽ đưa giúp hộ anh?
Chó vội vàng cải chính:
- Không, ta tức giận than thở vì loài người tàn nhẫn độc ác. Nếu kiếp sau ta được làm người ta thì ta sẽ báo thù này. Không trả được thù không phải là anh hùng.
Mèo hỏi:
- Chẳng hay ai dám xúc phạm đến đại ca, để chúng em giúp một tay trả thù cho đại ca?
- Không ta không cần ai giúp cả. Kiếp sau, nếu được làm người, ta sẽ làm mấy chục ký lô dồi, ta sẽ ăn một mình, và ăn luôn lúc còn nóng hổi thơm phưng phức. . .
Chó kể cho Mèo nghe sự tàn nhẫn của chị bếp, nào là cho hắn xem, cho hắn ngửi rồi cất ngay lên tủ . . . Cuối cùng hắn thêm:
- Nhưng dù sao ta cũng sẽ được ăn, vì chủ nhân đã bảo đó là phần của ta.
Chồn kéo Mèo ra hiên thì thầm xúi giục:
- Thú thực trong đời tôi chưa tùng thấy ai kiêu hãnh hợm mình hơn anh Chó. Anh ấy làm như trong nhà này trên là chủ, dưới chỉ có anh ta mà thôi. Khúc dồi thơm thế mà dám bảo là để dành cho một mình anh ấy, rõ thật không coi anh vào đâu cả. Tôi có ý kiến hai chúng ta cùng đồng tâm hợp lực chiếm lấy khúc dồi kia. Nó phải được ở chỗ xứng đáng với thân phận nó chứ!

Kết quả của cuộc thảo luận là Mèo xung phong vào nhà nhảy lên nóc tủ cướp lấy khúc dồi ném ra. Chồn ở ngoài tiếp ứng, nhặt chạy ngay, Mèo sẽ theo yểm hộ cho đến nơi căn cứ bí mật, xong xuôi chiến lợi phẩm sẽ chia đều làm hai phần.
Vì kế hoạch được trù liệu chu đáo nên cuộc tấn công đổ bộ của Mèo và Chồn thành công theo ý muốn. Chó thấy có biến kêu gào ầm ỹ, nhẩy tung lên làm giây xích ở cổ cứ xiết chặt thêm mãi. Mèo thấy Chồn chạy nhanh như chớp, nghi hắn có thể phản bội được nên bảo Chó:
- Anh đừng buồn, để tôi đuổi theo quân cướp, lấy lại khúc dồi cho anh.
Chồn tuy tinh quái nhưng Mèo cũng chẳng dại. Mèo chạy đường tắt nên đuổi theo kịp Chồn. Lúc ấy trong bụng Chồn đã hí hửng, mừng thầm tưởng cướp được khúc dồi có thể đem về hang ăn với vợ con. Hắn mà đã tha được về hang rồi thì dù có cả một đại đội Mèo cũng đừng hòng đòi lại được. Bỗng nhiên Chồn giật mình vì thấy bóng Mèo chạy cùng với bóng mình song song trên đường. Thì ra Mèo đã bắt gặp và chạy tay đôi từ lúc nào không biết. Chồn cố trấn tĩnh để nghĩ cách thoát khỏi tay Mèo. Đồng thời Mèo cũng nghĩ mưu kế giật lại đồ vật trong tay kẻ cướp. Mèo hỏi:
- Chúng ta đi đâu cho kín đáo bây giờ nhỉ? Trông khúc dồi khá nặng. Kìa, nhưng mà cách anh tha như thế sẽ không ăn được đâu! Đầu dồi bị kéo lê dưới đất dính đầy những bụi cát, chỗ anh cắn thấm đầy nước bọt làm tôi thấy mà đau lòng. Anh đứng lại để tôi chỉ anh mang thế nào cho đúng phương pháp.

Chồn tuy không thích nhưng cũng buộc lòng đứng lại, hắn suy “ bụng ta ra bụng người” nhất là về phương diện lừa đảo, chỉ sợ Mèo cướp chạy mất.
Mèo đỡ lấy khúc dồi để lên vai cuốn quanh lưng rất khéo, cả hai đầu đều không rơi kéo lê thê dưới đất, Mèo bảo:
- Đấy, anh xem, phải vác như thế này mới được. Đợi tôi đi mỏi rồi đến lượt anh. Cắn ở mồm mất cả vệ sinh. Bây giờ chúng ta đến cái gò ở cửa rừng rồi yên tâm chén. Ở trên cao nhìn rõ chung quanh, lỡ có cướp cũng dễ trông thấy trước để chuẩn bị đối phó.
Mèo nói xong không đợi Chồn trả lời, chạy nhanh như chớp. Chồn cũng vội vàng cắm đầu cắm cổ đuổi t heo. Chồn chạy được đến gò đất chỗ Mèo hẹn, hắn chỉ theo sau Mèo có một cái đuôi, thế mà chớp nhoáng một cái đã thấy Mèo ngồi chễm chệ trên một nhánh cây rất cao rồi. Chồn hoảng hốt gọi:
- Mèo, anh trèo lên trên ấy làm gì thế? Xuống đây cùng chia phần cho công bình.
Mèo trả lời ỡm ờ;
- Việc gì lại phải xuống kia chứ! Tại sao anh không lên đây có hơn không? Ở trên này dễ giữ gìn an ninh trật tự!

- Anh đã biết thừa tôi không trèo cao được còn chế diễu! Cha đứa nào nói xong nuốt lời! Khúc dồi này đã được chúc phúc rồi, phải chia đều để khỏi làm nhục nó!
Mèo vẫn rất dịu dàng nhỏ nhẹ:
- Nếu khúc dồi này quả thực đã được làm phép chúc phúc, lại càng nên ăn trên cao để tỏ lòng tôn kính, ăn ở dưới đất bẩn thỉu mang tội chết!
Chồn tức giận quát:
- Tôi cũng có công cướp về, phải chia cho tôi, ném phần của tôi xuống.
Mèo khinh khỉnh:
- Anh thực kém thông minh! Bảo người ta ném một khúc dồi như thế này xuống bùn thì còn trời đất nào nữa! Tôi đâu có thể nhẫn tâm được đến như thế! Hơn nữa món ăn ngon thơm quý báu như thế này có ai điên mới đem chia cho giống Chồn một nửa. Thôi chúng mình hãy thỏa thuận với nhau đi. Lần sau nếu còn kiếm được dồi anh sẽ được ăn một mình chẳng cần phải chia cho tôi một chút xíu “ tượng trưng” nào cả.
- Mèo, Mèo, anh là đồ vô lương tâm, phản bạn! Trời tru đất diệt anh đi !
Mèo cũng bắt chước giọng Chồn gào lên:
- Chồn, Chồn, tôi sinh sau đẻ muộn, nhỏ tuổi thua anh, lỡ mai tôi chết, đời tôi chưa từng được nếm miếng dồi ngon như thế này thì làm sao tôi chết cho nhắm mắt được. Anh đã tùng trải, đã ăn nhiều rồi còn thèm khát nỗi gì?
- Chính tôi mới cần phải ăn miếng ngon vật lạ. Tôi già rồi, chết nay chết mai chưa biết, phải để cho tôi ăn chứ! Anh còn trẻ, tương lai còn nhiều hứa hẹn, còn thiếu gì cơ hội để ăn?
Mèo an ủi:
- Thôi để lần sau vậy. Khúc dồi tương lai sẽ rất ngon lành, không dính đất cát, cũng không vấy nước bọt, và tôi sẽ nhường cho anh ăn một mình. Khúc này bẩn nên không ngon mấy, tôi không muốn để anh ăn sợ giảm mất lòng tôn kính bậc tuổi tác đối với anh.
Mèo nói xong không để ý đến Chồn nữa, chỉ tóp tép nhai một cách rất ngon lành, thỉnh thoảng lại gầm gừ mấy tiếng như khiêu khích làm Chồn tủi thân khóc òa lên.
Mèo giả vờ hỏi rất ngây thơ:
- Anh đang hối hận những “ công tác từ thiện” anh đã làm trong đời đấy phải không? Anh cứ thành tâm sám hối, Thượng đế sẽ tha thứ cho anh, kiếp sau nếu anh có được làm người, anh cứ báo thù ăn luôn mấy ký dồi vừa nóng vừa thơm một lúc.
Chồn cười lạt:
- Được, cho anh cứ nói cho sướng mồm. Lúc khát nước thế nào anh cũng phải mò xuống đất!
Mèo kinh ngạc hỏi:
- Xuống uống nước phải không? Trên cây đã có sẵn một lỗ chứa đầy nước mưa rồi còn việc gì phải xuống nữa. Uống nước mưa vừa tinh sạch vừa mát ruột anh không biết hay sao?
- Nhưng cũng có ngày anh phải xuống và tôi đủ kiên nhẫn để đợi anh cho đến già, đến chết!
Mèo cười sằng sặc:
- Trời ơi! Nếu câu ấy do miệng một tiểu thư mèo nào nói ra thì sung sướng biết bao nhiêu? Bảo tôi nhảy vào nước vào lửa, bảo tôi xông pha vào sinh ra tử gì tôi cũng xin tuân lệnh. Tiếc rằng kẻ nói lại là anh! Nhưng thôi, anh có lòng đợi, tôi vẫn phải cảm ơn và cảm động như thường. Anh muốn đợi tôi đến bao giờ?
- Tôi sẽ đợi anh hết năm này qua năm khác, ít nhất là bảy năm, tôi thề như thế!
Mèo làm bộ suy nghĩ:
- Bảy năm . . . Nghĩ đến cảnh anh chịu đói chịu rét nằm co duới gốc cây đợi tôi bảy năm, tôi đau lòng quá. Nhưng dù sao anh đã thề phải giữ lời, rừng này thiêng lắm!
Mèo nói xong lại tiếp tục ăn dồi một cách an nhàn, Chồn cũng không nói gì chỉ nhìn Mèo và mơ tưởng đến một ngày nào đó, Mèo sẽ phải xuống đất. Bỗng nhiên Chồn chỏng tai nghe và lo lắng hỏi Mèo:
- Hình như tôi nghe có tiếng gì lạ lắm!
- Đó là một thứ âm nhạc nổi tiếng của dân vùng này. Họ có cả một đội nhạc công thỉnh thoảng lại hợp tấu như thế. Hay quá nhỉ?
Nhưng Chồn đã thừa biết cái bản hợp tấu của đội nhạc công ấy là tiếng Tù Và, tiếng Loa và tiếng chân ngựa, chân chó . . . một bản nhạc hắn đã thuộc lòng từ lâu. Và hắn sửa soạn cất cẳng chạy.
- Kìa anh đi đâu vội vàng thế?
- Tôi không muốn gặp bọn nhạc công, nhạc sĩ của anh. Bản nhạc họ đang hòa tấu không hợp với tôi.
- Thế lời thề anh để đâu? Không lẽ vừa thề xong lại nuốt ngay, con người chóng quên bạc bẽo đến như thế là cùng. Anh nhất định đi rồi bảy năm nữa “ em” biết tìm anh ở đâu bây giờ?
Chồn không thèm nghe lời chế nhạo của Mèo. Hắn nghĩ thầm “tránh voi chẳng xấu mặt nào” ở đời có khi phải bỏ chạy và biết bỏ chạy đúng lúc mới là bậc thức thời!