Tháng 9, Cali... Và Ðêm Nhạc Thính Phòng
Tình Ca Ngô Thụy Miên thành công rực rỡ


Cali, thời tiết đã bắt đầu bước vào mùa thu mặc dù vậy nhưng bên ngoài trời vẫn còn nắng ấm, những hạt nắng chan hòa nhảy múa như muốn reo hò chung vui với từng đoàn người nối đuôi nhau bước vào hí viện sang trọng La Mirada để tham dự chương trình nhạc thính phòng chủ đề mang tên người nhạc sĩ họ Ngô...



Vâng, ông là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên - người nhạc sĩ có vóc dáng thư sinh, lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng. Nếu nói về những dòng nhạc tình của Ngô Thụy Miên thì chắc khỏi cần phải bình luận gì nhiều thêm bởi đã từ lâu, lâu lắm rồi nhạc của Ngô Thụy Miên vẫn luôn được mọi người ưa chuộng khắp mọi nơi từ trong nước đến hải ngoại cũng thế. Ừ, thì tôi vẫn còn nhớ vào những năm tháng của đầu thập niên 70, nhất là sau khi quê nhà đã bị rơi vào tay Cộng Sản đỏ, hồi ấy mặc dù tôi vẫn còn bé lắm nhưng trong trí nhớ của tôi là những âm thanh còn lại của cuốn băng nhạc cassette Tình Ca Ngô Thụy Miên được phát ra mỗi ngày từ căn phòng nhỏ của anh bạn hàng xóm cứ mở to thật to như để cố tình cho mọi người cùng thưởng thức và nhớ về dĩ vãng đã trôi qua, và có lẽ từ ngày ấy nhạc tình Ngô Thụy Miên đã vô tình đi vào đời sống ấu thơ của tôi như những quyến rũ nghệ thuật lúc vỡ lòng... Tôi sẽ không viết thêm về âm nhạc hay đời sống riêng của ông nữa bởi lẽ đêm qua người ta đã nhắc nhiều về điều đó hay báo chí, các đài phát thanh, truyền hình và các tác phẩm ca nhạc video vẫn nói đến ông như một mến mộ, nể trọng bởi ông là một trong những nhạc sĩ có số đông sáng tác kể như luôn luôn được giới thưởng ngoạn yêu thích. Ở đây tôi muốn nói một số những tác phẩm như Áo Lụa Hà Ðông, Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Paris Có Gì Lạ Không Em... hay gần đây nhất là nhạc phẩm được bầu là top hit trong năm 1999: "Riêng Một Góc Trời".



Quay trở lại với chương trình nhạc thính phòng "Tình Ca Ngô Thụy Miên, qua bốn thập niên"... Hí viện La Mirada - đồng hồ vừa chỉ đúng 4 giờ 30 phút và cũng cùng lúc ấy trên sân khấu màn cũng vừa được kéo lên, tất cả đèn spot light duy nhất đang hướng về sân khấu hoành tráng với hơn 30 nhạc công của dàn nhạc thính phòng cùng ban nhạc Matrix đang chỉnh tề chờ đợi, ở giữa sân khấu là chàng nhạc sĩ Nguyễn Thế An đang từ từ buông những tiếng đàn guitar độc đáo của anh thay cho lời giới thiệu tất cả mọi người trong dàn nhạc hay nói khác hơn tiếng đàn của anh cũng là những giòng nhạc khởi đầu cho một chương trình dài 3 giờ đồng hồ với nhiều tiết mục hấp dẫn, cuốn hút người nghe... Bên cạnh đó là sự xuất hiện của hai M.C duyên dáng: Ngọc Hà - Vũ Anh.

Sau một vài lời giới thiệu chương trình cũng như giới thiệu nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, chương trình được bắt đầu với bài hát Áo Lụa Hà Ðông qua phần trình diễn của Hoàng Nam, chàng hoàng tử nhỏ bước ra sân khấu trong bộ suit trắng trang trọng. Tiếng hát trầm ấm của Hoàng Nam cất lên giữa giòng nhạc đang từ từ trôi đi, nhưng có lẽ vì là bài hát đầu tiên mở màn nên cậu nhỏ đã có phần hơi run, một chút gì đó luống cuống, thêm vào đó là phần âm thanh chưa hoàn chỉnh lắm của phần mở đầu chương trình... tất cả đã làm cho nhạc phẩm Áo Lụa Hà Ðông không được vẹn tròn như ý muốn. Nói chung một vài nhạc phẩm đầu như Áo Lụa Hà Ðông, Tình Khúc Tháng Sáu, Dấu Tình Sầu với phần trình bày qua các giọng hát Hoàng Nam, Trần Thái Hòa, Thanh Lan đã mang lại cho khán giả một chút gì đó hồi hộp, choáng ngợp. Nhưng chỉ sau 15 phút hay 20 phút mở màn, âm thanh đã được điều chỉnh lại sau đó. Sang đến nhạc phẩm thứ tư Paris Có Gì Lạ Không Em, qua phần trình bày của ca sĩ Mai Hương đã mang lại cho người nghe một sự nhẹ nhỏm... Ổn rồi, ừ - hình như chương trình đã bắt đầu vào quỹ đạo, có lẽ cảm giác yên tâm đã có được khi giọng hát cao, trong suốt của nữ ca sĩ Mai Hương cất lên, nghe Mai Hương hát Paris Có Gì Lạ Không Em, người nghe như lắng chìm, để tâm tư như đang trở về với Sàigòn ngày tháng cũ, ngày tháng của thập niên 50 thuở Sàigòn có đài phát thanh Pháp Á, hay Quân Ðội, Tự Do... hoặc đài truyền hình Việt Nam... thuở ấy là thời gian ngà ngọc của những giọng hát Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương... Vâng, nghe Mai Hương hát Paris Có Gì Lạ Không Em mà ngay cả những người trẻ như thế hệ chúng tôi cũng còn phải nể nang, kính phục bởi giọng hát của bà quá nồng nàn, thanh thản, chả trách nào đã có một lần chị Thái Xuân - giám đốc trung tâm ca nhạc Diễm Xưa đã không tiếc lời khen ngợi các giọng hát Mai Hương, Kim Tước hay Thái Thanh...

Một tiết mục khác mà tôi muốn được đề cập đến trong phần đầu của chương trình đó là nhạc phẩm số 7: Bản Tình Cuối, với phần biểu diễn của nữ danh ca Khánh Hà, dường như đây cũng là tiết mục được mọi người chờ đón từ đầu chương trình, giọng hát của chị vẫn thế, vẫn mượt mà, nồng nàn, chất giọng bàng bạc, lãng đãng như mang người nghe hoàn toàn đến một thế giới khác, thế giới thật sự thuộc về nghệ thuật, ừ thì... "yêu em, ta yêu em như yêu tuổi ngây thơ, bên em, bên em ta hát khúc mong chờ... Ngày nào đời cho ta biết tình là đắng cay..." cả hội trường lắng đọng, im lặng cả luôn dàn nhạc như chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra, một vài phút trôi qua giọng hát Khánh Hà lại tiếp tục nổi lên và tiếng vỗ tay nồng nhiệt, hay quá... tuyệt cú mèo! hình như trái tim của người nghệ sĩ đang được sưởi ấm lại bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt đó, dường như tiếng hát của nàng đậm đà hơn, sang cả hơn vì sự xúc động đang dâng trào bởi những tình cảm nồng nàn được gửi đến của hơn một ngàn khán giả hiện diện đêm nay, tuy Khánh Hà đã không có những đóa hoa hồng rực thắm được trao đến nàng nhưng từng tràng pháo tay không dứt, hay những tiếng reo hò tán thưởng có lẽ còn thơm hơn mùi hương của hoa hồng và đẹp hơn màu đỏ thắm của từng cánh hoa... Nhưng có lẽ trước những tình cảm quá nồng nhiệt của khán giả, người ca sĩ đã xúc động đến nổi khi bắt đầu nhạc phẩm thứ hai Từ Giọng Hát Em, với phần mở đầu mang âm hưởng cổ điển, bên cạnh những hợp âm thánh ca đã tạo một khoảng không gian tôn nghiêm, đúng như lời tác giả đã tâm sự rằng bài Từ Giọng Hát Em là sáng tác chịu nhiều ảnh hưởng âm nhạc cổ điển và đặc biệt pha lẩn một chút màu sắc tôn giáo... Tiếng hát chị lại cất lên, có một chút lo lắng làm sự bắt đầu của chị rơi vào hụt hẩng, nhưng chỉ trong vòng một giây Khánh Hà đã quay trở lại được với phần mở đầu nhẹ nhàng của bài hát, rồi... "Từ giọng hát em chợt vút cao, vút cao một trời..."

Tuấn Ngọc, chàng lãng tử bước ra trong từng tràng pháo tay không dứt, bao giờ cũng thế cứ mỗi lần Tuấn Ngọc xuất hiện trên sân khấu là sẽ có bao nhiêu con tim thổn thức bởi giọng hát của chàng trầm ấm, liêu trai quá - giọng hát mà giới trong nghề vẫn gọi rằng đó là tiếng hát không đối thủ, bài hát đầu tiên Tuấn Ngọc đến với chương trình đêm nay đó là nhạc phẩm Mắt Biếc... "Dĩ vãng như bao cung tơ..." tất cả mọi người như chìm đắm thưởng thức, feeling giọng hát của chàng, người viết đã nghe xì xào những lời khen ngợi từ phía những hàng ghế sau, hoặc những đôi mắt mơ màng như đang lọt vào chốn thiên thai, hoặc cõi tình tự mà chàng ca sĩ Tuấn Ngọc đang đưa mọi người vào thế giới riêng của chàng...

Sau 15 phút giải lao, chương trình lại bắt đầu bước vào phần hai. Phần đầu tiên là 15 phút tâm tình của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với khán giả qua một vài câu hỏi được đặt ra từ hai M.C Vũ Ánh và Ngọc Hà, dĩ nhiên là người viết sẽ không đề cập đến phần nội dung của câu chuyện tâm tình của Ngô Thụy Miên như thế nào bởi giống như đã nói ngoài những chi tiết như tên thật, nơi chốn sinh trưởng, nghề nghiệp và tiểu bang sinh sống hiện tại như thế nào? Người nhạc sĩ họ Ngô cũng đã bật mí một phần đời sống của ông như cuộc tình tưởng chừng đã xa cách từ sau biến cố 75 nhưng rồi sau đó lại là một kết thúc vui vẻ "happy ending", chàng cũng đã lập thành gia thất được với người chàng yêu, bên cạnh đó là tiểu sử hay hoàn cảnh sinh ra của một vài nhạc phẩm như Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Mưa Trên Cuộc Tình Tôi...



Tiếp tục chương trình lại là sự xuất hiện của Khánh Hà với nhạc phẩm Dốc Mơ, với tiếng kèn Saxophone vang lên mang một giai điệu buồn bã, dường như đã lột tả được phần nào tâm tư của tác giả, trong phần đầu của nhạc phẩm Dốc Mơ với lối hát Adlib (tự do) Khánh Hà đã hát như tâm tình, như thổ lộ những tình cảm của một người đang đợi chờ tình yêu hay đang yêu, phải chờ đến phần điệp khúc với nhịp điệu Boston, Khánh Hà đã cùng dàn nhạc đẩy cao trào của bài hát lên đến đỉnh cao "Nói đi em câu mong chờ, dấu đi nỗi ơ thờ, tình ơi". Thật tuyệt vời, nếu như với Trịnh Công Sơn là dòng nhạc và lời ca mang tính triết lý thì ngược lại với Dốc Mơ của Ngô Thụy Miên là sự giản dị, mộc mạc, chân thành đẹp đẽ đến mức tuyệt vời để dần đưa người nghe vào cõi mơ và yêu... Sau Dốc Mơ là Nắng Paris Nắng Sàigòn với tiếng hát của Nguyễn Thành Vân, nếu như ở phần đầu sự xuất hiện của Nguyễn Thành vân là một trịnh trọng, formal thì ở phần hai của chương trình chàng nhẹ nhàng hơn, chiếc áo ngắn tay đã tạo cho người ca sĩ thêm một chút tươi mát và thật vậy Nguyễn Thành Vân đã làm cả hội trường như nín thở bởi giọng hát tenor của anh quá cao, tuyệt lắm! Nhất là ở phần điệp khúc, Nguyễn Thành Vân đã chứng tỏ khả năng luyện thanh điêu luyện mà anh đã miệt mài học tập được ở nhà trường, nếu ở phần đầu bài Tình Khúc Buồn - Nguyễn Thành Vân còn như lo lắng, hồi hộp thì ở Nắng Paris Nắng Sàigòn là một giọng hát rất vững trãi, tự tin...

Và sau cùng một trong những tiết mục được nhiều người yêu thích cũng như chờ đợi đó là phần trở lại của nam danh ca Tuấn Ngọc với hai bài hát Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ và Riêng Một Góc Trời. Có thể nói rất ít khi nào khán giả được nghe Tuấn Ngọc tâm tình, bởi lẽ anh là người nổi tiếng ít nói trong giới nghệ sĩ, thường thì Tuấn Ngọc chỉ xuất hiện trong show và hát xong thì anh xuống dưới tìm một góc tối ngồi đó như một kẻ thầm lặng, chờ đợi đến phiên mình thế thôi, thế nhưng ở phần hai của đêm nhạc tình Ngô Thụy Miên người ta đã nghe anh thố lộ tâm tư, không nhiều nhưng ít nhất chàng ca sĩ đã để lại tiếng cười cho khán giả, ít nhất một chút của riêng mình cũng đã được mở hé trong căn rạp tuy rộng lớn nhưng tưởng chừng như rất nhỏ bé chỉ vừa đủ cho những tâm tình của nghệ sĩ đang được trải ra đến với khán thính giả, và đêm nay người ta nghe Tuấn Ngọc nói những lời cảm ơn thân tình với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, hay người ta đã thấy người nhạc sĩ đã chạy vội lên để đứng phía dưới sân khấu nắm một cái bắt tay nồng ấm với người ca sĩ đang đứng phía trên sân khấu, cái bắt tay nói lên được bao nhiêu lời, cái bắt tay thay cho tình giữa người và người trao cho nhau hay một sự cảm thông ở một góc độ nào đó trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của người nghệ sĩ nói riêng hoặc cho tất cả những ai đang mắc nợ tơ tằm với nghiệp dĩ nghệ thuật nói chung...

Vâng, sau nhạc phẩm Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ là bài hát được xem như top hit của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trong thời gian gần đây, bài hát mà anh Tuấn Ngọc nói rằng đã mang tên tuổi anh "leo lên dốc" thêm một chút, hay nói khác hơn nhắc đến Riêng Một Góc Trời là phải nhắc đến tiếng hát của Tuấn Ngọc. Ðó như một định mệnh giữa một tác phẩm và người trình bày, thật vậy Tuấn Ngọc đã không hề để lại bất cứ một sự thất vọng nào khi anh trình bày nhạc phẩm Riêng Một Góc Trời, nếu nói theo như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thì anh hát bài hát đó giống như đã nhập tâm và càng hát càng thấy hay hơn.

Một trong những ca sĩ trẻ tuổi có mặt trong chương trình nhạc thính phòng hôm nay mà người viết không thể không nói đến đó là ca sĩ Trần Thái Hòa, anh là một trong những người trẻ có khuynh hướng thích hát nhạc thính phòng, trong thời gian gần đây người ta thấy tên tuổi Trần Thái Hòa xuất hiện trong những chương trình nhạc thính phòng tổ chức tại quận Cam như đêm nhạc Cung Tiến, đêm nhạc Du Tử Lê, đêm nhạc Trần Duy Ðức... Trở lại với đêm nhạc Ngô Thụy Miên, ở chương trình phần hai Trần Thái Hòa trình bày nhạc phẩm Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, nghe kỹ Trần Thái Hòa người nghe mới nhận ra được anh có chất giọng Baritone (giọng nam trung) ấm áp, nồng nàn, bên cạnh đó anh còn có thêm lối diễn xuất khá sống động, ở nhạc phẩm Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng ở đoạn cuối phần hòa âm chuyển điệu, nâng một nửa cung, Trần Thái Hòa đã hát rất chính xác cùng dàn nhạc tạo nên mầu sắc mới lạ, tươi sáng và đi đến coda (phần kết) đầy huy hoàng tráng lệ.

Người ca sĩ có tuổi đời và tuổi nghề trải dài qua nhiều thập niên khác nhau, người ca sĩ có giọng hát được bình bầu là giọng hát vàng, và cũng là người nữ ca sĩ tuy chỉ đóng góp một bài duy nhất nhưng phần trình bày của bà đã mang đến sự thích thú đáng kể. Chúng tôi muốn được trân trọng nhắc đến tiếng hát của nữ ca sĩ Kim Tước, ngay khi mở đầu nhạc phẩm Miên Khúc cũng như ở phần kết thúc cũng thế khán giả đã gửi đến bà những tràng pháo tay không dứt như để tán thưởng, hoan hô. Theo lời nhận xét của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, đây là lần đầu tiên ông rất hài lòng khi nghe ca sĩ Kim Tước thể hiện tác phẩm của ông tới nhất, cùng với phần hòa âm vô cùng tinh tế từ trước đến nay.

Ðặc biệt trong đêm nhạc tình ca Ngô Thụy Miên, có lẽ người ca sĩ được nhận nhiều hoa hồng nhất cũng như sự xuất hiện của chị đã làm cho mọi người nhớ đến một ngôi sao sáng đã từng làm rung động biết bao trái tim của những người lính trẻ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là những chiến sĩ thuộc binh chủng được mệnh danh Thiên Thần Mủ Ðỏ, cũng như nàng còn là thiên thần, hay cô công chúa diễm kiều trong giấc mơ của nhiều, rất nhiều chàng sinh viên các đại học luật khoa, văn khoa Sàigòn vào khoảng những năm thập niên 70. Vâng, Thanh Lan đó - tiếng hát của một Búp Bê Không Tình Yêu hay Khi Xưa Ta Bé... Và ở đây với giọng ca điêu luyện, trữ tình, lối diễn xuất vui tươi, nhí nhảnh. Ở tầm cỡ Soprano, tiếng hát nàng vút cao, thánh thót. Với hai nhạc phẩm Em Về Mùa Thu và Tình Khúc Tháng Sáu, Thanh Lan thật sự đã để lại nỗi tiếc nuối, nhớ nhung về một khung trời hay kỷ niệm yêu dấu của Sàigòn có cơn mưa chợt đến rồi đi...

Cuối cùng là nhạc phẩm mới nhất Mưa Trên Cuộc Tình Tôi, nhạc phẩm viết về sự nuối tiếc của một cuộc tình đã trôi qua, bài nhạc có lẽ đã được sáng tác trong lúc trời bên ngoài đang có cơn mưa phùn rơi ngang thành phố nhỏ, và bài hát đã được ca sĩ Hoàng Nam trình bày bằng một thể điệu chậm buồn, tình cảm.



Nếu viết về những sự xuất hiện, đóng góp của hầu hết những ca sĩ đã góp mặt cho chương trình, trong đó kể cả sự hiện diện của chính nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và gia đình, thì cũng vẫn trong phần cuối của bài viết ngắn này người viết muốn được nhắc đến sự góp phần không ít hay nói đúng hơn nếu không có sự đóng góp của họ thì không thể nào đêm nhạc thính phòng tình ca Ngô Thụy Miên thành công mỹ mãn được. Vâng, người viết muốn được nhắc đến sự đóng góp thầm lặng của những người chủ chốt trong ban tổ chức, những nhân vật như anh Phạm Duy Quang, anh Nguyễn Cửu Tuấn hay anh Bính, anh Hải... Họ là những người bạn tốt, đã từng sống chết với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, họ cũng chính là những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên ngay từ thuở những ngày còn ngồi ghế đại học thập niên 70, thuở mà tác phẩm đầu tay 17 tình khúc Ngô Thụy Miên trình làng... Và hôm nay trong phần tổ chức đêm nhạc thính phòng tình ca Ngô Thụy Miên, họ đã bỏ rất nhiều công sức để thực hiện thành công project này, tôi vẫn nghĩ nếu trong cuộc sống chỉ cần có được một vài người bạn tri kỷ đến với nhau khi cần thiết như thế cũng đã đủ lắm rồi, phải không?

Nhắc đến những người đã đóng góp thầm lặng, người viết cũng xin được gửi một cành hoa hồng cho dàn nhạc thính phòng cũng như ban nhạc Matrix đã góp phần cho đêm nay, và dĩ nhiên trong đó là sự cống hiến không nhỏ của những nhạc sĩ trẻ như Thomas Ngô, Nhật Trung và Vũ Anh Tuấn, cả ba người họ cũng đã bỏ rất nhiều công sức để lo lắng cho phần hòa âm của cả chương trình.



Cuối cùng, mặc dù màn đêm đã phủ xuống thành phố, mặc dù show nhạc đã hết nhưng dường như mọi người vẫn chưa muốn ra về, có điều gì đó đã níu chân họ lại, một chút hỏi thăm khen ngợi, chụp hình, xin chữ ký... Dù là ở đây show nhạc không thiếu mỗi tuần, muốn gặp gỡ với ca sĩ nghệ sĩ không phải là điều khó nhưng sao show nhạc thính phòng Ngô Thụy Miên vẫn mang đến cho mọi người một chút gì đó quyến luyến, phải chăng là tình người hay một show nhạc thật sự mang tính nghệ thuật mà đã từ lâu không có ở nơi đây ?...

Nguyễn Ðức Tuấn
Diễm (tháng 9/2000)