Nghe Nhạc Chủ Ðề "Tình Thu"
* Lê Văn Phúc ghi vội *


Cuối thu, trời mát dịu, êm ả mà đi nghe nhạc chủ đề "Tình Thu" thì tưởng không gì thú bằng. Chủ nhật, mùng 2 tháng 12 tại nhà hàng Galaxy, chương trình khởi sự lúc 3giờ 20. Vào cửa, mỗi khách có một tờ chương trình để theo dõi các tiết mục gồm đến 5 phần:

Phần I: Liên khúc tình thu, thi nhạc giao duyên, Mùa thu chết (Nga Mi & Trần Lãng Minh)

Phần II: 10 tình khúc của Ngô Thụy Miên, sáng tác từ năm 1967 đến 2001. Hai sáng tác chót là "Nỗi Ðau Muộn Màng" và "Tình Vẫn Còn Ðây". Nhiều giọng ca.

Phần III: Ngâm thơ cổ "Cảm thu, tiễn thu" (Nga Mi & Trần Lãng Minh)

Phần IV: Phần trình diễn của nghệ sĩ hài hước Hoàng Như Sơn.

Phần V: Ý Lan trình diễn, Ý Lan tâm tình và Ý Lan hát nhạc yêu cầu.

Nhận Xét

Nói chung, đây là một buổi trình diễn được tổ chức khá gọi là công phu và chu đáo. Ban tổ chức đã làm việc cẩn thận, phối hợp chặt chẽ. Bà con đến tham dự đúng giờ, không đem theo trẻ em, không nói chuyện trong khi trình diễn và mọi người đều ngồi nghe cho đến phút chót.

Suốt chương trình không lúc nào bị gián đoạn, không có mục nào bị rời rạc hay lạc lõng. Chương trình gói ghém trong 3 tiếng đồng hồ là vừa đủ. Giờ trình diễn cũng khít khao, nằm giữa hai bữa ăn trưa và ăn tối, rất tiện.

Phần âm thanh: Không có tiếng hú, không bị trở ngại kỹ thuật, dàn loa không vang quá lớn khiến người nghe đinh tai nhức óc.

Phần ánh sáng: Ðèn "spotlight" rọi lên sân khấu hơi quá sáng khiến ca sĩ chói mắt. Các đèn nhấp nháy nên tắt đi để người nghe khỏi bị phân tâm. Dàn đèn nóc sân khấu nên để sáng hơn một chút cho ban nhạc trình diễn. Ngoài chi tiết nhỏ ấy ra, là tốt đẹp cả rồi.

Phần xếp bàn ghế: Hơi chật chội. Người nghe ngồi chung quanh bàn dài hoặc bàn vuông, không được thoải mái, thư thả như ngồi theo hàng ghế dài trong hội trường hay trong rạp. Hơi lủng củng trong việc xếp chỗ.

Tôi thích nhất những gì?

Với riêng tôi: Tôi thích ban nhạc Hải Ðăng, chơi rất điêu luyện. Nhịp điệu thật chắc, thật nhịp nhàng chứng tỏ họ có trình độ kỹ thuật và sự tập luyện công phu. Thú vị là ban nhạc chơi nhạc rất đúng điệu, nhẹ nhàng chứ không phải đánh cho lớn để làm vỡ tai thính giả.

Tôi thích tiếng vĩ cầm của Phạm Dương Hiển chơi thật êm dịu và rung cảm. Tôi vốn thích tây ban cầm nên thấy Nguyễn Triệu Vinh xử dụng cây đàn này là có cảm tình ngay.

Tôi thích Hoàng Như Sơn kể chuyện hài hước chế nhạo những anh Vẹm ngu dốt, nói chữ. Nhất là anh nói tiếng Tây còn mau hơn tiếng đạn liên thanh nữa thì thật là hay quá đi thôi. Tôi mê tiếng sáo Thanh Hà, mỗi khi cất lên làm tôi nhớ đến ban Tao Ðàn năm xưa và những khung trời kỷ niệm từ đâu lại hiện về. Tiếng sáo cất lên cao vút, thanh thoát và rung động tâm hồn.

Ðóng góp âm thầm là hai nhạc sĩ Nguyễn Túc và Nhật Bằng phụ trách phần hòa âm cho vài bản nhạc qua giọng ca Nga Mi - Trần Lãng Minh.

Khi Nghệ Sĩ Tâm Tình...

Với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, tôi chưa quen chưa gặp bao giờ, nhưng những dòng nhạc của anh thì đã in sâu vào tâm trí tôi từ thập niên 1960.

Khi lên sân khấu, anh có lối nói chuyện cởi mở dễ thương chân thực. Khi được hỏi về những ca khúc mang nhiều kỷ niệm yêu thương, anh đã kể lại cuộc tình giữa anh và một người con gái đẹp hồi đó làm Hàng Không Việt Nam, còn anh làm Hàng Không Dân Sự. Có một thời gian, buổi sáng anh đã bay lên Ðà Lạt thăm người yêu, rồi buổi chiều lại bay về Sàigòn. Tình như thế đấy.

Và người tình ấy chính là người bạn đường của Ngô Thụy Miên bây giờ, tức chị Ðoàn Thanh Vân.

Chị đã đứng lên, tươi tỉnh vẫy chào mọi người giữa những tiếng vỗ tay và tiếng cười vui của cử toạ.

Trong dịp này, em chị Ðoàn Thanh Vân đã đóng góp trong chương trình với một bản nhạc Việt. Cô có giọng hát thật khoẻ, thật ấm, thật vững vàng và trình diễn tự nhiên đã khiến mọi người đặc biệt chú ý và ngợi khen nồng nhiệt.

Riêng tôi dự đoán là nếu cô Ðoàn Thanh Tuyền tiếp tục ca hát thì một ngày gần đây cô sẽ trở thành một nữ danh ca trong làng tân nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Tương lai tươi sáng và đầy triển vọng ấy đang ở trong tầm tay của cô. Xin chúc cô thật nhiều may mắn.

Ðiều tôi chờ đợi là nghe nhạc sĩ Ngô Thụy Miên hát một bài của anh. Nhưng không thấy ai giới thiệu, không ai nhắc. Còn tôi ngồi xa, thấp cổ bé họng. Làm sao lên tiếng được đây? Anh vẫn còn…nợ khán thính giả vùng DC đấy nhé!

Từ Giọng Hát…Ý Lan

Có lẽ phần then chốt, nặng ký nhất trong chương trình nhạc chủ đề này là phần trình bầy của ca sĩ Ý Lan. Trước đây, khi Ý Lan trình diễn trên video Thúy Nga Paris by Night, người ta bảo Ý Lan uốn éo nhiều quá, múa nhiều quá! Thực khó mà chiều được lòng người. Nhưng khán thính giả đã phê bình thì người hát cũng lắng nghe để sửa đổi cho hợp với tình thế!

Ý Lan đã sửa đổi lại đôi chút và sau đó hát không chê vào đâu được. Vóc dáng thanh lịch, nàng hát bằng giọng hát trời cho, hát bằng mắt, hát bằng đôi tay, hát bằng dáng điệu. Và hát với tất cả con tim và tâm hồn nghệ sĩ.

Nhưng hình như, cả những ca khúc vui, những bản nhạc êm dịu nhẹ nhàng, bao giờ Ý Lan cũng có cái nét buồn tâm sự vấn vương trong nụ cười, trong ánh mắt. Phải chăng cuộc đời của Ý Lan cũng đã ảnh hưởng đến tâm trạng của nàng?

Khi người ái mộ hỏi cô về cuộc đời, về gia đình, về dĩ vãng, Ý Lan không dấu diếm gì cả. Cô trả lời thật tự nhiên, thành thực. Ðời cô đã một lần lên xe hoa, được 5 con và sau này thêm một cháu nữa. Cô cũng không nghĩ đến chuyện lên xe hoa lần nữa làm gì. Từ mấy năm nay, cô suy niệm về ý nghĩa cuộc đời và sống trọn vẹn với nội tâm.

Ðược hỏi về thừa hưởng di sản gì của cha mẹ. Ý Lan nói thân phụ là Lê Quỳnh, một phi công, tài tử điện ảnh, yêu nghệ thuật. Thân mẫu là người được mệnh danh "Tiếng hát vượt thời gian" - danh ca Thái Thanh - đã cho cô được hưởng gia sản tinh thần và tài năng để có ngày hôm nay. Khi được hỏi về cái tên Ý Lan, sao cô không lấy tên như mẹ, khởi đầu bằng chữ "Thái"? Ý Lan dí dỏm trả lời:

- Tên riêng là "Lan". Nếu lấy chữ đầu là "Thái" theo mẹ thì khán thính giả sẽ gọi cô là "Thái…Lan" à! Cả hội trường cùng cười rộ!

Sau phần trình diễn chính thức. Ý Lan còn hát theo lời yêu cầu hơn chục bài. Mỗi bài một vài đoạn. Từ liên khúc Ðố ai, Lệ đá, Kỷ vật cho em, Mùa thu chết đến Ngày xưa Hoàng thị, Tình ca, nhạc Pháp, nhạc Mỹ... Bản nào cũng được khán thính giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Ðiều đáng nói là Ý Lan có lối trình diễn rất tự nhiên, thân mật. Cô hát trên sân khấu, cô đi xuống chỗ khán giả, cô nói chuyện bông đùa duyên dáng, thân mật với mọi người. Cô đã tạo được một nhịp cầu thông cảm giữa nghệ sĩ và người thưởng ngoạn. Tôi nghĩ đó là kỹ thuật. Là con người thực đã đưa Ý Lan đến thành công và được nhiều người mến mộ.

Vài Ðề Nghị Rất Nhỏ

Ðiều ban tổ chức nhận ra ngay từ đầu là vé không ghi số chỗ ngồi. Và tất nhiên, nhà hàng cũng không thể xếp ghế theo thứ tự.

Ai tới trước chọn chỗ trước, ai tới sau chọn chỗ còn lại hoặc không còn cách lựa chọn nào khác hơn là ngồi xa, ngồi góc. Không có vụ giữ chỗ trước, giữ bàn riêng. Quan khách muốn chỗ tốt ắt phải đến thật sớm hoặc phải mắt trước mắt sau kiếm bàn khi đến muộn.

Những người lịch sự với nhau thì bỏ qua, im lặng tìm chỗ miễn là có chỗ ngồi nghe nhạc. Nhưng trong bụng hẳn không mấy vui đâu! Ðề nghị với ban tổ chức: Lần sau, xin chọn một hội trường trong khuôn viên đại học chẳng hạn để thêm đông khán thính giả. Nghe nói kỳ này nhân số tham dự đã lên tới trên 600 người. Có thể gọi đó là con số vượt kỷ lục chăng?

Hội trường có nhiều hàng ghế, mỗi chỗ đều đánh số. Ai mua vé, biết trước là mình ngồi chỗ nào rồi, y như lối Mỹ vậy. Muốn thế cần nhiều toán kiểm soát vé, đưa tới chỗ ngồi cho đúng ghế, khỏi có sự khiếu nại, ngồi nhầm chỗ của nhau.

Về giá vé, ban tổ chức vẫn có thể dành mấy hàng ghế gần sân khấu nhất, bán với giá cao hơn một chút. Hẳn cũng nhiều người muốn ngồi sát với sân khấu để ngắm nhìn nghệ sĩ rõ hơn.

Giải quyết được vấn đề địa điểm, ghế ngồi có số là giải quyết xong được một phần quan trọng trong vấn đề tổ chức đại hội.

Có Nên Chăng?

Tôi có ý nhỏ này, xin ban tổ chứùc coi xem có nên chăng? Là mỗi kỳ đại hội ca nhạc, vé bán ra có đánh số, ta nhắc người mua giữ cuống vé để dự phần rút số trúng CD! Gần cuối chương trình, rút thăm, ai trúng sẽ được nghệ sĩ tặng 1 CD với chữ ký để làm quà lưu niệm. Chỉ cần dăm bẩy người trúng thôi là vui rồi. Ai cũng thích, mà chẳng tốn kém là bao, cũng chẳng mất bao nhiêu thời giờ cả!

Kết Luận

Phải nói đây là một buổi trình diễn thành công ngoài dự tưởng. Nhìn số người đến nhà hàng Galaxy đông đảo, chúng ta thấy ngay sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới mộ điệu. Ban tổ chức sắp xếp chu đáo, phối hợp chặt chẽ, giải quyết mọi việc êm thắm.

Khán thính giả rất lịch sự, nhã nhặn và yêu thích văn nghệ, có tầm thưởng ngoạn cao về nghệ thuật.

Chính các nghệ sĩ cũng phải nhìn nhận rằng đây là một buổi trình diễn hiếm có. Họ không mong gì hơn là hát trong một hội trường đông người thưởng thức. Họ được khích lệ. An ủi và lên tinh thần để gửi tiếng nhạc lời ca đến giới mộ điệu. Với họ, đó là một phần thưởng quý báu.

Những mạnh thường quân đã yểm trợ cho chương trình này cũng là những đóng góp tích cực, đáng ca ngợi.

Nga Mi & Trần Lãng Minh đã tổ chức thành công trong chương trình nhạc chủ đề vừa qua. Ðiều này chứng tỏ là các bạn đã bỏ ra nhiều công sức, được sự tiếp tay tận lực tận tình của bằng hữu, của nghệ sĩ và sự hưởng ứng nồng nhiệt của đồng bào.

Các bạn đã tạo được uy tín với đồng bào vùng này. Từ đó, khi các bạn tổ chức những chương trình chủ đề kế tiếp, mọi người sẽ vui vẻ tham gia vì tin tưởng vào sự tổ chức, tài nghệ và uy tín của các bạn.

Tôi cầu mong các bạn sẽ thành công như đã thành công trong chương trình nhạc chủ đề vừa qua.

Lê Văn Phúc
Ðời Nay ngày 6 tháng 12/2001