Em Có Bao Giờ Còn Nhớ Mùa Xuân


"Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nhớ tiếng dương cầm, giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ..."

"Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Ðông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong."


Ðây là đoạn đầu và đoạn cuối trích trong bài thơ của một chàng trẻ tuổi bị kẹt lại Việt Nam sau biến cố 1975 gửi cho người yêu của chàng đã qua được bến bờ tự do, và lúc bấy giờ đang định cư ở California. Nếu chàng trẻ tuổi chỉ là một người bình thường thì chắc chắn bài thơ này chỉ có một người được đọc là cô bạn gái của chàng. Và theo thời gian, có thể bài thơ sẽ chìm trong quên lãng. Nhưng, chàng lại là một nhạc sĩ tài hoa, nên bài thơ đó chàng đã phổ thành nhạc. Ít lâu sau, mọi người được biết đến bài thơ dưới hình thức lời của một bản tình ca có tên là "Em Còn Nhớ Mùa Xuân".

Chắc quí vị cũng đoán được chàng trẻ tuổi đó là ai rồi. Chàng có cái tên rất nổi tiếng Ngô Thụy Miên. Nghe hát nhưng không ai ngờ, lời của bản tình ca đó lại là lá tình thơ thật sự của nhạc sĩ gửi cho người yêu đang ở bên kia bờ đại dương. Có lẽ, chúng ta phải cám ơn người con gái đó. Vì nhờ có nàng, chúng ta mới được thưởng thức một bản tình ca thật hay. Nhiều người sẽ hỏi "Nàng là ai vậy?"

Nàng tên là Ðoàn Thanh Vân, ái nữ của cố tài tử Ðoàn Châu Mậu. Cựu nữ sinh Marie Curie, cựu sinh viên Ðại Học Văn Khoa. Chàng là cựu học sinh Nguyễn trãi, cựu sinh viên Ðại Học Khoa Học. Chàng và nàng không gặp gỡ ở khuôn viên đại học. Mà gặp gỡ nhau ở trường Quốc Gia Âm Nhạc từ thuở hai người cùng học đàn ở đó. Nàng học dương cầm, chàng học vĩ cầm. Cả hai cùng tốt nghiệp Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn.

Thuở đó, chàng rung động vì đôi mắt nai ngây thơ trong sáng. Vì dáng dấp thướt tha của nàng trong tà áo lụa Hà Ðông dưới nắng hanh vàng. Vì nụ cười thật xinh của nàng (mà bây giờ tôi thấy vẫn còn rất xinh). Cho nên bài thơ làm tặng nàng, chàng mới nhắc "Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Ðông" và"Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh, Em có bao giờ thấu cho lòng anh". Dĩ nhiên là người đẹp hiểu tình của chàng. Nên tuy sang Mỹ từ 1975 và đã cách xa cả nửa vòng trái đất. Có gìù bảo đảm sẽ có ngày tái ngộ. Vậy mà nàng vẫn đợi, vẫn chờ. Ðến năm 1978 chàng mới qua được. Sau đó một năm hai người làm lễ thành hôn.

Những bản nhạc của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, hầu như bài nào cũng mang ít nhiều hình ảnh thật đẹp của tình yêu. Dù vui và đầy hy vọng như bài "Mùa Thu Cho Em". Hoặc buồn và thất vọng như bài "Niệm Khúc Cuối". Ngô Thụy Miên không những sáng tác nhạc thật hay, mà còn viết lời ca thật tuyệt. Ðiều này rất dễ hiểu vì trước khi sáng tác nhạc, Ngô Thụy Miên đã từng viết văn và làm thơ. Ngay từ hồi nhỏ, sở thích của anh là đọc sách. Anh may mắn được ở trong một hoàn cảnh có dư thừa sách để đọc. Thân sinh anh là chủ tiệm sách Thanh Bình ở đường Phan Ðình Phùng.

Cái may mắn thứ hai. Anh thích nhạc và thích học đàn thì lại có ông bác là chủ tiệm đàn ở Sàigòn, tiệm Văn Trang. Sự nghiệp âm nhạc đến với Ngô Thụy Miên thật dễ dàng và nhanh chóng.

Năm 17 tuổi anh sáng tác bản nhạc đầu tiên "Chiều Nay Không Có Em" với tên là Ngô Thuy Miên (tên thật của anh là Ngô Quang Bình). Sau đó, anh sáng tác tiếp bản "Mùa Thu Cho Em". Chỉ mới phổ biến bản nhạc thứ hai, mà tên tuổi của anh đã đi vào thế giới âm nhạc thật nhanh chóng. Nhiều người nói là nhờ bản nhạc này mà Xuân Sơn được nổi tiếng. Ngô Thụy Miên thích thơ của Nguyên Sa nên anh đã phổ nhạc liên tiếp mấy bài: Áo Lụa Hà Ðông, Paris Có Gìù Lạ Không Em, Tuổi Mười Ba. Những ca khúc này đã đưa tên tuổi Ngô Thụy Miên lên như diều gặp gió.

Nhạc của Ngô Thụy Miên mang một sắc thái riêng, không lẫn với ai được. Ðặc biệt lời ca thật tình tứ, nhẹ nhàng. Mỗi bài hát dường như là một lời tỏ tình tha thiết. Hát nhạc của anh, không nhiều thì ít, cũng cho người ta cái cảm giác như đang trải ra tâm sự của mình. Nghe nhạc của anh, người ta cảm thấy tâm hồn như đang được ướp đẫm hương của tình yêu. Ai mà chả có một thời yêu đương, một thời mơ mộng? Ai mà chả có một vài kỷ niệm buồn trong một cuộc tình? Cho nên mọi người đều có thể tìm thấy hình ảnh nào đó của mình, phảng phất trong những bản tình ca của Ngô Thụy Miên. Có lẽ chính vì vậy mà bài hát nào của Ngô Thụy Miên cũng được mọi người đón nhận nồng nhiệt.

Tôi yêu nhạc Ngô Thụy Miên từ những ngày còn ở Việt Nam, nhưng chưa bao giờ được diện kiến tác giả. Tình cờ cặp bạn trẻ Nga Mi, Trần Lãng Minh mà tôi vẫn quí mến như hai người em, bỗng có sáng kiến tổ chức chương trình "Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật". Tôi vẫn nghĩ, muốn thưởng thức nhạc, phải ngồi yên lặng mà nghe mới tận hưởng được cái hay của bản nhạc, của lời ca. Và trong cái không khí đó, người ca sĩ mới có hứng khởi dành hết tâm hồn mình để hát và diễn tả bài hát đúng mức. Ðể người nghe cảm nhận được những điều mà tác giả muốn gửi gấm, qua lời thơ, ý nhạc. Còn nghe nhạc, mà nghe trong một bữa tiệc ồn ào. Vừa ăn uống, vừa nói chuyện, vừa nhẩy đầm thì quả thật bản nhạc bị loãng đi nhiều lắm. Trong cái không khí đó, làm sao người nghe cảm nhận được tất cả ý nghĩa sâu sắc của lời ca? và cái hay đăïc biệt của từng nốt nhạc?

Trước đó, Nga Mi Lãng Minh có nhã ý nhờ tôi phỏng vấn nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trên sân khấu, trong buổi trình diễn "Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật" đầu tiên với những tình khúc của Ngô Thụy Miên. Tôi nghĩ điều đó không thích hợp với tôi và làm mất nhiều thì giờ của khán giả. Do đó tôi nẩy ra ý định tìm gặp anh chị Ngô Thụy Miên và phỏng vấn riêng. Nói là phỏng vấn cho có vẻ xôm tụ, chứ thực ra chỉ là ít phút nói chuyện tâm tình. Anh chị Ngô Thụy Miên thật vui vẻ, cởi mở. Chị Ngô Thụy Miên rất dễ thương. Mái tóc cắt ngắn ôm lấy khuôn mặt xinh xắn của chị. Trông chị thật hiền hòa dịu dàng. Tôi gọi đùa chị là "Mùa Thu Tóc Ngắn" của anh Ngô Thụy Miên. Tôi hỏi thăm bài nào anh thích nhất. Anh nhìn chị mỉm cười "Nói theo tình cảm thì bài "Em Còn Nhớ Mùa Xuân"mang nhiều kỷ niệm của chúng tôi". Ngoài ra, những bài "Mắt Biếc, Từ Giọng hát Em, Dốc Mơ" cũng là những bài anh rất thích. Sau khi được nghe tâm sự của bản tình ca "Em Còn Nhớ Mùa Xuân" rồi ngay sau đó tình cờ lại được nghe Lãng Minh hát. Thú thật, tuy đã được nghe bài hát này nhiều lần, nhưng chưa bao giờ tôi thấy hay đến như vậy. Có lẽ vì đã được nghe chuyện tình của anh chị, tôi mới thông cảm và thấm nhuần được cái hay của từng lời trong bài hát. Thêm nữa, giọng trầm ấm của Lãng Minh diễn tả thật "tới", nên tôi ngồi nghe như uống từng lời ca và cảm thấy "phê" vô cùng. Tôi bắt chước câu nói của hai cậu con trai tôi mỗi lần được nghe một bản nhạc hay "Bài này nghe phê quá". Chữ "phê" nghe thật tếu, nhưng vẫn diễn tả cái cảm giác thú vị được nghe một bài hát thật hay nó chính xác vô cùng. Nga Mi hát "Riêng Một Góc Trời" cũng thật tuyệt. Hôm đó, có lẽ vì trước một cử tọa đông đảo chọn lọc, Nga Mi Lãng Minh cảm thấy như được khích lệ, có hứng nên hát rất hay. Nhất là khi họ song ca "Liên khúc mùa Thu" của Ngô Thụy Miên.

Thường tôi không thích lắm cái lối ghép nhạc. Tôi vẫn nghĩ, bài hát phải có đầu có đuôi. Cũng như kể một câu chuyện, phải có mạch lạc. Tự nhiên cắt béng đi một khúc của bài này, ghép sang một đoạn của bài hát khác. Chả khác gì "đem râu ông nọ cắm vào cằm bà kia", thấy tội cho mấy bài hát bị cắt xén quá. Vả lại nghe như vậy làm sao có thể hay và đầy đủ ý nghĩa như nghe nguyên vẹn bài hát nguyên thủy được. Vậy mà, hôm đó nghe Nga Mi Lãng Minh hát "Liên khúc mùa Thu" tôi lại thấy hay và nghe cũng ăn khớp với nhau. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên chắc phải thích mùa thu lắm nên mới có thể sáng tác những ca khúc mùa thu tuyệt diệu như vậy.

Nói về những kỷ niệm đáng nhớ, Ngô Thụy Miên tâm sự. Thời gian sửa soạn làm cuốn băng "Tình Ca Ngô Thụy Miên" là những ngày mệt mỏi, bận rộn, nhưng cũng vui nhất. Phải chọn bài, chọn ca sĩ, chọn hòa âm với nhạc sĩ Văn Phụng. Luyện cho các ca sĩ Khánh Ly, Xuân Sơn… Khi cuốn băng hoàn thành, Ngô Thụy Miên đã thức suốt đêm, nghe đi nghe lại và cảm thấy vui vô cùng. Cuốn băng này do Trung Tâm Thúy Nga phát hành. Sau đó ít lâu, một buổi chiều lang thang trên đường Nguyễn Huệ, Ngô Thụy Miên nghe nhạc của mình quyện trong gió, vang lên dìu dặt từ một cái kiosque bán băng nhạc. Thử hỏi còn thú vị nào hơn? Một kỷ niệm khác, cũng mang lại niềm vui cho Ngô Thụy Miên, nhưng có pha một chút đắng cay, một niềm chua xót. Sau năm 1975, mấy năm đầu, tất cả nhạc tình cảm đều bị cấm. Cấm nghe, cấm hát, cấm bán. Một hôm ngồi trên chuyến xe đò, có một nhạc sĩ mù đi hát dạo để xin tiền. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bàng hoàng cảm động khi nghe ông ta hát bài "Mùa Thu Cho Em" theo điệu cổ nhạc. Nhạc này đang bị cấm, mà ông ta vẫn hát. Hẳn ông phải thích bài hát này lắm dù ông phải đổi sang thể điệu khác. Ông lại dùng bài hát đi hát dạo để kiếm sống qua ngày. Hẳn ông phải nghĩ bài này được rất nhiều người ưa thích. Mấy năm rồi, không ai dám hát nhạc của mình. Bỗng dưng tình cờ được nghe một người hát, dù phải thay đổi đi nhiều. Lòng người nhạc sĩ hỏi sao không thấy bồi hồi xúc động? Tuy chua xót, nhưng vẫn cảm thấy vui. Dù niềm vui đó, chỉ nhỏ nhoi như một đốm lửa cháy leo lét giữa mùa đông buốt giá.

Tôi rất thích những bài hát của Ngô Thụy Miên. Riêng bài "Mùa Thu cho Em" đã làm thay đổi hẳn cái cảm nghĩ của tôi về mùa thu. Tôi yêu mùa thu vô cùng. Trước đó, qua thơ Lưu Trong Lư tôi thấy hình ảnh mùa thu thật đẹp nhưng cũng thật buồn. Sàigòn không có mùa thu, nên tôi chỉ biết mùa thu Hà Nội qua hình ảnh mờ nhạt trong trí nhớ của một cô bé con 12 tuổi. Rời Hà Nội vào Sàigòn, mùa thu tô đậm nét hơn trong tâm hồn tôi bằng bài thơ của Lưu Trọng Lư "…Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Ðạp trên lá vàng khô". Hình ảnh con nai vàng của Lưu trọng Lư nó buồn bã, cô đơn quá. Khiến mùa thu cũng hiu hắt buồn theo. Ngô Thụy Miên đã khoác cho mùa thu một cái áo mới. Áo của tình yêu. Nghe ca khúc "Mùa Thu Cho Em" tôi thấy mùa thu rực rỡ, mơ mộng hẳn lên. Cảm nghĩ thu buồn không còn nữa, mà ngược lại tôi thấy mùa thu là mùa của hy vọng, của yêu đương. Bởi vì con nai vàng không còn lẻ loi nữa. Nó đã có đôi. Tôi như nhìn thấy cặp nai đang cọ hai cái mũi xinh xinh vào nhau để "hát khúc yêu đương". Cám ơn chiếc đũa thần "Mùa Thu Cho Em", đã biến đổi hình ảnh mùa thu trong tâm hồn tôi một cách thật kỳ diệu. Cám ơn nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác cho người, cho đời những tình khúc thật hay.

Cám ơn Bác Sĩ Văn Sơn Trường, trưởng ban tổ chức buổi "Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật" cùng bạn hữu đã nỗ lực bỏ thì giờ và công sức, giúp Nga Mi Lãng minh hoàn thành mộng ước, để dân chúng vùng Thủ đô Hoa kỳ được thưởng thức một chương trình ca nhạc tuyệt hảo. Cám ơn Ý Lan, Nga Mi Lãng Minh, Ðoàn Thanh Tuyền, Mi Mi, Nguyệt Anh, Bích Ðịnh đã để hết tâm hồn trình diễn những bài hát thật hay. Cám ơn Hoàng Như Sơn đã cho chúng tôi cười thoải mái bằng những mẩu chuyện vui dí dỏm. Và cuối cùng, xin cám ơn buổi "Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật" đã cho tôi được có cơ hội gặp gỡ Ngô Thụy Miên và hiền thê để thực hiện bài viết này.

Hồng Thủy
Kỷ Nguyên Mới (tháng 1/2002)