CHIỀU NHẠC THÍNH PHÒNG: "MỘT THỜI ÐỂ NHỚ"


Chiều mùa hè ngày 28 tháng 7 năm 2002 tại vũ trường sang trọng Majestic hơn 400 khán thính giả yêu nhạc đã được tham dự một chương trình nhạc thính phòng tuyệt diệu do Hội cựu học sinh trường Nguyễn Trãi tổ chức. Ðây là lần thứ hai, nối bước Hoàng Trọng Bách với phương thức tổ chức những buổi nhạc thính phòng có một quy mô tương đối lớn và chuyên nghiệp. Lẽ dĩ nhiên lần này nội dung hoàn toàn khác hẳn, có thể nói từ Hoàng Trọng Bách khán giả đã có cái nhìn tích cực hơn với cách thức tổ chức này.

Trong không khí trang trọng, suốt hơn 3 giờ, khán thính giả Quận Cam đã được tận hưởng những dòng nhạc tuyệt vời của các nhạc sĩ: Chung Quân, Nam Lộc, Ðức Huy, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên và Phạm Mỹ Lộc được trình bày bởi những giọng ca vàng như Lệ Thu, Diễm Liên, Tuấn Ngọc, Quang Tuấn cũng như chính giọng hát của các tác giả như Nam Lộc và Ðức Huy qua phần hòa âm độc đáo, mới lạ của Hoàng Thi Thi, Vương Hương và Luân Vũ.

Nhất là Vương Hương, chỉ sau hai năm không gặp lại, Vương Hương như lột xác với những bài hòa âm viết ra cho từng nhạc phẩm thể hiện sự làm việc rất cẩn thận cộng với lối trình diễn đầy đam mê vẫn có từ trước tới nay, hình ảnh Vương Hương say sưa trước cây đàn piano to lớn với ánh sáng trắng mạnh, chiếu xéo góc gây thật nhiều ấn tượng cho khán thính giả, một hình ảnh rất liêu trai. Trong không gian mờ ảo của Majestic đã làm mát lạnh không khí nóng bỏng một buổi chiều hè Nam Cali.

Theo thường lệ, khán thính giả ít mặn mà với một chương trình thưởng thức nhạc thuần túy trong sự trang trọng mà không có phần phụ diễn như khiêu vũ hay ăn uống, hoặc giả nếu có chăng cũng chỉ là tại một nơi chốn nhỏ hẹp, với một chương trình thật ngắn gọn.

Có lẽ đây là lần tồ chức nhạc thính phòng đúng nghĩa, có quy mô tương đối lớn và tập trung được nhiều nhà viết nhạc cùng xuất hiện một lần và trước một số lượng khán thính giả đông đảo nhất từ trước tới nay.

Ðiều đặc biệt đáng chú ý là tất cả người tham dự, đã đến với một thái độ rất trang trọng, gần như 99% số người đã ở lại đến phút chót , chỉ sau khi nhạc sĩ Nam Lộc, người điều khiển chương trình lên giới thiệu Ban Tổ Chức và nói lời chia tay, lúc đó mọi người mới đứng dậy và thứ tự ra về.

Trong một khung cảnh như thế, người ta đã cảm nhận được hết tất cả sự tuyệt diệu của lời nhạc và từng lời ca được thấm thấu qua từng thớ thịt, nên chúng ta cảm thấy các ca sĩ đã trình bày hay hơn, rung cảm hơn. Chúng tôi đã nghe nhiều người hát "Cơn Mưa Phùn" của Ðúc Huy cũng như chính Diễm Liên trong nhạc phẩm này nhiều lần, nhưng chưa bao giờ chúng tôi lại có thể biết được Diễm Liên lại có thể trình bày nhạc phẩm này hay như chiều 28 vừa qua, cũng như Quang Tuấn xuất thần trình bày nhạc phẩm "Anh Ðã Quên Mùa Thu" đã làm Nam Lộc tác giả ca khúc phải kêu lên: Không biết có phải đây là bài hát của tôi hay không? và cũng trong khoản không gian rất mờ ảo của "Một Thời Ðể Nhớ" lần đầu tiên sau nhiều năm chúng tôi mới có dịp được nhìn thấy lại vài người đưa tay lau đôi dòng lệ khi giọng ca vàng Lệ Thu xuất hồn trong nhạc phẩm "Sài Gòn ơi! Vĩnh Biệt" của Nam Lộc.

Ðể rồi cuối cùng Tuấn Ngọc một giọng ca đã quá nổi tiếng, không cần phải giới thiệu dài dòng, đã làm khán giả phải ghi nhớ mãi buổi trình diễn này qua phần trình bày của anh với "Riêng Một Góc Trời" của Ngô Thụy Miên và trước đó lần đầu tiên anh đã cùng song ca với Lệ Thu trong "Tình Khúc Buồn" cùng một tác giả.

Chương trình nhạc thính phòng "Một Thời Ðể Nhớ" đã làm tròn chức năng của chủ đề được nêu ra một cách hết sức thành công, chưa kể người tham dự đã có dịp cười vang với hơn 20 phút tâm tình của các nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, Ðức Huy, Phạm Mỹ Lộc và Nam Lộc. Trong cuộc nói chuyện này khán thính giả đã có cơ hội đặt ra nhiều câu hỏi về những tác phẩm mà họ yêu thích cũng như chính bản thân người sáng tác trong đời sống thường và trong cơn mê sáng tác. Buổi chiều nghe nhạc ngoài sự sảng khoái, thỏa mãn về nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp trong âm nhạc người tham dự còn có cơ hội để bổ sung vào kho tàng kiến thức của bản thân về quá trình hình thành tác phẩm và về một góc riêng tư của người sáng tác.

Chúng tôi có một suy nghĩ hơi chủ quan và có thể sai lệch là chính người tổ chức: Phạm Duy Quang và Phương Lan cũng không thể nào tiên đoán được sự thành công của chương trình lớn đến như thế, vì phần nhiều những người tổ chức sống tại vùng thủ đô tỵ nạn đều đã ít ra một lần ê chề vì đã ham mê tổ chức những buổi trình diễn như thế này...

Câu nói: "Từ chết đến bị thương" đã không còn chỗ đứng sau "Một thời Ðể Nhớ" vì thật ra khán thính giả cũng rất ham thích được thưởng thức các buổi trình diễn nhạc thính phòng đúng nghĩa, được tổ chức chu đáo, có chuẩn bị, có phối hợp luyện tập một cách nghiêm túc và nhất là chương trình được sắp sẳn, chính xác không có cảnh "Cường điệu đột xuất" trên sân khấu hay những lời thưa gởi thừa thải đi quá xa chủ đề được đưa ra.

Sự thành công của "Một Thời Ðể Nhớ" có thể tạo tiền lệ tốt cho những buổi trình diễn sau này, sự tin tưởng của khán thính giả vào một chương trình thính phòng được củng cố và cũng từ đó những người sáng tác, các nghệ sĩ trình diễn cũng sẽ có cơ hội phát triển khả năng, vì họ sẽø được trả công xứng đáng trên cả hai phương diện tinh thần lẫn vật chất.

Sau khi tham dự "Một Thời Ðể Nhớ" người ta có quyền tin tưởng vào sự phát triển văn nghệ theo đường lối này: Nghệ thuật và sự làm việc nghiêm túc dẫn theo lợi nhuận, chúng ta sẽ cố tránh được cảnh lợi nhuận chỉ đạo nghệ thuật như thường xảy ra trước đây.

Có thể nào chúng ta quên cám ơn anh chị em Nguyễn Trãi về một buổi chiều hè tuyệt vời và cũng có cần phải cám ơn trước cho những phương án tổ chức như thế trong tương lai?

Nguyên Bình