Nguyễn Ðình Toàn
Ngô Thụy Miên


Có lẽ trong số các nhạc sĩ sáng tác của chúng ta, kể từ khoảng 73, 74 tới nay, Ngô Thụy Miên là một trong những người có sức sáng tác đều đặn nhất.

Tặng hoa để tạ ơn Ngô Thụy Miên, hiển nhiên, số bạn trẻ là đông nhất. Bởi vì, ngay từ những tác phẩm đầu tay, cho đến những sáng tác gần đây nhất, Ngô Thụy Miên không viết gì khác ngoài tình ca. Mấy bài hát trình làng của Ngô Thụy Miên đều phổ từ thơ Nguyên Sa: Áo Lụa Hà ÐôngTuổi 13. Thơ Nguyên Sa đã như một làn gió thổi vào thi ca của chúng ta một thời. Từ ý tứ đến ngôn ngữ ông đã làm cho thơ tình Việt Nam trẻ trung ra và nồng nàn thêm. Trong thơ Nguyên Sa, tuổi trẻ Việt Nam như vừa có thêm một bộ mặt mới, một cách thế yêu đương mới. Nói rõ hơn, có lẽ phải bảo rằng, qua thơ Nguyên Sa, và thêm Hoàng Anh Tuấn nữa, người ta thấy, dường như tuổi trẻ Việt Nam có thêm một cách bầy tỏ tình yêu mới, khác với Xuân Diệu, khác với Huy Cận. Tiếc một điều, các nhạc sĩ mới chỉ phổ nhạc những bài thơ vần điệu của Nguyên Sa mà thôi. Chưa ai phổ nhạc những bài thơ tự do, thơ xuôi của ông. Nếu Ngô Thụy Miên thử làm công việc này, có thể ông sẽ có thêm một số ca khúc được tuổi trẻ hoan nghênh nữa không chừng.

Nhạc sĩ Phạm Duy với một số lượng tác phẩm đồ sộ như thế, mà đã có lần tỏ ý tiếc là ông đã không viết nhiều về tình ca hơn. Riêng Ngô Thụy Miên hẳn không có gì phải luyến tiếc về điều này. Có thể có người sẽ trách cứ ông về điều khác, chẳng hạn ông đã quá thờ ơ với cuộc sống chăng? Nhưng giả thử ông không viết được, hay không muốn viết gì khác ngoài tình ca thì sao? Một cây bông hồng không thể trổ ra một bông cẩm chướng, lẽ tự nhiên là như vậy.

Chúng ta hãy cứ nghe tình ca của Ngô Thụy Miên. Ðiều đáng nói là liệu Ngô Thụy Miên, bằng nhạc của mình, có nói đúng tiếng lòng của những người lứa tuổi với ông chăng? Quan trọng hơn, những lớp trẻ đến sau ông và hiện nay, có vẫn còn tìm thấy sự đồng điệu với nhạc của Ngô Thụy Miên chăng? Ðức Huy chẳng hạn, viết nhạc tình, có gần với tuổi trẻ hơn Ngô Thụy Miên không?

Những câu hỏi được đặt ra ấy, liên quan tới giá trị và sự bền vững của nhạc Ngô Thụy Miên với thời gian. Hơn 30 năm qua, nhạc của ông vẫn được hát. Có thể nói tất cả các ca sĩ danh tiếng nhất của chúng ta ở hải ngoại hiện thời, đều có hát nhạc của Ngô Thụy Miên.

Và ngay ở trong nước, hiện nay, đêm đêm, tại các tụ điểm ca nhạc, các quán cà phê có chương trình nhạc sống, nhạc của Ngô Thụy Miên cũng đang được hát rất nhiều. Hiển nhiên, sự kiện phải được coi như là Ngô Thụy Miên vẫn tiếp tục gặt hái những thành công.

Có những bài hát được hát nhiều quá cũng khiến người ta sợ. Bởi nó giống như sự cạn kiệt. Nhất là khi người ta lại không còn gì khác để nghe. Cả cái hay lẫn cái dở hình như đều chất chứa nỗi bi thương.

Chúng ta có đang ở trong một thời kỳ như thế chăng? Mong rằng không.

Bởi nếu đúng như thế thì đây là một thời kỳ buồn nhất trong lịch sử âm nhạc của chúng ta.
Ai muốn nói gì thì nói.
Ai muốn làm gì thì làm.
Và điều ấy, cùng một lúc, lại cũng có nghĩa là, có những người không thể nói, không thể làm gì cả.

Phê bình thơ Xuân Diệu xưa, có người bảo rằng, cho dù ai nói gì chăng nữa. Xuân Diệu vẫn có thể tự hào: "Ðã có tuổi trẻ yêu tôi".
Ðúng quá đi chứ!
Chỉ có điều tuổi trẻ qua rất mau thôi.

Thơ phổ nhạc thường có hiện tượng: được một ca khúc hay lại mất đi một bài thơ. Bởi vì, những bài thơ đã được phổ nhạc khó còn được đọc như một bài thơ nguyên vẹn. Nó không hẳn đã biến thành lời ca của bài hát đâu, nhưng cũng không dễ gì tách nó ra được, lấy lại vị thế độc lập cũ.

Thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên có ở trong trường hợp ấy không?
Hay chính thơ Nguyên Sa đã giới hạn thế giới nhạc của Ngô Thụy Miên? Có lẽ không phải như vậy.
Bởi vì, trong những ca khúc mà Ngô Thụy Miên viết cả lời ca, ông đã cho người ta thấy, ông đã mở những cánh cửa thế giới riêng của mình.
Ngô Thụy Miên đang ở độ chín để sáng tác. Hy vọng ông sẽ còn mang đến cho người nghe nhiều ca khúc mới, lạ khác nữa.
Phổ thơ Nguyên Sa là một giai đoạn.
Ngô Thụy Miên vẫn còn có thể tiếp tục làm công việc này, nếu ông còn tìm thấy sự đồng điệu trong những bài thơ khác của Nguyên Sa. Kosma phổ rất nhiều thơ của Prévert. Nhưng Kosma vẫn cứ là Kosma và Prévert vẫn cứ là Prévert, nếu không muốn nói đó là một cuộc hôn phối tuyệt đẹp giữa thơ và nhạc.
Khi chìm đắm vào thế giới riêng của mình như trong bài Từ Giọng Hát Em, nhạc Ngô Thụy Miên bay lượn thoải mái.
Ôâng được tuổi trẻ yêu mến cũng phải thôi.
Bảo rằng tuổi trẻ qua mau ư?
Tuổi già nào có khác gì?

Nguyễn Ðình Toàn
Người Việt ngày 25 tháng 11/2001