Một Chút Gì Ðể Nhớ 2001
Ngô Thụy Miên


Những tháng đầu năm 2001 trôi qua thật êm ả. Sau chuyến về Orange County tham dự chiều nhạc tình ca Ngô Thụy Miên qua 4 thập niên hồi cuối năm ngoái. 2 chương trình dự định đi Úc Ðại Lợi và tiểu bang Florida của tôi đã phải hủy bỏ vì nhiều lý do. Trong thời gian này tôi đã quen biết được thêm một số anh em hoạt động văn nghệ qua tờ Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê và nhóm Nhạc Việt. Hai anh Phạm Anh Dũng, Nghiêm Xuân Cường giới thiệu Nhạc Việt, anh Vương Huyền, và Trường Ðinh gửi báo Hồn Quê. Trường Ðinh cũng là người giúp tôi thực hiện web site của NTM…

Khi Trần Văn Sinh và Lý Anh Kiệt đại diện các bạn trong nhóm Tết in Seattle liên lạc để mời tôi tham dự chiều nhạc Tình Tự Mùa Thu - A Special evening of Vietnamese Popular Love Songs sẽ được tổ chức vào đầu tháng 9, nhằm giới thiệu những tình khúc Tiền Chiến, cũng như một số sáng tác của Từ Công Phụng và Ngô Thụy Miên đến khán thính giả tại Seattle, thì anh chị nhạc sĩ TCP đã có gọi điện thoại cho tôi biết trước dự định của anh em trong nhóm. Cũng trong dịp nói chuyện này, anh chị Phụng đã mời tôi về Portland để tham dự chương trình nhạc thính phòng do Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Hải Ngoại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ tổ chức tại thành phố Hoa Hồng. Chương trình có chủ đề Nhịp Cầu Yêu Thương với sự góp mặt của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Tô Mai Lễ, và Ngô Thụy Miên. Trong cả 2 buổi trình diễn sẽ có tiếng hát của các ca sĩ Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Nga Mi và Trần Lãng Minh.

Chiều thứ Bẩy mồng 1 tháng 9, chúng tôi lái xe lên Seattle. Trời Seattle cũng chiều lòng ban tổ chức, nên không mưa và lại có một chút nắng! Chúng tôi đến khá sớm, tìm chỗ đậu xe, rồi đi bộ đến địa điểm Seattle Town Hall, tọa lạc trong một góc phố vắng tại trung tâm thành phố. Khi bước vào hội trường thì Sinh ra đón, giới thiệu các bạn trong ban tổ chức, và rồi đưa chúng tôi vào hậu trường để gặp gỡ các anh chị em ca nhạc sĩ.

Trong chương trình hôm nay, chúng tôi đã gặp lại nữ ca sĩ Quỳnh Giao, một người bạn học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn từ những năm 60 của cả Thanh Vân và tôi. Ngày đó Quỳnh Giao theo học piano với cô Ðỗ Thế Phiệt, tôi học violin với thầy Phiệt, còn Thanh Vân học piano với cô Nguyễn Khắc Cung. Chúng tôi cùng học chung lớp Ký Âm Pháp của thầy Hùng Lân, và Nhạc Sử của cô Tạ Văn Toàn. Gặp nhau thật là mừng. Dù chị đã hát trong một vài chương trình tình ca NTM trước đây, nhưng lần này chúng tôi mới có thì giờ ngồi nói chuyện với nhau, nhắc lại những kỷ niệm của một thời thơ ấu, cũng như kể nhau nghe những buồn vui của cuộc sống hiện tại... QG vẫn duyên dáng, vẫn nói chuyện dí dỏm như ngày nào. Thường trong các chương trình tình ca NTM, trước khi hát chị hay kể lại một vài kỷ niệm nhỏ của những năm tháng cũ giữa chúng tôi cho quý vị khán thính giả. Hôm nay cũng vậy, trước khi hát Dốc Mơ, chị đã nhắc lại 1 vài kỷ niệm với cả Thanh Vân và tôi. Thật vui và cảm động khi nghe chị nhắc lại những câu chuyện này.

Người thứ hai chúng tôi gặp lại là chị Mai Hương. Người nữ ca sĩ có một giọng hát đã được khán thính giả ái mộ từ nhiều năm nay, và cũng đã được nhiều nhạc sĩ, văn, thi sĩ ca tụng. Gần đây nhất, tôi đã được đọc bài viết của 2 anh Phạm Anh Dũng và Nghiêm Xuân Cường. Ðọc để biết thêm, để không những chỉ yêu thích tiếng hát của chị nhiều hơn, mà còn quý mến thêm con người thủy chung, nhân hậu của chị nữa. Chị cũng đã theo học Ký Âm Pháp tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Nhờ thời gian học nhạc này chị đã là một trong số rất ít các ca sĩ mà người viết nhạc chúng tôi khi trao nhờ trình bầy một sáng tác mới đã không phải lo lắng, tập dượt nhiều như đa số những ca sĩ khác. Gặp nhau, lại nhắc tới chiều nhạc Tình Ca NTM qua 4 Thập Niên được tổ chức tại rạp La Mirada ở Orange County tháng 9 năm ngoái. Chị cũng cho biết anh chị đã về hưu, và bây giờ thì đóng vai ông bà, giúp các con, chăm sóc các cháu nhỏ. Thật là vui, mừng cho anh chị. Trong chương trình, ngoài những bài hợp ca với Quỳnh Giao và Kim Tước. Chị đã đặc biệt giới thiệu bản Nơi Nào Em Có Biết, thơ Trường Ðinh, nhạc NTM, được trình bầy lần đầu tiên trên sân khấu.

Ngoài 2 chị Mai Hương và Quỳnh Giao, chúng tôi còn gặp lại nữ ca sĩ Kim Tước, một trong 3 tiếng hát Mộc Lan, Châu Hà, Kim Tước của những năm 60, 70, trong những chương trình Tiếng Nhạc Tâm Tình, Tiếng Tơ Ðồng… Chị Kim Tước cũng là người chị họ của Thanh Vân. Hai chị em gặp lại nhau cũng có nhiều chuyện nói. Tôi thì vẫn nhớ mãi chiều nhạc tình NTM năm ngoái, lần đầu tiên nghe chị hát bài Miên Khúc, tôi có cảm tưởng như bản nhạc đã được viết riêng cho giọng hát chị. Rất hài lòng vì tiếng hát hôm ấy đã chuyên chở được tất cả tâm ý của tác giả. Hôm nay một lần nữa chị trình bầy Miên Khúc cho khán thính giả ở Seattle. Thật mong chị còn nhiều năm nữa để tiếp tục cống hiến cho đời, cho người tiếng hát tuyệt vời của chị.

Cũng trong chương trình này, lần đầu tiên tôi gặp Nga Mi & Trần Lãng Minh, 2 người ca nhạc sĩ đã đóng góp rất nhiều vào những sinh hoạt văn nghệ tại hải ngoại từ nhiều năm nay. NM & TLM đã trình bầy một liên khúc tình ca NTM gồm các bài Áo Lụa Hà Ðông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Nắng Paris Nắng Sàigòn. Từ phong cách trình diễn, đến giọng hát khoẻ và truyền cảm của 2 người đã cho tôi những cảm tưởng tốt về họ.

Chương trình nhạc diễn ra rất thành công với phần đầu các ca sĩ trình bầy các nhạc phẩm tiền chiến, sau đó nhạc sĩ Từ Công Phụng hát một số tình khúc của anh, và cuối cùng là phần nhạc của NTM. Khoảng 300 khán thính giả tham dự, đã thích thú theo dõi từ đầu tới cuối với những tràng pháo tay, và những lời ngợi khen cho các ca nhạc sĩ. Cám ơn cô Giang Thanh trong ban tổ chức khi giới thiệu tôi đã nói rằng, nhờ nghe những tình khúc của NTM trong thời gian cô tự nguyện về Việt Nam để dậy tiếng Anh tại Huế, cô đã học, đã hiểu, và đã yêu tiếng Việt Nam nhiều hơn… Tối đó chúng tôi trở về Olympia sớm để ngày mai lại lên đường về Portland nơi cư ngụ của 2 nhạc sĩ Vũ Thành An và Từ Công Phụng.

Chương trình nhạc thính phòng ở Portland được tổ chức tại khách sạn Radisson, nhằm mục đích gây quỹ giúp đỡ trẻ em bị bệnh phong cùi tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam. Buổi nhạc sẽ giới thiệu những sáng tác của VTA, TCP, và NTM. Khi chúng tôi đến nơi thì khán thính giả đã đến khá đông. Chị Từ Công Phụng mời chúng tôi vào chỗ. Ngồi một lúc nói chuyện với anh Duy Khiêm trong ban nhạc, thì anh Vũ Thành An đến. Người nhạc sĩ cao nhất nước Việt Nam nở một nụ cười, bắt tay tôi, rồi nói "Chào bạn". Anh ngồi xuống cạnh tôi. Trần Lãng Minh cũng đến ngồi nói chuyện. Chúng tôi chụp vài bức hình kỷ niệm. Tôi hỏi thăm anh về đài phát thanh, về những sinh hoạt của hội… Từ Công Phụng thì còn quá bận rộn! Giờ đó anh còn đang tiếp tục in tờ chương trình! Gần đến giờ khai mạc mới thấy bước vào. Vẫn dáng dấp, giọng nói hiền hoà. Chúng tôi chỉ nói với nhau được vài câu chuyện thì chương trình bắt đầu.

Sau phần Linh Mục Trần Công Vang trình bầy những hình ảnh của các em người dân tộc thiểu số trong chuyến đi về quê hương của linh mục vào tháng giêng, và tháng hai vừa qua, thì chương trình nhạc bắt đầu với những ca khúc của tôi, được trình bầy qua những tiếng hát của Quỳnh Giao, Mai Hương, Kim Tước, Nga Mi và Trần Lãng Minh.

Tôi ngồi nghe hát mà tâm hồn miên man về một ngày nào, một ngày nào khi tôi vừa thực hiện xong cho mình cuốn băng tình ca NTM ở Sàigòn năm 1974, một ngày nào khi lang thang khu chợ hoa Nguyễn Huệ trong những ngày cuối năm, được nghe những tiếng hát của các anh Duy Trác, chị Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly qua Áo Lụa Hà Ðông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Bản Tình Cuối, Niệm Khúc Cuối… vang vọng từ các loa của những quán, hàng thu băng. Thấm thoát đã gần 30 năm trôi qua. Bọn viết nhạc trẻ chúng tôi ngày đó nếu còn thì bây giờ đều đã sống trên nửa kiếp người. Tóc Phụng và tôi đã bạc nhiều theo với năm tháng phôi pha, còn An đang ngồi cạnh tôi, đã tìm thấy cho anh một hướng đi mới, một con đường riêng, để lại tình ca sau lưng. Trong chiều nay anh đã hát 2 bài. Tôi lặng nghe, vẫn dòng nhạc đó, nhưng lời ca thật thấm sâu, thật tình người rộng mở. Mừng cho anh đã tìm được chân lý trong ánh sáng nhiệm mầu của Thiên Chúa.

Khi Vũ Thành An hát xong, người MC giới thiệu Từ Công Phụng lên sân khấu. Nhìn dáng anh, nghe anh kể lể, tâm tình qua những tình khúc của anh, tôi bùi ngùi cảm động. Vẫn nhớ mãi những tháng ngày sau 1975, khi tôi rủ anh vào làm việc trong một cơ quan thiết kế tại Sàigòn. Chúng tôi gặp nhau thường hơn. Phụng hay chởû tôi trên chiếc xe Honda của anh chạy lang thang khắp phố phường. Thỉnh thoảng chúng tôi lại tụ tập ca hát "chui" tại nhà của một vài người bạn văn nghệ. Những ngày tháng đó Phụng đang lao đao với đời sống. Tôi chỉ có thể nhìn anh mệt mỏi, đương đầu với những mất mát, những đổi thay xẩy ra trong đời. Cuối cùng rồi anh cũng bỏ lại được tất cả những gì không thể giữ để ra đi, cũng như tôi đã rời quê hương trước đó. Trong chương trình anh đã hát đặc biệt bài Tạ Ơn Em để tặng chị Phụng. Tôi thấy thật vui cho anh. Mong rằng cuộc đời còn lại sẽ đẹp như những tình khúc anh mới viết.

Trước khi chia tay tạm biệt thì Lãng Minh ngỏ ý mời tôi qua Washington DC tham dự một chương trình nhạc chủ đề tổ chức vào đầu tháng 11, tôi đã phải từ chối vì cuối tháng 10 đã có hứa với nhà thơ Ngu Yên qua Houston dự chương trình tình ca Ngô Thụy Miên với Tuấn Ngọc và Thái Hiền. Lãng Minh nói sẽ tính lại với anh em trong ban tổ chức và cho tôi biết sau.

Ngày 11 tháng 9 vụ không tặc lái máy bay đâm vào 2 tòa nhà chọc trời WTC xẩy ra. Một tuần sau, anh Ngu Yên cho biết đã phải đình hoãn chương trình tình ca Từ Công Phụng với Lệ Thu vào một dịp khác. Còn buổi nhạc của tôi thì phải chờ xem vấn đề an ninh có khá hơn không! Ðầu tháng 10, tình hình tương đối ổn định, chúng tôi đồng ý sẽ tiến hành chương trình như đã dự định.

Sáng sớm thứ Bẩy ngày 20 tháng 10 chúng tôi đáp máy bay qua Houston. Lần này được Trần Minh Thể, một người bạn của tôi, và cũng là bạn của anh Ngu Yên ra đón về khách sạn nghỉ ngơi. Buổi chiều anh Nguyễn Cương đến đón lên đài phát thanh Houston để nói chuyện tâm tình với thính giả cùng với 2 anh Ngu Yên và Nguyễn Cương. Buổi tối cả bọn kéo về nhà anh chị nhạc sĩ Ðăng Khánh. Ở đây chúng tôi được dịp gặp lại anh chị Duy Trác, anh Trường Kỳ, anh Nguyên Bích, Tuấn Ngọc, Thái Hiền và 1 số bạn bè văn nghệ mới. Cả bọn ngồi ăn uống, nói chuyện cho đến tối mịt mới ra xe trở về khách sạn. Tháng 10 trời Houston về khuya mà vẫn ấm áp, chẳng bù với nơi tôi ở, giờ này cũng đã lạnh nhiều rồi. Về đến khách sạn, nhờ viên thuốc anh Ðăng Khánh đưa lúc cuối buổi tiệc, tôi đã ngủ được một giấc khá đầy đủ.

Buổi sáng anh chị Duy Trác đến đưa đi ăn sáng. Ðã mấy năm rồi anh em mới có dịp gặp lại nhau kể từ ngày anh qua Seattle thăm bạn bè. Anh chị đã về hưu, bây giờ ở nhà vui với con cháu, và đóng góp vào 1 chương trình phát thanh hàng tuần trên 1 đài radio ở Houston. Sau bữa ăn sáng, anh chị đưa chúng tôi về thăm nhà cho biết. Khoảng 2 giờ trưa, anh chị đã cùng với chúng tôi đến Jones Auditorium nơi tổ chức chiều nhạc. Ðến nơi còn khá sớm, chúng tôi ngồi nghe Tuấn Ngọc, Thái Hiền tập dợt với ban nhạc. Thính phòng ấm cúng và dễ thương với lối trang trí thật nhẹ nhàng, giản dị, thích hợp với chủ đề của chiều nhac.

Lần này đến Houston tôi thật vui, được gặp lại một số bạn bè cũ mới. Ðược gặp lại một người mà tôi vẫn nghĩ là đã đóng góp nhiều nhất vào việc tạo dựng tên tuổi của NTM, nam danh ca Duy Trác. Anh ngồi đó, im lặng nghe Tuấn Ngọc hát "Mắt Biếc", một trong 2 bản nhạc anh thu trong cuốn băng tình ca mà tôi và các anh em thân hữu đã thực hiện ở Sàigòn năm 1974. Bài thứ 2 là Áo Lụa Hà Ðông, cũng đã được anh tạo cho một chỗ đứng rất đặc biệt trong lòng của bao nhiêu thính giả yêu nhạc.

Nói đến Tuấn Ngọc, thì trong một bài viết có tựa đề Những Tiếng Hát Mùa Xuân, tôi đã nói về tiếng hát của anh, về một tiếng hát mà trong thập niên 80 đã đem trở lại những tình khúc của nhiều nhạc siõ sáng tác trước 1975 đến với tâm hồn của hàng triệu người Việt Nam yêu nhạc ở khắp nơi trên thế giới. Anh cũng đã hát rất nhiều những sáng tác của tôi. Gần đây nhất là Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ và Riêng Một Góc Trời, một bản tình ca mà tôi nghĩ đã đem tiếng hát của anh lại gần với nhạc của tôi nhất.

Thái Hiền, người nữ ca sĩ đã đóng góp không ít vào việc duy trì tên tuổi NTM ở hải ngoại, đặc biệt sau khi cô thu hình bản Em Còn Nhớ Mùa Xuân trong video tình ca Ngô Thụy Miên do trung tâm Thúy Nga thực hiện năm 1993. Tôi vẫn nhớ sau khi cuốn video phát hành, tôi đã nhận được một số thư từ cũng như điện thoại của khán thính giả gọi đến để chia xẻ ý kiến, đặc biệt một số lớn đã nhắc đến Thái Hiền và Em Còn Nhớ Mùa Xuân. Trong video, Thái Hiền qua tiếng hát, và phong cách trình bầy đã bầy tỏ được tâm sự của tác giả đến với người nghe một cách trọn vẹn.

Trong chương trình này Tuấn Ngọc và Thái Hiền đã thay nhau trình bầy 20 ca khúc cũ mới của tôi. Tuấn Ngọc hát Nơi Nào Em Có Biết, và cùng Thái Hiền hát Tình Vẫn Còn Ðây, 2 sáng tác mới. Khán thính giả đã hưởng ứng nồng nhiệt, và dành cho 2 ca sĩ những tràng pháo tay không dứt. Sau buổi nhạc, cả bọn kéo nhau về nhà Trần Minh Thể để ăn khuya rồi chia tay, hẹn ngày gặp lại. Buổi sáng sớm hôm sau, Thể đến đón chúng tôi, đưa đi ăn sáng, rồi thẳng đường ra phi trường để trở lại Seattle.

Cuối tháng 10, Lãng Minh gọi điện thoại cho biết anh em trong ban tổ chức mời tôi qua DC để tham dự chương trình nhạc chủ đề Tình Thu vào ngày 2 tháng 12. Lãng Minh và Nga Mi cũng có nói là mong khơi dậy một phong trào yêu, và nghe nhạc thính phòng tại vùng Hoa Thịnh Ðốn. Vì là lần đầu tiên, nên chương trình sẽ có thêm những tiết mục khác của Hoàng Như Sơn, và Ý Lan. Tôi nghĩ đây là một việc đáng làm, nên đã nói với Lãng Minh là sẽ qua chung vui với các anh em.

Buổi trưa thứ Bẩy ngày 1 tháng 12, chúng tôi lái xe lên phi trường SeaTac, và đáp máy bay qua Washington DC. Khi đến phi trường Dulles thì trời cũng đã gần tối, Nga Mi & Lãng Minh ra đón đưa về nhà. Trời Washington khá lạnh, chúng tôi chạy vòng qua những con đường, những ngôi nhà xa lạ dưới bầu trời ẩm ướt của tháng 12. Trên xe, chuông điện thoại reo, đầu giây bên kia là Tùng, cháu của Thang, một người em rể của tôi. Ðã hơn 20 năm chưa gặp lại, Tùng kể lại một vài kỷ niệm khi chúng tôi còn ở lại Sàigòn sau năm 1975. Cuối cùng Tùng hẹn Lãng Minh đến gặp nhau tại một quán ăn trong phố. Gặp lại Tùng, thấy cháu đã lớn, đã trưởng thành, khác hẳn ngày nào còn bé. Hai cậu cháu nói đủ thứ chuyện, rồi thì cũng đến giờ chia tay, tôi nói Tùng ngày mai đến Galaxy để gặp. Tối đó chúng tôi về nhà Lãng Minh & Nga Mi. Buổi sáng thức dậy, khí trời thật dễ chịu, hơi lạnh, nhưng bầu trời tương đối quang đãng. Chúng tôi đến nhà hàng Galaxy ăn sáng và bàn chương trình. Ở đây tôi gặp lại 2 nhạc sĩ Nhật Bằng, Nguyễn Túc, họa sĩ Vũ Hối, nhà văn Nguyễn Ðức Nam, chị Hồng Thủy, anh chị Lê Văn. Anh Nguyễn Tuấn của nhóm Nhạc Việt cũng đến. Bạn bè cũ tham dự chương trình khá đông. Những người bạn gần 30 năm chưa một lần gặp lại, nghe chương trình có tôi đã ghé đến tham dự để gặp như Chi, Dũng và Dung, Hùng, Ngọc, các cháu Tùng, Thủy, và chị Ðán cũng có mặt… Khi ra về thì gặp Toàn, Hải trong nhóm Nhạc Việt. Ðược biết có nam danh ca Anh Ngọc đến dự, rất tiếc là tôi không có dịp đến chào hỏi anh. Chương trình gồm 3 phần chính. Nga Mi, Trần Lãng Minh và Ý Lan trình bầy 10 tình khúc của NTM, Hoàng Như Sơn nói chuyện vui, và Ý Lan hát nhạc yêu cầu. Trong phần tình ca NTM, Ðoàn Thanh Tuyền, em gái của Thanh Vân đã lái xe từ New Jersey nơi Tuyền cư ngụ tới Galaxy để chỉ hát bài Nơi Nào Em Có Biết rồi lái xe về ngay. Ðây cũng là lần đầu tiên tôi được xem nữ ca sĩ Ý Lan trình diễn những bản nhạc yêu cầu thật xuất xắc, và Hoàng Như Sơn đã đem lại cho quý vị khán thính giả những nụ cười thoải mái. Chương trình này phải được coi là một thành công đáng kể cho ban tổ chức. Hy vọng Nga Mi và Lãng Minh sẽ có thể tiếp tục thực hiện những chương trình nối tiếp với niềm tin là quý vị khán thính giả ở vùng Hoa Thịnh Ðốn sẽ sẵn sàng ủng hộ cho những cố gắng đóng góp của họ. Mong lắm thay.

Trở về Olympia sau một chuyến bay khá dài. Olympia, nơi có riêng một góc trời của tôi, cũng là nơi tịnh dưỡng tâm hồn sau những vui đùa, mỏi mệt, ồn ào, xao động của những buổi họp mặt, của những đêm văn nghệ, của những tiếng nhạc, lời ca...

Tôi ngồi đây, đọc tấm thiệp của Nguyễn Cửu Tuấn, người bạn thân đã cùng với vợ chồng Quang & Lan tổ chức đêm nhạc cho tôi năm ngoái ở dưới Cali, gửi lên mời chúng tôi về chung vui ngày kỷ niệm 25 năm đám cưới của anh và chị Trang. Lòng lại thấy rộn ràng trước một chuyến đi sắp tới, vì lại có dịp gặp lại anh em dưới đó, có dịp nhìn lại mình của 20 năm về trước, khi giã từ Cali để đi tìm một nơi trú ngụ yên ổn cho cuộc đời nổi trôi trên mảnh đất tạm dung này.

Ngô Thụy Miên
12/2001