Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật


1-

Hôm đo ùở nhà Hồ Văn Phú và Ngọc Tịnh, một buổi sinh hoạt bỏ túi của nhóm Cựu Sinh Viên Ðà Lạt, bữa cơm có Trần Quảng Nam đến từ Cali và đôi uyên ương Nga Mi Trần Lãng Minh vừa đi biểu diễn từ châu Âu trở về.

Câu chuyện râm ran từ thời tiết, kinh tế, chính tri, chuyển qua văn nghệ. Tôi chia xẻ với Nga Mi rất nhiều khi nghe cô kể về những buổi trình diễn ở Hòa Lan, ở Pháp và ở các tiểu bang trong Hoa Kỳ. Nga Mi nói rằng những buổi trình diễn phương xa thường xuyên gặt hái nhiều thành công, cổ võ của người Việt. Những buổi trình diễn rất đông người và điều quan trọng nhất là sự chan hòa tâm hồn giữa người biểu diễn với người nghe. Cái mà Nga Mi ngạc nhiên, cũng là cái mà tôi suy nghĩ khá lâu là tại sao ngay trong vùng thủ đô, nơi hội tụ của cộng đồng người Việt của cả ba tiểu bang Washington DC, Maryland và Virginia này lại không có những sinh hoạt mang tính thường xuyên của văn học nghệ thuật? Người Việt của vùng Ðông Bắc vốn được mô tả như một cộng đồng có trình độ thưởng ngoạn cao, và sức đóng góp khá lớn với nền văn học nghệ thuật Việt Nam hải ngoại. Nhưng ngay chính tại địa phương này thì dường như vắng bóng những chương trình được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng để đạt tới mức độ chuyên nghiệp.

Không phải là chúng ta không có những buổi biểu diễn ca nhạc đâu, nhưng đó là các buổi ca nhạc cho khiêu vũ, ca nhạc giúp vui chương trình ra mắt sách, hoặc ca nhạc lồng vào những buổi tiệc của các hội đoàn. Các ca nhạc sĩ từ phương xa đến dẫu có xuất hiện trong một số chương trình, nhưng thiếu chuẩn bị phối hợp (Thí dụ phối hợp với ban nhạc, hội trường, âm thanh, ánh sáng) nên bỗng trở nên lạc lõng và không thể làm được mùa xuân dù đã có sẵn cánh én.

Câu chuyện nói qua để nghe, gợi trong lòng một chút ước mơ, nhưng chỉ là những gì vượt ngoài tầm hiểu biết của tôi. Khi chia tay, Trần Lãng Minh nhắc đến vài bằng hữu chung của chúng tôi ở Hòa Lan, ở Canada và ao ước có dịp nào gần gủi trong làm việc.

2-

Lãng Minh gọi điện thoại và hẹn ăn cơm chiều. Trong không khí mát mẻ của những ngày lập thu, ngồi chung quanh nhau còn có dăm người bạn, Nga Mi và Trần Lãng Minh chia nhau sôi nổi kể về những vui lạ trong chuyến trình diễn phương xa vừa qua, và dự tính cho một chương trình văn nghệ thường xuyên vài tháng một lần trong vùng. Sẽ là Nhạc Thính Phòng, sẽ là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ca nhạc sĩ hàng đầu và những tiếng hát từ địa phương, sẽ là những buổi mạn đàm để người trình diễn nối với người nghe những lời tâm sự, sẽ là những nỗ lực cao nhất để buổi trình diễn đạt được sự thân tình và trang trọng. Lòng nhiệt tình và hào hứng của đôi bạn như đã hâm nóng tinh thần mọi người.

Nga Mi Trần Lãng Minh tự lâu đã là những người đắm mình vào không khí văn nghệ, là một đôi song ca có chất giọng ngọt ngào và điêu luyện. Họ đã một thời mở quán làm địa điểm cho những đêm nhạc cuối tuần, đã nhiều lần tổ chức các chương trình ca nhạc khá thành công, và đi trình diễn nhiều nơi, cho nên, không lạ gì khi họ mơ ước được tổ chức một chương trình dài hạn hơn và có chiều sâu hơn cho người thưởng ngoạn vùng Ðông Bắc.

Chương trình lấy tên là Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật, theo ý nghĩa những bản nhạc được lựa chọn để trình bầy là những bản nhạc đã được thời gian ghi nhận như những ca khúc sống đời.

Ba người được mời từ phương xa đến trong chương trình là danh ca Ý Lan, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, và nghệ sĩ hài hước Hoàng Như Sơn. Tôi yêu thích tiếng hát Ý Lan, tôi thú vị với những câu chuyện kể của Hoàng Như Sơn, nhưng tôi thật lòng xôn xao khi nghĩ đến buổi sinh hoạt sắp tới với sự có mặt của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Tại sao vậy? Thật là dễ hiểu, với tôi Ngô Thụy Miên là người có nhiều bài hát tôi yêu mến nhất từ thuở thanh niên.

3-

Ðó là năm 68. Mùa hè Sàigòn được biết đến căn cứ vào mùa nghỉ và mùa thi của học trò. Sau mùa thi, bắt đầu tựu trường, là mùa thu Sàigòn. Mùa thu Sàigòn không có lá vàng rơi, không có những cơn gió hiu hắt lạnh, mà mùa thu Sàigòn là những cơn mưa nhẹ, là chút bâng quơ ngơ ngác trước cửa trường, và cái nhớ đến nhất của mùa thu Sàigòn năm đó với tôi là buổi chia tay với một người "Rất Thân Thiện".

Mùa thu 68 tôi bỏ một cuộn băng nhạc trong cái xách tay, bước lên xe GMC, chạy từ Quân Vụ Thị Trấn Sàigòn nằm ở đầu đường Lê Văn Duyệt để xuôi về Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ, mà lòng cứ mang mang câu hát: "Em có nghe mùa thu mưa bay gió nhẹ, em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương, và em có nghe khi mùa thu tới, hai chúng ta sẽ cùng chung lối..."

Lúc đó tôi không biết đó là bài Mùa Thu Cho Em của Ngô Thụy Miên, mà chỉ yêu thích vì lời nhạc phù hợp với tâm trạng của mình lúc bấy giờ. Cho đến khi ra đơn vị, khi nghe một đồng đội ôm đàn hát lại, không phải một bài mà là liên tiếp ba bốn bài, tôi mới chợt ùa lên, tôi đã yêu mến từ lâu khá nhiều bài của cùng một tác giả, những bài phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như Tuổi 13, Aùo Lụa Hà Ðông, Paris Có Gì Lạ Không Em… Từ đó, cho đến suốt về sau này, rất nhiều lần tôi còn gặp lại chính hình bóng của mình trong các ca khúc của Ngô Thụy Miên mỗi khi có dịp nghe lại.

Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về sáng tác đầu tay, tôi còn ngạc nhiên và yêu mến ông nhiều hơn nữa khi được biết tác phẩm đầu tay của ông là nhạc phẩm Chiều Nay Không Có Em, đã được hoàn thành khi tác giả vừa tròn 17 tuổi. Tác phẩm mới nhất mà (theo Nga Mi Trần Lãng Minh cho biết) ông sẽ cho trình diễn trong buổi hội ngộ Hoa Thịnh Ðốn là tác phẩm thứ 50 của ông được viết khi tác giả bước vào tuổi 53, với chiều dầy gần 40 năm chau chuốt với âm nhạc.

4-

Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật đã trọn chủ đề Tình Thu để làm chương trình mở đầu, đã mời một nhạc sĩ viết nhiều nhất về mùa Thu, đã thành công nhất trong các nhạc phẩm về mùa Thu là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tham dự, đã mời một ca sĩ hàng đầu với giọng hát mượt mà như lụa là ca sĩ Ý Lan về biểu diễn, cộng với giọng hát và phong cách trình bầy điêu luyện của đôi song ca Nga Mi Trần Lãng Minh phối hợp. Những tên tuổi đó đủ bảo đảm cho một chương trình phong phú, hấp dẫn người tham dự.

Xin cầu chúc Nga Mi Trần Lãng Minh thành công trong công việc đem đến cho người thưởng ngoạn vùng Hoa Thịnh Ðốn một món ăn tinh thần có giá trị nghệ thuật.

Phượng Hồ
Tuần báo Văn Nghệ (13 tháng 10 năm 2001)