Quê Hương và Nỗi Nhớ


Từ gần một năm nay tôi đã là độc giả thường xuyên của tờ Nguyệt San Văn Hoá Dân Tộc Hồn Quê, và cũng đã có dịp theo dõi những sáng tác của rất nhiều các anh chị em văn nghệ sĩ đóng góp với tờ báo, trong đó có Nguyễn Thanh Trúc qua các truyện ngắn, tùy bút, những bài thơ, và phỏng vấn nhạc sĩ Từ Công Phụng của cô. Gần đây nhất, cô có bài Quà Quê, một bài thơ với cấu trúc giản dị, ý thơ mộc mạc nhưng tràn đầy hình ảnh, âm thanh, và mầu sắc tình tự quê hương. Bài thơ với những chữ "là" rất lạ đã được Nhật Vũ phổ nhạc. Tôi viết những giòng chữ này để cám ơn Thanh Trúc, vì bài thơ đã gây cho tôi một nỗi xúc động nhẹ nhàng, gợi trong tôi niềm nhớ quê hương, và cho tôi cảm hứng để hôm nay có thể ngồi đây viết lại một chút về những kỷ niệm vui buồn của những ngày nào còn bé.

Tôi sinh ra tại Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc Việt Nam, cũng là quê hương, là nơi sinh trưởng của 2 người nhạc sĩ tôi yêu quí nhất, Văn Cao và Ðoàn Chuẩn. Nếu Văn Cao là người nhạc sĩ tôi quí trọng nhất, không phải chỉ về những đóng góp của ông vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam, mà còn về tác phong, đời sống cá nhân ông, thì Ðoàn Chuẩn là người tôi yêu thích nhất với những tình khúc bất hủ, và những đóng góp lớn lao của ông vào việc tạo dựng một dòng nhạc tình tự, lãng mạn nhất của nền tân nhạc Việt Nam chúng ta. Qua Ðoàn Chuẩn, tôi đã yêu mùa Thu, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm về mùa Thu, và vẫn mơ một ngày nào đó sẽ có dịp trở về thăm mùa Thu của ông. Trong cuộc đời sinh hoạt văn nghệ của tôi, có lẽ điều đáng tiếc nhất vẫn là không có dịp, đúng hơn là không còn dịp được gặp gỡ 2 ông, để được ngỏ đôi lời cám ơn đến 2 người mà tôi nghĩ là đã mở cánh cửa âm nhạc cho cá nhân tôi, và cho nhiều người sáng tác khác sau này nữa.

Những tháng ngày ở Hải Phòng tôi còn quá nhỏ. Trong đầu óc của một cậu bé 6,7 tuổi, tôi chỉ còn có thể nhớ được một vài địa danh qua hình ảnh nơi mình sinh sống như tiệm sách Thanh Bình của bố mẹ tôi ở khu phố Tây đường Lacome. Rồi từ nhà, đi bộ một chút thì qua nhà thờ chính Hải Phòng, sau đó thì có một lò bánh mì, nơi mỗi buổi sáng, những người buôn bán đến mua cả chục ổ, ủ trong thúng và đem đi rao bán khắp nơi trong phố. Ði bộ thêm môt chút nữa về hướng Cầu Ðất thì gặp những quán bán hoa, rồi nhà Hát Lớn. Trên đường Beaumont thì có tiệm đàn Văn Trang của ông bác. Anh Thắng tôi có kể là ngày đó bác hay tổ chức những buổi văn nghệ, họp hành bạn bè trên sân thượng, và hình như các nhạc sĩ Lê Thương, Hoàng Quý, Văn Cao… cũng đã có lần đến tham dự. Những ngày cuối tuần anh thường dẫn tôi đi xem phim Zorro hay Tarzan tại rạp hát Việt Nhi, hay đưa tôi đến sân Bonnal để xem đá bóng, hoặc coi phim chiếu ngoài trời. Khi ông ngoại tôi mất, ông đã được chôn cất phía sau chùa Dư Hàng, một ngôi chùa cổ kính có trồng rất nhiều cây cau. Nói đến cây cối thì tôi không thể quên được những hàng cây bàng trên đường phố Lacome, mà trái bàng anh em tôi hay đập ra, ăn cái nhân ở giữa. Những buổi tối mùa đông lạnh, bố mẹ tôi thường mua Sực Tắc (mằn thắn) cho chúng tôi ăn khuya, hay mua hạt dẻ nóng bằng cách thòng dây từ trên ban công xuống, người bán hàng xúc hạt dẻ bỏ vào rổ, và chúng tôi kéo lên lầu ăn. Cũng khó mà quên được 2 món trái cây mà hình như tôi không tìm thấy trong Sài Gòn, quả Sấu Dầm và quả Nhót. Ngày đó những trò chơi chính của chúng tôi là đánh Vụ, đánh Bi, đánh Khăng, hoặc chơi Ú Tim…Với nhiều kỷ niệm như vậy nhưng chưa một lần tôi được đặt chân về miền quê, chưa một lần được nhìn thấy những mái nhà tranh với khói lam chiều, thấy thảm cỏ xanh chạy dài tít chân trời cùng các mục đồng cỡi trâu, hay các bạn bè cùng trang lứa chạy tung tăng trên những con đê dài thả diều bay trong gió như trong những câu thơ của Thanh Trúc:

"Gửi anh nắm cỏ ven đê
Chút hương là hương cau trắng
Sáo diều là diều đê mê

Gửi anh chút khói lam chiều
Hương rơm là rơm ngai ngái
Chiếc lều là lều bên sông

Em sẽ em sẽ gửi thêm
Lục bình hoa tím giữa giòng
Khóm tre là tre xào xạc
Gửi lòng tấm lòng gái Quê" (1)

Rời Hải Phòng vào miền Nam, bố mẹ tôi đã chọn thành phố Sài Gòn, đường Phan Ðình Phùng để xây dựng lại tiệm sách Thanh Bình làm nơi sinh sống. Tại đây tôi lại có dịp nhìn thấy những chiếc tầu sắt khổng lồ với những ống khói cao ngất, phun ra những tàn khí bụi than mù mịt bầu trời. Nhà tôi ở gần góc đường Cao Thắng, trước cửa trường mẫu giáo Aurore. Tôi còn nhớ trên đường Cao Thắng, thật là một sự tình cờ trùng hợp, cũng có một lò bánh mì, là nơi cuối tuần tôi hay ra mua bánh về cho cả nhà ăn sáng với thịt nguội. Ngoài ra còn có 2 rạp chớp bóng Việt Long (sau là Văn Hoa Sài Gòn) và Ðại Ðồng. Ngôi chợ rất gần nhà là chợ Vườn Chuối mà thỉnh thoảng mẹ tôi cho đi theo để xách rỏ thức ăn về cho mẹ. Ngay sau khi ổn định đời sống, ngoài việc học chữ tại trường tiểu học Phan Ðình Phùng và sau này trung học Nguyễn Trãi, anh em chúng tôi đã được bố mẹ cho theo học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc. Tôi và anh Thắng học violon, còn các cô em thì học piano. Ngôi trường trên đường Nguyễn Du với bao nhiêu kỷ niệm thầy trò, bạn bè, anh em…Và cũng từ đấy, một thời gian sau, dòng nhạc Ngô Thụy Miên ra đời. Phải nói thời gian theo học trung học là thời gian cực khổ nhất của tôi, vì cứ vừa tan lớp học chữ là tôi phải lo chạy đến trường nhạc để học nhạc pháp với thầy Hùng Lân, nhạc sử với cô Toàn, hay học đàn thầy Phiệt! Nhưng sau khi tốt nghiệp trường nhạc, cũng như lên đại học thì tôi đã hoàn toàn bước vào một thế giới mới, một thế giới ngập tràn âm thanh với tình yêu và tuổi trẻ. Sài Gòn, thành phố thân thương là nơi chốn đã chia xẻ với tôi những tháng ngày đẹp nhất của tuổi mộng mơ, của những cuộc tình một thời, và cả nữa những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời tôi.

Sinh và trưởng tại 2 thành phố thương mại lớn nhất trên quê hương, tuổi trẻ của tôi hoàn toàn vây quanh bởi những ngôi nhà cao lớn, các phố xá, dinh thự rộng rãi, các quán hàng, chợ búa sầm uất…Và một lần nữa tất cả những gì tôi biết về làng quê đều do qua sách vở, trường học! Tôi vẫn chưa bao giờ có dịp được xem lễ hội Làng, đi coi hát Ðình, hay nhìn thấy những thôn xóm nhỏ với hàng dừa xanh, hàng cau trắng, cũng chẳng biết đến giòng sông, khóm trúc, vó cá, vó tôm, ruộng lúa phì nhiêu…Trong đời sống hàng ngày tôi là một cậu con trai tỉnh thành, được hấp thụ nền nhạc học Tây Phương, được xem những phim ảnh, và nghe nhạc ngoại quốc, thụ hưởng tất cả các tiện nghi vật chất của đời sống thành phố. Nhưng tận cùng trong trái tim tôi vẫn có một thôi thúc nhẹ nhàng, vẫn có một nhắc nhở ngày nào đó về thăm làng quê mình. Và khi bắt đầu yêu nhạc Việt, thì tôi đã rất thích một sáng tác của nhạc sĩ Chung Quân, cũng là thầy dậy nhạc của tôi tại trường trung học Nguyễn Trãi, bài Làng Tôi (2). Làng Tôi ngày đó có thể nói là đã được hầu hết các ca sĩ nổi tiếng trình bầy trên các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội. Bài hát với nét nhạc êm đềm, dịu dàng, lời ca giản dị, thấm thía, đã ăn sâu vào tâm hồn tôi từ những năm tháng đó, đã cho tôi một hình ảnh thật đẹp và hiền hòa của quê nhà.

"Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng...

... Mơ trong bóng ngày về
Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn người bốn phương."

Thầy tôi không còn nữa, ngày 15 tháng 1 năm 1990 thầy đã ra đi vĩnh viễn vì bị đứt mạch máu não tại Sài Gòn (3), nhưng bài ca bất hủ Làng Tôi của thầy vẫn mãi mãi còn đây, trong tâm hồn tôi, và trong lòng hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Tháng 7 năm nay, các anh em trong ban chấp hành của hội cựu học sinh Nguyễn Trãi ở California sẽ tổ chức một buổi văn nghệ để vinh danh thầy. Tôi sẽ về tham dự để một lần nữa được nghe lại bài hát này và một lần được cám ơn công lao dậy dỗ của thầy đã đóng góp không ít trong bước đường sinh hoạt nghệ thuật của tôi.

Nhạc sĩ Phạm Duy một trong các nhạc sĩ hàng đầu của nền Tân Nhạc Việt Nam cũng có bài Quê Nghèo, một ca khúc để lại trong tâm hồn tôi nỗi xót xa, thương cảm cho đời sống của người dân quê nghèo chúng ta.

"Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy..."

Phạm Duy đã viết bài này năm 1948. Không biết hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, làng của ông còn tồn tại hay không? Ðàn trẻ gầy ngày xưa nay đã về đâu?

Một bản nhạc khác cũng còn mãi trong ký ức tôi với những hình ảnh vui tươi của làng quê là bài Khúc Ca Ngày Mùa của nhạc sĩ Lam Phương, một nhạc sĩ đã có những bài tình ca quê hương thật hay.

"Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiều qua làng xơ xác
chiều hồn quê bao khúc ca yêu đời

Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời...

Lờ lững trôi qua trôi mãi trong chiều tà tiếng tiêu buồn êm quá
Hồn ngất ngây trong tiếng hát đưa nhịp nhàng tiếng cười thơ ngây
Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch bóng khuất sau rặng tre
Tiếng ai hò chập chùng xa đưa
Hò là hò lơ hó lơ hò lơ
Nầy anh em ơi! Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh
Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi
khoan hò khoan tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài."

Hơn 20 năm trôi qua, tôi trở thành một người viết nhạc với những sáng tác về tình yêu, tuổi trẻ của một thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố. Ảnh hưởng từ một làn gió thơ văn các thi sĩ Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn mang về từ nước Pháp, tôi đã tìm cho mình một dòng nhạc mới, một hướng đi riêng, với Paris, sông Seine, với lụa Hà Ðông, nắng Sài Gòn, và mùa Thu… Những ngày tháng sinh hoạt ở Sài Gòn đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm vui buồn, từ những giòng nhạc đầu tiên của Chiều Nay Không Có Em năm 1965 cho đến đêm ra mắt cuốn băng nhạc Ngô Thụy Miên tại hội Việt Mỹ cuối tháng 12 năm 1974. Tình ca tràn ngập trong nhạc tôi, nhưng hình ảnh làng quê đâu đó vẫn mãi còn trong trí tưởng.

Ðầu năm 1978, trên con đường vượt biên, tôi cùng một người em họ, đáp xe đò về miền Nam, qua các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, rồi đến Cà Mâu. Chúng tôi đã dùng thuyền nhỏ đi vào sâu trong thôn xóm hẻo lánh, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắtø đời sống, sinh hoạt của người dân quê, được ngủ trên giường tre dưới mái nhà tranh, được nhìn thấy khói lam chiều, và chính mình lầm lủi đi trên bờ đê trong đêm tối, dưới trời mưa gió để tìm đến nhà người tổ chức. Hơn một tháng ở trong làng, tinh thần tôi luôn căng thẳng, không được đi ra ngoài, tất cả mọi chuyện giao dịch đều do người tổ chức quyết định, ăn uống kham khổ, mỗi ngày chỉ có 2 bữa ăn cơm với đường thẻ nấu chẩy, hoặc với 1 con ba khía. Lúc này tôi rất lo bị phát hiện, quả thật không còn đầu óc đâu nghĩ đến những mục đồng thả trâu ăn cỏ, với tiếng sáo diều vi vu, nghĩ đến khóm trúc, lũy tre…Thật là trớ trêu, khi có cơ hội về làng quê, thì lại không dám đi thăm viếng khung cảnh, cũng không dám liên lạc, nói chuyện với một ai! Chuyến đi sau đó phải hủy bỏ vì người tổ chức cho biết vấn đề mua bãi không thành! Thế là tan hàng, mạnh ai về nhà người nấy, tôi và người em vất vả lắm mới tìm được cách trở về Sài Gòn! Một tháng sau, tôi được Quang (người tổ chức buổi tình ca NTM qua 4 thập niên dưới Cali) và Dũng, 2 người bạn cùng làm tại nha Hàng Không Dân Sự rủ tham dự một chuyến đi do họ tổ chức. Sau 3 ngày đêm lênh đênh trên biển cả, cuối cùng chúng tôi đã đến được Mã Lai. Sau 6 tháng ở trên đảo tạm trú, Quang và Dũng được đi định cư tại Hoa Kỳ, còn tôi được gia đình bảo lãnh về Quebec Gia Nã Ðại.

Ðã hơn 20 năm, đó là quãng thời gian dài tôi sống trên đất nước tạm dung này. Mỗi lần có dịp đi về những vùng ngoại ô, xa xăm, tôi hay để ý kiếm tìm những hình ảnh làng xóm ngày nào vẫn ẩn hiện trong trí tưởng, nhưng chẳng bao giờ bắt gặp lại được một lần!

Nhiều năm tháng đã qua đi với biết bao nhiêu đổi thay, thăng trầm của cuộc sống. Riêng tôi vẫn nơi đây với trái tim tôi nhớ về một góc trời quê hương nơi có những mái nhà tranh với khói lam chiều, có những bờ đê, khóm trúc, với những giòng sông lặng lờ, uốn lượn quanh những lũy tre làng, nơi có những tấm lòng rộng mở của các bà mẹ già, và có những nụ cười thật tươi của những người em nhỏ. Mong quá chứ, nếu có một ngày nào.


Ngô Thụy Miên 3/2002

(1) Quà Quê thơ Nguyễn Thanh Trúc
(2) Nhạc sĩ Văn Cao cũng có bài Làng Tôi, nhưng không được phổ biến rộng rãi lắm
(3) Nguồn tin của anh Nguyễn Quang Vinh, con trai nhạc sĩ Chung Quân