Ngô Thụy Miên và CD mới:
Riêng Một Góc Trời


1.

Nói tới cõi nhạc mang tên Ngô Thụy Miên, là nói tới những vỗ về những phủ dụ dịu dàng của những âm giai đẫm ướt hương tình ái. Nói tới cánh rừng âm nhạc mang tên Ngô Thụy Miên, là nói tới những bước chân thời gian, thả những vàng phai mấy độ lên những mùa thu nghìn lá ra đi; ném xuống những vực sâu, bao réo gọi âm u của tình bền, gợi khêu những rưng rưng thầm thì chia lìa, không hàm hồ, oán hận. Nói tới đời nhạc mang tên Ngô Thụy Miên, là nói tới những dấu ấn mạnh mẽõ, đậm tính thời đại, phản ảnh những rung động tuổi trẻ, từng giai đoạn, những khao khát thanh xuân, từng thời kỳ, giữa những ngọn triều lịch sử.

Như thế đó, những âm giai thơ mộng, trữ tình mang tên Ngô Thụy Miên, đã ở với tuổi trẻ Việt Nam, gần ba mươi năm. Như thế đó, những hơi thở mộng mị, thoát đi từ trái tim trước sau chỉ kiếm tìm hạnh phúc, đã làm thành dòng ngôn ngữ Ngô Thụy Miên, rất thi ca, rất lụa nuột, đã ở gần ba mươi năm, với tâm hồn Việt. Dòng ngôn ngữ rất thi ca kia, phối ngẫu vơí những âm giai rất thơ mộng nọ, đã làm thành thịt xương, làm thành máu huyết của sinh phần đời nhạc Ngô Thụy Miên.

Dường ai trong chúng ta, chí ít, cũng có một đôi lần hát nhạc Ngô Thụy Miên. Dường ai trong chúng ta, chí ít, cũng có nhiều hơn một lần, thả tâm hồn, buông trái tim mình bay theo đường bay của đời nhạc Ngô Thụy Miên, những đường bay, mở lên tầng, tầng không gian, ngút, ngút.

Nhưng dường ít ai trong chúng ta, tự hỏi, tại sao, ở đâu, cõi nhạc một đời ấy.



2.

Những người có trí nhớ tốt, những người trải qua thời kỳ tuổi trẻ, thời kỳ thanh xuân ở miền Nam Việt Nam, trước biến cố 30-4-1975, hẳn chưa quên, thời điểm đầu thập niên 70, là thời điểm mà cuộc chiến tranh Việt Nam đã leo tới bậc thang cao nhất của mức độ tàn khốc và bế tắc. Ở thời điểm này, quân đội Mỹ và Ðồng Minh lún chân trong nỗ lực tham dự vào cuộc chiến Việt.

Thời điểm này, cũng là thời điểm của những ca khúc đơn giản, mang tên Trịnh Công Sơn, hầu hết được viết theo nhịp 2/2 hoặc 2/4, để mọi người có thể vỗ tay hát theo trong những cuộc tụ tập hay họp mặt đông đảo, đã lên tới cực độ mê hoặc, trấn áp cơn sốt vỡ da của thanh thiếu niên thành thị, miền Nam. Những nhạc phẩm đầy tính phản kháng thời sự, từ chối chính thể của Trịnh Công Sơn thuở đó, đã như những lượng bạch phiến cần thiết cho tuổi trẻ tự làm dịu lấy những vết thương (?) những mặc cảm trong họ. Những vết thương hay những mặc cảm đó là sự lạc lõng, bơ vơ của tuổi trẻ trên chính quê hương mình; và, khuôn mẫu nổi loạn, chống chiến tranh, như một kiểu, mốt rất thời thượng đang lan tràn khắp nơi, thuở ấy.

Giữa lúc cõi nhạc Trịnh Công Sơn, như những cơn sóng sống trâu, cấp bốn, cấp năm trên đại dương mù lòa của háo hức, sôi nổi tuổi trẻ thì, Phạm Duy loay hoay giữa Tục ca, Ðạo ca và ứng dụng dòng nhạc pop của Mỹ vào nền tân nhạc Việt. Giữa lúc cõi nhạc Trịnh Công Sơn, như những khối thuốc nổ TNT có sức công phá cực độ tâm hồn thanh niên miền Nam, thì, Vũ Thành An, một người làm nhạc trẻ tuổi, đang đắm đuối dầm mình trong những cảm xúc sướt mướt không lối thoát của Những bài không tên. Giữa lúc cõi nhạc của Trịnh Công Sơn rễ cái, rợp tàng; thì, Từ Công Phụng, một người làm nhạc trẻ tuổi khác, sau thành công vượt mức với Trên Ngọn Tình Sầu, đã khựng lại, lúng túng tìm ngả đi...

Trong bối cảnh này, giữa thời điểm đầu thập niên 70 kia, cõi nhạc Ngô Thụy Miên xuất hiện, rỡ ràng, tươi tốt như dòng suối mát, đầu nguồn. Chỉ với ca khúc thứ hai, ca khúc Mùa Thu Cho Em:

"Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ - em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương - Và em có nghe khi mùa thu tới - mang ái ân mang tình yêu tới - em có nghe, nghe hồn thu nói: mình yêu nhau nhé - Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ - em có hay thu về hết dấu cô liêu - Và em có hay khi mùa thu tới - bao trái tim vương mầu xanh mới - em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây..."

Lập tức, những âm giai thơ mộng, lụa nõn, những ngôn ngữ lãng mạn thiên đàng, đã được tuổi trẻ miền Nam đón nhận, như nhận đón niềm hạnh ngộ mà họ tìm kiếm, họ khao khát, họ đợi chờ bằn bặt bao năm. Lập tức, cõi nhạc Ngô Thụy Miên trở thành kẻ đồng hành, người tình trên lối về địa đàng của hàng triệu trái tim thanh, thiếu niên thành thị, miền Nam.

Rồi hàng loạt những ca khúc kế tiếp của Ngô Thụy Miên, tiếp tục tháp những đôi cánh mơ ước lớn lao cho những tâm hồn khô nẻ yêu thương, cho những trái tim khát khao mùi hương lãng mạn, bay bổng trên những tầng trời... Những tầng trời không có dấu vết đạn bom. Những tầng trời không có người chết hai lần. Những tầng trời không có khăn tang, không có quay lưng, thù hận, không có chia lìa, oán cừu...

Ðó là giai đoạn, là thời kỳ của những ca khúc mang tên Ngô Thụy Miên, như những quả bong bóng ước mơ, mang dỗi hờn trẻ thơ bay tới nghìn cao nắng gió. Ðó là thời kỳ của những ca khúc, như: Giáng Ngọc, Niệm Khúc Cuối, Giọt Nước Mắt Ngà, Áo Lụa Hà Ðông, Tuổi Mười Ba (hai bài này, phổ thơ Nguyên Sa); hoặc nữa: Từ Giọng Hát em.

"Rồi từ giọng hát em chợt vút cao vút cao, một trời một trời - bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài mệt nhoài một phận đời - ôi biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca êm mặn nồng, trong tim muộn phiền - người đem giá băng về trên tuổi đá buồn..."

Tôi vẫn nghĩ, ở thập niên 70, nếu ta chọn cõi nhạc Trịnh Công Sơn, tiêu biểu cho những lượng bạch phiến giúp cơn đau nhức tuổi trẻ, ngủ yên; thì, cõi nhạc Ngô Thụy Miên tiêu biểu cho mặt tương phản, mặt suối mát, mặt hương thơm tình ái, mặt tuổi trẻ phơi phới tin yêu...

Tôi cho, đó là hai mặt của một đồng tiền đời sống. Ðó là tính nhị nguyên, đương nhiên, bắt buộc của nghệ thuật, hiện hữu, ở bất cứ lãnh vực, phương diện nào. Tính tương phản này đã bổ túc để làm thành sự cân bằng cần thiết cho đời sống tinh thần ta, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ.

3.

Là người trân trọng với nghệ thuật, nghiêm cẩn với âm giai, Ngô Thụy Miên, ngay tự quê nhà, giữa lúc đời nhạc Ngô Thụy Miên là một nhan sắc rực rỡ nhất, một tỏ tình kiêu kỳ nhất, họ Ngô cũng không vì thế, mà, suồng sã, vội vàng, hấp tấp với âm nhạc. Ở Việt Nam, tính cho đến ngày 30-4-1975, trước sau, Ngô Thụy Miên chỉ cho ra đời một băng nhạc duy nhất. Băng Tình Ca Ngô Thụy Miên, do Trung tâm Thúy Nga độc quyền phát hành hồi cuối năm 1974.

Bản chất trân trọng này, dường bất biến trong đời sống sáng tác của Ngô Thụy Miên. Với mười bảy năm ở quê người, kể từ bước chân tỵ nạn thứ nhất, nơi thành phố cực nam tiểu bang California, rồi Orange County trước khi chọn Washington State để làm cuộc định cư cho tới ngày hôm nay, số lượng ca khúc mà họ Ngô hoàn tất, cho phổ biến chỉ trên dưới 20 nhạc phẩm.

Ngô Thụy Miên chọn ra chín ca khúc từ mười lăm ca khúc viết trong thập niên 90, cộng với một ca khúc quen thuộc từ Việt Nam, nhạc phẩm "Dấu Tình Sầu", để làm thành đĩa nhạc "Riêng Một Góc Trời", do Trung tâm Thúy Nga Paris thực hiện (vừa mới phát hành); đã là một minh chứng cho bản chất nghiêm cẩn bất biến của tác giả này.

Khác hơn những ca khúc được sáng tác trước 1975, ở quê nhà, nơi đĩa nhạc mới, "Riêng Một Góc Trời", người ta rất dễ dàng tìm thấy những vết bầm dập của cuộc đời tạm dung. Ở đĩa nhạc mới, "Riêng Một Góc Trời", người ta cũng dễ dàng nhận ra những phản ảnh phũ phàng, nhói, buốt của những phần đời tỵ nạn:

"Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối mơ - nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề xa dời chốn xưa - tình như lá úa, rơi buồn trong nỗi nhớ - mưa vẫn mưa rơi - mây vẫn mây trôi - hắt hiu tình tôi - người vui bên ấy, xót xa nơi này - thương hình dáng ai - vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm, nghe giọt nắng phai - đời như sương khói, mơ hồ, trong bóng tối - em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời - người yêu dấu, người yêu dấu hỡi, khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây - nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay, nay còn đâu - tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa, khi mùa đông về theo cánh chim bay là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi!...!"
(trích Riêng Một Góc Trời)

Nó không còn là những nâng niu, những lụa mềm trẻ thơ, môi mắt. Nó không còn là những tân cảm, những kỷ niệm tư riêng của tác giả. Nó cũng không còn là những rung động ngọt ngào của đôi tình nhân, dù có chia tay, trên đường tìm về địa đàng nhân thế... Mỗi giòng nhạc, mỗi lời ca, mỗi âm vang đã là một mảnh đời sần sùi, thô nhám của cuộc sống chúng ta, bất cứ một ai, trong chúng ta, giữa dòng sống luân lạc này.

Ðó là Ngô Thụy Miên của thập niên 90. Ðó là dòng nhạc, như một cánh cửa mới, của người nhạc sĩ tài hoa này, mở vào, và, rọi soi tới những ngõ, ngách, những lối, nẻo vong thân, cảnh tình trôi dạt. Ðó là cánh cửa mới, mở vào sinh phần âm nhạc Ngô Thụy Miên, chân thiết chọn ở với định mệnh Việt lưu đầy. Nhưng, đồng thời, đó cũng là cánh cửa muộn phiền, mở vào đời ta, hôm nay, quê người, xốn xang quá đỗi, vậy.

Nguyễn Tuấn Huy
Người Việt Tây Bắc (tháng 2/1997)