Lê Xuân Hân và Khung Trời Xa Lạ


Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên video, ca sĩ Tuấn Ngọc đã phát biểu một ý kiến như sau: "Trong 2 thập niên 60, 70 tại Sàigòn đã có những nhạc sĩ tự thực hiện băng nhạc với tiếng hát của chính mình, cùng một chiếc đàn guitar và một vài hợp âm giản dị…". Theo tôi, đây là một nhận xét rất chính xác của anh. Có thể nói trong khi một số ít nhạc sĩ tiền chiến đã có cơ hội theo học nhạc với các nhạc sĩ nhà nghề tây phương. thì hầu hết những người viết nhạc trẻ trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975, không có mấy ai được cái may mắn này! Như vậy nếu nhiều người sáng tác nhạc ngày đó chỉ có đủ trình độ căn bản để hoàn thành một ca khúc thì cũng không có gì là lạ. Cái lạ là những nhạc sĩ này với trái tim và tâm hồn của họ đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu ca khúc bất hủ, trường tồn mãi với thời gian.

Năm ngoái, khi nói chuyện trong một chương trình nhạc thính phòng, tôi cũng đưa ra một nhận định như sau: "Hiện tại, mặc dù nền tân nhạc của chúng ta đang ở trong một tình trạng khó khăn đi tìm một đường hướng mới, một phát triển riêng, thì cũng chính đây là một thời điểm mà chúng ta lại có nhiều nhạc sĩ, được gần gủi, tiếp nhận nền âm nhạc tây phương. Nhưng khác với đa số các nhạc sĩ tiền chiến, những người bạn trẻ nàyï đã tự trình diễn lấy những tác phẩm của mình, và nhiều người cũng có khả năng viết hòa âm, cũng như xử dụng các nhạc khí một cách thuần thục. Dòng nhạc của họ trẻ trung hơn, cùng với phần hòa âm mới mẻ, sống động đã đáp ứng được nhu cầu thưởng ngoạn của các thế hệ bây giờ…"

Ðầu năm 2003 nhà thơ Trường Ðinh giới thiệu với tôi một nhạc sĩ trẻ, và một lần nữa đã đem lại cho tôi niềm tin vui là nền sinh hoạt âm nhạc của chúng ta ở hải ngoại dù có gặp nhiều khó khăn, nhưng sẽ vẫn tiếp tục phát triển với những đóng góp của lớp người mới, và vườn hoa âm nhạc sẽ tiếp tục khởi sắc với những dòng nhạc của ngày hôm nay. Tôi đã được nghe 10 tình khúc trong cuốn CD có chủ đề Khung Trời Xa Lạ, mà ca nhạc sĩ Lê Xuân Hân đã tự trình bầy những sáng tác của mình cùng phần hòa âm do chính Lê Xuân Hân và Vũ Quang Trung phụ soạn. Qua những ca khúc mới này, tôi đã tìm thấy một người tuổi trẻ tài hoa, một người mà theo tôi, đã có thể hấp thụ những cái hay, cái mới của nhạc ngoại quốc, mà vẫn giữ được cái phong cách, cái đẹp của nhạc Việt Nam, một người đã có những sáng tác với nhiều giai điệu trẻ trung, nồng nàn, tràn đầy sức sống, nhưng cũng thật lãng mạn, trữ tình, cùng với lời ca nhẹ nhàng, trong sáng và giọng hát truyền cảm, tươi mát. Ở Lê Xuân Hân, tôi đã tìm thấy một sự kết hợp giữa 2 dòng nhạc trước 75 và những dòng nhạc bây giờ, Ý nhạc không già lắm như trong Khung Trời Xa Lạ, Mưa Buồn Trong Mắt Em, Trái Tim Mù Lòa nhưng vẫn chuyên chở trọn vẹn được tình cảm tâm tư của những người lớp tuổi tôi. Giai điệu không trẻ nhiều như Tìm Về Giấc Mơ, Mênh Mang, Vết Thương Tình nhưng tôi tin là sẽ được các bạn trẻ hân hoan đón nhận như một tiếng nói đại diện cho những rung động, những khắc khoải về tình yêu của thế hệ hôm nayï. Phần hòa âm đã được Lê Xuân Hân và Vũ Quang Trung chăm sóc kỹ lưỡng qua nhiều thể điệu khác nhau, cùng phần hát bè đúng lúc, đúng chỗ đã đóng góp không ít vào sự thành công cho cuốn CD này.

Tôi nghĩ những sáng tác của Lê Xuân Hân xứng đáng được sự tiếp nhận của người thưởng ngoạn, của những người còn quan tâm đến sự phát triển tình ca Việt Nam. Và người yêu nhạc của nhiều thế hệ chúng ta cũng xứng đáng được thưởng thức một dòng nhạc mới có giá trị này. Mong Lê Xuân Hân hãy mang tiếng hát của mình đến với quí vị khán thính giả khắp nơi, hãy đóng góp nhiều hơn nữa vào những sinh hoạt âm nhạc để có thêm cơ hội giới thiệu những đứa con tinh thần của mình. Và như thế tôi tin là tiếng hát và dòng nhạc này sẽ một ngày bay cao trong vòm trời nghệ thuật. Chúc người bạn trẻ sẽ sáng tác nhiều tình khúc mới, đặc sắc hơn nữa trong tương lai.

Ngô Thụy Miên 03/2003