Góc Trời Ngô Thụy Miên - hình bìa trước


Góc Trời Ngô Thụy Miên - hình bìa sau

Lời Giới Thiệu của Nguyễn Ngọc Ngạn



Những ngày ngắn ngủi ở trại tị nạn Mã Lai đầu năm 1979, chờ hoàn tất thủ tục định cư, tôi làm quen được một người bạn mới: nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, lúc ấy cũng đang đợi chuyến bay đi Montreal. Ngày đó, tôi chỉ biết tên anh qua một bản nhạc duy nhất là "Mùa Thu Cho Em", thường nghe trên đài phát thanh liên tiếp những năm sau 70. Một bản nhạc thôi, nhưng tôi đã để ý thấy cái giai điệu và nhất là lời ca, chứa đựng một ý hướng vươn lên, một niềm hạnh phúc chan hòa mở ra cho người nghe ở thời kỳ mà miền Nam đang bước dần vào tuyệt vọng.

Ngồi với Ngô Thụy Miên một tối tháng ba, dưới mái tôn còn sót lại sức nóng bừng bừng của mặt trời miền Tây Mã Lai, tôi thấy trước mắt tôi là một thanh niên trầm mặc, nói năng từ tốn đắn đo, không có vẻ gì là dáng dấp của một nghệ sĩ, ít ra là bề ngoài. Anh dè dặt quá, khiến chính tôi gợi chuyện mãi cũng thấy ngại. Tôi đang ôm tập bản thảo truyện dài đầu tay, mấy trăm trang cặm cụi viết tay trong hai tháng, lo âu chẳng biết khi đi định cư làm thế nào để xuất bản. Tôi nói với Ngô Thụy Miên ý nghĩ ấy. Anh hứa sẽ giới thiệu những người bạn trong giới văn nghệ mà anh quen biết từ Việt Nam, để họ giúp tôi, cho tác phẩm đầu tay của tôi chào đời. Anh nói thế, nhưng thật ra anh cũng như tôi, nằm ở trại tị nạn, không hình dung được sinh hoạt văn nghệ ở hải ngoại nó diễn ra như thế nào. Chúng tôi chia tay nhau, anh lên đường trước tôi khoảng một tháng, và tuy cùng đi Canada, nhưng cả mười năm sau vẫn chưa gặp lại lần nào.

Ðến Vancouver được vài tháng, chung sống với dăm ba người bạn trẻ yêu nhạc, tôi mới giật mình nghe được cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên, trong đó gồm toàn những sáng tác độc đáo về cả nhạc lẫn chất thơ. Rồi những ngày kế tiếp, đi đâu cũng nghe tình ca Ngô Thụy Miên. Những bài Giáng Ngọc, Bản Tình Cuối, Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em v.v... cùng những bài phổ thơ Nguyên Sa một cách tài tình, bỗng trở thành dòng nhạc hiếm quí của thời gian đầu cộng đồng người Việt đang hình thành khắp nơi. Tôi được biết đợt tình ca trau chuốt này, Ngô Thụy Miên trình làng muộn màng quá, vào cuối năm 74, cho nên nhiều người, trong đó có tôi, chưa kịp nghe lần nào thì miền Nam đã đổi chủ. Thôi thì bây giờ nó trở thành hành trang theo bước chân lưu vong, cũng là một điều hay. Mỗi lần nghe, tôi đều nhớ đến Ngô Thụy Miên, chàng thanh niên độc thân có bộ râu quai nón gọn ghẽ, ngồi hiền lành bên tôi trong dãy nhà tôn ở Mã Lai đêm nào, ăn với nhau bát chè đơn giản, uống với nhau tách cà phê loãng, rồi từ đó chưa gặp lại.

Mười bốn năm sau, lại cũng đúng vào tháng ba, Ngô Thụy Miên và tôi mới có dịp bắt tay nhau trên bờ sông Seine, kinh đô nước Pháp. Cả hai chúng tôi dĩ nhiên không còn độc thân nữa, tuổi đời tăng nhanh, và cái tình sơ giao buổi đầu ở trại tị nạn, bây giờ mới trở thành thân giao khi chúng tôi miệt mài làm việc để hoàn tất cuốn Paris By Night 21, chủ đề Tình Ca Ngô Thụy Miên. Tháng 3 của Paris, không phải là tháng 3 của Mã Lai. Trời lạnh căm căm như mùa Ðông đất Bắc, chúng tôi theo đoàn chuyên viên đi thực hiện phần phỏng vấn trên du thuyền Bateau Mouche, hoặc trên những cây cầu bắc ngang con sông nổi tiếng, nao nao nhớ lại lần gặp đầu tiên ở trại tị nạn.

Tôi mừng vì Ngô Thụy Miên vẫn tiếp tục sáng tác, dù rằng biến cố 75 không thể không làm anh, cũng như bất cứ người viết nhạc nào, bị gián đoạn ít nhiều nguồn hứng, như tia sáng khúc xạ ở một môi trường mới. Cảm xúc anh vẫn đầy, lời ca vẫn trau chuốt và nhất là nét nhạc vẫn nghiêm cẩn, phảng phất chút âm hưởng dòng cổ điển Tây Phương. Từ "Bản Tình Ca Cho Em" viết đúng vào cái mốc đổi đời, cho đến "Riêng Một Góc Trời" mới đây, đã chứng tỏ Ngô Thụy Miên hôm nay vẫn là Ngô Thụy Miên của hai mươi năm trước.

Trong niềm quí mến đối với một người luôn dành sự trân trọng đúng mức cho âm nhạc, tôi mạo muội ghi lại đôi hàng kỷ niệm và hân hạnh giới thiệu cùng bạn đọc, tập nhạc quí giá này.

Nguyễn Ngoc Ngạn 6/97


Trong tuyển tập nầy:

1) Riêng Một Góc Trời 1996
2) Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng 1994
3) Gọi Tên Anh 1994
4) Paris - thơ Nguyên Sa 1980
5) Em Về Mùa Thu 1992
6) Mây Bốn Phương Trời 1995
7) Dấu Vết Tình Yêu 1993
8) Niệm Khúc Cuối 1971
9) Tuổi Mây Hồng 1994
10) Tháng Sáu Trời Mưa - thơ Nguyên Sa 1984
11) Thu Trong Mắt Em 1995
12) Tình Cuối Chân Mây 1992
13) Tháng Giêng Và Anh - thơ Nguyên Sa 1986
14) Cần Thiết - thơ Nguyên Sa 1993
15) Tình Khúc Buồn - thơ Phạm Duy Quang 1972
16) Áo Lụa Hà Ðông - thơ Nguyên Sa 1970
17) Từ Giọng Hát Em 1970
18) Mùa Thu Cho Em 1967
19) Tình Khúc Tháng Sáu - ý thơ Nguyên Sa 1970
20) Giáng Ngọc 1970
21) Bản Tình Cuối 1971


Ðịa chỉ liên lạc:
Văn Khoa
xuất bản và phát hành
9200 Bolsa Ave, Suite 123
Westminster, CA 92683 USA
phone & fax: (714) 892 0801