Ngô Thụy Miên
Tác Giả và Tác Phẩm Cho Ðời Cho Người


Nguyễn Ðức Tuấn thực hiện



Nếu nói đến tên tuổi của những nhạc sĩ đã thành danh ở những năm đầu thập niên 70 thì phải kể đến những Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Lam Phương... Trong bài viết ngắn này chúng tôi muốn được trân trọng giới thiệu đến quý độc giả, người nhạc sĩ có những tác phẩm đã trở thành bất hủ, thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người VN chúng ta từ trong nước đến hải ngoại cũng như từ trước 75 đến sau 75 cũng thế, những nhạc phẩm ấy như Mắt Biếc, Áo Lụa Hà Ðông, Mùa Thu Cho Em, Paris Có Gì Lạ Không Em, Dốc Mơ, Em Còn Nhớ Mùa Xuân... Vâng, đó là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, người nhạc sĩ đã nổi tiếng từ lâu cũng như tên của ông đã rất quen thuộc với tất cả những ai làm nghệ thuật, văn nghệ hay đối với giới thưởng ngoạn ở mọi nơi cũng thế...


Ðó là một buổi sáng, trời rất đẹp và người viết đã hân hạnh gặp gỡ ông tại tư gia ở thành phố Olympia, thủ đô của tiểu bang Washington... Và trong suốt hơn một giờ tiếp xúc đó chúng tôi đã trao đổi với nhau nhiều, thật nhiều những tâm tình, kinh nghiệm về âm nhạc, cùng đời sống...

Nguyễn Ðức Tuấn (NDT): Chào chú, xin chú cho biết về quá trình hoạt động văn nghệ của chú trước năm 1975 như thế nào ?

Ngô Thụy Miên (NTM): Tôi bắt đầu viết nhạc vào năm 1963, tức là năm tôi còn đang theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sàigòn. Lúc tôi bắt đầu sáng tác thì những tác phẩm đầu tay của tôi lúc đó chịu ảnh hưởng của tây phương, cho đến năm 1965 thì tôi bắt đầu viết những tình khúc Ngô Thụy Miên, bài hát mà tôi hoàn tất đầu tiên năm 65 là Chiều Nay Không Có Em, tiếp đến là Mùa Thu Cho Em, Áo Lụa Hà Ðông... Trước năm 75, tôi sáng tác khoảng 20 tình khúc đồng thời cũng thời gian đó tôi cùng với bạn bè hay tổ chức những đêm hát tình ca Ngô Thụy Miên ở các giảng đường đại học, các trung tâm văn hóa để giới thiệu những nhạc phẩm mới của mình... Và cũng cùng thời gian đó, các nhạc sĩ khác như Từ Công Phụng, Vũ Thành An, cũng có tổ chức những đêm giới thiệu nhạc của họ như thế. Cho đến đầu năm 74 thì lúc ấy nhạc Ngô Thụy Miên đã được nhiều người biết đến do đó tôi quyết định thực hiện cuốn băng Tình Khúc Ngô Thụy Miên, gồm có 17 tình khúc như đã nói là Áo Lụa Hà Ðông, Mắt Biếc, Chiều Nay Không Có Em... Cuốn băng đầu tay đó của tôi có sự góp mặt của hầu hết những ca sĩ tên tuổi, hay đối với tôi thì tiếng hát của họ là tuyệt vời lắm ở Sàigòn thời đó như Thái Thanh, Duy Trác, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Lan, Xuân Sơn, Sơn Ca, Châu Hà, Duy Quang... và phần hòa âm là do nhạc sĩ Văn Phụng đảm trách (cười)... Tôi còn nhớ sau đó, nhạc sĩ Văn Phụng đã nói rằng đó là một trong những cuốn băng ông hài lòng nhất về phần hòa âm, còn về phần phát hành thì do trung tâm Thúy Nga phụ trách. Rồi sau biến cố 75 thì cuốn băng đã không còn được phổ biến nhưng nó vẫn còn lưu hành bí mật trong dân gian...

NDT: Vậy chú ở lại VN bao nhiêu năm? Trong thời gian đó chú làm gì? Có sáng tác thêm nhạc phẩm nào không ?

NTM: Sau 75, tôi ở lại cho đến năm 78, và trong suốt 3 năm đó tôi không làm gì cả ngoài lo tìm đường vượt biên... Nói về sáng tác ở thời gian đó, thì tôi có viết một bài, đó là Em Còn Nhớ Mùa Xuân, và tôi hoàn thành bài này năm 1978... cũng là năm tôi đã đến được trại tị nạn ở Bidong (Mã Lai). Rồi vẫn năm ấy tôi gặp lại nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trên đảo. Trở lại Em Còn Nhớ Mùa Xuân, trong thời gian ở trên đảo tôi đã hát bài đó đầu tiên trong những buổi sinh hoạt của dân tị nạn... Và sau này khi sang đến Mỹ thì bài đó cũng đã được thu lại trong cuốn băng thứ 2 do nhạc sĩ Ngọc Chánh phát hành.

NDT: Trong thời gian ở trại tị nạn chú có viết được thêm bài nhạc nào mới không ? Và đến khi bắt đầu sang Mỹ thì lúc nào chú bắt đầu sáng tác trở lại ? gồm những bài nào ?

NTM: Thật sự là lúc ở đảo là lúc tinh thần mình hoang mang nhất, lo lắng nhất... bởi vì nhìn lại quá khứ thì đầy dẫy những kỷ niệm vui buồn còn tương lai thì chưa biết mình sẽ trôi về đâu ? và cái gì sẽ xảy ra cho mình trong những ngày tháng sắp tới ? Bởi vậy tôi đã không sáng tác được thêm bài nào trong thời gian đó cả... Cho đến năm 80 tôi sang được đến Mỹ, và thời gian đó tôi ở San Diego (Cali) cùng năm đó tôi bắt đầu viết trở lại. Những bài mà tôi đã sáng tác hồi năm 80 là Bài Tình Ca Cho Em, Nắng Paris Nắng Sàigòn, Dốc Mơ, cũng là bài trong Video "Tác Giả - Tác Phẩm" của trung tâm Asia vừa rồi do Khánh Hà trình bày... và như tôi đã nói ở trên thì đến năm 82, tôi được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời thu cuốn Tình Ca Ngô Thụy Miên số 2.


NDT: Ðược biết là hơn 10 năm trước chú ở Cali và chú đã rời Cali để dọn về Wasington này, chú có thể cho biết lý do tại sao chú "di cư" như vậy ? Và chú nghĩ sao khi giới văn nghệ nói rằng chú về Washington là để ở ẩn ?

NTM: Câu hỏi nầy đã có rất nhiều người hỏi tôi mỗi khi tôi về thăm Cali... Nếu nói về lý do tại sao thì có rất nhiều lý do nhưng một phần lớn câu trả lời là từ đời sống gia đình cũng như đối với tôi bây giờ khi sang đến đây tôi đã không còn là một người cầm đàn đi hát như hồi xưa nữa mà tôi chỉ là người chuyên về sáng tác, đồng ý là nếu ở Cali thì gần anh em văn nghệ hơn, phương tiện truyền thông cũng nhanh hơn và về mặt phát hành nhạc cũng dễ hơn, thế nhưng khi tôi lên trên vùng Washington này thì thấy không khí ở đây tươi mát hơn, yên tĩnh hơn cũng như sẽ là môi trường thích hợp cho sự mơ mộng sáng tác... Nhưng mà nói thế chứ như với anh Ngọc Chánh chẳng hạn thì cũng vẫn thực hiện cuốn băng tình ca Ngô Thụy Miên số 2 và đến năm 93 thì Thúy Nga làm cuốn video chủ đề Ngô Thụy Miên rồi sau đó họ mời tôi thực hiện video đó cùng với cuốn CD, đến năm 97 thì tiếp tục làm thêm CD Riêng Một Góc Trời... Song song với những hoạt động cũng như lời mời tham gia từ các trung tâm ca nhạc thì tôi vẫn hay về Cali để tham dự sinh hoạt văn nghệ của những anh chị em nghệ sĩ như đêm kỷ niệm 20 năm văn học nghệ thuật ở hải ngoại do anh Du Tử Lê làm hay những đêm sinh hoạt của Thúy Nga... Còn chuyện người ta nói rằng tôi về đây để ở ẩn thì tôi nghĩ ở đâu cũng có người , và ở đâu cũng có cảnh để mình yêu... Cũng như cho dù ở đâu cũng thế khi trái tim còn đập tức là mình còn có thể yêu và như thế là mình vẫn còn tiếp tục sáng tác...

NDT: Chú nghĩ sao về tình yêu ?

NTM: Tình yêu là chìa khóa để giải quyết mọi chuyện trên thế giới, và có lẽ nếu không có tình yêu thì thế giới này chẳng còn gì đáng để lưu luyến, hay viết nhạc... Và có lẽ vì thế mà nhạc của Ngô Thụy Miên là ca tụng tình yêu, vạn tuế tình yêu hay vẽ ra tất cả những vẻ đẹp của tình yêu ở muôn màu khác nhau.

NDT: Qua đây đã 19 năm, vậy chứ trong tiềm thức của chú, quê hương là như thế nào ?

Một thoáng im lặng, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đưa tay xoay vần cốc trà, rồi ông dừng lại, đứng lên đi vòng ra phía sau và bỗng nhiên ngồi xuống chiếc đàn dương cầm nhỏ, ông dạo một khúc trong bài Em Còn Nhớ Mùa Xuân... Bầu không khí vẫn im lặng, sau đó ông đứng dậy đi lại chỗ ngồi cũ và nhấc ly trà hớp một ngụm... Dường như trong đôi mắt ông lúc ấy đượm một chút đăm chiêu, nghĩ ngợi giống như nỗi nhớ, trở về những ngày tháng cũ của một thời Sàigòn thanh bình, êm ả... Của sự tiếc nuối như vừa đánh mất một vật gì quý báu lắm trong tay...

NTM: Tôi nghĩ quê hương là một nơi cho dù xa hay gần ai cũng muốn trở về sống ở đó, để thưởng thức, hít thở không khí trong lành của quê hương mình... Và đó cũng là một điều mà tôi thấy rằng thiệt thòi cho nền văn học nghệ thuật VN nói chung và âm nhạc nói riêng, bởi vì những người ở trong nước là những người có được bầu không gian, hay không khí của Vũng Tàu, Ðà Lạt, Nha Tranh hay Hà Nội, Sàigòn nhưng ngược lại thì họ không có điều kiện để thực tập với âm thanh, ánh sáng như ở đây, ngược lại đối với những người sáng tác như tôi hay một số nhạc sĩ khác ở đây... Thì tất cả những điều kiện, kỹ thuật hiện đại như tôi đã nói ở trên thì lúc nào cũng có sẵn nhưng về mặt sáng tác thì ít nhiều cũng bị giới hạn bởi ở đây dù sao cũng không phải là quê hương của chúng ta... do đó dòng nhạc cũng bị thay đổi... Rất tiếc... và hy vọng sẽ có một ngày trở về để nhìn thấy lại quê hương...

NDT: Tức là có phải chú muốn nói đến niềm hy vọng vào lúc cuối đời chú sẽ trở về quê hương để sống và chết ở đó phải không ?

NTM: Có thể nói rằng tôi thật sự muốn trở về thăm lại Hà Nội, hay nhìn thấy lại Sàigòn của một thuở nào đã qua nhưng... nói rằng trở về đó để ở luôn và chết ở đó thì có lẽ còn phải tùy vào nhiều yếu tố khác để xem coi như thế nào ? Có nhiều việc mình muốn nhưng chưa hẵn là sẽ làm được, phải không ?

NDT: Kể từ lúc sang định cư ở Hoa Kỳ này chú đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm ?

NTM: Thì trong thập niên 80 tôi viết 12 hay 13 bài, đã được thực hiện ở cuốn băng Ngọc Chánh... Những bài như là Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Nắng Paris Nắng Sàigòn, Dốc Mơ, Bài Tình Ca Cho Em, và một số bài tôi phổ thơ của Nguyên Sa như Tháng Giêng và Anh, Tháng 6 Trời Mưa... Sau đó thì tôi viết một loạt khoảng 10 đến 12 bài trong thập niên 90, thực hiện trong cuốn băng Riêng Một Góc Trời... Dự định trong tương lai của tôi là sẽ phổ biến những sáng tác mới đến khán thính giả những tình khúc Ngô Thụy Miên...


NDT: Chú nghĩ sao về nhạc tiền chiến ?

NTM: Nhạc tiền chiến đối với tôi là những bản tình ca hay nhất, nhẹ nhàng, dễ thương nhất của nền âm nhạc VN... Có lẽ sau nhạc tiền chiến người ta sẽ không bao giờ được nghe những bài nhạc, lời nhạc hoặc nốt nhạc hay như thế bởi vì những tác giả đó đã sống hoàn toàn trong một thế giới của những dòng nhạc của tôi hay của những tác giả cùng thời với tôi hoặc thế hệ sau nầy...

NDT: Trong tất cả những bài nhạc mà chú đã viết, sáng tác nào chú nghĩ rằng chú ưa thích nhất, hay gây cho chú nhiều kỷ niệm nhất ?

NTM: Mỗi một bài tôi đã viết đều giống như một đứa con tinh thần... Mỗi một bài nhạc là một sự gợi nhớ lại một hình ảnh của một người tình đã đi qua đời tôi hay một chuyện tình đã đến rồi đi hoặc dừng lại... Nói chung thì tất cả những bài nhạc mà tôi đã gửi đến khán thính giả và được khán thính giả ưa thích thì tôi cũng đều ưa thích cả. Nhưng nếu muốn nói đến những tác phẩm của Ngô Thụy Miên thì theo chủ quan của tôi thì ở vào thập niên 60, 70 tôi có những bài nhạc đã được nhiều người ưa thích như Mắt Biếc, Niệm Khúc Cuối, Từ Giọng Hát Em, còn trong thập niên 80 thì có bài Dốc Mơ, mặc dù bài Dốc Mơ không được phổ biến nhiều như những bài khác nhưng đó là dòng nhạc tiêu biểu của tôi vào thời gian đó, sang đến thời gian sau này tức là thời gian thập niên 90 thì có bài Miên Khúc, cũng là một bài tôi rất yêu thích và hy vọng sẽ gửi đến khán thính giả trong thời gian sắp tới...

NDT: Trong suốt một khoảng thời gian dài mấy mươi năm sáng tác như thế, nếu để lại từ lúc ban đầu đến bây giờ, nói về tình cảm riêng của chú, chú có thể cho biết là chú đã có bao nhiêu cuộc tình đã qua ?

NTM: (im lặng...) Ðối với tôi mỗi một bản nhạc thật ra như tôi đã đề cập đến ở trên thì đều gợi lại một hình ảnh, một cuộc tình đã qua như một chuyện tình hay một người tình khi đã được viết thành lời nhạc thì tự nó đã đánh mất bớt những hương hoa, cái đẹp của những cuộc tình đó rồi bây giờ nếu còn phải nói đến hay kể ra thì tôi nghĩ hãy để thính giả chia xẻ và tự họ sống ở trong những lời nhạc hay từng bước đi của giòng nhạc Ngô Thụy Miên...

NDT: (cười) Kỷ niệm nào là vui hay buồn nhất trong cuộc đời đi hát của chú ?

NTM: Kỷ niệm vui nhất của tôi trước năm 75 là đêm ra mắt cuốn băng đầu tay của Ngô Thụy Miên, đêm đó có khá đầy đủ những ca nghệ sĩ tiếng tăm như Thái Thanh, Thanh Lan, Duy Trác... Và sau 75 thì thời gian tôi sang Paris để thực hiện cuốn video Tình Ca Ngô Thụy Miên do trung tâm Thúy Nga thực hiện. Còn buồn nhất là sau 75 có một hôm tôi đi dạo trên đường Lê Lợi thì thấy nhạc của mình bị trải dài trên các vỉa hè vì lúc đó người ta lo bán tháo, bán chạy tất cả những loại nhạc cũ... Và hôm đó tôi đã rất buồn vì biết rằng cuộc đời sáng tác cũng như đi hát của mình đã chấm dứt từ đây...


NDT: Thường khi chú sáng tác những bài mới thì lời nhạc sẽ đi trước hay melody đi trước ?

NTM: Nói về technique viết nhạc thì thường là tôi phải thu vào máy hay ghi lại để mình nhớ nhưng thường thì nhạc đến trước... Một thème nhạc đến có thể bằng điệp khúc hay đoạn cuối sau đó thì mình mới thêm thắt lời, cũng như melody để phát triển cả bài nhạc... Nhưng nói chung là tùy thôi không gò bó trong bất cứ một method, quy tắc nào.


NDT: Chú nghĩ sao về ca sĩ Việt Nam ở hải ngoại này ?

NTM: Ðối với làn sóng ca sĩ mới, trẻ ở hải ngoại thì chúng ta dù sao vẫn có được một sự may mắn là có rất nhiều ca sĩ tuy rằng trẻ nhưng hát vẫn thành công, vẫn đáp ứng đúng nhu cầu của khán thính giả như Vũ Khanh chẳng hạn, anh có giọng hát rất điêu luyện, vững trãi và ấm. Ngoài ra thì có Don Hồ cũng thế, hay đối với trung tâm Asia cũng vậy, những ca sĩ của họ hát được và đáp ứng đúng theo nhu cầu giới trẻ hiện nay.

NDT: Chú có muốn nói một chút về tập nhạc Góc Trời Ngô Thụy Miên ?

NTM: Thì.. trong một lần đi xuống Cali để ra mắt cuốn CD Riêng Một Góc Trời, tôi có gặp ông Ðỗ Ðình Tuân là nhà xuất bản Văn Khoa thì ông có đề nghị với tôi về vấn đề in một tập nhạc gồm những bài mới của tôi và bởi vì nhà xuất bản Văn Khoa là một nhà xuất bản đứng đắn, nên tôi đã đồng ý với đề nghị đó... Riêng về tập nhạc Góc Trời Ngô Thụy Miên thì gồm 20 bài, trong đó có 12 bài viết trong thập niên 90, còn 8 bài thì viết rải rác trong khoảng từ thập niên 60, 70 hay 80... Tôi muốn nói thêm một chút về tên của những nhạc phẩm trong tập nhạc đã phát hành như Riêng Một Góc Trời, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Cần Thiết, Tình Cuối Chân Mây, Từ Giọng Hát Em, Áo Lụa Hà Ðông, Niệm Khúc Cuối...

NDT: Sự thành công nhất trong cuộc đời chú là gì ?

NTM: Sang đây được đi học lại và có việc làm tương đối tốt, vững là một điều vui và bên cạnh đó tôi vẫn còn tiếp tục sáng tác, cũng như những nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên vẫn được khán thính giả yêu thích cũng là một điều rất vui trong cuộc đời của tôi...

NDT: Lúc chú buồn nhất, chán nhất hay muộn phiền nhất thì chú sẽ làm gì ?

NTM: Ở đây thì khi nào buồn nhất hay gặp chuyện không vui thì tôi đi dọc ra bờ hồ rồi tìm đến một quán cafe nào đó để ngồi yên tĩnh, nhớ đến những chuyện vui hay những ngày tháng cũ hay ra đằng sau nhà để ngồi uống trà, suy nghĩ và thường thì những lúc đó là những lúc giòng nhạc đến để mình lại có thể sáng tác tiếp... (cười)

NDT: Chú có nghĩ âm nhạc là một phần trong đời sống của chú ?

NTM: Vâng, âm nhạc thật sự là một phần trong cơ thể của tôi, bởi vì hầu như không ngày nào tôi không cầm đàn để đánh hay nghe nhạc cổ điển mỗi đêm...

"Vâng, âm nhạc là một phần trong cơ thể của tôi..."

Dường như đó là câu trả lời của hầu hết những người viết nhạc, sống vì nhạc hay nợ ân tình, cơm áo cũng chỉ vì nhạc, và đó là nghiệp dĩ mà sẽ không thể nào tách rời khỏi đời sống của một con người giống như nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tâm tình với người viết rằng ông đã chẳng có lần toan tính chuyện bẻ bút, bỏ đàn, nhưng rồi ngày tháng qua đi người nhạc sĩ ấy lại nhớ đàn, thèm viết giống như người thèm thuốc, nghiện rượu... Và cuối cùng nghiệp dĩ đó vẫn không thể nào tách xa cuộc đời ông được.

Cuối cùng, cảm ơn những giòng nhạc đó của ông, những bài tình ca Ngô Thụy Miên thật êm đềm như từng con sông quê hương hay gợi nhớ về những cánh đồng lúa vàng, những bữa ăn ngô khoai độn ngày hai bữa, hoặc thèm thuồng ân tình em đã trao tôi, để còn có vị thơm ngọt ngào của thịt da con gái... Tất cả là tình yêu, tình yêu để cho dù đôi ta có là những kẻ tội đồ của nhân gian cũng sẽ mãi mãi người đời không bao giờ chê bai hay lên án. Và như thế giòng nhạc ca tụng tình yêu, vạn tuế tình yêu của những tình khúc Ngô Thụy Miên sẽ luôn là bất hủ trong thế giới âm nhạc VN hôm qua, hôm nay, và ngàymai... Thế thôi.

Nguyễn Ðức Tuấn thực hiện
Tháng 2/1999