Những Tiếng Hát Mùa Xuân


Hôm nay mùa xuân đã thực sự trở về nơi tôi đang ở. Sau những tháng ngày dài mưa mãi không thôi, thành phố nhỏ bé như bừng sống trở lại với những giọt nắng ấm trải dài trên thảm cỏ xanh trước cửa nhà. Những cánh hoa đào rụng bay trong gió, những cụm mây trắng lững lờ trên cao như ngày tháng nào, kỷ niệm cũ giờ đã thật xa. Tôi ngồi đây một mình nhớ về những tiếng hát mùa xuân.


Trong hơn 30 năm sáng tác cũng như sinh hoạt văn nghệ, cá nhân tôi đã nhận biết được một điều rất quan trọng. Ðó là nền âm nhạc Việt Nam của chúng ta nói chung, tình ca Việt Nam nói riêng đã có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ được cho đến ngày nay là một phần lớn nhờ vào những tiếng hát, những giọng ca tuyệt vời của các ca sĩ, những người đã có thể chuyên chở tâm tình của người viết chúng tôi đến với quý vị thính giả, những người đã có thể tạo dựng linh hồn riêng cho những đứa con tinh thần mà người nhạc sĩ chỉ có thể cho phần thể xác!

Trong hai thập niên 60, 70... những ngày còn ôm đàn hát giữa trời, tôi rất mê tiếng hát của hai nam ca sĩ Duy Trác và Sĩ Phú. Năm 1974, khi thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên, tôi đã có ý định mời Sĩ Phú hát một bài. Rất tiếc anh đã không có mặt ở Sàigòn thời gian đó. Chúng tôi không có duyên với nhau nhưng đúng như anh nói trong lần gặp ở San José, anh chính là người nam ca sĩ đã hát và phổ biến nhiều nhất những tình khúc của tôi, viết trong các năm 60, 70 và 80 như Tình Khúc Mùa Xuân, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Nắng Paris Nắng Sàigòn...


Duy Trác, người ca sĩ nổi tiếng với những bài ca tiền chiến. Tôi vẫn không quên lần qua Paris năm 93 thực hiện cuốn Video với trung tâm Thúy Nga, những hôm đi ăn sáng với anh, với Nguyễn Ngọc Ngạn và Trần Quốc Bảo. Trời mùa đông Paris thật lạnh, bên ly café nóng chúng tôi nói chuyện quê hương, chuyện những người còn ở lại, chuyện sinh hoạt văn nghệ... Chắc cũng không cần phải nói nhiều về tiếng hát anh, về sự thành công đã mang đến cho Mắt Biếc, cho bài thơ và bản nhạc Áo Lụa Hà Ðông.

Thập niên 80 ở hải ngoại, tiếng hát Tuấn Ngọc đã có một vị trí đặc biệt trong lòng những người viết tình ca chúng tôi. Cũng như nam ca sĩ Duy Quang, từ một người chuyên trình bày nhạc trẻ, anh đã bước vào tình ca Việt Nam một cách nhẹ nhàng. Qua giọng hát anh, những tình khúc của nhiều nhạc sĩ sáng tác trước năm 75 đã trở lại với tâm hồn của hàng triệu người yêu nhạc ở khắp nơi trên thế giới. Tuấn Ngọc đã hát rất nhiều nhạc phẩm của tôi, và gần đây nhất là Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ và Riêng Một Góc Trời một bản tình ca mà tôi nghĩ đã đem tiếng hát của anh lại gần với nhạc của tôi nhất.

Những năm đầu của thập niên 90 đã có nhiều tiếng hát trẻ xuất hiện và đóng góp cho vườn hoa âm nhạc của chúng ta như Vũ Khanh, Don Hồ... cho đến hai năm 97, 98... một giọng hát, một khuôn mặt mới đã nổi bật của người nam ca sĩ trẻ mà tôi vẫn thường thấy được báo chí gọi là "hoàng tử nhỏ" của nền âm nhạc Việt. Ðó là ca sĩ Hoàng Nam. Với tôi, Hoàng Nam là một cậu bé hàng xóm của gần 30 năm về trước ở Sàigòn. Thời gian này, gia đình Nam đã về ở ngay bên kia đường nhà tôi góc Phan Ðình Phùng, Cao Thắng. Ngày tháng đó, Hoàng Nam còn bé lắm, và tôi thì đang ôm đàn đi hát tại khắp các giảng đường đại học, các trung tâm văn hóa, cũng như các hội quán văn nghệ để phổ biến những sáng tác của mình.

Tôi biết khá nhiều về bên ngoại của Nam. Những năm 60, tôi đã cùng với Mẹ của Nam, chị Ðoàn Thanh Xâm theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài gòn. Chị học dương cầm với bà Nguyễn Khắc Cung, còn tôi thì vĩ cầm với thầy Ðỗ Thế Phiệt. Hai người em của chị, Thanh Vân cũng theo học dương cầm với bà Cung, và Thanh Tuyền (người nữ ca sĩ đã cùng với nhạc sĩ nổi tiếng Ðức Huy hợp thành một cặp song ca lẫy lừng nhất của nền nhạc trẻ Việt Nam trước 1975) theo học vĩ cầm với thầy Cung. Giòng đời trôi qua thật nhanh. Gần 30 năm sau gặp lại Hoàng Nam trong buổi ra mắt CD mới Yêu Một Chiều Nắng Phai của Hoàng Nam tại Cali. Ðêm đó Nam hát Riêng Một Góc Trời đã khiến tôi thật sự xúc động. Cậu bé ngày nào bây giờ đã trở thành một thanh niên khôi ngô tuấn tú, và từ giọng hát cho đến lối trình diễn đã lôi cuốn hơn 700 khán thính giả hiện diện. Tiếng ca và giòng nhạc quyện vào nhau, đã không còn khoảng cách, không còn người viết, không còn người hát, chỉ còn một giòng âm thanh tan vỡ thấm vào từng tế bào của người nghe, chia xẻ một phần đời, một cuộc tình lỡ, một người tình đã đến rồi đi ! 30 năm trôi qua, định mệnh đã đưa đẩy chúng tôi lại gần nhau hơn. Nam bây giờ đã là một ca sĩ tên tuổi, được tuổi trẻ nồng nhiệt yêu mến khắp nơi, là một hiện tượng của vườn hoa âm nhạc ở hải ngoại. Nói tuổi trẻ không thì cũng không đúng, tuổi già như tôi cũng thế, mà cả nữa, tuổi cụ như cụ bà Chử Ngọc Liễn cũng yêu quý tiếng hát của Nam. Ngoài ra Nam cũng trở thành một người cháu vợ của tôi (Thanh Vân).

Hoàng Nam sinh trưởng trong một đại gia đình đã đóng góp không ít vào nền Văn Học Nghệ Thuật của chúng ta. Từ ông ngoại, cho đến các bác, các chú, các cô, các cậu, các dì... Nhiều người vẫn đang tiếp tục góp mặt trong các sinh hoạt âm nhạc ở hải ngoại. Một điều tôi rất hãnh diện về sự thành công của người ca sĩ này, Nam đã không dựa vào những tên tuổi sẵn có trong gia đình, mà chỉ nhờ vào những hổ trợ của bạn bè, của các đàn anh, đàn chị đi trước, những người như Trần Quốc Bảo, Mạnh Ðình, chị Kathy Huệ... Tôi tin là Nam hiểu rõ, trong sinh hoạt âm nhạc ở đây cũng như ở Việt Nam ngày nào cho cá nhân tôi, nếu không có những người bạn tốt, những thân hữu giúp đỡ, sự thành công sẽ phải trả bằng một giá đắt hơn rất nhiều!


Tôi không muốn nói về giọng hát của Nam vì điều dễ hiểu tôi không phải là người phê bình âm nhạc! Cũng không muốn nói những lời ngợi khen đến Nam! Ở đây, tôi chỉ muốn kể cho Nam nghe về cuộc hội thoại đặc biệt mà 4 người bạn chúng tôi, nhạc sĩ Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trần Quảng Nam, và cá nhân tôi đã nói chuyện trong một chương trình đầu năm trên đài phát thanh của An tại thành phố Portland, Oregon. Trong câu chuyện về những sinh hoạt âm nhạc hải ngoại, về những bài tình ca, những người viết cũ, mới và những giọng hát mà chúng tôi cùng yêu quý. Thì hiện tại bây giờ ngoài Tuấn Ngọc, tiếng hát Hoàng Nam đã được nhắc đến. Tôi muốn nói với Hoàng Nam rằng, được sự ưu ái của quý vị khán thính giả là một niềm hạnh phúc lớn nhất của Nam. Ðược sự yêu thích của những người sáng tác phải là một niềm vui và hãnh diện lớn cho Nam. Từ đó tôi mong rằng Nam sẽ tiếp tục con đường mình đi, tiếp tục học hỏi, trau dồi để tiếng hát của hai mươi, ba mươi năm sau này vẫn sẽ được thưởng thức như tiếng hát Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc... của ngày hôm nay.

Tôi gọi những tiếng hát trên là những tiếng hát mùa xuân vì theo tôi đó là những tiếng hát đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp rất nhiều vào công việc duy trì cũng như phát triển nền âm nhạc Việt Nam của chúng ta. Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc... đã có rất nhiều những mùa xuân. Tôi nghĩ rằng những mùa xuân sắp tới sẽ là những mùa xuân của Hoàng Nam, của một tiếng hát mà tôi tin sẽ còn ở lại với chúng ta - những người yêu nhạc, ngày hôm nay, ngày mai và mãi mãi.

Ngô Thụy Miên
Thế Giới Nghệ Sĩ