Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Nguyên Bích
Trường Ðinh thực hiện



1)Trường Ðinh (TD): Xin anh cho biết vài nét về nơi sinh quán, thân thế và tên thật của anh. Anh rời bỏ quê hương từ năm nào và hiện đang định cư tại quốc gia nào tiểu bang nào vậy?

Nguyên Bích (NB): Tôi tên thật là Nguyễn Văn Bích, sinh ra tại Hà Nội năm 1944, di cư vào Nam năm 1954, định cư và lớn lên tại Saigon, là Bác Sĩ Quân Y cho đến năm 1975, bị đi cải tạo mất 3 năm, vượt biên đến Mỹ năm 1980, hiện hành nghề Bác Sĩ gia đình tại Houston. Học nhạc về ký âm pháp tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng, và xướng âm với Nhạc Sĩ Hùng Lân. Học hòa âm, đàn Guitar, Piano, với các bạn, qua sách vở và với các ca trưởng trong các Ca Ðoàn Công Giáo. Bắt đầu sáng tác nhạc từ những năm 1989-1990. Bài nhạc được thâu CD đầu tiên là bài "Tâm sự kẻ xa quê" qua tiếng hát Hằng Nga, do trung tâm Mai Ngọc Khánh thực hiện.

2) TD: Ðược biết trong năm qua, anh đã ra mắt CD Nguyện Cầu, gồm 10 thánh ca (sáng tác của các linh mục) với tiếng hát của anh cùng với Mỹ Na và Lưu Hồng. Có phải CD nầy là CD đầu tay với tiếng hát của anh? Xin cho biết vài cảm tưởng trong Ðêm nhạc ra mắt CD Nguyện Cầu?

NB: CD Nguyện Cầu không phải là CD đầu tay của tôi mà thực ra chỉ là những lời cầu nguyện của tôi cho một việc riêng. CD này không thực hiện với mục đích thương mại nên không hề có chuyện ra mắt, mà chỉ để tặng cho các linh mục quen, bạn bè, và những người muốn cùng tôi góp lời cầu nguyện. CD Nguyện Cầu do tôi thực hiện một mình, từ hòa âm, thâu, mix, dubbing, trình bầy bìa. Mỹ Na và Lưu Hồng không phải là ca sĩ mà chỉ là các ca viên trong Ca Ðoàn ở Houston đã bằng lòng giúp tôi thực hiện CD này. Trước CD Thánh Ca này, tôi đã thực hiện vài ba CD khác hát những bài nhạc của các bạn tôi, điển hình là 10 bài nhạc của Phạm Anh Dũng, 5 bài nhạc của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, 10 bài của Mùi Quý Bồng, 4 bài của Hồng Khắc Kim Mai, 2 bài của Thái Thụy Vy… Các CD này được thực hiện trong tinh thần văn nghệ giữa các tri âm văn nghệ, không hề ra mắt và cũng chẳng để giới thiệu tiếng hát của tôi, vì tôi biết tôi không có chất giọng của một ca sĩ, và cũng chẳng bao giờ muốn trở thành một ca sĩ cả.

3) TD: Ðược biết gần đây anh đã có ra mắt CD Sao Vội Nhạt Phai, gồm 10 sáng tác mới nhất của anh, do trung tâm Diễm Xưa phát hành. Xin anh cho biết vài nét về CD nầy. Có phải đây là CD đầu tay với những sáng tác của anh?

NB: CD "Sao vội nhạt phai" do trung tâm Diễm Xưa thực hiện và phát hành năm 2000, là CD đầu tiên gồm 10 bài nhạc của tôi. Trước đó, một vài nhạc phẩm của tôi đã được thâu CD rải rác, nhưng chỉ mới có "Sao vội nhạt phai" là được thực hiện gồm toàn những bài do tôi viết vào một CD mà thôi. "Sao vội nhạt phai" có 3 bài lời và nhạc của Nguyên Bích, 7 bài còn lại là phổ thơ của các thi sĩ Du Tử Lê, Mùi Quý Bồng (Louisiana), Phạm Oanh (Houston) và Nguyễn Minh Ðức (Montreal, Canada). Các ca sĩ trình bầy trong CD này: Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Thanh Hà và La Sương Sương. Phần hòa âm do Nhật Trung đảm trách.


hình bìa trước CD Sao Vội Nhạt Phai


4) TD: Ðược biết anh là bác sĩ y khoa. Anh tốt nghiệp ở trường đại học y khoa nào và hiện đang hành nghề ở bệnh viện nào hay anh có phòng mạch riêng của anh?

NB: Tôi tốt nghiệp Y Khoa Saigon năm 1970, hiện đang hành nghề tư, Bác Sĩ gia đình tại Houston.

5) TD: Cơ duyên nào đã đưa anh đến với âm nhạc? Anh tốt nghiệp ở trường âm nhạc nào hay là tự học lấy? Anh bắt đầu sáng tác nhạc từ năm nào?

NB: Như đã trình bầy ở trên, tôi đi vào thế giới âm nhạc như một sự tự nhiên không ao ước, tính toán. Tôi không học nhạc ở một trường âm nhạc chuyên môn nào cả, nhưng nếu nói là tự học thì đã rất vô ơn với các thầy của tôi. Tôi chịu ơn rất nhiều nơi các Nhạc Sĩ Hùng Lân, Viết Chung, Ðan Thọ, Ðăng Khánh, Nguyễn Hữu Thông là những người đã khai thông cho tôi những hiểu biết về cung bậc, hòa âm, kỹ thuật đàn, và sáng tác.

6) TD: Trong CD Sao Vội Nhạt Phai (Diễm Xưa 154), nhạc bản nổi tiếng nhất của anh và được rất nhiều người yêu chuộng có tựa đề là Hiến Chương Yêu. Xin anh cho biết vài nét về nhạc bản nầy? Gần đây, anh có tham dự Ðêm nhạc Du Tử Lê và đã nghe ca sĩ Ðinh Ngọc trình bày nhạc bản này. Xin anh cho biết vài cảm tưởng trong đêm nhạc đó (khi Ðinh Ngọc trình bày HCY).

NB: Bài nhạc Hiến Chương Yêu là bài nhạc đầu tiên tôi phổ thơ của thi sĩ Du Tử Lê, và cũng là một trong những bài tôi viết rất sớm khi mới tập tễnh viết nhạc. Ðây là bài nhạc đầu tiên tôi viết ở cung thứ. Khi tôi viết xong bài nhạc, tôi cất đi, không giám đưa cho anh Lê coi vì sợ ấu trĩ quá, làm hư bài thơ hay của nhà thi sĩ nổi tiếng này, nhất là sau đó tôi được biết bài thơ này đã được vài nhạc sĩ khác cũng đã phổ nhạc. Vài tháng sau, anh Lê biết được và hỏi tôi về bài nhạc, tôi mở cho anh nghe bài nhạc do tôi tự hát, và rất là ngạc nhiên, anh Lê lại rất thích bài này, đã cùng với tôi sửa lại lời bài nhạc ở vài chỗ theo lời yêu cầu của tôi. Bài nhạc được kiện toàn đúng theo ý tôi và anh Lê, nhưng sau đó cũng chỉ được để đó, cho đến hai ba năm sau, trung tâm Diễm Xưa chọn bài này để cho vào CD "Sao vội nhạt phai" và nhờ thế Hiến Chương Yêu được giới thiệu đến giới thưởng ngoạn. Ngay khi bài này được phát thanh trên đài Little Saigon ở California, anh Lê đã được nhiều người gọi đến hỏi về bài nhạc, và rồi anh Lê hân hoan báo cho tôi biết Hiến Chương Yêu được chọn vào Video "Giữ đời cho nhau", một Video ghi lại thân thế và sự nghiệp thi ca của nhà thi sĩ này. Anh Lê cũng cho biết là Hiến Chương Yêu sau đó đã được trình diễn trong mỗi buổi ra mắt sách hoặc CD nhạc của anh, và mới đây nhất, tháng 11 năm 2002, trong đêm nhạc Du Tử Lê tại California, Ðinh Ngọc đã trình bầy bài nhạc này trong tiếng hoan hô nồng nhiệt của khán giả hôm đó. Sau này Ðinh Ngọc đã viết cho tôi là "cám ơn chú Nguyên Bích đã viết một bản nhạc làm nên tên tuổi của Ðinh Ngọc". Tôi không biết là Ðinh Ngọc nên cám ơn thi sĩ Du Tử Lê hay là tôi phải cám ơn Ðinh Ngọc, đã chắp cánh cho bài nhạc của tôi được bay xa.


hình bìa trước CD Giữ Ðời Cho Nhau với Hiến Chương Yêu


- Mời nghe: Hiến Chương Yêu (RealPlayer 863 Kb)
phổ thơ Du Tử Lê, tiếng hát Tuấn Ngọc

7) TD: Số lượng nhạc đã sáng tác trong những năm qua (gồm nhạc và lời của chính anh, nhạc phổ thơ… đã trình làng và chưa trình làng)? Anh đã ra mắt bao nhiêu CD's? Anh có viết nhạc bản nào với lời Anh ngữ không vậy? Anh có dịch nhạc ngoại quốc sang lời Việt không? Một vài quan điểm về nhạc dịch lời Việt và nhạc dịch lời Anh.

NB: Tôi đã sáng tác được khoảng 60-70 bài nhạc, đa số là phổ thơ, khoảng 14 bài đã được thu CD và phát hành rải rác trên nhiều CD, có bài chỉ được thu một lần, có bài được thu nhiều lần do những ca sĩ khác nhau trình bầy. Bài Tình Si phổ thơ Mùi Quý Bồng được thu nhiều lần nhất (Ngọc Huệ, Thanh Hà, Vũ Khanh), bài Hiến Chương Yêu được trình diễn trên sân khấu nhiều lần nhất. Tôi chỉ tổ chức ra mắt có một lần khi CD "Sao vội nhạt phai" ra đời. Tôi có viết 3 bài nhạc với lời bằng Anh ngữ: Memories, lyrics by Mùi Quý Ðan Vy, What is a mother, một nhi đồng ca, lyrics by Mùi Quý Y-Lan, cả hai là con của anh Mùi Quý Bồng và bài thứ ba: A midnight wish, lyrics by Francois Do, con của chị Hương Kiều Loan. Tôi không làm lời Việt cho các nhạc phẩm ngoại quốc mặc dầu tôi thích nhạc ngoại quốc không kém gì nhạc Việt Nam. Tôi không để ý lắm đến nhạc ngoại quốc lời Việt, nên chẳng biết phải nói sao về mục này.

- Mời nghe: What Is A Mother (RealPlayer 637 Kb)
lời Mùi Quý Y-Lan, tiếng hát Thảo Uyên

8) TD: Khi anh thực hiện CD đầu tay của anh (Sao Vội Nhạt Phai), chắc chắn có rất nhiều kỷ niệm đẹp với những bài thơ anh đã phổ, với những kỷ niệm bạn bè thi sĩ, với mối tâm giao cùng anh chị em ca sĩ, với trung tâm phát hành CD. Xin anh cho biết vài kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện CD đầu tay nầy.

NB: Nhạc phẩm "Tâm sự kẻ xa quê" là một trong những bài tôi viết đầu tiên. Sau khi viết xong thì anh Mùi Quý Bồng có dịp đến chơi với tôi, tôi lấy re khoe anh. Lời thơ của anh, tôi đã thay đổi rất nhiều, tôi yêu cầu anh nghe và sửa lại lời cho thích hợp với ý anh. Anh Bồng đã thức gần trọn đêm hôm đó, chạy lên chạy xuống, nghe nhạc rồi lại lên suy nghĩ lời nhạc, đến sáng hôm sau thì hoàn thành. Bài nhạc sau đó được xếp xó, trong sự hài lòng của anh Bồng và tôi mà thôi. Bẵng đi một thời gian, tôi cũng không nhớ là bao lâu, bỗng nhiên tôi được thông báo cho biết bài nhạc này đã được trung tâm Mai Ngọc Khánh thâu và phát hành trong CD "Một chút quà cho Quê hương!" Vui ơi là vui. Thì ra nhạc Sĩ Ðan Thọ đã giới thiệu nhạc phẩm này cho Mai Ngọc Khánh và đúng lúc trung tâm này cần bài cho CD mới, nhân dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm đó. Trước đó một thời gian, tôi có dịp gặp gỡ nhạc sĩ Ðan Thọ, tôi đã hỏi ông rất nhiều về những điều tôi còn vướng mắc trong nguyên tắc và kỹ thuật viết nhạc, ông đã giảng giải cho tôi rất nhiều và sau đó, tôi đã tặng ông tập bản thảo những sáng tác đầu tay của tôi để xin ông chỉ dẫn thêm, và tôi không ngờ ông đã "tiến dẫn" đứa con của tôi đến Mai Ngọc Khánh.

Sau đó một thời gian thì tôi lại có hai bài được chọn vào một CD khác do nhạc sĩ Thanh Bình ở Louisiana thực hiện. CD này cũng được ra mắt ồn ào tại Orange County California và ở New Orleans, nhưng rồi sóng lại yên, bể lại lặng cho đến khoảng hai năm sau, Ðăng Khánh giới thiệu nhạc của tôi tới trung tâm Diễm Xưa và, sung sướng thay, tập bản thảo của tôi với 14 khúc nhạc tuyển "the best of Nguyên Bích!" được nhận, nghiên cứu và cuối cùng được chấp nhận. Việc thực hiện CD này không ngờ mà kéo dài đến hơn một năm mới xong. Chị Thái Xuân, giám đốc trung tâm Diễm Xưa thực là một người nhiều tâm huyết với nghệ thuật. Chị đã chăm sóc cho cuốn CD này kỹ lưỡng ngoài sức tưởng tượng của tôi. Mười bài nhạc đã được làm hòa âm xong, nhưng nghe ra chưa thấy hay mấy, lúc đó lại vừa có Nhật Trung đến với Diễm Xưa, chị lại cho làm lại. Mỗi bài nhạc được mix đi mix lại thật kỹ lưỡng, ấy vậy mà khi chị có được dàn Mix mới, chị cho mix lại hết, mất biết bao thì giờ và công sức.

Tôi còn nhớ Vũ Khanh sau khi thâu xong bài "Lặng lẽ tình tôi" thì gọi báo cho tôi biết và gửi một raw copy cho tôi nghe, một điều anh chưa bao giờ làm, vì "raw copy nghe dở lắm, mất tiếng hết", anh bảo thế. Nghe xong tôi mê quá, nhưng cứ mê như thế một mình thôi, quên mất cả việc gọi cho anh. Mấy ngày sau, anh gọi cho tôi hỏi thăm, tôi nói là mê quá, anh mới thở phào ra nhẹ nhõm, hóa ra anh tưởng tôi không hài lòng nên chán mà không gọi cho anh nữa! Anh Vũ khanh luôn luôn là một người bạn rất chân thành, và rất chí tình. Chị Thái Xuân sau đó lại cho tôi một ngạc nhiên nữa là đã cho thêm một giọng nữ đi bè rất elegant (lời nhạc sĩ Ðan Thọ) trong bài này, khiến bài nhạc bắt tai tất cả mọi người từ câu đầu cho đến câu cuối, và vì thế bài nhạc này đã được chọn để lên đầu . Anh Vũ Khanh còn chiều tôi đến độ bằng lòng đến studio để chụp hình mới làm hình bìa cho CD của tôi, Anh ghét đi chụp hình lắm. Và cái quý ở tình bạn lại còn ở chỗ anh chịu nghe lời yêu cầu của tôi mà lên khung rất bảnh, với cà vạt và áo vét tử tế. Ðiểm lại các CD của Vũ Khanh mà xem, bao giờ cũng để cổ hở, duy chỉ có CD của tôi là anh phải lên khung trịnh trọng như thế mà thôi! Cám ơn anh Vũ Khanh thật nhiều, bạn bè quý anh nhiều vì anh đã rất tử tế với bạn.


Nguyên Bích và ca sĩ Vũ Khanh


Trong CD này, đáng lẽ Thanh Hà sẽ hát bài "Chết đi anh" tôi phổ thơ Minh Ðức Hoài Trinh. Chắc anh cũng biết thơ MÐHT lời lẽ rất lạ và rất bạo, bài này cũng thế, nghe bài nhạc mà rờn rợn người. Chị Minh Ðức Hoài Trinh rất thích bài này và mong muốn được nghe một giọng nữ trình bầy. Bài nhạc đang được thâu nửa chừng thì Thanh Hà dọn nhà qua Houston, bài nhạc vì thế phải bỏ dở. Tôi gọi cầu cứu Tuấn Ngọc, số là Tuấn Ngọc với tôi có nhiều mật thiết về… hòa âm. Một lần anh đến chơi với tôi, thấy một bài nhạc tôi mới viết còn để trên giá đàn piano, anh dạo thử, và bàn bạc với tôi về những hợp âm tôi dùng trong bài này. Bàn tới bàn lui cuối cùng mới đi đến đồng ý với những hợp âm rất Jazzy mà anh đặt vào. Tôi đề nghị anh cho bài này vào CD tới của anh, vì lúc này CD của tôi đã có đủ bài rồi, anh chịu ngay, bảo tôi viết thêm lời hai nữa cho dài ra một chút. Ðến lúc bị thiếu một bài, tôi nói anh cho bài này vào CD của tôi được không, anh nhận lời ngay, thế là "Sao vội nhạt phai" nhạc và lời của Nguyên Bích nhưng phần hòa âm là do Tuấn Ngọc soạn, đã góp mặt trong CD này, và lại được lấy làm đề tựa cho CD nữa. Anh Tuấn Ngọc rất tốt với bạn, là một mẫu người gentleman, có một lối đối xử rất chí tình với bạn bè.


Nguyên Bích và ca sĩ Tuấn Ngọc


La Sương Sương, khi chưa quen biết, tôi vẫn xem cô như một ca sĩ Ye-Ye, nhưng đến khi được biết cô ta, tôi mới thấy cô là một cô gái thật ngoan, thật hiền và thật đẹp. La Sương Sương ngoài biệt tài ca hát, trình diễn rất sống động, còn có biệt tài may mặc và trang điểm. Các y phục cô mặc khi trình diễn đều do cô may lấy, và khi nhìn cô trang điểm trước khi ra sân khấu, bạn có thể viết cả trăm bài thơ ca tụng vẻ đẹp của cô được.


La Sương Sương


- Mời nghe: Sao Vội Nhạt Phai (RealPlayer 706 Kb)
tiếng hát Tuấn Ngọc

9) TD: Ðược biết, ngoài việc sáng tác nhạc, anh vẫn thường hay viết lách, và thường viết các bài cảm nhận về CD's nhạc của bạn bè (CD Khanh Phương, CD Nguyễn Tuấn), và về các tiếng hát mới anh yêu chuộng (ca sĩ Khắc Khoa)... Xin anh cho biết nhạc sĩ nào mà anh mến mộ nhất và tiếng hát nào mà anh yêu thích nhất (gồm những ca sĩ nổi tiếng và những tài tử mầm non chưa được nhiều người biết đến)? Và từ sự mến mộ người nhạc sĩ đó, có đôi chút gì ảnh hưởng đến giòng nhạc sáng tác của anh trong những năm qua không?

NB: Tôi không thường hay viết lách đâu anh Trường ạ. Tôi chỉ viết đúng có ba bài kể trên mà thôi. Nhạc sĩ mà tôi mến mộ thì nhiều lắm, điển hình là Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Thanh Tùng. Hai nhạc sĩ đầu tôi thích vì lời và nhạc của các nhạc sĩ này hay quá, cách dựng bài theo kiểu tân cổ điển, trang trọng, sang cả và rất lãng mạn. Tôi đã "mê" hai nhạc sĩ này từ hồi còn ở Việt Nam, và đến bây giờ vẫn còn hết sức khâm phục. Tôi thích nhạc Vũ Thành An ở phần lời. Nhiều câu nhạc của Vũ Thành An nay đã trở thành Vietnamese idioms. Nhạc của ba nhạc sĩ sau cùng là những sáng tạo thật mới mẻ, nghe có vẻ âu tây, nghe như Pop music, nhưng vẫn không mất Việt Nam tính. Tuy thích những nhạc sĩ này nhưng tôi không bắt chước (hay bắt chước không nổi?) nhạc của họ vì mỗi nhạc sĩ có một phong cách riêng, một cách dựng bài riêng, nói lên cái cá tính riêng biệt của từng người.

Ca sĩ tôi mến mộ: Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Khánh Hà, Thanh Hà, Thế Sơn, Diễm Liên, La Sương Sương, Ðinh Ngọc, và Khắc Khoa.


Nguyên Bích và ca sĩ Ðinh Ngọc với tranh họa Hiến Chương Yêu


10) TD: Ngoài những thú vui nhẹ nhàng trong âm nhạc, anh còn có sở thích hay đam mê nào khác trong các lãnh vực nghệ thuật khác?

NB: Tôi rất thích nhiếp ảnh, nhất là hình chân dung. Tôi thích hội họa nhưng chỉ ở phía người thưởng ngoạn, nhất là điêu khắc, vì tôi không biết vẽ. Tôi cũng thích đọc truyện, đọc thơ, và cũng như bên hội họa, chỉ biết thưởng thức mà không sáng tác được.

- Mời nghe: Giã Từ Quạnh Hiu (RealPlayer 548 Kb)
tiếng hát Vũ Khanh & La Sương Sương

11) TD: Ðược biết anh phổ rất nhiều thơ (từ các thi sĩ Du Tử Lê, Mùi Quí Bồng…) Xin cho biết vài cảm nhận và quan điểm về những nét thi vị nổi bật và những khó khăn hạn chế trong việc sáng tạo âm điệu với nhạc phổ thơ? Xin anh chia xẻ vài nét về phương cách riêng của anh trong quá trình phổ một bài thơ thành nhạc khúc?

NB: Tôi phổ nhạc các bài thơ tôi thích vì những bài thơ này cho tôi cái ý để viết nhạc. Cuộc sống của tôi bận rộn quá, và đời sống của tôi quá bằng phẳng nên cảm hứng đến tự nhiên để tôi có đủ cảm hứng mà viết nên một bài nhạc hiếm hoi lắm. Ý của bài thơ là độc lực chính thúc đẩy tôi. Chữ nghĩa trong bài thơ là một kích thích khác. Sau cùng, tình cảm thân thiết của tôi với những tác giả bài thơ là yếu tố cuối cùng thúc đẩy tôi đưa nhạc vào thơ. Như anh thấy, tôi phổ thơ nhiều nhưng chỉ có vài tác giả thôi. Những câu đầu của bài thơ thường cho tôi cái motif của dòng nhạc, sau đó tôi khai triển bài nhạc theo cảm hứng của tôi, vì thế thường thường tôi phải đổi lời cuả bài thơ cho hợp với dòng nhạc, và sợ tác giả bài thơ không vui, tôi phải thâu bài nhạc vào tape, và sau này, vào CD, gửi cho tác giả nghe và nếu được đồng ý thì tôi mới phổ biến, còn không thì tôi khai tử nó ngay. Cho đến ngày nay, chưa có ai không vui với những nhạc phẩm tôi phổ thơ của họ cả.

- Mời nghe: Tâm Sự Với Giòng Sông (RealPlayer 640 Kb)
tiếng hát La Sương Sương

12) TD: Trong các sáng tác mới gần đây của anh, anh tự hòa âm / trình bày và thu âm lấy để phổ biến nhạc bản đến giới văn nghệ. Xin anh cho biết vài nét về phương cách phối khí và thu âm của anh? Anh có thường hay dùng PC software để làm nhạc midi hòa âm cho các nhạc bản mới của anh không vậy?

NB: Tôi thâu âm lấy các bài nhạc của tôi vì… không có ai hát giùm cho tôi. Trước nay tôi có nhờ được một vài thân hữu hát giùm nhưng nếu cứ nhờ hoài thì cũng phiền, thôi thì tự làm lấy cho rồi. Tôi không dùng PC software để làm nhạc đệm hoặc Midi vì tôi không biết làm. Tôi làm hòa âm trên keyboard Yamaha Clavinova, với multi tracks cho nhiều instruments khác nhau, sau đó chuyển qua multitrack recorder rồi thâu lời hát vào, xong mix down to a CD recorder để có một master CD. Từ master CD tôi mới đưa vào computer, dùng cool edit để edit lại, xong mới in ra thành CD gửi cho bạn bè nghe.


Nguyên Bích và nhạc sĩ Ngô Thụy Miên


13) TD: Khi sáng tác nhạc, anh thường dùng loại nhạc cụ nào? Xin cho biết vài lợi điểm và những hạn chế của các loại nhạc cụ khác nhau được dùng để soạn nhạc?

NB: Trước đây tôi dùng Guitar để sáng tác, sau này học Piano, thấy Piano dễ xử dụng hơn, và nhất là sau này, khả năng hòa âm khá hơn, Piano cho tôi rộng đường hơn để thực hiện được những diễn biến hợp âm (Chord progression) phức tạp hơn, tôi đã chọn Piano để sáng tác.

- Mời nghe: Tình Si (RealPlayer 810 Kb)
phổ thơ Mùi Quí Bồng, tiếng hát Vũ Khanh

14) TD: Ngoài chủ đề về tình yêu trong giòng nhạc Nguyên Bích, anh có viết nhạc về quê hương và thánh ca không?

NB: Thưa anh có. Nhạc viết về quê hương tôi chỉ có vài bài, tất cả đều là thơ phổ nhạc. Bài nhạc tôi yêu thích nhất là bài "Tôi đã khóc" phổ thơ Dư Thị Diễm Buồn. Bài thơ mô tả tâm trạng của một người bị mất tất cả, mất đất nước, mất mẹ, mất chồng, mất anh em, bạn bè, sau ngày 30 tháng 4. Chị Dư Thị Diễm Buồn đã rất xúc động với bài nhạc này. Chị viết cho tôi: "Tôi không khóc khi viết bài thơ này, nhưng tôi đã thực sự khóc khi nghe bài nhạc của anh".

Về Thánh Ca tôi chỉ viết được có hai bài trong dịp đi thăm Lourdes vào tháng 6 năm 2002 mới đây. "Cầu xin Ðức Me" lời và nhạc của tôi, và "Mẹ là niềm cậy trông" phổ thơ Thanh An Phạm An Ðà, một người bạn học cũ của tôi, người đã hiểu nỗi niềm của tôi, đã chia xẻ niềm tôn vinh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp với tôi nên tôi ghi lại mối ân tình này bằng một bài thánh ca.

15) TD: Người nam ca sĩ nào và người nữ ca sĩ nào mà anh nghĩ là đã diễn tả và lột gởi được hết nét nhạc của anh đúng với những gì anh mong ước để trao gởi tâm tư của anh đến các thính giả? Anh cho biết vài cảm nhận riêng về tiếng hát Khánh Hà, Thanh Hà và Nhã Phương.

NB: Khi tôi mới viết nhạc, tôi không nghĩ là nhạc của tôi lại được thâu CD, và tôi đã không có ý niệm gì về ai hát nhạc của tôi hay cả. Ðến khi một nhạc phẩm của tôi được thâu CD, tôi bắt đầu nghĩ đến việc viết sao cho thích hợp với một giọng ca nào đó, và nhạc phẩm Tình Si tôi đã viết riêng cho giọng hát Ngọc Lan, lúc đó tôi mê giọng hát này chết đi được. Thế nhưng nhạc của tôi có bao giờ đến được tay Ngọc Lan đâu! Tuy nhiên sau này khi được Thanh Hà thâu CD bài này, tôi thấy hay quá trời, ngoài sự ước mong của tôi! Từ đó tôi không còn ao ước nhiều nữa, tuy đôi khi tôi vẫn có ý viết những bài thích hợp với giọng ca Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, và mới đây, tôi có viết một bài cho giọng ca Khắc Khoa.

Khánh Hà đối với tôi là nữ hoàng nhạc thính phòng, loại nhạc đòi hỏi kỹ thuật cao, già dặn trong nghề mới diễn tả được. Non tay hát là gẫy.

Thanh Hà có giọng ca hao hao giống Khánh Hà, tươi trẻ hơn, ít thính phòng hơn, và bạn có thể được nghe đủ thể loại, từ nhạc chậm cho đến loại nhạc giật, đều hay hết.

Nhã Phương, cũng giống như mọi ca sĩ trong nước khác có cùng một lối hát, cùng một kỹ thuật, nên tuy chất giọng có khác nhưng nghe ra ai cũng như ai, không thấy có những nét độc đáo, may ra có Trần Thu Hà, Hồng Nhung là nổi bật hơn những ca sĩ khác. Gần đây có Quang Minh hát khá hay, có một chút gì riêng biệt hơn những đồng nghiệp của anh.

16) TD: Xin anh chia xẻ vài kinh nghiệm và những khó khăn trong việc phổ biến nhạc mới đến giới thưởng ngoạn hay các trung tâm thu nhạc CD Video ở hải ngoại.

NB: Phổ biến nhạc của mình đến giới thưởng ngoạn rất khó, nay nhờ có internet với những websites như Hồn Quê, Văn Nghệ Net… đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc giới thiệu những tác phẩm của mình. Giới thiệu nhạc của mình đến các trung tâm băng nhạc còn khó khăn hơn rất nhiều. Các trung tâm này hằng ngày nhận được rất nhiều băng nhạc, tập nhạc của các nhạc sĩ cũng như các ca sĩ muốn giới thiệu nhạc bản của mình hoặc giọng ca của mình. Các trung tâm này không có thì giờ để nghe hoặc coi hết những tác phẩm này, vì thế, sự kiện có người quen giới thiệu đã trở thành một thực tế quan trọng hàng đầu, vì họ có nghe đến băng nhạc mẫu của mình thì mình mới có hy vọng được để ý đến. Và sau đó, nếu nhạc bản hoặc tiếng hát mình hay, có thể ăn khách về phương diện thương mại, mình mới có hy vọng được chọn.

17) TD: Xin anh cho biết vài cảm nhận về nhạc Việt trong nước và nhạc Việt ở hải ngoại? Về nhạc văn chương và nhạc đại chúng (trên phương diện ca từ và tiết tấu)?

NB: Tôi đã có dịp nghe nhiều nhạc trong nước, tôi không thấy thích cho lắm. Một số người ca tụng những nhạc bản mới có âm điệu chèo cổ, hát nói, ả đào, hoặc dân ca người thiểu số… tôi thấy không qua được những "Nhà bè nước chẩy chia hai"… "Bà, bà Mẹ quê"... "Ai bảo chăn trâu là khổ"... và trong "Giữ đời cho nhau" của nhạc sĩ Phạm Duy qua âm hưởng nhạc thượng du. Những nhạc bản tình cảm, yêu đương mới, vẫn không qua được những tình khúc mượt mà, sang trọng, thiết tha và trong sáng của Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, từ tiết tấu, cấu trúc bài nhạc, cho đến lời ca. Có chăng chỉ thấy có một vài bài của Lê Hựu Hà, Thanh Tùng có âm hưởng, ý tứ mới lạ, gây ngạc nhiên không ít khi nghe lần đầu.

Nhạc văn chương, nhạc đại chúng không có gì khác nhau về phương diện giá trị, tùy theo cái taste của người viết nhạc, và người nghe mà thôi.

18) TD: Xin anh cho biết những ước mơ thầm kín của anh trong cuộc sống hiện tại, cho cá nhân anh, cho gia đình anh, cho quê hương nơi cuối trời xa, cho một cõi thứ hai xa vời nào đó sau kiếp người?

NB: Anh Trường, nếu nói là "những ước mơ thầm kín" thì tôi không giám nói ra đâu. Nhưng chắc chắn là nó không liên hệ gì đến chuyện âm nhạc và văn nghệ cả.

19) TD: Những hướng đi tương lai của anh trong lãnh vực âm nhạc? Vài sáng tác mới nhất của anh đã vừa viết xong và vẫn chưa trình làng? Anh có dự tính sẽ ra mắt một CD kế tiếp trong nay mai? Và CD mới nầy sẽ được mang chủ đề gì và sẽ gồm những nhạc bản nào? Anh có dự định sẽ xuất bản 1 tuyển tập nhạc Nguyên Bích trong tương lai?

NB: Tôi muốn viết được những bài hát có âm điệu tiết tấu mới lạ hơn. Tôi không muốn lập lại những tiết điệu đã có, đã quen. Tôi vẫn đang đi tìm những ý nhạc, những chuyển cung sao cho lạ tai hơn. Tôi vẫn khắc khoải với những cấu trúc mới, nghĩa là mong muốn, một cách nào đó, làm mới giòng nhạc. Những áp dụng này thực ra, đầy thách đố. Có những khúc nhạc viết xong, nghe lại, mới đầu thấy đắc chí lắm, nhưng ít lâu sau nghe lại thấy không ra cái gì cả; nhưng tôi vẫn không muốn bỏ cái ý tưởng đi tìm một cái gì mới cho những ca khúc sau này của tôi.

Dự tính có thêm một hay vài CD nữa ra mắt là một ấp ủ không những của tôi mà là của tất cả mọi người viết nhạc; nhưng dự tính có thành hay không lại là một chuyện khác. Có những giấc mơ không bao giờ đến nhưng cũng có những giấc mơ thành tựu một cách rất tự nhiên hơn cả mình mơ ước nữa.

Về tập nhạc, tôi đã có ý định in một tập với 60-70 bài nhạc của tôi gồm hai phần, nhạc phổ thơ và nhạc tự viết, kèm theo với những họa phẩm và các bài thơ nguyên thủy. Tuy nhiên suy nghĩ lại thấy việc tiêu thụ hết cả ngàn cuốn sách nhạc in ra là một tai họa ghê gớm, tôi đành thôi không giám làm nữa.


Nguyên Bích và các anh chị nghệ sĩ trong Ðêm nhạc Du Tử Lê
10 Nov 2002 Orange County - California


20) TD: Anh có đôi lời tâm tình gì chăng muốn gởi đến các độc giả của Hồn Quê và các thính giả yêu mến giòng nhạc Nguyên Bích ở hải ngoại?

NB: Tôi muốn được chân thành cám ơn quý vị đã bỏ thì giờ theo dõi bài phỏng vấn dài này. Một bài nhạc không có người nghe là một bài nhạc chết, một lời tâm sự dài như thế này mà có được quý vị yêu mến theo dõi là một an ủi lớn cho tôi. Tôi cũng xin cám ơn Hồn Quê đã cho tôi dịp để nói chuyện với những người yêu văn nghệ, bàn soạn ý tưởng về âm nhạc. Tôi cũng mong nhận được ý kiến của quý vị về bất cứ điều gì trong lãnh vực âm nhạc, vì tôi mãi mãi muốn được học hỏi thêm.

21) TD: Hồn Quê xin chân thành cảm ơn anh đã dành nhiều thời gian cho buổi nói chuyện nầy. Mến chúc anh và gia đình mọi điều tốt đẹp và an lành. Rất mong, sẽ được đón nhận thêm những sáng tác thật mới / thật trữ tình của anh trong nay mai, như một đóng góp điểm tô thêm sắc màu, một cách khiêm nhượng, cho nền âm nhạc Việt tại hải ngoại.

Trường Ðinh
Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê
http://honque.com