Phỏng Vấn Nhà Thơ Du Tử Lê

 

Thực hiện: Trường Đinh



1) Hồn Quê (HQ): Xin anh cho biết vài nét về tiểu sử của đời anh.

Du Tử Lê (DTL): Tôi sinh năm 1942, tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ, học trường Hàng Vôi, Hà Nội; lớn lên, học trường Chu Văn An, rồi Văn Khoa, Sàigòn.


dutule.jpg (18464 bytes)

 


2) HQ: Xin anh cho biết một số hoạt động của anh về văn học trong thời gian sinh sống trên đất Mỹ từ sau 1975 cho đến nay.

DTL: Sau năm năm làm việc cho hãng Rockwell International, chi nhánh ở thành phố Newport Beach, thuộc miền Nam California, tôi tự ý xin nghỉ việc, làm báo, làm counsellor cho một hội Thiện Nguyện ở Orange County.

Tôi ngưng hoàn toàn việc làm báo kể từ năm 1993, khi phải di chuyển về thành phố Houston, Texas, để nhận sự chữa trị miễn phí của một người bạn bác sĩ, chứng bệnh Thyroid.


3) HQ: Xin anh cho biết một vài tác phẩm tiêu biểu của anh mà anh yêu thích nhất trong số 40 tác phẩm đã xuất bản trong và ngoài nước.

DTL: Tôi muốn nhắc đến ba tập thơ in tại Việt Nam. Đó là tập "Tay Gõ Cửa Đời," in năm 1967, "Thơ Du Tử Lê (1967-1972)" in năm 72, và "Đời Mãi Ở Phương Đông," in năm 74. Ở hải ngoại, tôi muốn nhắc tới các tập: "Thơ Tình / Love Poems" in lần đầu năm 1983, in lần thứ tư năm 1997; tập "Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu," in lần thứ nhất và nhì, cùng trong năm 1989; và, Trường khúc "Mẹ Về Biển Đông". Trường khúc này sẽ được in lại lần thứ ba, với bản dịch Anh ngữ tôi cho là rất công phu của Dịch giả Thiên Nhất Phương. Tôi cũng muốn được nhắc tới một vài tập truyện ngắn, tùy bút, của tôi, trong những năm gần đây...


4) HQ: Xin anh cho biết vài nét tâm tưởng về bài thơ đầu tiên của anh: "Bến Tâm Hồn", đã đăng trên Tạp Chí Mai 1958 dưới bút hiệu Du Tử Lê.

DTL: Tôi nhớ, khi ấy, tôi không ghi hết tên của mình mà chỉ ghi tắt là "DTLê." Họ cho tên tôi ra ngoài bìa, đứng chung với những tên tuổi lớn thời đó, như Tam Ích, Nguyễn Hiến Lê, Doãn Quốc Sỹ..., tôi hãnh diện lắm, mặc dù, những năm tháng trước đấy, tôi đã có thơ đăng trên một vài tuần báo, với nhiều bút hiệu khác... Nếu một trong những tuần báo này có lối trình bày tên tác giả ngoài bìa, và, nếu tên tôi được in, thì biết đâu chừng, tôi đã là một người khác. Tôi muốn nói, sẽ không có cái tên...Du Tử Lê, hôm nay.


5) HQ: Được biết anh nguyên là thư ký tòa soạn sau cùng của Nguyệt San Tiền Phong. Ngoài báo Tiền Phong, sau này anh có hoạt động trong ban biên tập của các báo chí văn học nào khác ở hải ngoại không vậy?

DTL: Tôi thấy cần nói rõ hơn, để tránh ngộ nhận, rằng, Nguyệt san Tiền Phong mà Trường Đinh hỏi, là nguyệt san của Quân đội VNCH cũ; không liên hệ gần xa gì với tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong trước tháng 4-75, ở Sàigòn, và sau này trở thành bán nguyệt san VNTP ở hải ngoại.

Trở lại câu hỏi, thì, cho đến nay, tôi chưa hề chính thức ở trong ban biên tập của một tạp chí văn học nào, tại hải ngoại.


6) HQ: Xin anh cho biết vài nét về tác phẩm: "Thơ Du Tử Lê 1967-1972," đã đoạt Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1973 (Sàigòn.) Đây có phải là tác phẩm đầu tay của anh đã xuất bản trong nước trước 1975?

DTL: Tuyển tập "Thơ Du Tử Lê 1967-1972" là tác phẩm thứ sáu của tôi, tính chung cho cả hai thể loại, thơ cũng như văn.

Đầu năm 1973, nhà văn Lê Huy Oanh, có viết một bài phê bình khá dài cuốn thơ ấy, đăng tải trên tạp chí Văn Học, Sàigòn, thời đó. Trong những điểm nhà văn này nêu lên, tôi thấy có một số điều gần với chủ tâm của tôi, qua thi phẩm ấy, đó là:

- Chủ tâm đổi mới thể lục bát.
- Chủ tâm gia tăng nhạc tính cho thể thơ tự do.

Tuy nhiên, có một điểm rất quan trọng (dĩ nhiên theo chủ quan của tôi,) là nỗ lực thi ca hóa, hay quần chúng hóa những danh từ, những hình tượng thuộc về đạo Thiên Chúa, mặc dù tôi không phải là một Ky Tô hữu.

Mặt khác, khi tập thơ được trao giải văn chương toàn quốc, thì phê bình gia Hoài Thanh, trong chương trình văn học nghệ thuật, đài Hà Nội, đêm giao thừa năm 1973, chửi tôi là "tay sai Mỹ Ngụy. Nhận tiền của CIA, dùng thơ văn để làm suy yếu tinh thần chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam việt Nam."

Ông trưng dẫn nguyên bài thơ "Khi Cuộc Tình Đã Chết" trong tập đó, để bảo chứng cho lập luận của ông. Trong khi thực tế, bài thơ đó, tôi viết năm 1968, thuần túy là một bài thơ, nhằm nói với người tình, và về cuộc tình của mình. Và đời sống vật chất của tôi, trong thời điểm tác giả "Thi Nhân Việt Nam" lên án tôi, lại là thời điểm lao đao, chật vật nhất!

Có lẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bài phê bình của phê bình gia Hoài Thanh, nên trên tờ Thái Bình, số ghi tháng 12 năm 1975, xuất bản tại Hoa Kỳ, trong một bài viết nói về 20 năm văn học miền Nam, họ lại lôi tôi ra, cũng với những lời buộc tội kể trên, và cũng trích dẫn bài thơ "Khi Cuộc Tình Đã Chết!" làm bằng cớ!

Mà thôi, Trường Đinh ạ, câu chuyện đã trôi qua trên dưới ba mươi năm rồi. Tất cả, đã thuộc về quá khứ. Chưa kể, tôi vẫn nói ở nhiều nơi, cũng như đã nhiều lần viết xuống rằng, mỗi tác phẩm, như một con người, ngay khi ra đời, đã có lấy cho riêng nó, một định mệnh.


7) HQ: Được biết anh là nhà thơ Việt Nam đầu tiên được nhật báo Los Angeles Times phỏng vấn và anh cũng đã có một số thơ đăng trên các nhật báo Los Angeles Times và New York Times. Xin anh cho biết một vài nét về những bài thơ tiêu biểu đó (tựa đề? bản Việt ngữ? bản Anh ngữ? ai là người đã chuyển dịch những bài thơ đó?).

DTL: Ở tờ Los Angeles Times, số Chủ Nhật, đề ngày 14 tháng 8 năm 1983, là những bài "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển / When I die, Take My Body to The Sea," bản dịch của Giáo sư Đỗ Đình Tuân, "Bình Minh Nhân Loại Mới / Dawn of a New Humanity" bản dịch của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông...

Ở tờ New York Times, số Chủ Nhật, đề ngày 24 tháng 4 năm 1994, họ đăng bài "Khát Vọng Cho Con / What I leave for my son" bản dịch của dịch giả Nguyễn Ngọc Bích.

Riêng bài này, tờ New York Times trích từ cuốn "A Thousand Years of Vietnamese Poetry," của tác giả Nguyễn Ngọc Bích, do nhà Alfred Knopf xuất bản năm 1975.


8) HQ: Xin anh cho biết vài nét về những bài thơ của anh mà đã được giáo sư Neil L. Jamieson tuyển dịch và xuất bản trong cuốn tài liệu giáo khoa "Understanding Vietnam" (1991) dùng để giảng dạy tại đại học Berkeley, UCLA, và Cambridge, London...

DTL: Đó là bài "Có Gì Đâu / It's Nothing" tôi viết từ năm 1963, 21 tuổi. Bài này sau đó, in lại trong tập thơ "Tình Khúc Tháng 11" của tôi, xuất bản tại Sàigòn, năm 1965. Người dịch chính là Giáo sư Neil L. Jamieson. Tôi không hề hay biết chuyện này. Mãi tới năm 1997, một hôm cố Thi sĩ Nguyên Sa gọi và, báo cho tôi biết...

Cũng bài "Có Gì Đâu" đó, trước đấy, cũng đã được nhà văn kiêm nhà báo Jean Claude Pomonti, chọn dịch ra Pháp ngữ, in trong cuốn "La Rage d'Être Vietnamien" do nhà Seuil de Paris, tủ sách L'Histoire Immediate, xuất bản năm 1975, tại Paris, với nhan đề tiếng Pháp là "Rien N'a Changé."


9) HQ: Năm 1997, Nha học chánh Dallas đã đặt mua cuốn Thơ Tình của anh (Love Poems) để dùng làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên môn xã hội tâm lý học. Xin anh cho biết, có phải đây là tác phẩm song ngữ ? Và ai là người đã chuyển ngữ tác phẩm đó? Cũng xin anh cho biết vài cảm nghĩ riêng về tiếng nói của con tim và tiếng vọng của linh hồn trên lãnh vực tình yêu và dục tính qua thi ca?

DTL: Vâng, đó là thi phẩm "Thơ Tình / Love Poems" song ngữ, bản in lần thứ tư. Nhiều dịch giả khác nhau, giúp tôi phần chuyển ngữ. Tuy nhiên, có thể kể như: Huỳnh Sanh Thông, Đỗ Đình Tuân, Vũ Ngự Chiêu & Kirl Lindsay, Lê Vương Ngọc, vân vân...

Về phần hai của câu hỏi, tôi quan niệm:

a- Nếu tình dục là hệ quả của tình yêu, thì, nó cũng đáng trân trọng như tình yêu vậy.

b- Nếu tình dục xuất hiện trong thơ văn ở trường hợp tôi mới nói, thì, đó cũng là niềm hạnh phúc. Vấn đề là tác giả có khả năng poetic, khả năng văn chương hóa nó hay không mà thôi.

Với cá nhân tôi, tình dục chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ văn của tôi.


10) HQ: Xin anh cho biết những bài thơ nào của anh đã được tuyển chọn và tuyên đọc trong Tháng Di Sản Văn Hoá Á Châu 1996, do cơ quan The Bureau of National Affairs Library tổ chức, cùng với thơ chọn lọc của các thi sĩ Tagore và Baso...

DTL: Đó là bài "Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển" bản dịch của Giáo sư Phạm Trọng Lệ. Buổi này diễn ra tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 24 tháng 5 năm 1996.


DuTuLe_byTruongDinh.jpg (22388 bytes)

 


11) HQ: Trên nội dung hai buổi thuyết trình gần đây của anh tại Đại học Wellesley và U Mass, anh có thể tóm gọn vài nét đặc thù về việc cần làm mới thi ca Việt tại hải ngoại.

DTL: Ồ, không, Trường Đinh. Cả hai buổi đó, họ yêu cầu tôi nói về sự đổi thay trong thơ của tôi, chứ không phải nói chung về thi ca Việt Nam hải ngoại.


12) HQ: Xin anh cho biết vài nét về tác phẩm mới nhất của anh, "Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di", do Tống Châu xuất bản và tòa soạn Pháp Âm phát hành năm 2001.

DTL: Tôi không hề có trong tư tưởng, xuất bản tập thơ đó, hay một tập thơ tương tự. Tất cả, do tấm lòng tha thiết của nhà văn Nguyên Khôi. Một hôm, anh gọi tôi, cho biết, Nhà xuất bản Tống Châu ở Toronto, Canada, muốn in một tập thơ gồm nhiều bài thơ mang nhiều tính thiền. Lý do người chủ trương nhà xuất bản này, thấy rải rác trong các tập thơ của tôi, có khá nhiều thơ, loại đó. Thoạt tiên, tôi từ chối, vì thấy không đủ để in thành tập. Anh Nguyên Khôi lại lầm tưởng tôi ngập ngừng vì vấn đề bản quyền. Bởi vì, trong quá khứ tôi đã từ chối rất nhiều đề nghị in thơ của tôi. Như cách đây gần 15 năm, nhà xuất bản Hồng Lĩnh của anh Lưu Hùng Sơn đề nghị in một tập thơ của tôi, và anh cho tôi giá cao hơn giá dành cho tiểu thuyết là 10% trên giá bán, trên số in. Tôi biết giá anh Sơn dành cho tôi cao thật. Vì nhà xuất bản thường chỉ trả 7 hay 8% thôi. Nhưng tính ra, nó vẫn không bao nhiêu, nếu tôi tự in lấy. Bằng chứng cụ thể, năm 1989, khi tôi in xong, lần đầu, cuốn thơ "Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu," không kể các nhà phát hành, nhà sách khác; riêng anh Lưu Hùng Sơn đã lấy của tôi 500 cuốn, với giá 6$ một cuốn. Anh bán ra 12$. Và, chỉ với 500 cuốn bán riêng cho nhà Hồng Lĩnh thôi, số tiền tôi thâu được, đã cao hơn tiền bản quyền, nếu tôi bán cuốn đó, cho Hồng Lĩnh.

Trên thực tế, có rất ít tác giả được nhà xuất bản trả tiền bản quyền. Họ in cho là mừng rồi. In xong, thường thì tác giả được tặng từ 50 tới 100 cuốn, nếu số lượng in là 1000 cuốn. Nếu số lượng vài trăm, thì số sách tác giả được tặng lại, còn ít hơn nữa!

Để tránh hiểu lầm, tôi có nói với anh Nguyên Khôi rằng, cho tôi suy nghĩ lại. Nếu tôi có sách cho nhà Tống Châu, thì, tôi sẽ không lấy tiền bản quyền.

"Nó chẳng được bao nhiêu. Không vì thế mà tôi bớt nghèo hơn," tôi nhớ rõ, tôi đã nói như vậy. Và, tôi nhấn mạnh, để cảm ơn anh Nguyên Khôi gửi miễn phí Tạp chí Pháp Âm, do anh chủ trương cả một năm qua, tôi xin cúng dường tiền bản quyền cuốn "Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di" cho tờ Pháp Âm có thêm tiền mua tem gửi miễn phí cho độc giả.

Ba tuần sau, khi anh Nguyên Khôi gọi lại, tôi nhận lời. Tôi làm thêm một số thơ mới, và, cuốn Thiền- thi "Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di," ra đời trong hoàn cảnh đó.

Về nội dung, tôi nghĩ, đó là cuốn thơ gần như không có những chữ như: "phù vân," "phù hư" "cổ tự," "ta bà," "sắc, không"... hoặc những hình ảnh quen thuộc, như: "thiền sư chống gậy," "thiền sư lên núi," "thiền sư xuống suối," "thiền sư mặc áo mây, áo gió" vân vân... mà, chúng ta bắt gặp trong bất cứ một bài thơ..."thiền" nào từ nhiều chục năm qua!


13) HQ: Một vài cảm nghĩ của anh về sinh hoạt văn học của giới trẻ trên mạng lưới internet. Anh có những suy nghĩ gì, những bâng khuâng gì, về tương lai văn học Việt Nam tại hải ngoại ?

DTL: Tuy cực kỳ dốt nát về computer, nhưng tôi vẫn thấy thật hữu ích vô cùng, khi sinh hoạt văn học, nghệ thuật của chúng ta phổ biến được trên mạng lưới Internet. Về vấn đề văn học hải ngoại, càng lúc tôi bi quan, nhất là mặt văn xuôi. Sự lạc quan của tôi về thi ca, cũng đang có chiều hướng sút giảm.


14) HQ: Một vài nhận định về nền văn học trong nước. Theo chủ quan của anh, văn học trong nước có cần sự đổi mới hay không? Nếu có, sự đổi mới sẽ như thế nào để có thể nâng cao nền văn học nước nhà?

DTL: Tôi không thấy cần phải làm gì, có kế hoạch gì, ngoài chuyện đơn giản là, nhà nước hãy cho những người cầm bút được tự do tư tưởng, tự do sáng tác... Khi có tự do thực sự, chỉ trong một thời gian ngắn thôi, văn học Việt Nam sẽ cất cánh, sẽ hiện diện một cách rực rỡ... Tính theo tỷ lệ, dù thấp mấy, trên tổng số gần 80 triệu đồng bào trong nước hiện nay, điều tôi vừa nói, chắc chắn sẽ xẩy ra.

Song song với sự trả tự do lại cho người viết, nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, cần phục hồi gấp danh dự của những người cầm bút miền Nam và công khai nhìn nhận 20 năm văn học miền Nam. Nếu những người cầm bút sau này, không được đọc, không được biết đến dòng văn học miền Nam 20 năm, thì đó là một thiệt thòi, một mất mát tinh thần rất lớn, cho họ.

Tôi nhớ cách đây ba bốn năm, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, ở hà Nội, trong một bài viết nhan đề "Nhìn lại Toàn Cảnh Nền Văn Học Việt Nam 20 Năm," đăng tải trên tờ Văn Nghệ, xuất bản ở Việt Nam; tờ Hợp Lưu ở hải ngoại, đăng lại; đã dõng dạc cất lên tiếng nói đó.

Cá nhân tôi, nhiều lần, trong những buổi nói chuyện tại các đại học Hoa Kỳ, trả lời câu hỏi của những sinh viên đi du học từ miền Bắc Việt Nam, về vấn đề văn học của hai miền Nam, Bắc, tôi đều nhấn mạnh rằng: Người Việt trong hay ngoài nước, cùng có một mẫu số chung. Đó là sự trường tồn của dân tộc, của đất nước Việt Nam. Thể chế nào, cũng như cá nhân quyền uy tới mức nào, rồi cũng sẽ qua đi, dù sớm hay muộn. Cái còn lại là những giá trị tự thân của văn học...


15) HQ: Đối với riêng anh, anh quan niệm và nhận định thế nào về "ý thơ" và "khí thơ" trong nền thi ca Việt Nam?

DTL: Câu trả lời của tôi, có thể sẽ làm nhiều người phật lòng. Nhưng tôi nghĩ, đã tới lúc chúng ta không nên tự ru ngủ mình, bằng những ảo tưởng vặt vãnh, tủn mủn nữa.

Thứ nhất, ý tưởng trong thơ của chúng ta đa phần cóp nhặt, bắt chước của người khác, thuộc những dòng thi ca khác. Tại sao? Bởi vì đa phần những người làm thơ của chúng ta khởi đầu bằng khả năng thiên bẩm, và nỗ lực bắt chước, mô phỏng theo một hay vài thần tượng thi ca nào đó của mình.

Ngay khi đã có tiếng tăm, cũng không mấy người chịu tìm kiếm, khai phá cho riêng mình, một hướng khác, hiểu theo nghĩa tự biến mình thành vật thử nghiệm cho những thử nghiệm mới. Điều này, cũng dễ hiểu thôi. Mọi thử nghiệm đều đầy bất trắc, và bị mai mỉa!

Thứ nhì, tôi nghĩ, người ta chỉ nói tới khí lực của một bài thơ, khi đó là một trường thiên. Mà, nhìn lại đi, mấy nghìn năm văn học của chúng ta, có được bao nhiêu trường thi?


16) HQ: Vài nhận định về những nét thiền trong thi ca Việt Nam và qua tác phẩm "Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di".

DTL: Về cuốn sách nhỏ đó, tôi đã nói lúc nẫy. Riêng về thơ thiền của Việt Nam, tôi e, nhiều tác giả đã lầm lẫn một cách quá đáng, khi cho rằng thiền là buông bỏ hết, để vào rừng, lên núi, tìm hang, tìm động, đánh một giấc ngủ dài, xong ngồi dậy nhìn mây, nhìn cây cỏ, trăng sao, vân vân...!

Thiền, trong sự hiểu nông cạn của tôi, trước nhất là một cách sống. Là ý thức từng phút, từng giây mình sống. Nói khác hơn là quán sát, là sống hoàn toàn với và trong hiện tại. Từ đó, có thể ta có được sự an, lặng thân, tâm. Sau đó, nếu được, thì bước tới sự không còn phân biệt, phê phán phải, trái, đúng, sai, hình, tướng...

Nếu y cứ vào sự hiểu biết có thể cũng chỉ là sai lầm của tôi, thì, hiện nay, chúng ta có quá ít, cái gọi là thơ Thiền.


17) HQ: Nhiều nhà trí thức đã đánh giá rằng: "Thơ chỉ là trò chơi tinh tế có tính cách cảm tính dựa trên sự múa rối của ngữ ngôn?". Anh nghĩ sao về lời phát biểu nầy?

DTL: Tôi không biết những nhà trí thức nào đã đánh giá như vậy. Tôi chỉ biết, ngôn ngữ, tự nó không biết làm trò múa rối. Chỉ có người múa rối.

Tôi muốn mượn vài câu thơ của chính Trường Đinh, để chúng ta có thể ra khỏi câu hỏi này. Những câu thơ đó là: "ta hôm nay làm kẻ họa hình / bởi ngôn tự / vẫn là đóa mắt hoa cương / vây quanh ta ngàn năm từ khi biết thở /..." (trích Trường khúc: Chân Dung DTL).


18) HQ: Qua các tác phẩm văn thơ của các văn nhân thi sĩ xưa và nay, xin anh cho biết tác phẩm văn học nào anh yêu chuộng nhất và văn thi sĩ nào anh yêu thích nhất? Theo anh, Truyện Kiều của Nguyễn Du có thể được xem là tác phẩm Nobel của thi ca Việt Nam không?

DTL: Tôi không có được sự thủy chung trong lòng yêu thích văn chương! Phản bội dường như là bản chất của tôi, đối với văn chương.

Thuở nhỏ, tôi mê thơ Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, rồi Xuân Diệu, Huy Cận. Lớn chút, tôi mê đắm đuối Đoàn Thị Điểm, rồi Nguyên Sa, của Việt Nam... Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Lý Thương Ẩn, Jacque Prevert, Saint John Perse, của ngoại quốc. Có thời gian tôi mê mẩn tưởng có thể chết được với Tagore, K. Gibran, Pasternak, Hemingway, Leo Uris, Langston Hughes, E. E. Cumming, Alice Walker...

Nhưng "có tình nào không phai,..." phải không Trường Đinh? Hiện tại, tôi còn giữ được tình yêu nồng nàn với Kahlil Gibran, và Boris Pasternak, chí ít, cũng ngày hôm nay.

Riêng Nguyễn Du, thì, với tôi, ông là cha già thi ca của chúng ta, thể loại lục bát, cũng như trường thi. Nhưng tôi không nghĩ Truyện Kiều có thể nhận được Nobel văn chương thế giới. Nói về tính thảm kịch, điển hình qua câu chuyện nàng Kiều bán mình chuộc cha, thì thảm kịch đó, có thể xẩy ra ở bất cứ quốc gia nào, chế độ nào. Không hề riêng với dân tộc Việt Nam. Đó là ta không so sánh Truyện Kiều với những thảm kịch trong văn chương Hy Lạp, hay của Shakespeare...

Ngay thuyết tài mệnh tương đố, hoặc huấn dụ đạo đức "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài," cũng không hề là ý niệm mới lạ, có khả năng rúng động tâm thức nhân loại. Chưa kể toàn bộ cốt truyện của cụ Nguyễn Du lại mô phỏng theo truyện của một tác giả, dẫu vô danh, nhưng vẫn là người Tầu.

Trong những lần nói chuyện tại các đại học Mỹ, nhiều sinh viên Mỹ cho biết, họ có đọc "The Tale of Kieu" bản dịch của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông. Và họ yêu cầu tôi phân tích về cái hay, cái lạ trong truyện Kiều. Họ biết rõ, chúng ta coi Truyện Kiều như khuôn vàng thước ngọc, như niềm hãnh diện ngút trời của văn học ta. Tôi phải trả lời họ rằng, họ không phải là người Việt Nam, họ cũng không đọc được tiếng Việt, nên họ không thể thấy hết được cái hay ghê gớm của Truyện Kiều...


19) HQ: Anh có thể cho biết về những tác phẩm sắp xuất bản của anh?

DTL: Tháng tới, tức tháng 9, như đã nói, tôi sẽ khởi sự in tập "Trường Khúc Mẹ Về Biển Đông," với bản dịch Anh ngữ của dịch giả Thiên Nhất Phương, và phần hiệu đính của nhà văn Robert O. Bustler, tác giả cuốn "A Good Scent From a Strange Mountain," từng được trao giải Văn chương Pulitzer năm 1993.

Sau đó, sẽ là cuốn "Du Tử Lê, Tác Giả & Tác Phẩm" tập V. Đây là loại sách tổng hợp nhiều bài viết, tư liệu, hình ảnh, tranh vẽ của nhiều tác giả, về một tác giả; nhằm giúp đọc giả tiếp cận với con người cũng như thơ văn của tác giả đó. Phần tác phẩm sẽ là những bài thơ, truyện ngắn, hay trọn vẹn một tác phẩm của tôi, do chính tôi chọn lấy. Như trong phần tác phẩm của cuốn "Du Tử Lê, Tác Giả & Tác Phẩm" tập IV, tôi đã cho in lại nguyên tập thơ "Tình Khúc Tháng 11" của tôi, xuất bản tại Sàigòn từ năm 1965.


20) HQ: Một vài nhắn gởi tâm tình của riêng anh đến các độc giả của Hồn Quê.

DTL: Tôi không thấy mình có một tâm tình riêng nào để gửi tới độc giả Hồn Quê; ngoài lời cảm ơn chân thành. Tôi cho rằng, người đọc chúng ta nẫy giờ, là những người có sức kiên nhẫn..."thượng thừa." Nếu không, họ khó mà có thể theo dõi hết cuộc nói chuyện của chúng ta.

HQ: Hồn Quê chân thành cám ơn anh.

 

Trường Đinh
Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê

 

 

Mời nghe nhạc phổ thơ Du Tử Lê

 

Mời xem Video Giữ Đời Cho Nhau - Du Tử Lê

dutule.jpg (18464 bytes)